Viêm khớp dạng thấp và bệnh gout là hai loại viêm khớp khác nhau. Hai bệnh lý có một số triệu chứng tương đồng nhưng là do những nguyên nhân khác nhau gây ra và phương pháp điều trị cũng khác nhau.
Viêm khớp dạng thấp và bệnh gout có gì giống và khác nhau?
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn gây sưng, đau và cứng khớp.
Nếu bệnh viêm khớp dạng thấp không được điều trị, khớp có thể bị hỏng vĩnh viễn và người bệnh sẽ mất khả năng vận động. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có khoảng 18 triệu người đang sống chung với bệnh viêm khớp dạng thấp. (1)
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh hệ thống, có nghĩa là bệnh không chỉ ảnh hưởng đến các khớp mà còn có thể ảnh hưởng đến cả các cơ quan khác của cơ thể như mắt, da, phổi và tim. Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn những người không bị viêm khớp dạng thấp.
Bệnh gout là gì?
Bệnh gout là một loại viêm khớp gây đau đớn dữ dội, thường xảy ra ở khớp ngón chân cái. Tình trạng viêm cũng có thể xảy ra ở phần trên của bàn chân và mắt cá chân. Trong một số trường hợp, bệnh gout còn xảy ra ở các khớp khác trên cơ thể.
Bệnh gout là được gọi là “bệnh của nhà giàu” vì một phần nguyên nhân gây bệnh là do ăn quá nhiều thực phẩm giàu chất đạm.
Triệu chứng viêm khớp dạng thấp và bệnh gout
Cả viêm khớp dạng thấp và bệnh gout đều gây sưng đỏ và đau khớp. Cả hai đều gây ảnh hưởng đến việc vận động hàng ngày và làm giảm chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên bệnh viêm khớp dạng thấp và gout có một số điểm khác biệt về các triệu chứng ban đầu và vị trí khớp bị viêm. Khi có các triệu chứng, tốt nhất vẫn nên đi khám. Đây là cách duy nhất để biết chính xác mình mắc bệnh lý nào.
Triệu chứng bệnh viêm khớp dạng thấp và gout có những điểm khác biệt chính như sau:
Viêm khớp dạng thấp
- Cơn đau có thể ở mức độ nhẹ, vừa hoặc nặng, thường kèm theo cứng khớp
- Có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào nhưng đa phần xảy ra ở các khớp đối xứng trên cơ thể
- Thường bắt đầu ở các khớp nhỏ của bàn tay, bàn chân và cổ tay
- Khớp bị đau, đỏ và sưng
Bệnh gout
- Thường xảy ra ở bàn chân, đa phần ở khớp bàn – ngón chân cái, có thể chỉ xảy ra ở một bên chân.
- Khớp sưng đỏ và đau dữ dội
Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp và bệnh gout
Viêm khớp dạng thấp
Nguyên nhân chính xác gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp vẫn chưa được tìm ra. Các nhà khoa học cho rằng một phần nguyên nhân có liên quan đến cấu trúc di truyền của một người và bệnh lý này được kích hoạt bởi các yếu tố môi trường, chẳng hạn như nhiễm virus.
Bệnh gout
Chế độ ăn uống có thể gián tiếp gây ra bệnh gout. Nhưng nguyên nhân chính xác là do purin. Purin là một hợp chất hóa học có trong một số loại thực phẩm.
Hầu hết các loại thịt, nội tạng, hầu hết các loại cá và động vật có vỏ đều chứa hàm lượng lớn purin. Purin còn có trong một số loại rau củ. Bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt cũng chứa purin.
Cơ thể chuyển hóa purin thành axit uric. Bệnh gout xảy ra khi có quá nhiều axit uric trong máu. Axit uric thường được đào thải ra ngoài theo nước tiểu nhưng khi nồng độ axit uric trong máu quá cao, hợp chất này sẽ tích tụ lại và tạo thành các tinh thể sắc nhọn trong khớp, gây viêm và đau đớn dữ dội.
Điều trị viêm khớp dạng thấp và bệnh gout
Viêm khớp dạng thấp
Không có cách nào có thể chữa khỏi hoàn toàn bệnh viêm khớp dạng thấp. Các phương pháp điều trị nhằm mục đích kiểm soát tình trạng viêm khớp, giảm các triệu chứng và giảm tổn thương khớp. Phác đồ điều trị sẽ được điều chỉnh dựa trên tình trạng cụ thể của mỗi ca bệnh.
Những trường hợp viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng thường phải điều trị bằng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) hoặc thuốc sinh học mạnh. Thuốc sinh học là các loại thuốc được điều chế để tấn công một số tế bào hoặc hóa chất tham gia vào phản ứng tự miễn gây viêm. Các loại thuốc này có tác dụng giảm viêm và đau, đồng thời làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh.
Viêm khớp dạng thấp mức độ từ nhẹ đến vừa có thể điều trị bằng DMARD truyền thống (không sinh học). Người bệnh cũng có thể sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID) cùng với DMARD để giảm đau và viêm.
Bệnh gout
Các loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh gout gồm có:
- NSAID, chẳng hạn như indomethacin hoặc naproxen
- Corticoid (steroid), chẳng hạn như prednisone
- Colchicine, được sử dụng cùng với NSAID để giảm triệu chứng vào các đợt gout cấp và ngăn ngừa các đợt gout cấp trong tương lai
- Thuốc ngăn chặn sự sản xuất tinh thể axit uric
Ngoài sử dụng thuốc, người mắc bệnh gout còn phải điều chỉnh chế độ ăn uống để ngăn bệnh bùng phát.
Tóm tắt bài viết
Mặc dù viêm khớp dạng thấp và bệnh gout đều gây đau, sưng khớp và cản trở các hoạt động hàng ngày nhưng hai bệnh lý là do những nguyên nhân khác nhau gây ra và cần điều trị bằng các biện pháp khác nhau. Cách duy nhất để biết mình mắc bệnh gout, viêm khớp dạng thấp hay các bệnh lý khác là đi khám bác sĩ.
Kết hợp dùng thuốc với điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng của cả bệnh gout và viêm khớp dạng thấp.