Cách kiểm soát 7 tác nhân kích hoạt bàng quang tăng hoạt

Nhiều tác nhân có thể kích hoạt các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, gồm có chế độ ăn uống, táo bón, hút thuốc lá, rượu bia và một số loại thuốc.

Cách kiểm soát 7 tác nhân kích hoạt bàng quang tăng hoạt
Cách kiểm soát 7 tác nhân kích hoạt bàng quang tăng hoạt

Ước tính có hàng trăm triệu người trên thế giới bị bàng quang tăng hoạt (overactive bladder – OAB). Mặc dù là một vấn đề rất phổ biến, đặc biệt là ở người cao tuổi nhưng bàng quang tăng hoạt không phải là một phần bình thường của quá trình lão hóa.

Bàng quang tăng hoạt xảy ra khi các cơ bàng quang co thắt không đúng thời điểm, gây ra tình trạng buồn tiểu liên tục và đột ngột buồn tiểu. Đôi khi, các cơn co thắt cơ bàng quang này còn dẫn đến són tiểu.

Có nhiều nguyên nhân gây bàng quang tăng hoạt, gồm có các bệnh lý về bàng quang như viêm bàng quang (cấp tính hoặc mạn tính), ung thư hoặc tiền ung thư, bệnh tiểu đường, uống quá nhiều nước, cơ sàn chậu suy yếu, tổn thương thần kinh cục bộ,…

Có một số yếu tố có thể kích hoạt các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Những yếu tố này khiến cho người bệnh gặp phải các triệu chứng thường xuyên hơn hoặc nghiêm trọng hơn.

Dưới đây là 7 tác nhân kích hoạt triệu chứng bàng quang tăng hoạt thường gặp và cách kiểm soát.

1. Uống quá nhiều nước

Uống nhiều nước sẽ làm tăng lượng nước tiểu và tần suất đi tiểu. Ở những người bị bàng quang tăng hoạt, uống nhiều nước sẽ làm tăng nặng các triệu chứng.

Uống đủ nước là điều cần thiết để có sức khỏe tốt nhưng uống quá nhiều nước – nhiều hơn mức cơ thể cần lại gây hại, đặc biệt là ở những người có vấn đề về tiết niệu như bàng quang tăng hoạt.

Một phân tích tổng hợp các nghiên cứu trong vòng 50 năm trở lại đây cho thấy uống quá nhiều nước gây ra các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt và giảm lượng nước uống là một cách an toàn và hiệu quả để giảm tần suất cũng như mức độ tiểu gấp.

Không có khuyến nghị cụ thể về lượng nước mà một người nên uống hàng ngày. Nhu cầu nước của mỗi người là khác nhau vì còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe, mức độ hoạt động thể chất và có đang mang thai hay không.

Không nhất thiết phải uống đủ 8 cốc nước mỗi ngày. Thay vào đó, nên điều chỉnh lượng nước uống dựa trên nhu cầu cá nhân. Ngoài ra, nước không chỉ đến từ đồ uống mà còn có trong các loại thực phẩm như trái cây và rau củ.

2. Táo bón

Bàng quang và ruột có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Các cơ quan này được kết nối bởi một mạng lưới dây thần kinh giao nhau. Do đó, những gì ảnh hưởng đến bàng quang cũng có thể ảnh hưởng đến ruột và ngược lại.

Táo bón gây ứ đọng phân trong ruột già và gây áp lực lên bàng quang, điều này làm tăng tần suất cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

Để ngăn ngừa táo bón, hãy ăn nhiều chất xơ, tăng cường hoạt động thể chất và uông đủ nước. Nếu táo bón là do uống quá ít nước, hãy điều chỉnh lượng nước uống hàng ngày.

3. Hút thuốc

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người hút thuốc lá, đặc biệt là phụ nữ trẻ, có nguy cơ gặp phải các vấn đề về tiết niệu như bàng quang tăng hoạt và tiểu không tự chủ cao hơn. (1)

Hút thuốc có thể gây cản trở sự lưu thông máu khắp cơ thể và lưu lượng máu giảm sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ bàng quang. Ho mạn tính do hút thuốc lá sẽ gây áp lực lên các cơ sàn chậu, khiến các cơ này khó kiểm soát hơn và trở nên suy yếu theo thời gian. Cơ sàn chậu suy yếu sẽ gây ra hoặc làm tăng nặng tình trạng bàng quang tăng hoạt.

Ở những người hút thuốc lá, bỏ thuốc sẽ giúp làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

4. Caffeine

Caffeine có đặc tính lợi tiểu, có nghĩa là làm tăng sản xuất nước tiểu. Caffeine còn có thể gây kích thích niêm mạc bàng quang, điều này gây co thắt cơ và dẫn đến các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

Một nghiên cứu vào năm 2011 cho thấy rằng uống caffeine với liều 4,5mg trên mỗi kg cân nặng làm tăng tần suất đi tiểu và mức độ tiểu gấp.

Tương tự, một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy những người lớn tuổi uống trên 300mg caffeine mỗi ngày có nguy cơ gặp phải các triệu chứng bàng quang tăng hoạt cao hơn so với những người uống dưới 300mg caffein mỗi ngày. (2)

Đối với những người thường xuyên uống đồ uống chứa caffeine như trà và cà phê, việc cắt giảm lượng caffeine có thể giúp giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.

5. Đồ uống có cồn

Giống như caffeine, cồn cũng khiến cơ thể tạo ra nhiều nước tiểu hơn. Cồn còn ảnh hưởng đến chức năng ruột và việc uống nhiều đồ uống có cồn có thể dẫn đến táo bón – một yếu tố làm tăng nặng tình trạng bàng quang tăng hoạt.

Những người bị bàng quang tăng hoạt nên hạn chế hoặc bỏ hẳn rượu bia.

6. Thực phẩm gây kích thích bàng quang

Một số loại thực phẩm và đồ uống có thể gây kích thích bàng quang, dẫn đến co thắt cơ không tự chủ và triệu chứng tiểu gấp. Ví dụ về các loại thực phẩm và đồ uống có thể gây ra điều này gồm có:

  • Đồ ăn cay
  • Trái cây họ cam quýt
  • Thực phẩm có tính axit cao hoặc chứa nhiều vitamin C
  • Cà chua và các sản phẩm từ cà chua
  • Hành tây
  • Các sản phẩm từ sữa
  • Đồ uống có ga
  • Đồ ăn, đồ uống chứa chất làm ngọt nhân tạo

Trên đây chỉ là một vài ví dụ, ngoài ra còn nhiều loại thực phẩm, đồ uống khác có thể gây ra các triệu chứng bàng quang. Phản ứng của cơ thể mỗi người với thực phẩm là khác nhau và không phải cứ bị bàng quang tăng hoạt là phải kiêng tất cả những đồ ăn, thức uống kể trên.

Nếu nghi ngờ chế độ ăn uống là yếu tố kích hoạt các triệu chứng bàng quang tăng hoạt nhưng không rõ cụ thể do loại thực phẩm nào thì hãy ghi nhật ký ăn uống và theo dõi các triệu chứng để xác định loại thực phẩm cần tránh.

7. Một số loại thuốc

Một số loại thuốc có thể kích hoạt các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Ví dụ, thuốc lợi tiểu (thường được sử dụng để điều trị cao huyết áp và phù nề) có thể làm tăng triệu chứng tiểu nhiều lần và tiểu gấp.

Các loại thuốc ảnh hưởng đến lưu thông máu hoặc sự truyền tín hiệu thần kinh cũng có thể gây ra các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Một số ví dụ gồm có:

  • Các loại thuốc điều trị cao huyết áp khác như thuốc chẹn beta, thuốc chẹn kênh canxi, thuốc chẹn alpha và estrogen đường uống.
  • Một số thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như venlafaxine, escitalopram và paroxetine
  • Thuốc lithium
  • Thuốc chống loạn thần

Nếu đang dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và nghi ngờ thuốc gây ra triệu chứng bàng quang tăng hoạt như tiểu gấp, đi tiểu nhiều lần hoặc tiểu không tự chủ thì hãy báo cho bác sĩ. Không nên tự ý ngừng thuốc. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng hoặc kê loại thuốc khác.

Cách xác định tác nhân kích hoạt triệu chứng

Trên đây là 7 yếu tố kích hoạt triệu chứng phổ biến nhất. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác và ảnh hưởng của các yếu tố này đến mỗi người là khác nhau. Một cách để xác định yếu tố kích hoạt triệu chứng là ghi nhật ký bàng quang, gồm có những thời điểm bị đi tiểu nhiều, tiểu gấp hoặc tiểu không tự chủ và những gì mà bạn ăn uống hoặc làm trước khi xảy ra triệu chứng. Một khi xác định được mối liên hệ giữa các thói quen hàng ngày và các triệu chứng, bạn sẽ biết được mình cần thay đổi những gì để kiểm soát bàng quang tăng hoạt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *