Nhiễm nấm men và hăm tã ở trẻ nhỏ

Nhiễm nấm men hay nhiễm nấm Candida không chỉ xảy ra ở người lớn mà còn có thể xảy ra ở cả trẻ nhỏ và thậm chí, đây còn là một vấn đề khá phổ biến.

Nhiễm nấm men và hăm tã ở trẻ nhỏ
Nhiễm nấm men và hăm tã ở trẻ nhỏ

Nhiễm nấm men là gì?

Nấm Candida là một loại nấm men tồn tại tự nhiên trên cơ thể, thường là ở bên trong miệng, ruột và trên da. Bình thường, những vi khuẩn có lợi kiểm soát sự sinh sôi, phát triển của nấm nên nấm Candida không gây hại.

Tuy nhiên, đôi khi vi khuẩn có lợi lại bị tiêu diệt do dùng thuốc kháng sinh, căng thẳng hoặc các nguyên nhân khác. Điều này gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ thể và tạo điều kiện cho nấm men phát triển quá mức, dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nấm men.

Nhiễm nấm Candida ở trẻ nhỏ

Trẻ nhỏ có thể bị nhiễm nấm Candida ở các khu vực có nếp gấp da trên cơ thể, chẳng hạn như nách, cổ, miệng và vùng quấn tã (bỉm) với biểu hiện là da mẩn đỏ.

Việc không thay tã thường xuyên và để trẻ mặc tã ẩm sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nấm Candida phát triển.

Trẻ thường xuyên ị đùn hay đái dầm trong thời gian đầu mới bỏ bỉm cũng có thể là nguyên nhân gây nhiễm nấm Candida.

Phân biệt hăm tã và nhiễm nấm Candida

Hăm tã và nhiễm nấm Candida có thể xảy ra đồng thời. Khi trẻ bị hăm tã, nhiễm nấm Candida có thể khiến tình trạng hăm tã trở nên nặng hơn. Đôi khi trẻ chỉ gặp phải một trong hai vấn đề nhưng do hăm tã và nhiễm nấm Candida có các biểu hiện tương tự nhau nên có thể khiến cho bố mẹ bị nhầm lẫn.

Dưới đây là một số dấu hiệu cho thấy trẻ bị nhiễm nấm Candida chứ không phải hăm tã:

  • Tình trạng mẩn đỏ không đỡ khi bôi kem trị hăm tã.
  • Mẩn đỏ ở cả phía trước và hai bên nơi da tiếp xúc (ví dụ như ở nếp gấp đùi).
  • Da bị đỏ nhiều với các chấm nhỏ màu đỏ hoặc sẩn, mụn xung quanh rìa vết phát ban.

Nhiễm nấm Candida có nguy hiểm không?

Nhiễm nấm Candida thường không nguy hiểm nhưng sẽ gây khó chịu cho trẻ.

Ở những trẻ có hệ miễn dịch suy yếu, nhiễm trùng có thể xâm nhập vào máu. Điều này cũng có thể xảy ra ở những trẻ nhỏ đang mắc các bệnh lý cần tiêm tĩnh mạch hoặc đặt ống thông qua da trong thời gian dài.

Điều trị nhiễm nấm Candida ở trẻ nhỏ

Nhiễm nấm Candida trên da ở trẻ nhỏ thường được điều trị bằng cách bôi thuốc mỡ trị nấm trực tiếp lên da.

Nếu bị nhiễm nấm Candida trong miệng (nấm miệng) hoặc tình trạng nhiễm nấm lan sang các bộ phận khác của cơ thể thì sẽ phải điều trị bằng các loại thuốc kháng nấm đường uống như fluconazole.

Thông thường, nhiễm nấm Candida sẽ khỏi trong vòng 2 tuần sau khi bắt đầu điều trị nhưng vấn đề này rất dễ tái phát.

Phòng ngừa nhiễm nấm Candida

Chỉ sử dụng thuốc kháng sinh khi thực sự cần thiết để tránh gây mất cân bằng hệ vi sinh vật trên cơ thể và dẫn đến nấm men phát triển quá mức.

Việc thường xuyên cho trẻ uống thuốc kháng sinh sẽ giết chết vi khuẩn có lợi và những vi khuẩn có vai trò kiểm soát nấm men.

Các cách khác để điều trị nhiễm nấm Candida và ngăn ngừa nhiễm nấm tái phát gồm có:

  • Thay núm vú giả: Núm vú giả dùng lâu có thể chứa nấm men và khiến cho trẻ bị nấm miệng. Vì vậy, khi núm vú đã cũ thì nên thay mới.
  • Thay núm ty bình sữa: Giống như núm vú giả, núm ty bình sữa cũng có thể bị nhiễm nấm men và gây nấm miệng. Nên thay núm ty bình sữa sau mỗi 2 – 3 tháng.
  • Vệ sinh núm vú giả và núm ty bình sữa thường xuyên: Nên sử dụng nước nóng già để tiêu diệt nấm men.
  • Thay tã thường xuyên: Giữ cho vùng quấn tã của trẻ luôn khô ráo sẽ giúp ngăn ngừa nhiễm nấm Candida. Sau khi lau rửa, cần chờ cho da khô hoàn toàn trước khi mặc tã mới.

Nếu trẻ vẫn thường xuyên bị nhiễm nấm Candida thì nên đưa trẻ đi khám bác sĩ. Nhiễm nấm Candida tái đi tái lại có thể là do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Nhiễm nấm Candida ở vùng quấn tã thường hết khi trẻ cai tã (bỉm).

Xem thêm:

  • Nhiễm nấm Candida trong thai kỳ: Điều trị bằng cách nào?
  • Nhiễm nấm Candida ở miệng, cổ họng và thực quản
  • Nhiễm nấm Candida: Nguyên nhân – triệu chứng -chuẩn đoán & điều trị

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *