Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra ở khớp, gây sưng, đau và cứng khớp. Đối phó với các đợt tái phát hoặc các triệu chứng nghiêm trọng của viêm khớp dạng thấp là điều không hề đơn giản nhưng không phải là không thể. Có nhiều cách để giảm nhẹ các triệu chứng khi bệnh tái phát và giảm nguy cơ tái phát trong tương lai.
Đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính: Dấu hiệu và cách phòng ngừa
Đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính là gì?
Các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp thường xảy ra hoặc tăng nặng theo đợt, gọi là các đợt tái phát hay đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính. Khi bệnh tái phát, bất kỳ triệu chứng nào cũng có thể tăng nặng nhưng phổ biến nhất là đau dữ dội và cứng khớp.
Những triệu chứng này gây cản trở việc thực hiện các hoạt động hàng ngày, kể cả những hoạt động đơn giản như đi lại và chăm sóc cá nhân.
Triệu chứng
Viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh phức tạp, không chỉ gây ra các triệu chứng ở khớp mà còn có nhiều triệu chứng khác như:
- Mệt mỏi
- Sụt cân
- Sốt
- Cục cứng dưới da
Vào các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính, người bệnh thường gặp phải các triệu chứng như:
- Sưng và đau khớp, có thể xảy ra ở nhiều khớp cùng lúc
- Tình trạng cứng khớp tăng nặng, nhất là vào buổi sáng và cũng có thể xảy ra ở nhiều khớp
- Đau khắp cơ thể
- Giảm phạm vi chuyển động của khớp
- Việc thực hiện các công việc hàng ngày trở nên khó khăn hơn do đau và cứng khớp
- Sưng phù tay và chân
- Sưng ở các khớp lớn
- Mệt mỏi, thiếu năng lượng
- Các triệu chứng giống như cúm
Các tác nhân kích hoạt đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính
Có nhiều yếu tố có thể làm tăng nặng các triệu chứng hoặc kích hoạt đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính. Các yếu tố kích hoạt ở mỗi ca bệnh là khác nhau. Người bệnh cần tự mình theo dõi để xác định các yếu tố kích hoạt, từ đó biết cách tránh để giảm tần suất bệnh tái phát.
Hãy ghi lại thời điểm mà các triệu chứng xảy ra hoặc tăng nặng cùng với những gì đã xảy ra quanh thời điểm đó.
Ví dụ về những yếu tố có thể kích hoạt đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính:
- Chế độ ăn
- Căng thẳng
- Chấn thương
- Thay đổi thuốc
- Sử dụng hóa chất
- Thay đổi thời tiết
- Nhiễm trùng
- Thiếu ngủ
- Vận động mạnh
- Thực hiện các hoạt động gây áp lực lên khớp, ví dụ như mang vác đồ nặng
Đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính kéo dài bao lâu?
Thời gian kéo dài và mức độ nghiêm trọng của các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính ở mỗi ca bệnh là khác nhau và cũng có thể thay đổi theo từng đợt. Đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính có thể kéo dài một ngày, vài ngày, vài tuần, vài tháng hoặc cũng có thể lâu hơn nếu không được điều trị. Tình trạng cứng khớp vào buổi sáng có thể kéo dài 30 phút hoặc lâu hơn. Đa phần, các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu cảnh báo trước.
Nguyên nhân gây ra đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính
Bệnh viêm khớp dạng thấp xảy ra khi hệ miễn dịch không hoạt động bình thường và tấn công nhầm các tế bào khỏe mạnh của chính cơ thể. Nguyên nhân chính xác gây ra điều này vẫn chưa được làm rõ nhưng có nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh hoặc gây ra các đợt tái phát.
Hoạt động thể chất
Cơ thể và các khớp phải làm việc quá sức có thể khiến cho bệnh viêm khớp dạng thấp tái phát. Người bệnh cần lắng nghe cơ thể mình và hiểu rõ giới hạn khi vận động.
Tránh hoạt động thể chất quá sức và cần nhận biết các dấu hiệu ban đầu của đợt tái phát.
Chấn thương khớp cũng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Hãy sử dụng các biện pháp bảo vệ khớp như đeo đai bảo vệ khi tham gia các hoạt động dễ xảy ra chấn thương.
Bị viêm khớp dạng thấp không có nghĩa là phải tránh hoạt động thể chất hoàn toàn. Nhưng cần phải cẩn thận khi vận động, chú ý bảo vệ khớp và nên nghỉ ngơi khi bệnh tái phát.
Chế độ ăn uống
Một số loại thực phẩm làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể và làm tăng nặng các triệu chứng viêm khớp dạng thấp. Ví dụ về những loại thực phẩm này gồm có:
- Thịt đỏ và thịt chế biến sẵn
- Thực phẩm chứa nhiều đường
- Thực phẩm chứa nhiều muối
- Thực phẩm chưa gluten
- Đồ uống có cồn
- Sản phẩm từ sữa
Cắt giảm hoặc loại bỏ những loại thực phẩm này khỏi chế độ ăn uống có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và giảm nguy cơ bệnh tái phát.
Chất độc hại trong môi trường
Tiếp xúc với các chất độc hại trong môi trường có thể khiến cho bệnh viêm khớp dạng thấp tái phát, ví dụ như:
- Các chất gây ô nhiễm trong không khí
- Khói thuốc lá
- Hóa chất
Không hút thuốc lá và tránh xa những người hút thuốc. Tránh ra ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức thấp.
Ngoài ra, nếu nghi ngờ các hóa chất gia dụng, chẳng hạn như chất tẩy rửa, khiến cho các triệu viêm khớp dạng thấp tăng nặng thì nên chuyển sang các sản phẩm chứa thành phần tự nhiên hoặc hữu cơ.
Giấc ngủ
Thiếu ngủ có thể làm tăng nặng các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và tăng nguy cơ bệnh tái phát.
Cơ thể giải phóng ra hormone tăng trưởng vào các giai đoạn ngủ sâu nhất. Những hormone này sửa chữa những vết rách nhỏ trong cơ xảy ra trong ngày. Khi ngủ không đủ giấc, cơ thể sẽ không sản xuất đủ hormone tăng trưởng để sửa chữa những tổn thương này.
Dị ứng
Một số bằng chứng đã cho thấy có mối liên hệ giữa dị ứng thực phẩm và dị ứng các chất trong môi trường với bệnh viêm khớp dạng thấp. Phản ứng viêm khi bị dị ứng có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp.
Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Khoa học Y tế Bắc Mỹ (the North American Journal of Medical Sciences) cho thấy những người bị dị ứng sữa hoặc trứng có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn. (1)
Một nghiên cứu trên Tạp chí Thấp khớp Quốc tế (the International Journal of Rheumatology) chỉ ra rằng có mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và các bệnh dị ứng đường hô hấp ở người trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng những người mắc bệnh hen suyễn có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao nhất, trong khi những người bị viêm mũi dị ứng (hay dị ứng theo mùa) là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc viêm khớp dạng thấp cao thứ hai. (2, https://www.hindawi.com/journals/ijr/2018/3798124/
Căng thẳng/stress
Theo Tổ chức Viêm khớp (the Arthritis Foundation), căng thẳng hay stress có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp và dẫn đến những đợt tái phát gây đau đớn. Căng thẳng thậm chí có thể khiến cho tình trạng khớp trở nên trầm trọng hơn.
Do đó, kiểm soát căng thẳng cũng là một điều cần thiết để ngăn chặn các đợt viêm khớp dạng thấp cấp tính. Cố gắng tránh các tình huống gây căng thẳng và thực hiện các biện pháp giúp thư giãn tinh thần như:
- Thiền
- Tập yoga
- Dành thời gian cho sở thích
- Ra ngoài đi dạo
- Tắm nước nóng
Điều trị
Không có cách chữa trị khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng các phương pháp điều trị ví dụ như sử dụng thuốc có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh và làm giảm các triệu chứng.
Cho dù có điều trị thì bệnh vẫn có thể tái phát. Khi bệnh tái phát, người bệnh có thể kết hợp sử dụng thuốc với các biện pháp điều trị tại nhà để giảm nhẹ các triệu chứng.
Chườm nóng và lạnh lên khớp có thể giúp giảm đau, cứng và sưng. Hãy hạn chế vận động khi bệnh tái phát để các khớp được nghỉ ngơi và phục hồi nhanh hơn. Nghỉ ngơi cũng giúp giảm sưng đau khớp.
Không có chế độ ăn kiêng nào có thể chữa được bệnh viêm khớp. Tuy nhiên, ăn các loại thực phẩm giảm viêm có thể giúp cải thiện các triệu chứng đau khớp, ví dụ như:
- Cá
- Các loại hạt
- Rau củ quả
- Dầu ô liu
- Các loại đậu
- Ngũ cốc nguyên cám
Việc chuẩn bị sẵn kế hoạch có thể hữu ích trong trường hợp bạn không thể đáp ứng các nghĩa vụ thông thường của mình. Điều này sẽ giúp bạn bớt đi một điều phải lo lắng. Nếu bạn không thể tự mình kiểm soát các triệu chứng bùng phát của mình, hãy đến gặp bác sĩ.
Tóm tắt bài viết
Viêm khớp dạng thấp là một căn bệnh mạn tính bùng phát theo đợt. Có nhiều yếu tố có thể kích hoạt bệnh tái phát như căng thẳng, chấn thương, tiếp xúc với chất độc hại, nhiễm trùng… Các triệu chứng tăng nặng khi bệnh tái phát sẽ gây đau đớn và cản trở các hoạt động hàng ngày. Tuy rằng không có cách nào có thể chữa khỏi dứt điểm bệnh viêm khớp dạng thấp hay ngăn chặn hoàn toàn các đợt tái phát nhưng sử dụng thuốc đều đặn kết hợp với các phương pháp điều trị khác như thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp giảm tần suất tái phát, giảm nhẹ các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.