Viêm khớp tự phát thiếu niên (juvenile idiopathic arthritis) là bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra ở trẻ em. Viêm khớp tự phát thiếu niên được chia thành nhiều loại, tất cả đều gây đau và cứng khớp. Viêm khớp tự phát thiếu niên có thể kéo dài nhiều tháng, nhiều năm hoặc thậm chí cả đời.
Hiểu về bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên
Bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em từng được gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên nhưng hiện nay được gọi là viêm khớp tự phát thiếu niên (juvenile idiopathic arthritis – JIA). Tên gọi được thay đổi nhằm làm rõ rằng viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là một bệnh đặc biệt, khác với viêm khớp dạng thấp ở người lớn.
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa viêm khớp dạng thấp và viêm khớp tự phát thiếu niên là trẻ em có thể khỏi bệnh khi lớn lên trong khi người lớn sẽ mắc bệnh suốt đời.
Viêm khớp tự phát thiếu niên được chia làm nhiều loại, tất cả đều gây viêm, đau và cứng khớp.
Các loại viêm khớp tự phát thiếu niên
Viêm khớp tự phát thiếu niên là loại viêm khớp phổ biến nhất xảy ra ở người dưới 17 tuổi. Có nhiều loại viêm khớp tự phát thiếu niên, gồm có:
Viêm khớp tự phát thiếu niên thể ít khớp (oligoarticular juvenile idiopathic arthritis)
Đây là loại viêm khớp tự phát thiếu niên phổ biến nhất. Ban đầu, tình trạng viêm xảy ra ở 1 đến 4 khớp.
Bệnh được coi là dai dẳng nếu các triệu chứng kéo dài từ 6 tháng trở lên. Nếu các triệu chứng trở nên trầm trọng hơn và tình trạng viêm xảy ra ở 5 khớp trở lên sau 6 tháng thì bệnh được coi là “mở rộng”.
Viêm khớp tự phát thiếu niên thể ít khớp thường xảy ra ở các khớp lớn như mắt cá chân và đầu gối. Tình trạng viêm cũng có thể xảy ra ở mắt và gây viêm màng bồ đào.
Viêm khớp tự phát thiếu niên thể đa khớp – yếu tố dạng thấp âm tính
Viêm khớp tự phát thiếu niên thể đa khớp (polyarticular juvenile idiopathic arthritis) là loại viêm khớp tự phát thiếu niên phổ biến thứ hai. Tình trạng viêm xảy ra ở 5 khớp trở lên trong 6 tháng đầu. Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor) – một dấu hiệu của bệnh tự miễn – cho kết quả âm tính. Một số trẻ mắc loại viêm khớp này bị viêm màng bồ đào mạn tính.
Viêm khớp tự phát thiếu niên thể đa khớp – yếu tố dạng thấp dương tính
Tình trạng viêm xảy ra ở 5 khớp trở lên trong vòng 6 tháng. Xét nghiệm yếu tố dạng thấp cho kết quả dương tính. Loại này rất giống với viêm khớp dạng thấp ở người lớn và thường xảy ra ở bé gái.
Viêm khớp tự phát thiếu niên liên quan đến viêm điểm bám tận
Viêm điểm bám tận là tình trạng viêm xảy ra ở vị trí dây chằng hoặc gân bám vào xương. Tình trạng này thường xảy ra ở đầu gối, gót chân và lòng bàn chân. Loại viêm khớp tự phát thiếu niên này có các triệu chứng của cả viêm điểm bám và viêm khớp. Một số trẻ bị loại viêm khớp này còn bị viêm màng bồ đào trước cấp tính.
Viêm khớp vảy nến tự phát thiếu niên
Trẻ mắc bệnh này thường xuất hiện các triệu chứng của bệnh vảy nến trước, bệnh vảy nến là một bệnh về da, có đặc trưng là các mảng da dày cứng, khô nứt. Đôi khi, các triệu chứng viêm khớp như đau và cứng khớp xảy ra trước khi bệnh vảy nến được phát hiện. Các triệu chứng khác của loại viêm khớp này còn có rỗ móng, sưng phù ngón tay và ngón chân.
Viêm khớp tự phát thiếu niên hệ thống
Loại viêm khớp này ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và thường có biểu hiện ban đầu là sốt và phát ban xảy ra theo đợt trong ít nhất 2 tuần. Triệu chứng khác còn có sưng và đau khớp. Các triệu chứng này có thể xảy ra sau khi hết sốt. Trong những trường hợp nghiêm trọng, tình trạng viêm xảy ra trong và gần các cơ quan như tim và phổi.
Viêm khớp không phân loại
Có triệu chứng của nhiều loại viêm khớp tự phát thiếu niên hoặc không giống với bất cứ loại nào.
Dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Thi thoảng trẻ có thể kêu đau do va đập trong lúc chơi đùa nhưng nếu tình trạng đau kéo dài vài tuần thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp. Các dấu hiệu và triệu chứng mà cha mẹ cần lưu tâm gồm có:
- Đau khớp hoặc cứng khớp kéo dài hoặc xảy ra thường xuyên, nặng hơn sau khi ngủ dậy hoặc sau một thời gian không hoạt động
- Khớp đỏ, sưng hoặc nóng, đau khi chạm
- Lờ đờ, mệt mỏi
- Mờ mắt, khô mắt
- Da mẩn đỏ
- Ăn kém
- Sốt cao
Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Các tiêu chí để chẩn đoán bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên là dưới 16 tuổi, bị viêm ở một hoặc nhiều khớp trong ít nhất 6 tuần và các triệu chứng không phải do các bệnh lý khác.
Để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp, trước tiên bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng. Sau đó cần thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để xác định tổn thương khớp và loại trừ các vấn đề khác. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được thực hiện gồm có:
- Chụp X-quang
- Chụp cộng hưởng từ (MRI)
- Chụp cắt lớp vi tính (CT)
- Siêu âm
Nếu bác sĩ nghi ngờ bệnh viêm khớp, trẻ sẽ phải lấy mẫu máu để làm xét nghiệm, gồm có:
- Tốc độ máu lắng (ESR) và xét nghiệm protein phản ứng C (CRP) để kiểm tra tình trạng viêm
- Xét nghiệm kháng thể kháng nhân (ANA), xét nghiệm này cho kết quả dương tính nếu có viêm khớp
- Xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF), kết quả xét nghiệm dương tính có thể chỉ ra bệnh viêm khớp dạng thấp thể đa khớp
- Xét nghiệm HLA-B27: có thể giúp phát hiện viêm khớp dạng thấp có liên quan đến viêm điểm bám tận
- Công thức máu toàn bộ
Trước khi đưa ra chẩn đoán viêm khớp tự phát thiếu niên, bác sĩ có thể sẽ loại trừ các bệnh lý khác như:
- Nhiễm trùng
- Bệnh ung thư
- Bệnh về xương
- Bệnh Lyme
- Bệnh lupus
Điều trị viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Việc điều trị phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của tình trạng viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp điều trị chính gồm có:
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
- Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD)
- Thuốc sinh học
- Tập thể dục
- Vật lý trị liệu
- Phẫu thuật để sửa hoặc thay các khớp bị hỏng
- Thiết bị hỗ trợ
Biến chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em
Một trong những biến chứng phổ biến nhất của bệnh viêm khớp dạng thấp ở trẻ em là các vấn đề về tăng trưởng như chênh lệch chiều dài hai chân, biến dạng khớp và mật độ xương thấp. Các biến chứng khác gồm có chậm tăng trưởng và vấn đề về mắt. Ngoài ra, trẻ có thể bị thoái hóa tinh bột (amyloidosis) khi một loại protein có tên là amyloid tích tụ trong các cơ quan.
Một biến chứng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên là hội chứng kích hoạt đại thực bào (macrophage activation syndrome) do rối loạn chức năng hệ miễn dịch. Hội chứng này có thể dẫn đến tình trạng tương tự như nhiễm trùng máu. Khoảng 10% trẻ em mắc bệnh viêm khớp tự phát thiếu niên gặp biến chứng này.
Nếu không được điều trị, bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể dẫn đến các biến chứng khác như:
- Vấn đề về tiêu hóa
- Bệnh tim mạch
- Viêm và xơ phổi
- Dậy thì muộn
- Sụt cân hoặc tăng cân
Tóm tắt bài viết
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào và mô khỏe mạnh trong cơ thể. Viêm khớp dạng thấp ở trẻ em có một số điểm khác với viêm khớp dạng thấp ở người lớn nên tên gọi được thay đổi từ viêm khớp dạng thấp thiếu niên thành viêm khớp tự phát thiếu niên.
Viêm khớp tự phát thiếu niên được chia làm nhiều loại, tất cả đều gây đau, sưng và cứng ở một hoặc nhiều khớp, kéo dài 6 tháng trở lên. Có các phương pháp để điều trị viêm khớp tự phát thiếu niên gồm có dùng thuốc, phẫu thuật và điều chỉnh lối sống. Phác đồ điều trị cụ thể phụ thuộc vào loại bệnh và mức độ nghiêm trọng.