Co thắt mạch vành tim là một trong những nguyên nhân gây hội chứng đau thắt ngực. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị sẽ dễ dẫn tới nguy cơ nhồi máu cơ tim, đặc biệt là trên những người có tiền sử bị xơ vữa động mạch vành. Cùng tìm hiểu về chứng co thắt mạch vành và những hiểm họa tiềm ẩn qua bài viết sau sau đây.
Bạn đang đọc: Hiểm họa tiềm ẩn từ co thắt mạch vành tim
1. Co thắt mạch vành tim là gì?
Co thắt mạch vành tim là tình trạng mạch vành bị thu hẹp tạm thời khiến lưu lượng máu đổ về để nuôi dưỡng tim bị giảm đi nhanh chóng. Đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu cơ tim cục bộ với biểu hiện là triệu chứng đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực do co thắt mạch vành còn được gọi là cơn đau thắt ngực biến thể hoặc đau thắt ngực Prinzmetal.
Co thắt mạch vành tim có thể gây ra rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim nếu không được điều trị từ sớm.
2. Các triệu chứng co thắt động mạch vành
Như đã đề cập phía trên, triệu chứng thường gặp nhất của bệnh mạch vành co thắt chính là các cơn đau thắt ngực. Người bệnh thường có cảm giác đau ngực ở bên dưới xương ức hoặc bên phía ngực trái với cảm giác đè nén, chèn ép hoặc bóp chẹt ở lồng ngực. Cảm giác đau có thể lan ra các vùng khác như cổ, vai, hàm hoặc cánh tay. Cơn đau có thể xuất hiện vào ban đêm hoặc sáng sớm, kéo dài từ 5 – 30 phút, khiến người bệnh cảm thấy khó thở. Một vài trường hợp có thể gây ngất xỉu.
Ngay khi gặp các triệu chứng kể trên, người bệnh nên chủ động thăm khám từ sớm tại các chuyên khoa tim mạch uy tín để xác định nguyên nhân và điều trị bệnh hiệu quả. Thông thường, tình trạng co thắt động mạch vành có thể được chẩn đoán bằng các phương pháp như điện tâm đồ, siêu âm tim, hoặc chụp CT…
Tìm hiểu thêm: Khám tim mạch là khám những gì? Cần lưu ý điều gì?
Đau thắt ngực là triệu chứng phổ biến của bệnh co thắt động mạch vành.
3. Biến chứng nguy hiểm do co thắt động mạch vành
Trong trường hợp tình trạng co thắt động mạch vành chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và người bệnh khỏe mạnh, không có các mảng xơ vữa động mạch thì thường không gây nguy hiểm. Nhưng nếu các cơn co thắt diễn ra thường xuyên hơn, kéo dài và nguy hiểm nhất là khi người bệnh có các mảng xơ vữa thì có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn như:
– Rối loạn nhịp tim: do lượng máu thiếu hụt nên tim phải co bóp nhiều hơn, khiến nhịp tim trở nên bất ổn.
– Nhồi máu cơ tim: là một trong các dạng của hội chứng mạch vành cấp. Tình trạng mạch vành co thắt có thể gây ứ trệ máu, dẫn tới hình thành cục máu đông gây tắc nghẽn hoàn toàn và đột ngột mạch vành.
– Ngừng tim, đột tử: là tình trạng tim ngừng đập hoàn toàn do rối loạn đột ngột của hệ thống điện tim.
Trong đó, tỉ lệ bị nhồi máu cơ tim ở người bị co thắt động mạch vành có các mảng xơ vữa động mạch là rất cao. Ngoài ra, ở phụ nữ lớn tuổi, tình trạng co thắt động mạch vành có thể dẫn tới hội chứng trái tim tan vỡ.
4. Co thắt động mạch vành xuất phát do đâu?
Bệnh co thắt động mạch vành thường xảy ra nhiều ở những động mạch vành đã có sự tích tụ của các mảng xơ vữa. Nhưng trong một số trường hợp nó cũng có thể xảy ra ở một động mạch vành bình thường. Hút thuốc lá là nguyên nhân phổ biến nhất gây co thắt động mạch vành. Ngoài ra, những yếu tố sau đây cũng là yếu tố kích hoạt một cơn co thắt động mạch vành:
– Độ tuổi: Độ tuổi càng cao thì càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh mạch vành, nhất là đối với nam trên 50 tuổi và nữ trên 55 tuổi.
– Giới tính: Thông thường nam sẽ có nguy cơ bị co thắt mạch vành nhiều hơn so với nữ giới, nhưng nữ giới ở thời kỳ tiền mãn kinh lại có nguy cơ cao hơn.
– Tiền sử gia đình: Người có người thân trong gia đình mắc bệnh về tim mạch sẽ có nguy cơ cao hơn so với người khác.
– Lối sống ít vận động: Thường xuyên ngồi một chỗ, ít di chuyển, không tập thể dục đều đặn là những yếu tố khiến mọi người có nguy cơ cao bị co thắt động mạch vành.
– Uống nhiều rượu bia: Uống quá nhiều rượu bia là nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim và làm xuất hiện các cơn đau thắt ngực.
5. Làm sao để điều trị co thắt mạch vành?
Tùy vào từng mức độ, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp điều trị khác nhau. Mục đích của việc điều trị co thắt động mạch vành chủ yếu là kiểm soát các cơn đau thắt ngực và ngăn ngừa tình trạng nhồi máu cơ tim có thể xảy ra.
5.1 Thay đổi lối sống ngăn ngừa co thắt mạch vành tim
Như đã đề cập phía trên, co thắt động mạch vành được kích hoạt chủ yếu bởi lối sống không lành mạnh. Chính vì vậy, thay đổi lối sống là biện pháp quan trọng nhất giúp hạn chế các cơn co thắt động mạch vành. Người bệnh nên áp dụng một số lối sống khoa học và lành mạnh như:
– Không hút thuốc lá
– Tránh căng thẳng, mệt mỏi
– Thường xuyên tập thể dục
– Giữ ổn định cân nặng, tránh thừa cân, béo phì
>>>>>Xem thêm: Tai biến mạch máu não: “Thủ phạm” cướp đi tính mạng nhiều người
Thay đổi lối sống lành mạnh là một trong những phương pháp hiệu quả giúp hỗ trợ cải thiện co thắt động mạch vành.
5.2 Sử dụng thuốc điều trị co thắt mạch vành tim
Triệu chứng đau thắt ngực có thể được cải thiện nhanh chóng bằng các loại thuốc giãn mạch như nitroglycerin, giúp giảm nhanh các triệu chứng đau thắt ngực và phòng ngừa nhồi máu cơ tim cho người bệnh.
Ngoài ra, còn một số loại thuốc thường được sử dụng khác đó là thuốc hạ mỡ máu trong trường hợp người bệnh mỡ máu cao và thuốc kiểm soát huyết áp nếu có tăng huyết áp.
Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà các loại thuốc này cần được sử dụng phù hợp, đúng liều lượng, tránh những tác dụng phụ không mong muốn. Do vậy, bệnh nhân không tự ý sử dụng bất cứ loại thuốc nào khi chưa tham khảo và chưa có chỉ định từ bác sĩ chuyên khoa. Khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, bệnh nhân cần đi khám để được chẩn đoán và kê đơn chính xác.
Trong trường hợp điều trị nội khoa không có tác dụng kèm hoặc không kèm theo các yếu tố khác, người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng các phương pháp khác nhằm ổn định nhịp tim.
Tóm lại, điều trị mạch vành tim co thắt không phải khó, nhưng việc điều trị dài hạn và người bệnh cần kiên trì tuân theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Không chỉ vậy, người bệnh cũng nên chủ động thăm khám định kỳ tại các chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán, kiểm soát bệnh lý hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.