Điều trị viêm khớp dạng thấp thường bắt đầu bằng thuốc đường uống. Nhưng đôi khi, thuốc đường uống không đủ để kiểm soát và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Trong những trường hợp này, người bệnh có thể phải điều trị bằng các loại thuốc tiêm hoặc truyền tĩnh mạch.
Các loại thuốc truyền tĩnh mạch điều trị viêm khớp dạng thấp
Thuốc tiêm truyền có thể là phương pháp điều trị chính hoặc cũng có thể được sử dụng kết hợp với các loại thuốc đường uống. Trong quá trình truyền tĩnh mạch, thuốc sẽ được đưa từ từ qua ống dẫn và kim vào bên trong tĩnh mạch ở cánh tay hoặc bàn tay.
Vậy khi nào thì cần điều trị viêm khớp dạng thấp bằng thuốc truyền tĩnh mạch, phương pháp điều trị này có những ưu, nhược điểm gì và có những loại thuốc truyền tĩnh mạch nào để điều trị viêm khớp dạng thấp?
Ưu và nhược điểm của liệu pháp truyền tĩnh mạch trong điều trị viêm khớp dạng thấp
Giống như các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp khác, liệu pháp truyền thuốc qua đường tĩnh mạch có những ưu điểm và nhược điểm.
Ưu điểm
- Người bệnh sẽ được điều trị bằng thuốc sinh học – một nhóm thuốc có hiệu quả trong điều trị viêm khớp dạng thấp.
- Quá trình truyền thuốc thường không gây đau, chỉ hơi nhói một chút khi kim được đưa vào tĩnh mạch.
- Quá trình điều trị được thực hiện tại cơ sở y tế nên sẽ đảm bảo an toàn.
- Có thể giảm tần suất truyền thuốc khi tình trạng bệnh được kiểm soát.
- Người bệnh không cần phải tự tiêm thuốc tại nhà.
Nhược điểm
- Thuốc sinh học có thể làm giảm khả năng chống nhiễm trùng của hệ thống miễn dịch.
- Chi phí điều trị cao hơn so với thuốc đường uống.
- Có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để thuốc bắt đầu phát huy tác dụng.
- Thuốc truyền tĩnh mạch không phải là thuốc giảm đau nên người bệnh có thể sẽ vẫn phải dùng thêm thuốc giảm đau.
- Quá trình truyền thuốc mất nhiều thời gian.
- Người bệnh cần phải đến cơ sở y tế thường xuyên để truyền thuốc.
- Có thể xảy ra phản ứng dị ứng trong quá trình truyền thuốc.
- Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi sau khi truyền thuốc.
- Có thể bị nhiễm trùng tại vị trí đặt kim.
Các loại thuốc truyền tĩnh mạch điều trị viêm khớp dạng thấp
Có nhiều loại thuốc được sử dụng qua đường truyền tĩnh mạch để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Mỗi loại thuốc nhắm đến những phần khác nhau của hệ thống miễn dịch. Bác sĩ sẽ chỉ định loại thuốc cụ thể dựa trên tình trạng của mỗi ca bệnh.
Dưới đây là các loại thuốc truyền tĩnh mạch chính để điều trị viêm khớp dạng thấp.
- Tocilizumab (Actemra): loại thuốc này ngăn chặn interleukin-6 (IL-6) – một loại protein được tạo ra trong hệ thống miễn dịch. Tocilizumab giúp giảm đau khớp và sưng tấy.
- Thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF): Golimumab (Simponi Aria) và infliximab (Remicade) là hai loại thuốc sinh học có tác dụng ức chế yếu tố hoại tử khối u (tumor necrosis factor – TNF). TNF là một loại protein được tìm thấy trong hệ thống miễn dịch. Những loại thuốc này có tác dụng ngăn ngừa tổn thương khớp. Golimumab và infliximab có thể được sử dụng kết hợp với methotrexate, một loại thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp đường uống.
- Rituximab (Rituxan): Loại thuốc này còn có tên thương mại là Mab Thera. Rituximab nhắm đến tế bào B – một loại tế bào miễn dịch. Rituximab giúp làm chậm sự tiến triển của tình trạng tổn thương khớp và xương. Rituximab thường được sử dụng kết hợp với methotrexate.
- Abatacept (Orencia): Nhắm đến các tế bào T – một loại tế bào miễn dịch. Loại thuốc này có thể giúp ngăn ngừa tổn thương khớp và xương.
Quá trình truyền thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp
Liều lượng thuốc tùy thuộc vào khối lượng cơ thể, vì vậy người bệnh sẽ phải cân trước khi bắt đầu điều trị. Người bệnh có thể sẽ cần dùng một số loại thuốc trước khi bắt đầu truyền tĩnh mạch để giúp thư giãn, giảm nguy cơ phản ứng dị ứng hoặc giảm bớt cảm giác khó chịu.
Kim truyền tĩnh mạch thường được đặt ở cánh tay hoặc bàn tay. Quá trình truyền thuốc có thể mất ít nhất là 20 phút hoặc vài tiếng. Trong quá trình truyền thuốc, người bệnh có thể đi vệ sinh bình thường.
Chuẩn bị
Vì thuốc được đưa từ từ vào tĩnh mạch nên mỗi lần truyền thuốc thường mất khá nhiều thời gian.
Người bệnh có thể nằm hoặc ngồi trong quá trình truyền thuốc. Hãy chọn tư thế thoải mái nhất. Nếu thấy mỏi, người bệnh có thể đổi tư thế.
Khi đến bệnh viện truyền thuốc, người bệnh nên mặc quần áo thoải mái và có thể mang theo những đồ dùng sau:
- Gối tựa để cảm thấy thoải mái hơn trong quá trình truyền thuốc
- Một ít đồ ăn nhẹ
- Nước uống
- Sách truyện
Tác dụng phụ của thuốc truyền tĩnh mạch điều trị viêm khớp dạng thấp
Người bệnh sẽ được nhân viên y tế theo dõi trong suốt quá trình truyền thuốc để xem có xảy ra tác dụng phụ hay không.
Một số tác dụng phụ thường gặp của các loại thuốc truyền tĩnh mạch điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:
- Đau đầu do mất cân bằng chất lỏng trong cơ thể
- Phản ứng dị ứng như mẩn đỏ, ngứa và nổi mề đay
- Đau, đỏ hoặc sưng ở vị trí đâm kim
- Mệt mỏi
Mặc dù hiếm gặp nhưng đôi khi các loại thuốc truyền tĩnh mạch có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng hơn như:
- Hụt hơi
- Đau bụng
- Đau ngực
- Buồn nôn
- Sốt
- Ớn lạnh
Tóm tắt bài viết
Thuốc đường uống thường là phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh viêm khớp dạng thấp. Nhưng đôi khi, thuốc đường uống là chưa đủ để kiểm soát tình trạng bệnh. Trong những trường hợp như vậy, người bệnh sẽ phải điều trị bằng các loại thuốc truyền tĩnh mạch. Loại thuốc được sử dụng trong liệu pháp truyền tĩnh mạch là thuốc sinh học. Các loại thuốc này có thể được sử dụng một mình hoặc kết hợp với thuốc đường uống. Có nhiều loại thuốc sinh học khác nhau để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp. Liệu pháp truyền thuốc qua đường tĩnh mạch có cả những ưu điểm và nhược điểm. Giống như các loại thuốc đường uống, thuốc truyền tĩnh mạch cũng có thể gây ra tác dụng phụ.