Bàng quang tăng hoạt ở nam giới: Nguyên nhân và cách điều trị

Bàng quang tăng hoạt (OAB) là một vấn đề rất phổ biến. Các triệu chứng điển hình gồm có đi tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp và tiểu không tự chủ (són tiểu). Mặc dù phổ biến hơn ở phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị bàng quang tăng hoạt.

Bàng quang tăng hoạt ở nam giới: Nguyên nhân và cách điều trị
Bàng quang tăng hoạt ở nam giới: Nguyên nhân và cách điều trị

Ước tính tỷ lệ nam giới bị bàng quang tăng hoạt trên thế giới là khoảng 10%. (1) Con số thực tế rất có thể còn cao hơn thế do nhiều người không đi khám. Nếu nghi ngờ mình bị bàng quang tăng hoạt thì nên đi khám. Các triệu chứng bàng quang tăng hoạt gây gián đoạn các hoạt động trong ngày và giấc ngủ vào ban đêm. Có nhiều phương pháp điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng.

Triệu chứng bàng quang tăng hoạt

Các triệu chứng điển hình của hội chứng bàng quang tăng hoạt là tiểu gấp (buồn tiểu đột ngột, dữ dội), đi tiểu nhiều lần (từ 8 lần trở lên một ngày) và tiểu đêm (đi tiểu từ 2 lần trở lên vào ban đêm). Đôi khi, cảm giác buồn tiểu dữ dội đến mức không thể kìm được và dẫn đến rò rỉ nước tiểu. Tình tạng này gọi là tiểu không tự chủ.

Tiểu không tự chủ do bàng quang tăng hoạt khác với tiểu không tự chủ do tăng áp lực – tình trạng nước tiểu rò rỉ khi cười, ho hoặc vận động mạnh.

Người bị bàng quang tăng hoạt có thể gặp phải một hoặc tất cả các triệu chứng kể trên.

Bàng quang tăng hoạt và phì đại tuyến tiền liệt

Ở nam giới, một nguyên nhân phổ biến gây bàng quang tăng hoạt là phì đại tuyến tiền liệt. Vì kích thước tuyến tiền liệt tăng theo thời gian nên phì đại tuyến tiền liệt là một vấn đề thường gặp ở nam giới lớn tuổi. Tuyến tiền liệt phì đại chèn ép lên bàng quang và niệu đạo, gây ra các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

Theo một thống kê, khoảng 50% nam giới trong độ tuổi từ 51 đến 60 bị phì đại tuyến tiền liệt, tỷ lệ này tăng lên 70% ở nam giới từ 60 đến 69 tuổi, khoảng 80% ở nam giới trên 70 tuổi và có đến 90% nam giới ở tuổi 85 bị phì đại tuyến tiền liệt. (2)

Các nguyên nhân khác gây bàng quang tăng hoạt ở nam giới

Mặc dù phì đại tuyến tiền liệt là nguyên nhân chính gây bàng quang tăng hoạt ở nam giới nhưng ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác. Nhiễm trùng bàng quang, sỏi bàng quang hoặc ung thư bàng quang cũng có thể gây bàng quang tăng hoạt. Các vấn đề về thần kinh, chẳng hạn như đột quỵ hoặc bệnh Parkinson cũng có thể dẫn đến bàng quang tăng hoạt do tổn thương thần kinh gây xáo trộn sự truyền tín hiệu từ não đến bàng quang.

Bàng quang tăng hoạt cũng có thể xảy ra do các nguyên nhân tạm thời. Ví dụ, uống nhiều nước, đặc biệt là những loại đồ uống chứa caffeine hoặc cồn, dùng thuốc lợi tiểu, táo bón đều có thể làm tăng tần suất đi tiểu.

Chẩn đoán bàng quang tăng hoạt

Nên đi khám khi có các triệu chứng bàng quang tăng hoạt để xác định nguyên nhân gây ra vấn đề. Trước tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng. Sau đó người bệnh cần làm xét nghiệm nước tiểu để xem có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc sỏi hay không. Ngoài ra cần thực hiện một số phương pháp đánh giá chức năng tiết niệu như đo lượng nước tiểu tồn dư (lượng nước tiểu còn lại trong bàng quang sau khi đi tiểu), niệu dòng đồ và đo áp lực bàng quang. Dựa trên kết quả các xét nghiệm này , bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán và phương pháp điều trị thích hợp.

Điều trị bàng quang tăng hoạt

Thay đổi lối sống

Bước đầu tiên để điều trị bàng quang tăng hoạt là thay đổi lối sống. Ví dụ, người bệnh nên:

  • Ghi lại thói quen tiểu tiện (gồm tần suất đi tiểu, lượng nước tiểu, những lần bị tiểu gấp, tiểu không tự chủ…)
  • Đi tiểu theo giờ, mỗi lần cách đều nhau thay vì đi khi cảm thấy buồn tiểu
  • Sử dụng miếng lót thấm hút nước tiểu để ngăn nước tiểu rò rỉ ra ngoài quần
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống, tránh các loại thực phẩm, đồ uống gây kích thích bàng quang như trà, cà phê, rượu bia, đồ uống có ga, đồ ăn cay, thực phẩm có tính axit…
  • Không uống nước gần giờ đi ngủ
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh

Người bệnh có thể thử phương pháp rèn luyện bàng quang: cố gắng nhịn tiểu càng lâu càng tốt khi buồn tiểu và tăng dần thời gian nhịn tiểu theo thời gian để tăng khả năng giữ nước tiểu của bàng quang và giảm tần suất đi tiểu trong ngày.

Thuốc

Nếu đã thực hiện các thay đổi lối sống kê trên mà vẫn không kiểm soát được các triệu chứng bàng quang tăng hoạt thì sẽ phải dùng thuốc. Loại thuốc cần dùng tùy thuộc vào nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt. Nếu bàng quang tăng hoạt là do phì đại tuyến tiền liệt thì bác sĩ sẽ kê thuốc chẹn alpha để làm giãn cơ bàng quang và tuyến tiền liệt. Hoặc người bệnh sẽ được kê thuốc làm giảm co thắt cơ bàng quang. Những loại thuốc này giúp giảm tần suất buồn tiểu, triệu chứng tiểu gấp và tiểu không tự chủ.

Kích thích điện thần kinh

Bàng quang tăng hoạt có thể xảy ra do trục trặc trong quá trình trao đổi tín hiệu thần kinh giữa não và bàng quang. Phương pháp kích thích điện thần kinh có thể giúp khắc phục điều này. Có hai loại kích thích điện thần kinh để điều trị bàng quang tăng hoạt là kích thích điện thần kinh cùng và kích thích điện thần kinh chày qua da.

Trong phương pháp kích thích điện thần kinh cùng, bác sĩ sẽ cấy một thiết bị nhỏ ở dưới da gần xương cụt của người bệnh. Thiết bị này sẽ truyền xung điện đến các dây thần kinh kiểm soát hoạt động của bàng quang. Giống như máy tạo nhịp tim, những xung điện này sẽ kiểm soát các cơn co thắt cơ bàng quang. Thiết bị có thể được tháo bỏ dễ dàng nhưng các triệu chứng sẽ quay trở lại sau khi tháo thiết bị.

Trong phương pháp kích thích điện thần kinh chày qua da, một thiết bị chạy bằng pin được đặt ở chân của người bệnh thay vì được cấy dưới da. Thiết bị sẽ truyền xung điện qua da đến các dây thần kinh để điều chỉnh sự co thắt bàng quang.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp bàng quang tăng hoạt nghiêm trọng và không thể kiểm soát bằng các phương pháp điều trị khác, người bệnh có thể phải phẫu thuật. Nếu bàng quang tăng hoạt là do phì đại tuyến tiền liệt thì sẽ phải cắt bỏ một phần tuyến tiền liệt. Các loại phẫu thuật khác để điều trị bàng quang gồm có phẫu thuật mở rộng bàng quang (giúp bàng quang chứa được nhiều nước tiểu hơn) và chuyển lưu nước tiểu qua da (dẫn nước tiều từ thận ra ngoài cơ thể qua một lỗ mở ở thành bụng, bỏ qua bàng quang và niệu đạo).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *