Cà phê giúp giảm viêm hay gây viêm?

Cà phê là một trong những loại đồ uống được tiêu thụ nhiều nhất trên thế giới. Cà phê chứa một lượng lớn các hợp chất có lợi cho sức khỏe và giúp ngăn ngừa một số bệnh. Cà phê còn được cho là giúp giảm phản ứng viêm trong cơ thể và nhờ đó giảm nguy cơ mắc nhiều bệnh tật. Vậy chính xác thì cà phê có tác động như thế nào đến phản ứng viêm?

Cà phê giúp giảm viêm hay gây viêm?
Cà phê giúp giảm viêm hay gây viêm?

Các hợp chất hoạt tính trong cà phê

Cà phê thông thường chứa một hỗn hợp phức tạp các hợp chất hoạt tính, gồm có caffeine, axit chlorogenic (CGA), cafestol, trigonelline và kahweol. Cà phê khử caffeine (decaf coffee) cũng chứa các hợp chất này nhưng hàm lượng ít hơn và gần như không có caffeine.

Nghiên cứu cho thấy rằng các hợp chất trong cà phê có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh nên rất có thể có lợi cho sức khỏe. (1)

Do đó, thường xuyên uống cà phê – dù là cà phê thông thường hay cà phê khử caffeine – sẽ giúp làm giảm nguy cơ bệnh tật, chẳng hạn như bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và thậm chí là cả một số bệnh ung thư. (2)

Tóm tắt: Cà phê chứa các hợp chất hoạt tính có đặc tính chống oxy hóa và chống viêm giúp giảm phản ứng viêm mức độ thấp và ngăn ngừa một số bệnh tật.

Tác động của cà phê đến phản ứng viêm

Các nghiên cứu cho thấy cà phê có thể giúp giảm phản ứng viêm trong cơ thể.

Trong một nghiên cứu, những người uống cà phê thường xuyên có nồng độ chất chỉ điểm phản ứng viêm thấp hơn so với những người không uống cà phê hoặc ít khi uống.

Trong một nghiên cứu khác ở những người uống nhiều cà phê, việc giảm lượng cà phê tiêu thụ trong vòng 1 tháng đã làm tăng 6% nồng độ chất chỉ điểm phản ứng viêm.

Sau đó, khi uống 0.9 hoặc 1.9 lít cà phê mỗi ngày trong cùng một khoảng thời gian thì nồng độ chất chỉ điểm phản ứng viêm đã giảm 8 – 16%.

Một bản đánh giá tổng hợp 15 nghiên cứu khác nhau về tác động của cà phê, caffeine và các thành phần khác trong cà phê đến chất chỉ điểm phản ứng viêm đã cho thấy rằng uống cà phê, dù nhiều hay ít cũng đều có tác dụng chống viêm. (3)

Tuy nhiên, một số bằng chứng lại cho thấy cà phê có thể làm tăng phản ứng viêm ở một số người. Do đó, tác động của cà phê đến phản ứng viêm trong cơ thể phần nào phụ thuộc vào sự khác biệt về gen di truyền và một số yếu tố khác.

Phản ứng viêm là nguyên nhân gây nên nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, gồm có nhiễm trùng, mệt mỏi, đau nhức và các vấn đề về tiêu hóa. Nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào trong số này khi uống cà phê thì nên giảm bớt lượng tiêu thụ và theo dõi xem tình trạng có cải thiện hay không.

Tóm tắt: Cà phê có thể giúp giảm viêm. Tuy nhiên, loại đồ uống này lại có thể gây tăng viêm ở một số người do gen di truyền và một vài yếu tố khác. Nếu điều này xảy ra thì nên giảm bớt lượng cà phê tiêu thụ.

Cà phê khử caffeine có tác dụng giảm viêm không?

Hiện chưa có nhiều nghiên cứu so sánh tác động của cà phê có chứa caffeine và cà phê khử caffeine đến phản ứng viêm.

Tuy nhiên, một bản đánh giá đã cho thấy rằng mặc dù cà phê giúp giảm viêm nhưng các loại thực phẩm chức năng bổ sung caffeine lại không mang lại lợi ích này. (4)

Như vậy có nghĩa là các hợp chất khác trong cà phê mới là thành phần tạo nên đặc tính chống viêm chứ không phải caffeine.

So với cà phê thông thường thì cà phê khử caffeine chỉ khác ở chỗ là chứa lượng caffeine thấp hơn chứ vẫn có các hợp chất có lợi khác.

Do đó, cà phê khử caffeine cũng mang lại lợi ích giảm viêm tương tự như cà phê thông thường.

Tóm tắt: Cà phê khử caffeine cũng có tác dụng chống viêm tương tự như cà phê thông thường.

Tóm tắt bài viết

Cà phê là một loại đồ uống giàu chất chống oxy hóa và các hợp chất có lợi khác.

Nghiên cứu cho thấy rằng uống cà phê, dù chỉ uống một lượng nhỏ cũng giúp giảm phản ứng viêm và từ đó làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh, ví dụ như bệnh tiểu đường tuýp 2, bệnh tim mạch và thậm chí là cả một số bệnh ung thư.

Tuy nhiên, cà phê có thể làm tăng phản ứng viêm ở một số người. Nếu nhận thấy những vấn đề bất thường khi uống cà phê thì nên giảm bớt và theo dõi xem các triệu chứng có cải thiện hay không.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *