Các loại bệnh tim mạch ở trẻ em
Bệnh tim mạch ở trẻ nhỏ
Bệnh tim vốn đã đáng lo ngại khi xảy ra ở người lớn nhưng ở trẻ nhỏ thì lại càng nguy hiểm hơn nữa.
Trẻ nhỏ cũng có thể gặp phải nhiều vấn đề về tim mạch khác nhau, gồm có dị tật tim bẩm sinh, nhiễm virus và thậm chí là các vấn đề mắc phải sau này do bệnh tật hoặc hội chứng di truyền.
Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong y học và công nghệ mà nhiều trẻ mắc bệnh tim mạch vẫn có thể sống một cách bình thường.
Bệnh tim bẩm sinh
Bệnh tim bẩm sinh là một loại bệnh tim mà trẻ mắc phải ngay từ khi sinh ra, thường là do các dị tật về tim.
Các bệnh tim bẩm sinh gồm có:
- Các vấn đề về van tim ví dụ như hẹp van động mạch chủ, đây là vấn đề làm hạn chế lưu lượng máu.
- Hội chứng giảm sản tim trái (hypoplastic left heart syndrome): đây là một hội chứng mà nửa tim bên trái kém phát triển.
- Các vấn đề liên quan đến các lỗ trên tim, thường là ở vách giữa các buồng và giữa các mạch máu lớn đi ra từ tim, gồm có:
- Thông liên thất (ventricular septal defect)
- Thông liên nhĩ (atrial septal defect)
- Còn ống động mạch (patent ductus arteriosus)
- Tứ chứng Fallot: là tình trạng mà tim có cùng lúc 4 khiếm khuyết, gồm có:
- Thông liên thất: có một lỗ thông trên vách giữa hai tâm thất
- Hẹp đường thoát thất phải: van động mạch phổi (ngăn cách tâm thất phải và động mạch phổi) bị thu hẹp và làm giảm lưu lượng máu đến phổi.
- Phì đại thất phải: thành cơ của tâm thất phải dày lên do tim phải làm việc quá sức
- Lệch động mạch chủ: động mạch chủ lệch sang phải và nằm ngay trên lỗ thông liên thất.
Các dị tật tim bẩm sinh có thể ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của trẻ và thường được điều trị bằng cách phẫu thuật ví dụ như đặt ống thông, dùng thuốc và thậm chí là ghép tim đối với những trường hợp nghiêm trọng.
Trong nhiều trường hợp, trẻ cần được theo dõi và điều trị suốt đời.
Xơ vữa động mạch
Xơ vữa động mạch là thuật ngữ để chỉ tình trạng tích tụ mảng bám từ mỡ và cholesterol trong lòng động mạch. Khi mảng bám dày lên, các động mạch sẽ bị cứng và hẹp lại, làm tăng nguy cơ đông máu và nhồi máu cơ tim. Thông thường phải sau nhiều năm mới xảy ra tình trạng này nên trẻ em hoặc thanh thiếu niên rất hiếm khi mắc xơ vữa động mạch.
Tuy nhiên, béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác có thể khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Các chuyên gia khuyến cáo nên khám sàng lọc cholesterol cao và tăng huyết áp sớm cho những trẻ có các yếu tố nguy cơ như tiền sử gia đình mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, thừa cân hoặc béo phì.
Cách điều trị thường là thay đổi các thói quen sống như tăng cường tập thể dục và điều chỉnh chế độ ăn uống.
Chứng rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim là tình trạng mà nhịp tim đập bất thường và khiến tim bơm máu kém hiệu quả.
Có nhiều dạng rối loạn nhịp tim khác nhau xảy ra ở trẻ nhỏ, gồm có:
- Nhịp tim đập nhanh: đây là dạng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ
- Nhịp tim chậm
- Hội chứng QT kéo dài
- Hội chứng Wolff-Parkinson-White (hội chứng WPW)
Các triệu chứng thường là:
- Suy nhược
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Ăn kém
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào loại rối loạn nhịp tim và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe của trẻ.
Bệnh Kawasaki
Bệnh Kawasaki là một bệnh hiếm gặp, chủ yếu xảy ra ở trẻ nhỏ và gây viêm trong các mạch máu ở tay, chân, miệng, môi và cổ họng. Căn bệnh này còn gây sốt và sưng trong các hạch bạch huyết. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân gây bệnh này.
Việc điều trị cũng tùy thuộc vào mức độ của bệnh, nhưng thường bằng cách tiêm gamma globulin hoặc aspirin (Bufferin). Đôi khi còn cần dùng đến Corticosteroid để ngăn ngừa các biến chứng trong tương lai. Trẻ mắc bệnh này sẽ cần tái khám định kỳ suốt đời để bác sĩ theo dõi sức khỏe tim mạch.
Tiếng thổi ở tim
Tiếng thổi ở tim là âm thanh do máu lưu thông qua các buồng của tim, van tim hoặc các mạch máu gần tim tạo nên. Thường thì hiện tượng này vô hại nhưng đôi khi cũng có thể là dấu hiệu cho thấy một vấn đề tim mạch tiềm ẩn.
Tiếng thổi ở tim có thể do bệnh tim mạch vành, sốt hoặc thiếu máu gây nên. Nếu bác sĩ nghe thấy tiếng thổi bất thường ở tim của trẻ thì sẽ cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán bổ sung để tìm ra vấn đề. Những tiếng thổi “vô hại” thường tự hết nhưng nếu là do một vấn đề về tim gây nên thì sẽ cần phải điều trị.
Viêm màng ngoài tim
Tình trạng này xảy ra khi lớp màng mỏng bao quanh tim (màng ngoài tim) bị viêm hoặc nhiễm trùng, khiến cho lượng chất lỏng giữa hai lớp của tim tăng lên và làm giảm khả năng bơm máu bình thường của tim.
Viêm màng ngoài tim có thể xảy ra sau khi phẫu thuật điều trị bệnh mạch vành hoặc cũng có thể là do nhiễm trùng, chấn thương ngực hoặc do bệnh mô liên kết như lupus ban đỏ. Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, độ tuổi và tình trạng sức khỏe tổng thể của trẻ.
Bệnh thấp tim
Khi không được điều trị, vi khuẩn streptococcus gây viêm họng do liên cầu khuẩn và bệnh ban đỏ (sốt Scarlet) cũng có thể gây ra bệnh thấp tim hay còn gọi là sốt thấp khớp.
Bệnh này gây tổn thương nghiêm trọng và vĩnh viễn đến các van tim và cơ tim (gây viêm cơ tim). Theo Bệnh viện Nhi Seattle, bệnh thấp tim thường xảy ra ở trẻ từ 5 đến 15 tuổi, nhưng thông thường sau 10 đến 20 năm thì các triệu chứng mới bộc lộ rõ.
Có thể ngăn ngừa sốt thấp khớp bằng cách dùng kháng sinh để điều trị kịp thời viêm họng do liên cầu khuẩn.
Nhiễm virus
Virus không chỉ gây ra bệnh hô hấp hay cúm mà còn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch. Virus có thể gây viêm cơ tim và làm giảm khả năng bơm máu của tim đến toàn cơ thể.
Nhiễm virus ở tim là vấn đề rất hiếm khi xảy ra và hầu như không có triệu chứng. Nhưng khi các triệu chứng xuất hiện thì lại thường giống với các triệu chứng của bệnh cúm, gồm có mệt mỏi, khó thở và khó chịu ở ngực. Cách điều trị phổ biến là dùng thuốc và dùng các phương pháp điều trị bệnh viêm cơ tim.