Bàng quang tăng hoạt có xảy ra khi còn trẻ không?

Bàng quang tăng hoạt gây buồn tiểu đột ngột và có thể dẫn đến rò rỉ nước tiểu. Tình trạng này phổ biến nhất ở người lớn tuổi, đặc biệt là phụ nữ lớn tuổi nhưng đôi khi xảy ra ở cả những người trẻ tuổi.

Bàng quang tăng hoạt có xảy ra khi còn trẻ không?
Bàng quang tăng hoạt có xảy ra khi còn trẻ không?

Bàng quang tăng hoạt là gì?

Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder) là một loại tiểu không tự chủ (són tiểu). Một triệu chứng điển hình của bàng quang tăng hoạt là tiểu gấp – tình trạng đột ngột buồn tiểu không thể kiểm soát. Điều này có thể dẫn đến rò rỉ nước tiểu. Bàng quang tăng hoạt còn được gọi là són tiểu cấp kỳ.

Bàng quang tăng hoạt là một vấn đề phổ biến, đặc biệt là ở phụ nữ và người ở độ tuổi trung niên trở lên. Tuy nhiên, tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, kể cả ở trẻ em và thanh niên.

Bàng quang tăng hoạt có phổ biến ở người trẻ tuổi không?

Bàng quang tăng hoạt có thể xảy ra ngay ở độ tuổi 20 nhưng điều này không phổ biến.

Một nghiên cứu vào năm 2015 cho thấy trong số gần 2.000 phụ nữ ở độ tuổi trung bình 21, chỉ có 12,4% mắc chứng tiểu không tự chủ. Trong số này có 3,4% mắc chứng són tiểu cấp kỳ (bàng quang tăng hoạt) và 1,9% bị nhiều dạng tiểu không tự chủ cùng lúc. (1)

Một nghiên cứu khác từ năm 2016 cho thấy chỉ có khoảng 5% nam giới ở độ tuổi 30 và 40 mắc chứng tiểu không tự chủ. (2)

Hội chứng bàng quang tăng hoạt đặc biệt phổ biến ở phụ nữ lớn tuổi do cơ sàn chậu – các cơ kiểm soát việc đi tiểu trở nên suy yếu theo thời gian. Các yếu tố góp phần làm suy yếu các cơ này gồm có mang thai, sinh con và mãn kinh.

Nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt ở người trẻ tuổi

Mặc dù ít gặp hơn nhưng bàng quang tăng hoạt có thể xảy ra ở cả những người trẻ tuổi. Một số nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt ở độ tuổi này gồm có:

  • Cơ bàng quang suy yếu, có thể do thừa cân
  • Tổn thương dây thần kinh kiểm soát việc đi tiểu, có thể là do các bệnh lý như tiểu đường, đột quỵ và bệnh đa xơ cứng
  • Táo bón mãn tính
  • Di truyền
  • Phẫu thuật làm tổn thương cơ sàn chậu
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu do phì đại tuyến tiền liệt ở nam giới, nhưng tình trạng này phổ biến hơn ở người lớn tuổi

Những nam giới có triệu chứng bàng quang tăng hoạt nên đi khám tuyến tiền liệt để kiểm tra xem tuyến tiền liệt có phì đại và gây tắc nghẽn đường tiết niệu hay không.

Triệu chứng bàng quang tăng hoạt

Người bị bàng quang tăng hoạt sẽ gặp ít nhất hai trong số những triệu chứng sau đây:

  • Đi tiểu nhiều lần (từ 8 lần trở lên vào ban ngày và từ 2 lần trở lên vào ban đêm)
  • Đột ngột buồn tiểu
  • Rò rỉ nước tiểu khi buồn tiểu và chưa kịp vào nhà vệ sinh

Rò rỉ nước tiểu còn có thể xảy ra trong khi ngủ, ho, hắt xì, cười lớn hoặc tập thể dục. Tốt nhất nên đi khám nếu đi tiểu nhiều hơn bình thường hoặc thường xuyên cảm thấy buồn tiểu gấp không thể kiểm soát.

Chẩn đoán bàng quang tăng hoạt

Các phương pháp chẩn đoán bàng quang tăng hoạt:

  • Xét nghiệm nước tiểu để tìm các vấn đề về thận hoặc nhiễm trùng bàng quang
  • Siêu âm để phát hiện những bất thường ở thận và bàng quang
  • Nội soi bàng quang để tìm tổn thương ở bàng quang và niệu đạo
  • Xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng thận

Nếu có các triệu chứng nghi là bàng quang tăng hoạt, hãy đi khám để loại trừ các bệnh lý khác. Một số bệnh lý có triệu chứng tương tự bàng quang tăng hoạt gồm có nhiễm trùng đường tiết niệu và phì đại tuyến tiền liệt.

Dù có triệu chứng giống nhau nhưng các bệnh lý này cần điều trị theo cách khác nhau.

Điều trị bàng quang tăng hoạt

Một phương pháp để điều trị bàng quang tăng hoạt là dùng thuốc giúp kiểm soát hoặc làm giãn cơ bàng quang. Các loại thuốc này gồm có:

  • Thuốc đồng vận beta-3
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng
  • Thuốc kháng cholinergic
  • Tiêm botulinum toxin A (Botox)

Kích thích điện dây thần kinh cũng là một giải pháp điều trị bàng quang tăng hoạt. Phương pháp này kích thích và điều chỉnh phản xạ của cơ bàng quang. Nếu các phương pháp điều trị này đều không hiệu quả và các triệu chứng bàng quang tăng hoạt ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày thì người bệnh có thể cần phải phẫu thuật.

Người bệnh cũng có thể kiểm soát các triệu chứng bàng quang tăng hoạt bằng các biện pháp khắc phục tại nhà như:

  • Bài tập tăng cường cơ sàn chậu: Hãy thử bài tập Kegel để tăng cường cơ sàn chậu và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang.
  • Duy trì cân nặng vừa phải: Thừa cân sẽ làm tăng áp lực lên bàng quang. Đối với những người thừa cân, giảm cân có thể giúp giải quyết tình trạng bàng quang tăng hoạt.
  • Ghi nhật ký đi tiểu: Ghi lại thời điểm đi tiểu, lượng nước tiểu và những lúc bị rò rỉ nước tiểu. Ghi nhật ký sẽ giúp người bệnh xác định được điều gì giúp làm giảm và làm tăng các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
  • Hạn chế đồ uống có cồn và caffeine: Tránh hoặc hạn chế những loại đồ uống này có thể giúp triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
  • Đi vệ sinh vào những thời điểm định sẵn, cách đều nhau trong ngày: Ban đầu, các lần đi tiểu có thể chỉ cách nhau một khoảng thời gian ngắn nhưng sau đó hãy từ từ tăng dần khoảng cách cho đến khi mỗi lần đi cách nhau 3 – 4 tiếng.
  • Bỏ thuốc lá nếu hút: Hút thuốc có thể làm cho tình trạng bàng quang tăng hoạt trở nên nghiêm trọng hơn.

Có cần giảm lượng nước uống không?

Nhiều người cho rằng bị bàng quang tăng hoạt nên uống ít nước để giảm buồn tiểu nhưng điều này là không đúng. Trên thực tế, không uống đủ nước sẽ khiến nước tiểu trở nên cô đặc và gây kích thích niêm mạc bàng quang.Điều này sẽ làm trầm trọng thêm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

Do đó, người bị bàng quang tăng hoạt vẫn phải uống đủ nước hàng ngày để tránh bị mất nước. Nếu nước tiểu có màu vàng nhạt thì có nghĩa là đang uống đủ nước, còn nếu nước tiểu sẫm màu thì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang bị thiếu nước.

Cần tránh những loại đồ uống nào?

Có một số loại đồ uống mà người bị bàng quang tăng hoạt nên tránh. Thứ nhất là đồ uống có cồn. Cồn có thể gây kích thích bàng quang và dẫn đến đi tiểu nhiều hơn.

Caffeine cũng làm tăng tần suất đi tiểu và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bàng quang tăng hoạt. Do đó, người bị bàng quang tăng hoạt nên hạn chế hoặc tránh các loại đồ uống chứa caffeine như cà phê, trà, nước tăng lực và nước ngọt có ga. Các loại đồ uống khác cần tránh còn có nước ép trái cây có tính axit nhưng nước cam, chanh và đồ uống có chất làm ngọt nhân tạo.

Bàng quang tăng hoạt có tự khỏi không?

Hội chứng bàng quang tăng hoạt sẽ không tự khỏi. Tuy nhiên, người bệnh có thể kiểm soát các triệu chứng bằng các phương pháp điều trị như dùng thuốc và thay đổi lối sống.

Nếu cần điều trị bằng thuốc, người bệnh thường sẽ phải dùng thuốc trong khoảng 6 tháng đến 1 năm hoặc cũng có thể lâu hơn, tùy tình trạng. Có thể phải sau một tháng điều trị thì các triệu chứng bàng quang tăng hoạt mới cải thiện rõ rệt nhưng điều này còn tùy thuộc vào phương pháp điều trị.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù không phổ biến những bàng quang tăng hoạt có thể xảy ra ở người trẻ tuổi. Một số nguyên nhân gồm có cơ bàng quang suy yếu, tổn thương dây thần kinh, táo bón mãn tính, di truyền, phẫu thuật vùng chậu và tắc nghẽn đường tiết niệu. Đừng e ngại mà hãy đi khám ngay khi có cac triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Rất có thể các triệu chứng là do một bệnh lý tiềm ẩn cần phải điều trị. Các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc, kích thích điện và phẫu thuật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *