Cholesterol Là Gì? Những Lưu Ý Bạn Cần Biết

Cholesterol là một loại chất béo có trong máu của bạn. Các tế bào cơ thể cần cholesterol, nó giúp cho màng ngoài của các tế bào ổn định.

Cholesterol Là Gì? Những Lưu Ý Bạn Cần Biết
Cholesterol Là Gì? Những Lưu Ý Bạn Cần Biết

Cholesterol máu là gì?

Cholesterol là một loại chất béo có trong máu của bạn. Các tế bào cơ thể cần cholesterol, nó giúp cho màng ngoài của các tế bào ổn định.

Cơ thể của bạn tự sản xuất đủ lượng cholesterol cần thiết. Nhưng bạn cũng nhận được cholesterol từ thực phẩm ăn hàng ngày.

Nhưng trong nhiều thập kỷ, các bác sĩ đã nhận thấy rằng những người có mức cholesterol toàn phần cao có nhiều khả năng bị bệnh tim mạch hơn. Nếu có quá nhiều cholesterol trong máu, nó có thể tích tụ trong thành động mạch, gây ra vấn đề xơ vữa động mạch ( xơ cứng động mạch). Đây là điểm khởi đầu cho hàng loạt các bệnh tim mạch và tai biến.

Gần đây, họ đã phát hiện các dạng cholesterol khác nhau (loại “tốt” và loại “xấu”) cũng đóng một vai trò gây bệnh tim.

  • LDL- còn gọi là cholesterol ” xấu”: đây là loại cholesterol làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
  • HDL- còn gọi là cholestero ” tốt”: đây là loại cholesterol làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Cholesterol toàn phần cao, hoặc cholesterol xấu (LDL) trong máu cao, hoặc cholesterol tốt (HDL) trong máu thấp có thể làm tăng nguy cơ của bạn.

Ví dụ, LDL ( cholesterol xấu) có thể bám dính và tích tụ vào thành mạch máu. Trong nhiều năm nó sẽ góp phần làm tắc động mạch trong quá trình được gọi là xơ vữa động mạch. Các động mạch bị thu hẹp ở tim có thể đột ngột phát triển các cục máu đông gây nhồi máu cơ tim.

Hiệp hội Tim Mạch Hoa Kỳ khuyến cáo rằng tất cả mọi người trên 20 tuổi phải làm xét nghiệm cholesterol để bạn biết mức độ của nó và có thể làm gì đó nếu cần.

Kiểm tra cholesterol: loại tốt, loại xấu và chất béo khác

Các loại cholesterol khác nhau và các chất béo khác trong máu của bạn được gọi chung là mỡ máu (lipid máu). Các bác sĩ đo và chẩn đoán các vấn đề về mỡ máu bằng một xét nghiệm máu đơn giản. Bạn có thể phải nhịn ăn từ 9 đến 12 giờ trước khi thực hiện để đảm bảo không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ thực phẩm nào mới ăn.

Kết quả mỡ máu thường cho kết quả cho 4 loại khác nhau:

  • Tổng lượng mỡ máu
  • LDL (lipoprotein tỉ trọng thấp), “cholesterol xấu”
  • HDL (lipoprotein tỉ trọng cao), “cholesterol tốt”
  • Triglycerides, một dạng mỡ máu khác

Một số bảng chất béo có thể cung cấp nhiều thông tin chi tiết hơn, như sự hiện diện và kích cỡ của các thành phần chất béo khác nhau trong máu. Các nhà nghiên cứu đang tìm hiểu xem những đặc điểm này có ảnh hưởng đến bệnh tim hay không. Hiện khhông có hướng dẫn rõ ràng về việc cần thử nghiệm chuyên sâu hơn nữa.

Kết quả xét nghiệm Cholesterol máu

Bạn sẽ phải nhịn đói qua đêm và lấy máu, sau đó quay trở lại để lấy kết quả. Những con số này có ý nghĩa gì?

Đối với cholesterol toàn phần:

  • 200 mg/dl (dg / dL) hoặc thấp hơn là bình thường.
  • 201 đến 240 mg/dL là mức giới hạn cho phép.
  • Hơn 240 mg/dL là cao.

Đối với HDL (“cholesterol tốt”), càng cao càng tốt:

  • 60 mg/dL trở lên là tốt – bảo vệ chống lại bệnh tim.
  • 40 đến 59 mg/dL là mức chấp nhận được.
  • Dưới 40 mg/dL thấp, làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.

Đối với LDL (“cholesterol xấu”), càng thấp càng tốt:

  • Ít hơn 100 mg/dL là mức lý tưởng.
  • 100 đến 129 mg/dL có thể chấp nhận được tùy thuộc vào sức khoẻ của bạn.
  • 130 đến 159 mg/dL là mức giới hạn cho phép.
  • 160 đến 189 mg/dL là cao.
  • 190 mg/dL trở lên là rất cao.

Bác sĩ sẽ xem xét tổng thể khả năng mắc bệnh tim của bạn để thiết lập mục tiêu LDL cá nhân của bạn. Đối với những người có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch hoặc đã mắc bệnh tim thì mức cholesterol LDL nên nhỏ hơn 100 mg/dL. (Bác sĩ tim mạch của bạn có thể đề nghị mức LDL thấp hơn – dưới 70 mg/dL – nếu nguy cơ mắc bệnh tim rất cao). Nếu bạn có nguy cơ rất cao, thì mục tiêu nêu là LDL dưới 130 mg/dL. Nếu bạn không bị bệnh tim, thì mức dưới 160 mg/dL có thể là tốt.

Triglycerides cao (150 mg/dL trở lên) cũng làm tăng tỷ lệ mắc bệnh tim mạch.

Bạn có thể làm gì với mức mỡ máu bất thường ?

Thay đổi lối sống là điều đầu tiên có thể làm để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch

Chế độ ăn giảm cholesterol có thể làm giảm cholesterol xấu lên tới 30%. Chế độ ăn ít chất béo bão hòa (7% tổng calo hoặc ít hơn) và không quá 200 mg cholesterol hàng ngày có thể làm giảm cholesterol LDL. Chất xơ và các sterol thực vật (có trong bơ thực vật đặc biệt và các thực phẩm khác) cũng rất hữu ích.

Tập thể dục aerobic thường xuyên có thể làm giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cholesterol tốt (HDL).

Nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục không làm giảm mức cholesterol đủ, bạn có thể thử dùng thuốc hoặc kết hợp các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Statin, thuốc hạ cholesterol có hiệu quả nhất và được sử dụng phổ biến
  • Niacin
  • Fibrates
  • Zetia
  • Chất ức chế axit trong đường ống mật

Tuy nhiên, chỉ số cholesterol không phải là yếu tố duy nhất định đoạt số phận của bạn. Hãy nhớ rằng những thứ khác ngoài cholesterol cũng có thể dẫn đến bệnh tim như bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, huyết áp cao, béo phì, lười vận động, và di truyền.

Những người có cholesterol bình thường cũng có thể bị bệnh tim; những người có cholesterol cao lại vẫn có thể có trái tim khỏe mạnh và nhiều người có mức cholesterol giảm nhưng vẫn bị bệnh tim.

Các chuyên gia khuyên bạn nên theo dõi kiểm tra cholesterol mỗi 5 năm. Nếu kết quả mỡ máu của bạn không giống như những gì bạn và bác sĩ đã hy vọng, hoặc nếu bạn có các lý do khác để quan tâm đến bệnh tim, thì cần thực hiện xét nghiệm cholesterol thường xuyên hơn.

HDL cholesterol: cholesterol tốt

Cholesterol “tốt” và cholesterol “xấu”: sự khác biệt là gì? Có danh sách các cholesterol xấu và tốt hay không?

Cholesterol HDL là cholesterol tốt. Đây chính là kẻ “ăn xác thối” đi lại trong dòng máu. Vì nó loại bỏ các cholesterol xấu LDL khỏi những nơi không phải thuộc về nó. Mức HDL cao sẽ làm giảm nguy cơ bệnh tim – và mức thấp sẽ làm tăng nguy cơ.

Điều gì khiến cholesterol HDL là loại tốt

HDL là viết tắt của lipoprotein tỉ trọng cao. Mỗi phân tử cholesterol HDL là một đốm cực nhỏ bao gồm một vành lipoprotein xung quanh một trung tâm cholesterol. Hạt HDL cholesterol dày đặc so với các loại hạt cholesterol khác, vì vậy nó được gọi là tỉ trọng cao.

Cholesterol không phải tất cả đều xấu. Trên thực tế, chúng là chất béo thiết yếu, có chức năng ổn định màng tế bào của cơ thể.

Để vận chuyển được trong mạch máu, cholesterol phải được vận chuyển bởi các phân tử trợ giúp gọi là lipoprotein. Mỗi lipoprotein có “sở thích” mang cholesterol riêng, và kiểu vận chuyển khác nhau với mỗi cholesterol mà nó mang theo.

Các chuyên gia tin rằng cholesterol HDL có thể hoạt động theo nhiều cách hữu ích có xu hướng làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim:

  • HDL cholesterol loại bỏ LDL cholesterol ( cholesterol “xấu”)
  • HDL giảm, tái sử dụng, và tái chế cholesterol LDL bằng cách vận chuyển nó vào gan nơi nó có thể được tái chế.
  • HDL cholesterol hoạt động như một “nhân viên bảo trì” cho các thành mạch máu (nội mô) của mạch máu. Tổn thương ở các thành mạch trong là bước đầu tiên trong quá trình xơ vữa động mạch gây ra các cơn đau tim và đột quỵ. HDL tẩy sạch sẽ thành mạch bị tổn thương này và duy thành mạch khỏe mạnh.

Mức HDL cholesterol tốt là bao nhiêu?

Một xét nghiệm mức cholesterol hoặc bảng công thức mỡ máu sẽ cho biết mức cholesterol HDL. Các con số có ý nghĩa gì?

  • Mức cholesterol HDL trên 60 miligam (mg/dL) là cao. Chỉ số rất tốt
  • Mức cholesterol HDL dưới 40 mg/dL là thấp. Tình trạng không tốt

Nói chung, những người có HDL cao có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn. Những người có HDL thấp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn.

Tôi phải làm nếu cholesterol HDL thấp?

Nếu HDL của bạn thấp, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để tăng mức HDL và giảm nguy cơ mắc bệnh tim:

  • Tập thể dục. Tập luyện aerobic từ 30 đến 60 phút trong hầu hết các ngày trong tuần có thể giúp tăng HDL.
  • Bỏ hút thuốc . Hút thuốc lá làm giảm HDL, và bỏ thuốc lá có thể làm tăng mức HDL.
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh. Bên cạnh việc nâng cao mức HDL, tránh béo phì sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim và các vấn đề sức khoẻ khác.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc để cải thiện mức cholesterol. Hãy nhớ rằng còn nhiều yếu tố khác, ngoài cholesterol, cũng góp phần gây bệnh tim như bệnh tiểu đường, hút thuốc lá, huyết áp cao, béo phì và di truyền.

Vì có rất nhiều yếu tố góp phần gây bệnh tim mạch, nên cholesterol không phải là tất cả nguyên nhân. Những người có cholesterol HDL bình thường cũng có thể bị bệnh tim. Và những người có mức HDL thấp cũng có thể có một trái tim khỏe mạnh. Nói chung, những người có lượng cholesterol HDL thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn những người có mức HDL cao.

Các chuyên gia khuyên bạn nên theo dõi kiểm tra cholesterol cứ 5 năm một lần. Những người có bảng công thức mỡ máu bất thường, hoặc những người có các yếu tố nguy cơ khác, có thể cần phải kiểm tra cholesterol thường xuyên hơn.

Nếu bạn có cholesterol toàn phần cao hoặc HDL thấp, hãy thực hiện các bước để tăng cholesterol HDL như ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và không hút thuốc. Thay đổi lối sống có thể tạo ra sự khác biệt lớn đối với hầu hết mọi người và có thể giúp ngăn ngừa bệnh tim cũng như đột quỵ.

Đường biên cholesterol là gì?

Bác sĩ của bạn nói với bạn rằng bạn có “đường biên” cholesterol cao? Điều đó có nghĩa là mức cholesterol của bạn ở trên mức bình thường, nhưng không nằm trong phạm vi “cao”.

Bạn có đường biên cholesterol cao nếu cholesterol toàn phần của bạn là từ 200 đến 239 (mg / dL). Bác sĩ của bạn cũng sẽ xem xét những thứ khác, như cholesterol của bạn có bao nhiêu là cholesterol LDL (“xấu”) và bao nhiêu là cholesterol HDL (“ tốt”).

Thực hiện những thay đổi đơn giản trong lối sống của bạn thường đủ để đưa đường biên cholesterol xuống mức bình thường. Một số người cũng có thể cần uống thuốc. Và hãy nhớ rằng những yếu tố khác, như bệnh tiểu đường, cao huyết áp và hút thuốc, cũng ảnh hưởng đến sức khoẻ của tim; chứ không chỉ cholesterol.

Bạn sẽ không biết bạn có đường biên cholesterol trừ khi bạn thực hiện xét nghiệm cholesterol máu. Bạn nên làm xét nghiệm này mỗi 5 năm. Người Mỹ trung bình có mức cholesterol toàn phần là 200, nằm trong phạm vi đường biên. Bạn có thể hạ thấp nó trước khi bạn đạt đến mức cholesterol cao. Hãy bắt đầu với sáu bước sau.

1. Tạo các thay đổi trong bếp của bạn

Sử dụng chế độ ăn uống để giúp giảm cholesterol LDL và tăng cholesterol HDL.

Để có tác động nhiều nhất, hãy chọn thực phẩm có ít chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa và nhiều chất xơ, chất chống oxy hoá và axit béo omega-3. Các loại ngũ cốc, đậu, táo, lê, bột yến mạch, cá hồi, óc chó và dầu ô liu là những lựa chọn rất tốt cho tim.

2. Đọc nhãn thực phẩm

Bạn cần có biết bao nhiêu chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa và cholesterol trong thực phẩm yêu thích của bạn. Điều đó có thể giúp bạn lựa chọn tốt hơn.

Quá nhiều chất béo bão hòa có thể làm tăng mức cholesterol của bạn. Chất béo bão hòa được tìm thấy chủ yếu trong các sản phẩm từ động vật. Cholesterol cũng được tìm thấy trong các sản phẩm từ động vật. Bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng có thể cho bạn biết giới hạn hàng ngày của bạn là bao nhiêu.

Chất béo chuyển hoá nhân tạo có thể làm tăng cholesterol LDL (“xấu”). Chúng có trong các thực phẩm đóng gói, như bánh quy, bánh ngọt và bắp rang bơ.

Kiểm tra thành phần dinh dưỡng. Và bởi vì các sản phẩm được đánh dấu là “0 gram” chất béo chuyển hóa trên mỗi khẩu phần có thể có đến 1 gram chất béo chuyển hóa, hãy kiểm tra nhãn thành phần. Bất cứ thứ gì được đánh dấu “hydrogen hóa một phần” là chất béo chuyển hóa.

3. Vận động.

Tập thể dục giúp bạn giảm cholesterol từ mức đường biên.

Hãy đặt mục tiêu tập luyện cường độ vừa phải ít nhất 30 phút mỗi ngày. Đi bộ nhanh, đi xe đạp, chơi thể thao theo đội, hoặc tham gia một lớp tập thể dục nhóm sẽ làm tăng cholesterol tốt (HDL).

4. Giảm cân nặng.

Bạn có thể có mức cholesterol cao và có trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Nhưng nếu bạn thừa cân, việc giảm cân có thể giúp làm giảm mức cholesterol xuống. Giảm khoảng 5% trọng lượng cơ thể có thể hạ thấp mức cholesterol của bạn. Một nghiên cứu cho thấy những người trưởng thành tham gia chương trình tập thể dục kéo dài 12 tuần đã hạ LDL xuống 18 điểm, và cholesterol toàn phần giảm 26 điểm. Sự kết hợp giữa giảm cân và chế độ ăn uống lành mạnh, có thể làm giảm mức LDL xuống tới 30% – kết quả giống như dùng thuốc hạ mức cholesterol.

5. Bỏ hút thuốc lá.

Nếu bạn hút thuốc, việc từ bỏ thói quen này có thể giúp bạn tăng cholesterol HDL (“tốt”) lên tới 10%.

Bạn đã từng cố gắng bỏ hút thuốc trước đây? Đối với nhiều người, cần phải thử vài lần. Hãy cố gắng cho đến khi có kết quả. Nó đáng giá, đối với sức khỏe của cơ thể bạn.

6. Kiểm tra để xem những gì có hiệu quả.

Trong các cuộc hẹn kiểm tra định kỳ, bác sĩ sẽ kiểm tra mức cholesterol của bạn để xem những thay đổi bạn đã thực hiện có đạt được mục tiêu về cholesterol của bạn hay không.

Nếu thay đổi lối sống không đủ để hạ thấp mức cholesterol, bác sĩ có thể nói chuyện với bạn về việc sử dụng thuốc.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến cholesterol cao

Có yếu tố nguy cơ kiểm soát được và không kiểm soát được của tình trạng cholesterol cao.

Cholesterol là chất được sản xuất từ gan và có trong một số thực phẩm nhất định từ động vật, như các sản phẩm từ sữa, trứng và thịt. Cơ thể cần một lượng cholesterol để hoạt động bình thường. Tuy nhiên, quá nhiều cholesterol có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Có một số yếu tố góp phần làm tăng cholesterol – một số loại có thể kiểm soát được trong khi loại khác thì lại không thể.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến mức cholesterol cao không kiểm soát được:

  • Giới tính: Sau khi mãn kinh, mức cholesterol LDL của phụ nữ (cholesterol “xấu”) tăng lên, cũng như tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
  • Độ tuổi: Nguy cơ của bạn có thể tăng lên khi bạn già đi. Nam từ 45 tuổi trở lên và phụ nữ từ 55 tuổi trở lên có nguy cơ bị cholesterol cao và bệnh tim mạch.
  • Lịch sử bệnh lý gia đình: nguy cơ bị cholesterol cao có thể tăng lên nếu cha hoặc anh trai bị ảnh hưởng bởi bệnh tim sớm (trước tuổi 55) hay mẹ hoặc em gái bị ảnh hưởng bởi bệnh tim sớm (trước 65 tuổi).

Các yếu tố nguy cơ gây cholesterol cao có thể kiểm soát được bao gồm:

  • Ăn uống: Chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa, đường (ở mức độ thấp hơn) và cholesterol trong thực phẩm bạn ăn vào sẽ làm tăng nồng độ cholesterol toàn phần và LDL cholesterol.
  • Cân nặng: Thừa cân có thể làm cho mức cholesterol LDL của bạn tăng lên và mức HDL giảm xuống.
  • Vận động cơ thể /tập thể dục: Tăng hoạt động thể lực giúp giảm LDL cholesterol và nâng cao mức cholesterol HDL (mức cholesterol “tốt”), đồng thời cũng giúp bạn giảm cân.

Cholesterol cao dẫn đến xơ vữa động mạch như thế nào?

Mức cholesterol cao có thể dẫn đến các động mạch bị tắc nghẽn do quá trình được gọi là xơ vữa động mạch hoặc xơ cứng động mạch.

Duy trì mức cholesterol hợp lý sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các vấn đề gây ra bởi các động mạch bị tắc nghẽn, bao gồm nhồi máu cơ tim và đột qụy.

Cholesterol và xơ vữa động mạch: những điều tốt và xấu

Cholesterol là một loại chất béo có trong máu. Gan sản xuất ra nó. Các tế bào và các cơ quan trong cơ thể cần cholesterol. Cơ thể bạn cũng nhận cholesterol từ một số thực phẩm ăn vào. Nhưng nếu cơ thể bạn nhận quá nhiều, cholesterol có thể gây tổn thương nghiêm trọng, đặc biệt là trong động mạch của bạn.

Một số người nghĩ rằng tất cả cholesterol đều “xấu”. Tuy nhiên, có những loại cholesterol khác nhau, và quá nhiều một loại nhất định thì chắc chắn là xấu. Nhưng có một loại cholesterol khác là “tốt” vì nó giúp duy trì cơ thể bạn khỏe mạnh.

Các cholesterol “xấu” được gọi là LDL (cholestero tỉ trọng thấp). LDL có thể làm hỏng các động của động mạch bằng cách xâm nhập vào thành động mạch. Sau đó một khi tổn thương đã xuất hiện, LDL tiếp tục thâm nhập và tích tụ trong các thành động mạch.

Khi mức tích tụ tăng lên, cơ thể bạn sẽ cố gắng làm sạch chúng. Các tế bào bạch cầu và các loại tế bào khác sẽ phòng thủ chống lại sự hình thành này, bằng cách cũng xâm nhập vào thành động mạch để cố gắng “ loại bỏ” chất này. Nhưng qua thời gian, những tế bào và các sản phẩm trung gian sau “ cuộc chiến” đã trở thành một phần trong khối tích tụ. Trong nhiều năm, các khối tích tụ sẽ càng lớn hơn và hình thành cái gọi là mảng xơ vữa (mảng bám).

Cholesterol “tốt” được gọi là HDL (cholesterol mật độ cao). HDL lưu thông trong cơ thể, hoạt động như một nam châm cholesterol. Nó tập hợp các cholesterol xấu và vận chuyển nó ra khỏi động mạch của bạn. Cuối cùng, phần lớn lượng cholesterol được loại bỏ khỏi cơ thể, chuyển đến các mô như gan, hoặc được sử dụng để tạo ra hormone.

Khi mảng xơ vữa phát triển bên trong động mạch của bạn, chúng sẽ bắt đầu ngăn chặn sự lưu thông máu. Một số mảng bám chứa nhiều LDL phát triển chậm, được kiểm soát. Mặc dù cuối cùng chúng có thể thu hẹp các động mạch đủ đến mức có thể gây ra các triệu chứng, thì cơ thể thường thích nghi được. Và kiểu tắc nghẽn này hiếm khi gây ra nhồi máu cơ tim.

Nhưng có những các mảng xơ vữa không ổn định. Các tế bào bạch cầu và các tế bào khác mà cơ thể gửi đi tiêu thụ mảng bám cũng giải phóng ra enzym. Các enzym này hòa tan một số mô gọi là collagen liên kết vỏ xơ của mảng bám. Khi điều này xảy ra, mảng xơ vữa có thể vỡ. Sau đó các mảnh vụn từ nó có thể gây ra hình thành cục máu đông bên trong động mạch. Đôi khi, trong vài phút, cục máu đông này có thể chặn máu vào tim hoặc lên não, gây ra cơn nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não.

Điều trị cholesterol cao: giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt

Do mức cholesterol của bạn ngày càng cao hơn, nên khả năng sẽ có nhiều mảng xơ vữa hình thành. Do mối liên quan giữa mức cholesterol cao và các bệnh đe dọa mạng sống, vì vậy vấn đề điều trị cholesterol được ưu tiên hàng đầu. Cả thuốc và những thay đổi trong lối sống đều có thể cải thiện và giảm nguy cơ dẫn đến xơ vữa động mạch:

  • Tập thể dục kết hợp hoặc không kết hợp giảm cân có thể làm tăng cholesterol HDL “tốt” và giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ
  • Thực hiện chế độ ăn nhiều chất xơ và ít chất béo có thể làm giảm LDL cholesterol “xấu”.
  • Ăn các loại và các thực phẩm giàu axit béo omega 3 có thể làm tăng cholesterol HDL “tốt”.
  • Statin là nhóm thuốc thường được kê toa nhiều nhất để điều trị bệnh cholesterol cao. Chúng giúp làm giảm đáng kể LDL cholesterol “xấu”, lên đến 60% hoặc nhiều hơn. Chúng cũng có thể làm tăng HDL.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng statins có thể làm giảm tỷ lệ đau tim, tai biến mạch máu não và tử vong do xơ vữa động mạch. Nhưng để có hiệu quả, statin cần phải là một phần trong chiến lược được cá nhân hóa rộng lớn hơn mà bạn và bác sĩ cùng nhau làm việc. Cùng với những vấn đề khác, chiến lược này sẽ dựa vào mức độ nguy cơ nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não, cùng với sự lựa chọn lối sống của cá nhân bạn.

Nếu bạn biết hoặc nghĩ rằng cholesterol của mình cao, nói chuyện với bác sĩ về cách có thể thực hiện để làm giảm nó.

Các bệnh liên quan đến cholesterol cao

Cholesterol cao có liên quan đến nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch, có thể là bệnh mạch vành, tai biến mạch máu não và bệnh mạch ngoại biên.

Cholesterol cao cũng có liên quan đến bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Để ngăn ngừa hoặc kiểm soát những tình trạng này, hãy thảo luận với bác sĩ để xem bạn cần làm gì để giảm cholesterol.

Cholesterol cao và bệnh mạch vành

Nguy cơ chính từ tình trạng cholesterol cao là gây bệnh mạch vành. Nếu mức cholesterol quá cao, cholesterol có thể tích tụ trong thành động mạch của bạn. Theo thời gian, sự tích tụ này – được gọi là mảng xơ vữa – làm xơ cứng các động mạch (xơ vữa động mạch). Điều này làm cho động mạch bị thu hẹp, làm chậm lưu lượng máu đến cơ tim. Giảm lưu lượng máu có thể dẫn đến cơn đau thắt ngực (đau ngực) hoặc bị nhồi máu cơ tim nếu một mạch máu bị tắc nghẽn hoàn toàn.

Cholesterol cao và tai biến mạch máu não

Xơ vữa động mạch khiến những động mạch dẫn đến não bị hẹp lại và thậm chí bị tắc nghẽn. Nếu một mạch máu đưa máu lên não bị chặn hoàn toàn thì bạn có thể bị tai biến mạch máu não.

Cholesterol cao và bệnh mạch máu ngoại biên

Cholesterol cao cũng có liên quan đến bệnh mạch máu ngoại biên, tức là các bệnh về mạch máu ngoài tim và não. Trong tình trạng bệnh này, các khối chất béo tích tụ sẽ hình thành dọc theo thành động mạch và ảnh hưởng đến tuần hoàn máu. Điều này xảy ra chủ yếu ở động mạch dẫn đến chân và bàn chân.

Cholesterol và bệnh tiểu đường

Bệnh tiểu đường có thể làm mất đi sự cân bằng giữa mức HDL và LDL cholesterol. Người mắc bệnh tiểu đường thường có các phân tử LDL bám dính vào động mạch và phá huỷ các thành mạch máu dễ dàng hơn. Glucose (một loại đường) sẽ gắn với lipoprotein (protein vận chuyển cholesterol trong máu). LDL được phủ glucose sẽ ở lại trong máu lâu hơn và có thể dẫn đến sự hình thành mảng xơ vữa. Những người bị tiểu đường có xu hướng có HDL thấp và mức triglyceride cao (một loại chất béo khác). Cả hai đều làm tăng nguy cơ bệnh tim và bệnh mạch máu.

Cholesterol và huyết áp cao

Huyết áp cao và cholesterol cao cũng có liên quan. Khi các động mạch trở nên xơ cứng lại và thu hẹp do mảng xơ vữa của cholesterol và canxi, tim sẽ hoạt động mạnh hơn rất nhiều để bơm máu qua chúng. Kết quả là huyết áp trở nên cao bất thường. Huyết áp cao cũng có liên quan đến nhiều bệnh tim mạch khác..

Các loại thuốc hạ mức cholesterol “xấu” LDL

Khi bạn bị cholesterol cao, điều đầu tiên cần làm là thay đổi chế độ ăn uống và tập thể dục: ít chất béo bão hòa, không có chất béo chuyển hóa và vận động nhiều hơn.

Nếu điều đó không đủ để làm giảm lượng cholesterol “xấu” (LDL), bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn dùng thuốc để hỗ trợ. Tất nhiện khi dùng thuốc bạn vẫn cần thực hiện những thay đổi trong lối sống)

Có nhiều loại thuốc kê đơn khác nhau làm giảm LDL. Hãy hiểu rõ về hoạt động của nó.

Loại thuốc hạ cholesterol phổ biến nhất : Statins

Đây thường là loại thuốc đầu tiên mà bác sĩ kê toa để giảm LDL. Chúng cũng giảm triglycerides, là một loại chất béo trong máu, và tăng nhẹ mức cholesterol “tốt” (HDL).

Thuốc nhóm Statin bao gồm:

  • Atorvastatin (Lipitor)
  • Fluvastatin (Lescol)
  • Lovastatin
  • Pitavastatin (Livalo)
  • Pravastatin (Pravachol)
  • Rosuvastatin (Crestor)
  • Simvastatin (Zocor)

Các nghiên cứu cho thấy statin làm giảm nguy cơ “các vấn đề về tim mạch” như nhồi máu cơ tim.

Tác dụng phụ có thể bao gồm các vấn đề về đường ruột, tổn thương gan (hiếm gặp) và viêm cơ. Theo FDA, tăng đường huyết và bệnh đái tháo đường tuýp 2 cũng có thể có nguy cơ tăng khi sử dụng statin, mặc dù nguy cơ là “nhỏ” và những lợi ích vượt trội so với rủi ro.

Thuốc statin cũng có thể tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang uống. Bác sĩ của bạn nên kiểm tra vấn đề này trước tiên.

Một số người dùng statin đã báo cáo bị mất trí nhớ và nhầm lẫn. FDA đang xem xét các báo cáo này và ghi nhận rằng nói chung, các triệu chứng không nghiêm trọng và sẽ biến mất trong vòng vài tuần sau khi người đó ngưng dùng thuốc.

Bạn nên tránh ăn bưởi và nước bưởi khi dùng thuốc statin. Bưởi làm cho cơ thể bạn khó hấp thu những loại thuốc này hơn.

Niacin

Loại thuốc Vitamin B này, còn được gọi là acid nicotinic, được tìm thấy trong thực phẩm nhưng cũng có sẵn ở dạng liều cao khi được kê toa. Nó làm giảm cholesterol LDL và làm tăng cholesterol HDL.

Các loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm:

  • Niaspan
  • Nicoar

Nghiên cứu không chỉ ra rằng bổ sung niacin, khi bạn đã dùng statin, sẽ làm giảm thêm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Tác dụng phụ: Những triệu chứng chính là nóng bừng, ngứa ran, và nhức đầu.

Những loại thuốc hoạt động trong đường ruột của bạn

Bác sĩ có thể gọi chúng là “axit bile acid resin” hoặc bile acid sequestrants.” Nó hoạt động bên trong ruột của bạn. Chúng hoạt động bên trong ruột của bạn, chúng gắn với mật và ngăn chặn máu hấp thu lại nó. Mật được làm phần lớn từ cholesterol vì vậy những loại thuốc này sẽ làm giảm lượng cung cấp cholesterol của cơ thể.

Các loại thuộc nhóm thuốc này bao gồm:

  • Colestipol (Colestid)
  • Cholestyramine (Prevalite)
  • Colesevelam (WelChol)

Một loại thuốc khác, ezetimibe (Zetia), làm giảm cholesterol xấu bằng cách ngăn chặn hấp thu cholesterol trong ruột non của bạn. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ở những người đã từng bị nhồi máu cơ tim, thuốc có thể làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim, chẳng hạn như một cơn nhồi máu cơ tim khác, khi bạn cũng đang dùng statin.

Tác dụng phụ: Đối với thuốc axit mật, các tác dụng phụ thường gặp nhất là táo bón, đầy hơi và đau bụng. Đối với ezetimibe, những triệu chứng phổ biến nhất bao gồm đau cơ hoặc đau lưng, tiêu chảy và đau bụng.

Hạ mức triglycerides bằng Fibrates

“Fibrates” là loại thuốc làm giảm lượng chất béo trung tính Triglycerides trong cơ thể bạn và cũng có thể làm tăng cholesterol HDL “tốt”.

Các loại thuốc thuộc nhóm này bao gồm:

  • Fenofibrate
  • Gemfibrozil (Lopid)
  • Loại thuốc mới nhất: Thuốc ức chế PCSK9

Những loại thuốc này được sử dụng ở những người không thể kiểm soát mức cholesterol của họ thông qua lối sống và thuốc statin. Chúng chặn một protein gọi là PCSK9 để làm cho cơ thể dễ dàng loại bỏ LDL khỏi máu.

Chúng chủ yếu được sử dụng ở người lớn thừa hưởng di truyền gọi là “tăng cholesterol máu có tính chất gia đình kiểu dị hợp tử” làm khó giảm mức cholesterol, hoặc dành cho những người bị bệnh tim cần nhiều hơn một nhóm thuốc statin. Mỗi 2 tuần bạn sẽ tiêm 1 liều.

Ví dụ:

  • Alirocumab (Praluent)
  • Evolocumab (Repatha)

Tác dụng phụ: vì những thuốc này mới hơn, nên sẽ mất nhiều thời gian mới biết tác dụng phụ của chúng. Trong các thử nghiệm lâm sàng, những triệu chứng phổ biến nhất khi uống alirocumab là ngứa, sưng, đau, hoặc thâm tím nơi bạn bị chích ngừa, cũng như cảm lạnh và cúm. Đối với evolucumab, bao gồm cảm lạnh, cúm, đau lưng, và phản ứng da khi bạn bị chích.

Các phương pháp điều trị cholesterol cao không dùng thuốc

Có rất nhiều phương pháp điều trị thay thế được đề xuất để giảm cholesterol. Nhưng trước khi bạn sử dụng bất kỳ thực phẩm chức năng hoặc các liệu pháp thay thế nào cho chế độ ăn uống của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ. Chỉ vài sản phẩm tự nhiên đã được chứng minh trong các nghiên cứu khoa học có thể làm giảm cholesterol, và một số có thể hữu ích. Tuy nhiên, một số loại thực phẩm chức năng có thể tương tác với các thuốc khác bạn đang dùng hoặc có khả năng gây ra các phản ứng phụ nguy hiểm.

Các chất bổ sung để hạ mức cholesterol

Một số chất bổ sung và thảo dược có thể giúp giảm cholesterol bao gồm:

  • Tỏi: Theo một số nghiên cứu, tỏi có thể làm giảm mức cholesterol trong máu xuống vài phần trăm, nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác cho thấy nó có thể không có lợi như mọi người nghĩ. Tỏi có thể làm tăng chảy máu (chống đông máu), do đó tỏi và các chất bổ sung tỏi không nên được uống trước khi phẫu thuật hoặc dùng cùng các loại thuốc làm loãng máu như Coumadin.
  • Chất xơ: Bổ sung chất xơ để giúp đạt lượng chất xơ nạp vào hàng ngày của bạn có thể giúp giảm mức cholesterol toàn phần và cholesterol LDL (xấu) của bạn. Ví dụ như psyllium, methylcellulose, wheat dextrin, và canxi polycarbophil. Nếu bạn bổ sung chất xơ, hãy tăng số lượng bạn dùng một cách từ từ. Điều này có thể giúp ngăn ngừa đầy hơi và co cứng bụng. Điều quan trọng là phải uống đủ nước khi tăng lượng chất xơ.
  • Guggulipid: Guggulipid là nhựa của cây myrr mukul. Nó đã được sử dụng trong y học Ayurvedic truyền thống, có nguồn gốc ở Ấn Độ cách đây hơn 2.000 năm. Trong các nghiên cứu lâm sàng được thực hiện tại Ấn Độ, guggulipid làm giảm đáng kể lượng cholesterol toàn phần và cholesterol LDL. Nhưng hầu hết các nghiên cứu này không đáp ứng các tiêu chí về giá trị khoa học. Bên cạnh đó, sự hăng hái trong việc sử dụng guggulipid để hạ cholesterol đã giảm xuống sau khi các kết quả tiêu cực được công bố từ một cuộc thử nghiệm lâm sàng ở Hoa Kỳ. Nghiên cứu sâu hơn là cần thiết để xác định tính an toàn và hiệu quả của loại thảo mộc này.
  • Gạo lức đỏ: Gạo lức đỏ (gạo men đỏ) được nhận thấy là đã làm giảm cholesterol trong các nghiên cứu, và trước đây đã được tìm thấy trong thuốc Cholestin. Tuy nhiên, vào năm 2001, FDA đã loại bỏ Cholestin ra khỏi kệ thuốc vì nó chứa lovastatin, một hợp chất có trong thuốc bán theo toa Mevacor. “Cholestin” được thay đổi công thức đã không còn chứa gạo men đỏ. Các chất bổ sung có chứa chất gạo men đỏ khác ở Mỹ chỉ có thể chứa hàm lượng lovastatin rất nhỏ. FDA không cho phép quảng cáo gạo men đỏ để làm giảm cholesterol.
  • Policosanol: Sản xuất từ ​​cây mía, policosanol có hiệu quả trong việc làm giảm cholesterol LDL trong một số nghiên cứu. Hầu hết các thực phẩm bổ sung policosanol được tìm thấy ở Mỹ, bao gồm Cholestin được thay đổi công thức, có chứa policosanol chiết xuất từ ​​sáp ong chứ không phải là policosanol từ mía. Không có bằng chứng cho thấy policosanol chiết xuất từ ​​sáp ong có thể làm giảm cholesterol. Cần thêm các nghiên cứu về policosanol từ mía để xác định hiệu quả và sự an toàn trong việc làm giảm cholesterol.
  • Các sản phẩm thảo dược khác: Kết quả của một số nghiên cứu cho thấy các hạt và lá cỏ linh lăng, chiết xuất từ lá ​​cây atisô, cỏ thi, và hương nhu (holy basil) đều có thể giúp làm giảm cholesterol. Các loại thảo mộc này cùng những loại thảo mộc khác và các loại gia vị khác – bao gồm gừng, nghệ và hương thảo – đang được nghiên cứu về những tác dụng tiềm ẩn liên quan đến việc phòng ngừa bệnh động mạch vành.

Chế độ ăn để hạ cholesterol

Tăng cường tiêu thụ chất xơ, thực phẩm từ đậu nành, axit béo omega-3, và các hợp chất thực vật tương tự như cholesterol (sterol và stanol thực vật) có thể làm giảm đáng kể cholesterol LDL ( cholesterol xấu).

  • Chất xơ: Chỉ ăn thực vật (rau, quả, đậu, ngũ cốc chưa tinh chế) chứa chất xơ. Chất xơ hòa tan được tìm thấy trong các thực phẩm như cám gạo, lúa mạch, hạt psyllium, bột hạt lanh, táo, trái cây họ cam quýt, đậu lăng và đậu đặc biệt có hiệu quả trong việc làm giảm cholesterol toàn phần và LDL.
  • Các loại hạt: Nhiều loại hạt như quả hạnh nhân, quả óc chó, quả hồ đào và quả hồ trăn có thể làm giảm cholesterol. Theo FDA, ăn một ít (1,5 ounce) quả óc chó mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. Bạn có thể thay thế các thực phẩm giàu chất béo bão hòa bằng các loại hạt và chúng là một nguồn chất xơ tốt.
  • Đậu nành: Dùng đậu nành hoặc protein đậu nành thay cho các protein khác đã được chứng minh là ngăn ngừa được bệnh tim mạch vành bằng cách làm giảm cholesterol LDL và triglyceride. Protein đậu nành có trong đậu hũ, tempeh (tương nén), sữa đậu nành, sữa chua đậu nành, đậu nành edamame, hạt đậu nành và nhiều thực phẩm khác làm từ đậu nành.
  • Phytosterol: Phytosterol (sterol thực vật và stanol ester) là các hợp chất tìm thấy với một lượng nhỏ trong thức ăn như ngũ cốc nguyên cám cũng như trong nhiều loại rau, hoa quả và dầu thực vật. Chúng làm giảm cholesterol LDL, chủ yếu là do can thiệp vào sự hấp thu cholesterol ở ruột. Phytosterol có thể được tìm thấy trong các loại bơ thực vật (như bơ hạ thấp cholesterol Benecol, Promise, Smart Balance và Take Control), nước sốt cho xà lách, và các chất bổ sung. Các thực phẩm bổ sung có chứa phytosterol bao gồm nước cam Minute Maid Heart Wise, bánh làm từ hạt yến mạch Nature Valley Healthy Heart, chocolate CocoVia, nước gạo Rice Heart, và pho mát ít béo Lifetime.
  • Omega-3: Ăn các thực phẩm giàu axit béo omega-3 cũng có thể giúp làm giảm bệnh tim và giảm triglyceride. Axit béo omega-3 làm giảm tỷ lệ triglyceride do gan tạo ra. Các axit béo omega-3 cũng có tác dụng chống viêm trong cơ thể, làm giảm sự phát triển của mảng xơ vữa trong động mạch, và giúp làm loãng máu. Đặt mục tiêu dùng ít nhất hai khẩu phần dầu cá như cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ và cá mòi mỗi tuần. Các nguồn axit béo omega-3 khác trong khẩu phần bao gồm hạt lanh và hạt óc chó. Nguồn bổ sung bao gồm các loại dầu cá, hạt lanh và dầu hạt lanh. Nếu bạn đang cân nhắc sử dụng axit béo omega-3, trước hết hãy thảo luận với bác sĩ để xem liệu các chất bổ sung axit béo omega-3 có phù hợp với bạn hay không, đặc biệt nếu bạn đang dùng thuốc làm loãng máu.

Chất xơ, các loại hạt, đậu nành, và phytosterol làm hạ mức cholesterol bằng các cơ chế khác nhau. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi việc kết hợp sử dụng các loại thực phẩm này và các thực vật khác cùng với lượng nhỏ chất béo bão hoà sẽ có hiệu quả trong việc hạ mức cholesterol nhiều hơn so với mỗi chất riêng lẻ.

Tránh các chất béo chuyển hóa

Tránh dầu thực vật hydro hóa và hydro hóa một phần. Những loại dầu nhân tạo này là những nguồn axit béo chuyển hóa làm tăng cholesterol LDL. Chúng làm giảm cholesterol HDL (tốt) –và tăng phản ứng viêm trong cơ thể. Bạn có thể tìm thấy các chất béo chuyển hóa được liệt kê trong thông tin dinh dưỡng trên thực phẩm đóng gói. Giảm thiểu tiêu thụ thực phẩm chứa axit béo chuyển hóa.

Nếu chế độ ăn kiêng và tập thể dục thường xuyên không có hiệu quả trong việc hạ mức cholesterol, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn về việc dùng thuốc hạ cholesterol.

Thực hiện các bước để hạ cholesterol máu

Bạn có thể làm giảm cholesterol bằng cách thay đổi thói quen hàng ngày. Hãy hỏi bác sĩ về những thay đổi bạn cần thực hiện. Bạn có thể mong đợi lời khuyên của họ bao gồm các điều sau:

Tạo thói quen tập thể dục. Việc này làm giảm mức cholesterol “xấu” (LDL) và tăng mức cholesterol “tốt” (HDL). Nó cũng tốt đối với huyết áp của bạn và giúp trái tim khỏe mạnh. Hãy đặt mục tiêu thực hiện các hoạt động tập luyện vừa phải 2 giờ 30 phút mỗi tuần (như đi bộ nhanh), hoặc tập luyện nặng hơn trong 1 giờ 15 phút mỗi tuần (như chạy bộ).

Có cân nặng khỏe mạnh. Nếu bạn thừa cân, việc giảm cân sẽ giúp mức cholesterol trở về mức thích hợp. Cách tốt nhất để làm việc này là tạo ra chế độ ăn mà bạn có thể thực hiện trong thời gian dài thay vì chỉ ăn kiêng tạm thời.

Sử dụng chất béo có lợi. Chọn các chất béo chưa bão hòa, không làm tăng mức cholesterol. Bạn có thể tìm thấy các chất béo chưa bão hòa trong thực phẩm như các loại hạt, cá, dầu thực vật, dầu ô liu, dầu hạt cải và dầu hạt hướng dương và quả bơ. Hạn chế chất béo bão hòa mà bạn tìm thấy trong các sản phẩm động vật, và không ăn thịt chế biến sẵn.

Tránh chất béo chuyển hóa nhân tạo. Hãy kiểm tra nhãn trên các thực phẩm nướng, thức ăn nhanh, bánh pizza đông lạnh, bơ thực vật, kem pha cà phê, chất béo thực vật được hydro hóa, và bột được làm lạnh (như bánh quy và bánh quế). Hãy nhớ rằng những sản phẩm nói rằng chúng có “0 gram chất béo chuyển hóa” có thể thực sự có một chút chất béo chuyển hóa trong mỗi khẩu phần. Vì vậy, hãy kiểm tra danh sách các thành phần. “Hydro hóa một phần” có nghĩa là nó có chất béo chuyển hóa trong đó.

Ăn chất xơ giúp hạ mức cholesterol. Bạn nhận được chất xơ từ thực vật, như ngũ cốc nguyên cám, đậu, đậu hà lan, và nhiều loại trái cây và rau củ.

Hạn chế đường. Ăn và uống quá nhiều đường làm tăng mức triglyceride. Mức triglyceride cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Kiểm tra nhãn thực phẩm và đồ uống để xem có bao nhiêu đường đã được thêm vào, ngoài các loại đường là một phần của thực phẩm một cách tự nhiên. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, phụ nữ trung bình không nên uống quá 5 muỗng cà-phê (hoặc 80 calo) đường bổ sung mỗi ngày, và nam giới không nên uống nhiều hơn 9 muỗng cà-phê (hoặc 144 calo) mỗi ngày.

Hãy thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ. Một số người cần uống thuốc thuốc, cũng như thay đổi lối sống, để kiểm soát mức cholesterol của họ.

Lời khuyên để duy trì cholesterol ở mức kiểm soát

Cơ thể bạn cần một lượng cholesterol nhưng không quá nhiều, việc dư thừa có thể gây mảng xơ vữa tích tụ trong các động mạch và khiến khó lưu thông máu đến tim. Điều này có thể gây đau ngực, gọi là cơn đau thắt ngực. Nếu việc cung cấp máu bị chặn hoàn toàn, bạn sẽ bị nhồi máu cơ tim.

Có nhiều loại cholesterol khác nhau. Bạn muốn hạ thấp loại cholesterol “xấu” LDL, triglycerides, mà cơ thể bạn lưu trữ trong các tế bào mỡ. Mặt khác, bạn muốn tăng cholesterol “tốt” (HDL) vì chúng giúp loại bỏ các loại xấu.

Dưới đây là 5 bước để thực hiện:

Một vài thay đổi đơn giản có thể làm giảm cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch:

  • Tham vấn với bác sĩ có thể giúp bạn lên kế hoạch ăn uống lành mạnh và tập thể dục.
  • Thay đổi chế độ ăn. Chọn các loại thực phẩm như bột yến mạch, quả óc chó, cá ngừ, cá hồi, cá mòi và đậu hũ. Tránh xa các loại có hàm lượng chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa cao và đường đơn.
  • Không hút thuốc. Hút thuốc sẽ làm giảm cholesterol “tốt”. Nếu bạn bỏ được thuốc lá, bạn sẽ đạt được nhiều thứ hơn, và nhiều lợi ích khác cho cả cơ thể bạn.
  • Hoạt động, vận động. Ngay cả khi chỉ tập luyện ít như đi bộ nhanh nửa giờ một ngày cũng giúp bạn kiểm soát cân nặng. Việc này cũng có lợi giúp giảm yếu tỗ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và huyết áp cao. Tập thể dục có thể hạ thấp mức triglyceride và tăng cholesterol “tốt” (HDL). Cả hai đều tốt cho trái tim của bạn
  • Dùng thuốc. Bác sĩ của bạn có thể kê toa một số loại thuốc giúp giảm cholesterol.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *