Bàng quang căng tức là biểu hiện của điều gì?

Bàng quang căng tức có thể là do viêm bàng quang kẽ hay còn được gọi là hội chứng đau bàng quang.

Bàng quang căng tức là biểu hiện của điều gì?
Bàng quang căng tức là biểu hiện của điều gì?

Phân biệt bàng quang căng tức và co thắt bàng quang

Bàng quang căng tức khác với co thắt bàng quang do bàng quang tăng hoạt hay nhiễm trùng đường tiết niệu.

Bàng quang căng tức là cảm giác giống như bàng quang rất đầy, gây khó chịu trong khi đó co thắt bàng quang có thể gây đau và cảm giác buồn tiểu đột ngột. Bàng quang căng tức có thể là do viêm bàng quang kẽ hay còn được gọi là hội chứng đau bàng quang.

Triệu chứng khác của viêm bàng quang kẽ

Triệu chứng dễ nhận thấy nhất của viêm bàng quang kẽ là đau và căng tức ở bàng quang. Mức độ đau có thể từ nhẹ đến nặng. Tình trạng căng tức bàng quang có thể xảy ra theo đợt hoặc cũng có thể kéo dài dai dẳng.

Những triệu chứng này khá giống với nhiễm trùng bàng quang nhưng viêm bàng quang kẽ không phải là một bệnh nhiễm trùng. Viêm bàng quang kẽ là một bệnh lý mạn tính, có nghĩa là không thể chữa trị khỏi. Trong khi đó, nhiễm trùng bàng quang có thể chữa khỏi bằng thuốc kháng sinh.

Các triệu chứng khác của viêm bàng quang kẽ gồm có:

  • Đau vùng chậu
  • Buồn tiểu liên tục nhưng lượng nước tiểu mỗi lần chỉ rất ít
  • Buồn tiểu đột ngột, dữ dội
  • Tiểu nhiều vào ban đêm
  • Đau ở bụng dưới khi bàng quang đầy và giảm đau sau khi đi tiểu
  • Đau khi quan hệ tình dục

Các dấu hiệu và triệu chứng ở mỗi người là khác nhau. Một số người phải đi tiểu tới 60 lần mỗi ngày. Người bệnh cũng có thể trải qua những khoảng thời gian không có triệu chứng.

Mặc dù viêm bàng quang kẽ không phải là nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng nhiễm trùng có thể làm cho các triệu chứng trở nên nặng hơn.

Nguyên nhân gây căng tức bàng quang

Để hiểu nguyên nhân gây căng tức bàng quang, trước tiên cần hiểu về hoạt động của bàng quang. Bàng quang có chức năng chứa nước tiểu. Khi bàng quang đầy khoảng một phần tư đến một nửa, các dây thần kinh sẽ truyền tín hiệu đến não bộ và sau đó não phát tín hiệu báo đã đến lúc cần đi tiểu.

Ở người bị viêm bàng quang kẽ, quá trình trao đổi tín hiệu này bị xáo trộn. Điều này khiến người bệnh buồn tiểu liên tục, ngay cả khi bàng quang không đầy và mỗi lần chỉ đi một lượng nhỏ nước tiểu.

Bàng quang căng tức cũng có thể là do các nguyên nhân khác như:

  • Khiếm khuyết trong niêm mạc bàng quang
  • Phản ứng tự miễn
  • Di truyền
  • Nhiễm trùng
  • Dị ứng

Ai có nguy cơ bị viêm bàng quang kẽ?

Viêm bàng quang kẽ phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Một số người bị viêm bàng quang kẽ còn có các vấn đề sức khỏe khác như hội chứng ruột kích thích (IBS) và đau cơ xơ hóa. Các hội chứng gây đau khác cũng có thể xảy ra cùng lúc với viêm bàng quang kẽ.

Theo nghiên cứu, người có da trắng và tóc đỏ có nguy cơ bị viêm bàng quang kẽ cao hơn.

Tuổi tác cũng là một yếu tố nguy cơ của viêm bàng quang kẽ. Viêm bàng quang kẽ chủ yếu được chẩn đoán ở người từ 30 tuổi trở lên.

Chẩn đoán nguyên nhân gây căng tức bàng quang

Nên đi khám nếu thường xuyên bị căng tức bàng quang và đi tiểu nhiều lần. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang kẽ hoặc các vấn về về tiết niệu khác.

Người bệnh nên theo dõi và ghi lại thói quen uống nước cũng như các triệu chứng, gồm có thời điểm uống nước trong ngày, lượng nước, tần suất đi tiểu, lượng nước tiểu, thời điểm xuất hiện triệu chứng đau hoặc bàng quang căng tức,… sau đó mang bản ghi chép khi đi khám. Những thông tin này sẽ giúp ích cho việc chẩn đoán bệnh.

Khi đi khám, người bệnh sẽ được hỏi về bệnh sử, sau đó khám lâm sàng vùng chậu và làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra dấu hiệu nhiễm trùng.

Các phương pháp khác để chẩn đoán nguyên nhân gây ra các triệu chứng gồm có:

  • Nội soi bàng quang: đưa một ống nội soi vào niệu đạo để quan sát bên trong bàng quang. Người bệnh sẽ được gây tê trước nên sẽ không cảm thấy đau đớn trong quá trình nội soi.
  • Sinh thiết: được thực hiện trong khi nội soi bàng quang. Người bệnh sẽ được gây mê. Sau đó, bác sĩ lấy mẫu mô từ bàng quang và niệu đạo. Mẫu mô được kiểm tra để tìm dấu hiệu ung thư bàng quang hoặc các nguyên nhân gây đau khác.
  • Tế bào học nước tiểu: xét nghiệm nước tiểu này giúp phát hiện tế bào ung thư.
  • Test độ nhạy cảm với kali: bơm nước và kali clorua vào bàng quang, sau đó người bệnh đánh giá mức độ đau và cảm giác buồn tiểu trên thang điểm từ 0 đến 5. Ở những người có bàng quang bình thường, bàng quang sẽ không có sự khác biệt khi bơm nước và khi bơm kali clorua. Nếu bàng quang nhạy cảm hơn với kali clorua thì đó có thể là dấu hiệu của viêm bàng quang kẽ.

Điều trị bàng quang căng tức

Có nhiều phương pháp điều trị tình trạng bàng quang căng tức.

Phương pháp điều trị bước đầu

Vật lý trị liệu: giúp giảm tình trạng căng cơ và mô liên kết ở sàn chậu, nhờ đó cảm giác căng tức bàng quang.

Thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen hoặc acetaminophen.

Thuốc kê đơn: bác sĩ có thể kê thuốc chống trầm cảm ba vòng để làm giãn cơ bàng quang hoặc thuốc kháng histamin để giảm tình trạng tiểu gấp.

Phương pháp điều trị cho những trường hợp nặng hơn

Kích thích điện thần kinh, gồm có kích thích điện thần kinh qua da (TENS) và kích thích điện thần kinh cùng. Phương pháp điều trị này có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề khác nhau, từ đau đớn cho đến tiểu gấp và tiểu nhiều lần.

Bơm căng bàng quang: bơm nước để làm căng phồng bàng quang. Tương tự, một số người cho biết họ nhận thấy các triệu chứng cải thiện sau khi nội soi bàng quang, trong đó bàng quang cũng được bơm nước.

Đưa thuốc trực tiếp vào bàng quang: thuốc này được đưa trực tiếp vào bàng quang qua một ống thông đặt vào niệu đạo. Thuốc thường được giữ trong bàng quang trong khoảng 15 phút. Người bệnh thường phải điều trị hàng tuần trong 6 đến 8 tuần.

Phương pháp điều trị thay thế

Châm cứu và liệu pháp mường tượng có định hướng (guided imagery) là những phương pháp điều trị thay thế đầy hứa hẹn. Mặc dù được thử nghiệm đủ để chứng minh hiệu quả thực sự và coi là phương pháp điều trị chính thức nhưng trên thực tế, các phương pháp này đã cho kết quả tích cực trong nhiều trường hợp.

Viêm bàng quang kẽ có chữa khỏi được không?

Không có cách nào có thể chữa khỏi viêm bàng quang kẽ nhưng thuốc và các phương pháp điều trị khác có thể giúp kiểm soát triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Nếu tình trạng đau, căng tức bàng quang và tiểu gấp gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày và tinh thần thì hãy đi khám.

Điều quan trọng là phải loại trừ nhiễm trùng vì nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm cho các triệu chứng viêm bàng quang kẽ trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu không điều trị, viêm bàng quang kẽ có thể dẫn đến các biến chứng:

  • Thành bàng quang cứng lại và dẫn đến giảm dung tích bàng quang, có nghĩa là bàng quang sẽ ngày càng chứa được ít nước tiểu hơn.
  • Đau đi tiểu ngày càng nặng
  • Đau vùng chậu, ảnh hưởng đến đời sống tình dục và các hoạt động hàng ngày.
  • Giấc ngủ bị gián đoạn do đau, khó chịu và đi tiểu nhiều lần, dẫn đến thiếu ngủ, mệt mỏi và các vấn đề về tinh thần.

Thay đổi lối sống

Đôi khi, thay đổi thói quen lối sống có thể giúp kiểm soát các triệu chứng, ví dụ như tránh những thực phẩm và đồ uống gây kích thích bàng quang.

Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể gây kích thích bàng quang:

  • Chất làm ngọt nhân tạo
  • Thực phẩm muối chua
  • Cà chua
  • Rượu bia
  • Đồ ăn cay
  • Thực phẩm chứa nhiều vitamin C
  • Đồ uống có ga
  • Caffeine
  • Trái cây họ cam quýt

Tác nhân gây kích thích bàng qunag ở mỗi người là không giống nhau. Người bệnh nên ghi nhật ký thực phẩm để xác định tác nhân gây ra các triệu chứng và từ đó biết cách phòng tránh. Cụ thể, hãy ghi lại những gì người bệnh ăn cũng như số lượng ăn trong suốt cả ngày và các triệu chứng gặp phải sau đó.

Các bước khác có thể giúp ích gồm có:

  • Rèn luyện bàng quang bằng cách đi tiểu vào thời điểm định trước: Đi vệ sinh vào những thời điểm định trước trong ngày sẽ giúp rèn bàng quang chứa được nhiều nước tiểu hơn và từ đó tăng khoảng cách giữa các lần đi tiểu. Người bệnh cũng có thể thực hiện các biện pháp giúp kiểm soát tình trạng tiểu gấp, chẳng hạn như các bài tập thở hoặc chuyển sang làm việc khác để ngừng nghĩ đến cảm giác buồn tiểu.
  • Mặc quần áo rộng rãi: Thắt lưng và quần chật có thể gây áp lực lên bụng và làm tăng các triệu chứng.
  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang và có thể làm tăng các triệu chứng.
  • Tập thể dục đều đặn: Các bài tập giãn cơ có thể giúp giảm các triệu chứng viêm bàng quang kẽ.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *