Folate và axit folic có gì khác nhau?

Folate và axit folic là hai dạng khác nhau của vitamin B9 nhưng nhiều người vẫn còn nhầm lẫn và cho rằng đó là hai cách gọi của cùng một chất. Bài viết dưới đây sẽ giải thích sự khác biệt giữa axit folic và folate.

Folate và axit folic có gì khác nhau?
Folate và axit folic có gì khác nhau?

Vitamin B9 là gì?

Vitamin B9 là một trong 8 loại vitamin B và là một chất dinh dưỡng thiết yếu tồn tại tự nhiên dưới dạng folate.

Vitamin B9 có nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể, ví dụ như tham gia vào sự phát triển của tế bào và sự hình thành trình tự gen DNA.

Lượng vitamin B9 ở mức thấp sẽ làm tăng nguy cơ mắc một số vấn đề sức khỏe, gồm có:

  • Tăng homocysteine: Homocysteine là một loại axit amin. Mức homocysteine cao làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
  • Dị tật bẩm sinh: Thiếu hụt folate trong thai kỳ có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, chẳng hạn như dị tật ống thần kinh.
  • Ung thư: Lượng folate thấp còn có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư như ung thư đại tràng, ung thư vú và ung thư dạ dày.

Tóm tắt: Vitamin B9 là một chất dinh dưỡng thiết yếu chủ yếu tồn tại dưới dạng folate và axit folic. Vitamin nhóm B này có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể.

Folate là gì?

Folate là dạng tự nhiên của vitamin B9.

Cái tên “folate” có nguồn gốc từ chữ “folium” trong tiếng Latin, có nghĩa là “lá” vì các loại rau là một trong những nguồn cung cấp folate dồi dào nhất trong chế độ ăn uống.

Folate là tên gọi chung của một nhóm hợp chất có các đặc tính dinh dưỡng tương tự nhau.

Dạng hoạt động của vitamin B9 là một loại folate có tên là axit levomefolic hay 5-methyltetrahydrofolate (5-MTHF).

Trong hệ tiêu hóa, phần lớn lượng folate từ thức ăn đều được chuyển đổi thành 5-MTHF trước khi đi vào máu.

Tóm tắt: Folate là dạng vitamin B9 tự nhiên. Trước khi đi vào máu, hệ tiêu hóa sẽ chuyển đổi folate thành dạng hoạt động sinh học của vitamin B9 là 5-MTHF.

Axit folic là gì?

Axit folic là dạng tổng hợp của vitamin B9, còn được gọi là axit pteroylmonoglutamic.

Axit folic là dạng vitamin B9 được sử dụng trong các sản phẩm viên uống bổ sung và được thêm vào các sản phẩm thực phẩm chế biến sẵn, chẳng hạn như bột mì và ngũ cốc ăn sáng.

Khác với folate, không phải tất cả axit folic mà chúng ta tiêu thụ hàng ngày đều được chuyển hóa thành dạng hoạt động của vitamin B9 (5-MTHF) trong hệ tiêu hóa. Thay vào đó, axit folic cần được chuyển hóa trong gan hoặc các mô khác trong cơ thể.

Tuy nhiên, ở một số người quá trình này diễn ra chậm và không hiệu quả. Sau khi uống bổ sung axit folic, cơ thể cần có thời gian để chuyển đổi toàn bộ thành 5-MTHF.

Cho dù chỉ dùng liều thấp, chẳng hạn như 200 – 400 mcg mỗi ngày thì cũng có khả năng lượng axit folic này không được chuyển hóa hoàn toàn cho đến khi uống liều tiếp theo. (1) Vấn đề này có thể trở nên nghiêm trọng hơn nếu ăn các loại thực phẩm được bổ sung axit folic cùng với viên uống axit folic.

Kết quả là, lượng axit folic chưa chuyển hóa sẽ tồn tại trong máu và được phát hiện ra khi làm xét nghiệm máu, ngay cả khi đã nhịn ăn.

Lượng axit folic chưa chuyển hóa cao có thể dẫn đến một số vấn đề sức khỏe.

Tuy nhiên, một nghiên cứu cho thấy rằng bổ sung axit folic cùng với các vitamin B khác, đặc biệt là vitamin B6, có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả hơn. (2)

Tóm tắt: Axit folic là dạng tổng hợp của vitamin B9. Cơ thể không chuyển hóa axit folic thành dạng hoạt động của vitamin B9 một cách hiệu quả nên axit folic chưa chuyển hóa có thể tích tụ trong máu và gây ra một số vấn đề sức khỏe.

Axit folic chưa chuyển hóa có gây hại không?

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nồng độ axit folic chưa chuyển hóa tăng cao trong thời gian dài có thể tác động xấu đến sức khỏe, ví dụ như:

  • Tăng nguy cơ ung thư: Lượng axit folic chưa chuyển hóa ở mức cao có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng nào chứng minh rằng axit folic chưa chuyển hóa là nguyên nhân trực tiếp gây ung thư.
  • Thiếu vitamin B12 không được phát hiện: Ở những người cao tuổi, lượng axit folic cao có thể khiến cho các triệu chứng thiếu vitamin B12 không biểu hiện rõ. Nếu không được phát hiện và điều trị thì sự thiếu hụt vitamin B12 có thể làm tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ và giảm chức năng thần kinh.

Ngay cả khi dùng liều thấp (400 mcg hàng ngày), axit folic chưa chuyển hóa cũng có thể tích tụ trong máu. (3)

Mặc dù axit folic ở mức cao là một vấn đề đáng lo ngại nhưng các tác động của tình trạng này đến sức khỏe hiện vẫn chưa rõ và cần phải có thêm các nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Tóm tắt: Theo một số nghiên cứu, lượng axit folic chưa chuyển hóa ở mức cao có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận chắc chắn.

Các nguồn cung cấp vitamin B9

Tốt nhất nên bổ sung vitamin B9 từ thực phẩm.

Một số loại thực phẩm có hàm lượng folate cao gồm có gan, măng tây, quả bơ, súp lơ và các loại rau xanh.

Tuy nhiên, ở những người có nhu cầu folate cao, chẳng hạn như phụ nữ mang thai thì dùng viên uống bổ sung là cách đơn giản hơn để cung cấp đủ vitamin B9 cho cơ thể.

Axit folic là dạng vivtamin B9 phổ biến nhất có trong các sản phẩm viên uống bổ sung và có thể dễ dàng mua tại các hiệu thuốc mà không cần đơn của bác sĩ.

Một số sản phẩm có chứa 5-methyltetrahydrofolate (5-MTHF), còn được gọi là levomefolate. Dạng này mang lại các lợi ích tương đương axit folic.

Viên uống 5-MTHF thường có dạng levomefolate calcium hoặc levomefolate magnesium.

Tóm tắt: Cách tốt nhất để cung cấp vitamin B9 cho cơ thể là ăn nhiều thực phẩm giàu loại vitamin này, ví dụ như rau xanh. Nếu cần bổ sung thêm thì có thể lựa chọn các sản phẩm viên uống có chứa axit folic hoặc methyl folate.

Tóm tắt bài viết

Folate là dạng vitamin B9 tự nhiên có trong thực phẩm còn axit folic là dạng tổng hợp.

Tiêu thụ nhiều axit folic có thể dẫn đến tăng nồng độ axit folic chưa chuyển hóa trong máu. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng điều này có thể có ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe theo thời gian nhưng cần có các nghiên cứu chuyên sâu hơn trước khi có thể đưa ra kết luận chắc chắn.

Có thể cung cấp vitamin B9 cho cơ thể bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu folate hoặc dùng viên uống axit folic hay 5-MTHT (levomefolate).

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *