Các phương pháp điều trị hạ đường huyết

Nếu không được điều trị, hạ đường huyết sẽ trở nên nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, người bệnh cần nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo và chuẩn bị sẵn các biện pháp điều trị cho cả hạ đường huyết nhẹ và hạ đường huyết nghiêm trọng.

Các phương pháp điều trị hạ đường huyết
Các phương pháp điều trị hạ đường huyết

Hạ đường huyết là gì?

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu quá thấp (70 mg/dL trở xuống). Vấn đề này có thể xảy ra với cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2 nhưng phổ biến hơn ở những người bị tiểu đường type 1.

Nếu không được điều trị kịp thời, hạ đường huyết có thể gây co giật và bất tỉnh. Trong trường hợp nghiêm trọng, hạ đường huyết thậm chí còn có thể gây tử vong. Đó là lý do tại sao mỗi người cần phải nhận biết các dấu hiệu và biết cách xử trí hạ đường huyết.

Dấu hiệu và triệu chứng hạ đường huyết

Các triệu chứng của hạ đường huyết ở mỗi người là khác nhau. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường type 1, nhận biết được các dấu hiệu và triệu chứng hạ đường huyết của bản thân là điều rất quan trọng.

Một số dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của hạ đường huyết gồm có:

  • Run tay
  • Đổ mồ hôi hoặc ớn lạnh
  • Cảm giác hồi hộp, bồn chồn
  • Cáu gắt, khó chịu
  • Mơ thấy ác mộng (hạ đường huyết xảy ra khi ngủ vào ban đêm)
  • Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
  • Da nhợt nhạt
  • Tim đập nhanh
  • Chóng mặt
  • Buồn ngủ
  • Mệt mỏi, uể oải
  • Đói
  • Buồn nôn
  • Mờ mắt
  • Châm chích quanh miệng
  • Đau đầu
  • Khả năng phối hợp động tác kém
  • Giảm tập trung
  • Nói năng không rõ

Hạ đường huyết nghiêm trọng có thể gây co giật và bất tỉnh.

Nếu nghi ngờ bản thân bị hạ đường huyết, hãy đo đường huyết ngay. Nếu kết quả đo ở mức 70 mg/dL hoặc thấp hơn thì sẽ cần có biện pháp can thiệp để đưa lượng đường trong máu về lại mức bình thường. Nếu như không có máy đo đường huyết thì hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Nếu như các triệu chứng vẫn không đỡ sau khi điều trị thì cũng cần đến bệnh viện.

Trong trường hợp người bệnh bị bất tỉnh do hạ đường huyết và không có glucagon thì người xung quanh phải gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện ngay lập tức.

Điều trị hạ đường huyết nhẹ bằng carb tác dụng nhanh

Cách xử trí khi bị hạ đường huyết nhẹ là ăn hoặc uống 15 gram carbohydrate tác dụng nhanh, chẳng hạn như:

  • Viên nén glucose hoặc gel glucose
  • 1/2 cốc nước ép trái cây hoặc nước ngọt có ga loại thường (có đường)
  • 1 thìa canh mật ong, siro ngô hoặc nước đường
  • Bánh hoặc kẹo ngọt

Sau khoảng 15 phút, đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn thấp thì tiếp tục ăn thêm 15 gram carb tác dụng nhanh. Lặp lại các bước này cho đến khi đường huyết trở lại mức bình thường.

Trong thời gian chờ đường huyết trở lại bình thường, hãy tránh các loại thực phẩm có chứa chất béo, chẳng hạn như sô cô la vì những loại thực phẩm này mất nhiều thời gian tiêu hóa hơn.

Khi đường huyết trở lại bình thường, hãy ăn những món chứa carbohydrate và protein để giữ ổn định lượng đường trong máu, ví dụ như ăn bánh quy kèm phô mai, sữa hoặc nửa chiếc bánh sandwich.

Trẻ nhỏ bị hạ đường huyết thường không cần tiêu thụ đến 15 gram carb. Những bố mẹ có con bị tiểu đường type 1 nên hỏi bác sĩ xem trẻ cần bao nhiêu gram carb để điều chỉnh lượng đường trong máu.

Điều trị hạ đường huyết nghiêm trọng bằng glucagon

Khi bị hạ đường huyết nghiêm trọng, người bệnh có thể sẽ không còn đủ tỉnh táo để ăn uống hoặc bị co giật, bất tỉnh.

Trong những trường hợp này, người bệnh cần được điều trị bằng glucagon. Đây là một loại hormone báo cho gan giải phóng lượng glucose dự trữ để làm tăng lượng đường trong máu.

Người bệnh luôn phải chuẩn bị sẵn glucagon để có thể sử dụng ngay trong trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng. Glucagon có dạng tiêm và dạng bột đưa qua đường mũi. Cần cho người thân trong nhà, bạn bè và đồng nghiệp biết nơi để glucagon, thời điểm và cách sử dụng.

Glucagon dạng tiêm

Glucagon dạng tiêm được bán theo set gồm một lọ glucagon dạng bột và một bơm kim tiêm có chứa sẵn dung dịch vô trùng. Bột glucagon sẽ được trộn với dung dịch vô trùng trước khi tiêm. Dung dịch glucagon có thể được tiêm vào bắp tay, đùi hoặc mông.

Dung dịch glucagon không ổn định ở nhiệt độ phòng. Sau một thời gian, dung dịch sẽ đặc lại thành dạng gel. Do đó, không nên trộn sẵn glucagon.

Glucagon có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn nôn, nôn hoặc nhức đầu.

Glucagon dạng bột xịt mũi

Ngoài glucagon dạng tiêm, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) mới đây còn phê duyệt một loại glucagon dạng bột xịt mũi để điều trị hạ đường huyết.

Loại glucagon này có thể sử dụng ngay mà không cần pha trộn giống như glucagon dạng tiêm. Bột glucagon được đưa trực tiếp vào một bên lỗ mũi và có hiệu quả trong cả những trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng gây bất tỉnh.

Glucagon dạng bột xịt mũi cũng có các tác dụng phụ tương tự như glucagon dạng tiêm. Ngoài ra, dạng glucagon này còn có thể gây kích ứng đường hô hấp, chảy nước mắt và ngứa.

Insulin và hạ đường huyết

Khi bị hạ đường huyết, người bệnh cần ngừng sử dụng insulin hoặc các loại thuốc làm giảm đường trong máu khác.

Những loại thuốc này sẽ khiến cho lượng đường trong máu càng giảm xuống mức thấp và dẫn đến hạ đường huyết nghiêm trọng.

Phải đưa lượng đường trong máu trở lại mức bình thường trước khi sử dụng lại các loại thuốc điều trị tiểu đường.

Tóm tắt bài viết

Nếu không được điều trị, hạ đường huyết sẽ trở nên nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, người bệnh cần nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo và chuẩn bị sẵn các biện pháp điều trị cho cả hạ đường huyết nhẹ và hạ đường huyết nghiêm trọng.

Trong trường hợp hạ đường huyết nhẹ, ăn hoặc uống carbohydrate tác dụng nhanh sẽ giúp làm tăng lượng đường trong máu. Nhưng nếu cách này không hiệu quả hoặc người bệnh bị co giật, bất tỉnh do hạ đường huyết thì sẽ cần đến glucagon.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *