Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi

Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi là một dạng viêm khớp dạng thấp – một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công mô khớp. Dạng viêm khớp dạng thấp này cũng gây ra các triệu chứng tương tự như viêm khớp dạng thấp thông thường như đau khớp và cứng khớp nhưng lại có sự khác biệt về quá trình tiến triển.

Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi
Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi

Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi (elderly onset rheumatoid arthritis) là thuật ngữ dùng để chỉ những trường hợp viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán ở người cao tuổi. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong khớp.

Viêm khớp dạng thấp từng được coi là bệnh của người trẻ tuổi nhưng thực ra căn bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Trên thực tế, các nhà nghiên cứu hiện nay phát hiện ra rằng nguy cơ mắc bệnh tăng theo tuổi tác. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), viêm khớp dạng thấp chủ yếu được chẩn đoán ở người trong độ tuổi 60. (1)

Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi tiến triển hơi khác so với viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người trẻ tuổi. Các triệu chứng thường tiến triển nhanh hơn và xảy ra ở các khớp lớn hơn.

Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi là gì?

Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi là bệnh viêm khớp dạng thấp bắt đầu xảy ra khi tuổi tác đã cao. Không giống như bệnh thoái hóa khớp – loại viêm khớp phổ biến nhất ở người lớn tuổi, viêm khớp dạng thấp không phải do khớp bị hao mòn hay thoái hóa theo thời gian.

Theo một số định nghĩa, viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi là bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra sau 65 tuổi nhưng đôi khi, viêm khớp dạng thấp xảy ra sau tuổi 60 cũng được coi là viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi. Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh trong khớp. Điều này gây ra tình trạng viêm ở khớp và các triệu chứng như đau khớp, sưng tấy và cứng khớp.

Theo ước tính, viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi chiếm khoảng 10% đến 33% tổng số ca viêm khớp dạng thấp. (2, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7999139/

Mặc dù là cùng một bệnh nhưng viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi có một số điểm khác so với viêm khớp dạng thấp ở người trẻ tuổi:

  • Sự chênh lệch về tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới và nữ giới: Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở độ tuổi dưới 50, phụ nữ có tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn từ 4 đến 5 lần so với nam giới. Nhưng ở độ tuổi từ 60 đến 70, tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ chỉ cao hơn nam giới khoảng 2 lần.
  • Nồng độ yếu tố dạng thấp trong máu: Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (the National Health Service), khoảng một nửa số người bị viêm khớp dạng thấp có nồng độ yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor) trong máu tăng cao ở giai đoạn đầu của bệnh. Yếu tố dạng thấp là kháng thể được tạo ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh. Nồng độ yếu tố dạng thấp tăng cao ít phổ biến hơn ở những trường hợp mắc viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi so với viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người trẻ tuổi.
  • Vị trí các khớp bị viêm: Các nghiên cứu đã nhận thấy rằng ở giai đoạn đầu, viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi có thể xảy ra ở cả khớp nhỏ và khớp lớn trong khi viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người trẻ tuổi đa phần bắt đầu ở các khớp nhỏ.
  • Mức độ hoạt động của bệnh: Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi thường tiến triển nhanh hơn và có mức độ hoạt động cao hơn so với viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người trẻ tuổi.
  • Tốc độ khởi phát: Các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người trẻ tuổi thường xảy ra đột ngột và nhanh chóng trong khi các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi thường xảy ra từ từ và thay đổi theo thời gian.

Triệu chứng

Giống như viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người trẻ tuổi, viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào nhưng phổ biến nhất là ở các khớp bàn tay, cổ tay và đầu gối. Ở người lớn tuổi, bệnh viêm khớp dạng thấp dễ xảy ra ở các khớp lớn như đầu gối và vai.

Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi thường gây ra triệu chứng ở nhiều khớp và đa phần xảy ra ở cả hai bên cơ thể. Các triệu chứng thường xảy ra thành đợt, gọi là các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính, đan xen với các giai đoạn thuyên giảm, khi các triệu chứng giảm nhẹ.

Các triệu chứng ở khớp gồm có:

  • Đau hoặc nhức
  • Cứng khớp
  • Sưng khớp

Bệnh viêm khớp dạng thấp còn có thể gây ra các triệu chứng toàn thân, chẳng hạn như:

  • Mệt mỏi, uể oải
  • Đau cơ
  • Sốt nhẹ
  • Cảm giác người không khỏe
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân

Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như:

  • Vấn đề về mắt như khô mắt, đau, viêm mắt và nhạy cảm với ánh sáng
  • Giảm thị lực
  • Khô miệng và viêm nướu
  • Cục cứng hình thành trên xương dưới da gọi là nốt dạng thấp
  • Vấn đề về phổi như viêm phổi, xơ phổi
  • Tổn thương thần kinh
  • Thiếu máu
  • Bệnh tim mạch như viêm màng ngoài tim, viêm mạch máu

Chẩn đoán

Viêm khớp dạng thấp có nhiều triệu chứng giống với các bệnh lý khác. Phát hiện bệnh sớm là điều rất quan trọng vì điều trị sớm sẽ giúp ngăn khớp bị tổn thương nặng thêm.

Bước đầu tiên trong quá trình chẩn đoán thường là khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem khớp có bị sưng không và hỏi về các triệu chứng.

Không có bất cứ xét nghiệm đơn lẻ nào có thể phát hiện được bệnh viêm khớp dạng thấp mà cần phải kết hợp nhiều xét nghiệm khác nhau để đưa ra chẩn đoán chính xác. Nhưng kết quả của một số xét nghiệm máu có thể giúp phát hiện dấu hiệu của bệnh viêm khớp dạng thấp và loại trừ các bệnh lý khác. Các xét nghiệm máu chính thường được sử dụng để chẩn đoán viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Xét nghiệm tốc độ máu lắng (ESR)
  • Xét nghiệm protein phản ứng C (CRP)
  • Công thức máu toàn bộ (CBC)

Ngoài ra còn phải làm xét nghiệm yếu tố dạng thấp (RF) và xét nghiệm anti-CCP. Những người có kết quả xét nghiệm dương tính với cả yếu tố dạng thấp và kháng thể anti-CCP thường bị viêm khớp nặng hơn.

Bên cạnh xét nghiệm máu còn phải thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để kiểm tra tình trạng viêm và tổn thương khớp. Những phương pháp chẩn đoán hình ảnh này giúp bác sĩ phân biệt bệnh viêm khớp dạng thấp với các bệnh lý và loại viêm khớp khác. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh còn giúp theo dõi sự tiến triển của bệnh.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính được sử dụng là chụp X-quang và chụp cộng hưởng từ (MRI). Ngoài ra còn có siêu âm cơ xương khớp, đây là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh đơn giản, có thể giúp phát hiện các vấn đề ở mô mềm như cơ, gân và dây chằng.

Điều trị viêm khớp dạng thấp ở người lớn tuổi

Việc điều trị viêm khớp dạng thấp ở người lớn tuổi thường khó khăn hơn viêm khớp dạng thấp ở người trẻ tuổi vì người lớn tuổi thường mắc thêm các bệnh lý khác và phải dùng nhiều loại thuốc.

Bệnh viêm khớp dạng thấp hiện không có cách chữa trị khỏi nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Loại thuốc chính được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp là thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD).

DMARD giúp giảm các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp bằng cách ngăn chặn các hóa chất do hệ miễn dịch tạo ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh. Các loại DMARD được sử dụng phổ biến gồm có:

  • methotrexate
  • leflunomide
  • hydroxychloroquine
  • sulfasalazine

Methotrexate là loại thuốc thường được kê đầu tiên nhưng người bệnh có thể sẽ phải dùng thử nhiều loại thuốc khác nhau để tìm được loại thuốc phù hợp nhất với mình.

Một phương pháp điều trị mới cho bệnh viêm khớp dạng thấp là DMARD sinh học. Các loại thuốc này ngăn cản hoạt động của các phần gây viêm trong hệ thống miễn dịch. DMARD sinh học thường được kết hợp với DMARD truyền thống khi DMARD truyền thống không hiệu quả.

Có 4 nhóm thuốc sinh học để điều trị viêm khớp dạng thấp:

  • Thuốc ức chế TNF (ức chế yếu tố hoại tử khối u)
  • Thuốc ức chế tế bào B
  • Thuốc ức chế interleukin
  • Thuốc điều biến đồng kích thích có chọn lọc

Một số nghiên cứu đã tìm hiểu về tác động của tuổi tác đến mức độ đáp ứng điều trị và phát hiện ra rằng ở người cao tuổi, thuốc ức chế TNF mang lại hiệu quả làm giảm hoạt động của bệnh tương đương hoặc kém hơn một chút so với ở người trẻ tuổi.

Kết quả của những nghiên cứu này cho thấy sự kết hợp giữa thuốc ức chế TNF và methotrexate giúp làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp hiệu quả hơn so với khi chỉ dùng mình methotrexate. (3)

Thay đổi lối sống để kiểm soát viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là bệnh không có cách chữa trị khỏi nhưng có nhiều cách để kiểm soát các triệu chứng. Một trong những điều cần thiết để kiểm soát tốt tình trạng bệnh là tái khám định kỳ. Bác sĩ sẽ đánh giá sự tiến triển của bệnh, hiệu quả của các phương pháp điều trị hiện tại và điều chỉnh thuốc nếu cần thiết.

Thực hiện một số thay đổi về thói quen sống cũng có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Bỏ thuốc lá

Nếu hút thuốc lá, hãy cố gắng bỏ càng sớm càng tốt.

Mặc dù việc cai thuốc không hề dễ dàng nhưng hút thuốc lá sẽ khiến cho bệnh viêm khớp dạng thấp trở nên trầm trọng hơn và góp phần gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác. Hút thuốc còn khiến việc tập thể dục trở nên khó khăn hơn mà tập thể dục thường xuyên lại là một phần quan trọng trong việc điều trị viêm khớp dạng thấp.

Tăng cường hoạt động thể chất

Các nghiên cứu dài hạn đã phát hiện ra các bài tập chịu lực hay chịu sức nặng (weight-bearing exercise) cường độ vừa phải mang lại nhiều lợi ích cho những người bị viêm khớp dạng thấp. Những bài tập này có thể giúp giảm tình trạng mất xương và tổn thương các khớp nhỏ mà không làm tăng cơn đau hay mức độ hoạt động của bệnh.

Tốt nhất người bệnh nên kết hợp 4 nhóm bài tập dưới đây trong chế độ tập luyện:

  • Các bài tập tăng tính linh hoạt để cải thiện hoặc duy trì phạm vi chuyển động của khớp
  • Các bài tập kháng lực để tăng cường sức mạnh của cơ
  • Các bài tập cardio để cải thiện chức năng tim, phổi và cơ
  • Các bài tập giúp tăng sự nhận thức về cơ thể, chẳng hạn như thái cực quyền hoặc yoga, để cải thiện khả năng giữ cân bằng và tư thế

Các thay đổi lối sống khác

Các thay đổi lối sống khác có thể giúp kiểm soát bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và hạn chế đường, thực phẩm chế biến sẵn cũng như bất kỳ loại thực phẩm nào kích hoạt hoặc làm tăng nặng các triệu chứng
  • Dành thời gian thư giãn để giảm căng thẳng
  • Hạn chế rượu bia
  • Ngủ đủ giấc
  • Vận động thường xuyên, nhưng nên nghỉ ngơi khi bệnh tái phát

Tóm tắt bài viết

Viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi là bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra sau tuổi 60 – 65.

Việc điều trị viêm khớp dạng thấp khởi phát ở người cao tuổi thường khó khăn hơn viêm khớp dạng thấp ở người trẻ tuổi vì người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh lý cùng lúc hoặc đang phải dùng nhiều loại thuốc.

Điều quan trọng là phải đi khám ngay khi có các triệu chứng nghi là viêm khớp dạng thấp để phát hiện bệnh và điều trị sớm.

Bệnh viêm khớp dạng thấp không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn nhưng hiện nay có nhiều loại thuốc hiệu quả giúp kiểm soát các triệu chứng và ngăn khớp bị tổn thương thêm.

Các thay đổi lối sống như bỏ thuốc lá, ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên cũng là những điều cần thiết để kiểm soát các triệu chứng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *