Có được uống rượu bia khi sử dụng metformin không?

Uống rượu bia có thể ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh tiểu đường và rủi ro sẽ còn lớn hơn nếu như uống rượu bia trong khi dùng metformin – một loại thuốc được dùng để kiểm soát lượng đường trong máu. Tại sao việc uống đồ uống có cồn lại có thể gây nguy hiểm khi dùng metformin và đồ uống có cồn ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường?

Có được uống rượu bia khi sử dụng metformin không?
Có được uống rượu bia khi sử dụng metformin không?

Tương tác giữa đồ uống có cồn và metformin

Cho dù dùng bất kỳ loại thuốc nào, bạn cũng nên biết về sự tương tác với các chất hay loại thuốc khác. Metformin và đồ uống có cồn có thể tương tác với nhau và gây ra tác động tiêu cực, mặc dù điều này hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra vấn đề không mong muốn sẽ tăng lên nếu thường xuyên uống quá nhiều rượu.

Có hai vấn đề chính có thể phát sinh do sự tương tác giữa đồ uống có cồn và metformin. Thứ nhất là hạ đường huyết hay lượng đường trong máu quá thấp và thứ hai là nhiễm toan axit lactic. Cả hai đều có thể đe dọa đến tính mạng.

Hạ đường huyết

Thường xuyên uống nhiều rượu bia trong khi dùng metformin có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống mức quá. Hạ đường huyết cũng là tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị tiểu đường type 2 khác, chẳng hạn như nhóm thuốc sulfonylurea.

Một số triệu chứng của hạ đường huyết cũng tương tự như các biểu hiện khi say rượu, gồm có:

  • Buồn ngủ
  • Chóng mặt
  • Mơ hồ, lú lẫn, không tỉnh táo
  • Mờ mắt
  • Đau đầu

Cách điều trị hạ đường huyết

Khi nhận thấy những triệu chứng kể trên, hãy ngừng uống rượu và ăn hoặc uống thứ gì đó có tác dụng làm tăng lượng đường trong máu nhanh chóng.

Người mắc bệnh tiểu đường nên mang theo vài viên nén glucose để có thể ăn khi cần tăng đường trong máu. Một số loại đồ ăn và đồ uống cũng có tác dụng tương tự gồm có kẹo cứng, nước trái cây, nước ngọt có đường, sữa không béo hoặc 1% béo. Sau khi ăn 15 phút, hãy đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn thấp thì tiếp tục ăn.

Nếu người bệnh có các triệu chứng hạ đường huyết nghiêm trọng, chẳng hạn như bất tỉnh hay co giật và không có bộ dụng cụ tiêm glucagon, người xung quanh cần gọi cấp cứu hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện gần nhất và cho nhân viên y tế biết về tình trạng của người bệnh.

Bộ dụng cụ tiêm glucagon gồm có glucagon (một chất giúp cân bằng lượng đường trong máu), bơm kim tiêm và hướng dẫn. Bộ dụng cụ này được sử dụng trong trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng khi đã ăn đồ chứa đường mà không có tác dụng hoặc người bệnh không thể ăn uống.

Những người đang dùng metformin cùng với các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, chẳng hạn như insulin nên chuẩn bị sẵn bộ dụng cụ tiêm glucagon để đề phòng trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng. Glucagon cũng cần thiết cho những người có tiền sử hạ đường huyết nghiêm trọng.

Nhiễm toan axit lactic

Nhiễm toan axit lactic rất hiếm khi xảy ra nhưng đây là một tác dụng phụ rất nghiêm trọng. Đây là tình trạng trong máu có quá nhiều axit lactic. Axit lactic là một chất hóa học được cơ thể tạo ra tự nhiên khi sử dụng năng lượng. Khi dùng metformin, cơ thể sẽ sản xuất nhiều axit lactic hơn bình thường.

Khi uống rượu bia, cơ thể sẽ không thể đào thải axit lactic một cách nhanh chóng. Uống quá nhiều rượu bia, đặc biệt là khi dùng metformin, có thể gây tích tụ axit lactic trong máu. Điều này có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho thận, phổi, tim và mạch máu.

Nếu tình trạng nhiễm toan axit lactic không được điều trị kịp thời, các cơ quan có thể ngừng hoạt động và dẫn đến tử vong. Các triệu chứng nhiễm toan axit lactic gồm có:

  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Chóng mặt
  • Lâng lâng
  • Đau cơ bất thường, chẳng hạn như đau đột ngột và dữ dội ở các cơ thường không bị chuột rút
  • Khó thở
  • Vấn đề về tiêu hóa, chẳng hạn như cảm giác buồn nôn hay đau bụng
  • Cảm giác ớn lạnh
  • Tim đập nhanh

Nhiễm toan axit lactic cần được điều trị khẩn cấp. Nếu bạn đang uống metformin và nhận thấy những triệu chứng này, hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa ngay đến bệnh viện gần nhất.

Metformin là gì?

Metformin là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Những người mắc bệnh tiểu đường type 2 có vấn đề về khả năng sản xuất hoặc sử dụng insulin. Insulin là loại hormone giúp cơ thể kiểm soát lượng đường trong máu. Ở người bị tiểu đường type 2, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không sử dụng hiệu quả insulin hoặc cả hai.

Khi bị thiếu insulin hoặc các tế bào cơ thể phản ứng kém với lượng insulin được tạo ra, lượng đường trong máu sẽ tăng cao.

Metformin giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách giải quyết cả hai vấn đề này. Metformin làm giảm lượng glucose (đường) mà gan giải phóng vào máu, đồng thời giúp các tế bào phản ứng với insulin tốt hơn, có nghĩa là cơ thể sẽ sử dụng nhiều glucose trong máu hơn để tạo năng lượng.

Đồ uống có cồn ảnh hưởng như thế nào đến bệnh tiểu đường?

Không chỉ tương tác với metformin, rượu bia còn ảnh hưởng trực tiếp đến bệnh tiểu đường. Cụ thể, cồn trong rượu bia sẽ làm giảm lượng đường trong máu. Điều này có thể kéo dài lên đến 24 giờ sau khi uống.

Người bệnh tiểu đường vẫn có thể uống rượu bia nhưng chỉ được uống ở mức độ vừa phải. Phụ nữ không nên uống quá một đơn vị cồn mỗi ngày và nam giới nên uống quá hai đơn vị cồn. (Một đơn vị cồn là 10 gram cồn nguyên chất, lượng cồn nguyên chất trong mỗi loại đồ uống có cồn là khác nhau).

Người mắc bệnh tiểu đường cũng cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa hạ đường huyết khi uống rượu bia, chẳng hạn như:

  • Không uống rượu bia khi bụng đói.
  • Không uống rượu bia khi lượng đường trong máu thấp.
  • Ăn thức ăn trước hoặc sau khi uống rượu bia.
  • Uống nhiều nước trong khi uống rượu bia để tránh bị mất nước.

Ngoài ra, hãy đo đường huyết trước, trong khi uống, trước khi đi ngủ và trong 24 giờ sau khi uống rượu bia.

Kết luận

Rượu bia và metformin có thể tương tác với nhau và gây tác động tiêu cực. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là không thể uống rượu bia khi đang dùng metformin. Ảnh hưởng của đồ uống có cồn ở mỗi người là khác nhau. Hầu hết người bệnh tiểu đường đều vẫn có thể uống rượu bia, miễn là uống vừa phải và có các biện pháp phòng ngừa hạ đường huyết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *