Vụ “bay lắc” trong bệnh viện tâm thần – người thân đối tượng lên tiếng

Người thân của Nguyễn Xuân Quý – đối tượng cầm đầu đường dây mua, bán và bay lắc ma tuý tại bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết trước đây Quý là người bình thường nhưng sau một vụ tai nạn nghiêm trọng anh này đã bị ảnh hưởng tâm lý.

Ông N.X.N. chia sẻ về sự việc của người con trai. Ảnh TG (laodong.vn)
Ông N.X.N. chia sẻ về sự việc của người con trai. Ảnh TG (laodong.vn)

Thay đổi sau một vụ tai nạn?

Theo ông N (sinh năm 1950, trú tại Vĩnh Quỳnh, Thanh Trì, Hà Nội) là bố để của Nguyễn Xuân Quý (sinh năm 1983- kẻ ngang nhiên biến phòng điều trị tại bệnh viện thành nơi buôn bán ma tuý và tụ điểm bay lắc) thì chiều ngày 31.3 ông được Bệnh viện Tâm thần Trung ương thông  báo Quý bị cơ quan chức năng bắt vì hành vi buôn bán ma tuý trong bệnh viện. Bản thân ông vô cùng bất ngờ vì hành động này của con trai.

Ông cho biết, trước đây, Quý bình thường như những thanh niên khác. Nhưng năm 2016, Quý có điều khiển xe chở bạn đi chơi, lúc về băng qua đường ray thì bị tàu hoả đâm, nhóm bạn của Quý mất hết chỉ còn mình Quý sống sót. Từ đó Quý có biểu hiện bất thường về tinh thần. Anh ta thường đi lang thang, chơi bời bạn bè. Về nhà cha mẹ đẻ sinh sống, anh ta thường xuyên đập phá đồ đạc, thậm chí còn vác dao dọa chém bố mình. Quý còn cầm cố căn nhà của ông N tại đường Phan Trọng Tuệ (Thanh Trì, Hà Nội) để lấy tiền tiêu. 

Lo sợ bệnh tình con trai tiến triển nặng, nguy hiểm đến tính mạng mọi người nên ông N đã đưa Quý vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương để điều trị và hàng tháng vào thăm nom. Ông N cũng cho biết thêm, mỗi lần thăm nom Quý đều không có gì khác lạ nên khi biết con bị bắt ông rất bất ngờ.

Đối tượng Quý có bị xử lý hình sự?

Luật sư Quách Thành Lực (thuộc Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết Bộ luật Hình sự đã quy định về trách nhiệm hình sự của đối tượng không có năng lực ý thức về hành vi. Đó là các trường hợp người gây hành vi nguy hiểm cho xã hội nhưng đang mắc tâm thần hoặc một loại bệnh làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi… thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.

Khi người phạm tội có dấu hiệu tâm thần, cơ quan cảnh sát điều tra sẽ đưa họ đi giám định pháp y. Nếu họ đúng bị tâm thần tại thời điểm phạm tội thì sẽ không phải chịu trách nhiệm về mặt hình sự. Đây cũng là một kẽ hở để nhiều kẻ phạm tội lợi dụng, chúng bỏ tiền hoặc vật chất có giá trị ra để mua chuộc hay cấu kết với người có thẩm quyền ngụy tạo giấy chứng nhận tâm thần giả để chạy tội gây khó khăn cho việc điều tra của các cơ quan thẩm quyền.

Tất nhiên, nếu kết quả giám định người đó không tâm thần thì họ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Trường hợp nếu cơ quan điều tra phát hiện hồ sơ giám định là giả mạo thì ngay cả cán bộ làm giấy tờ cũng sẽ bị quy là đồng phạm cùng kẻ phạm tội. Bởi theo như Điều 382 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì người làm công tác giám định kết quả tâm thần nếu như cố tình đưa ra chứng cứ, tài liệu sai, khai báo không đúng sự thật gây cản trở cơ quan điều tra và bỏ lọt tội phạm gây ra án oan sai thì có thể sẽ bị phạt từ 3 đến 7 năm tù giam, đồng thời cũng sẽ bị cấm giữ chức vụ hiện tại, cấm tiếp tục làm việc từ 1 đến 5 năm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *