Hút thuốc làm tăng ung thư bàng quang

Ung thư bàng quang là một bệnh ung thư phổ biến bắt đầu ở các tế bào của bàng quang. Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang và một trong những yếu tố chính là hút thuốc lá. Bất kể đã hút thuốc được bao lâu, bỏ thuốc cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh theo thời gian.

Hút thuốc làm tăng ung thư bàng quang
Hút thuốc làm tăng ung thư bàng quang

Tại sao hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang?

Người hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang cao hơn gấp ba lần so với những người không hút thuốc. (1)

Lý do là vì thuốc lá chứa một số hóa chất độc hại ảnh hưởng đến bàng quang. Khi hút thuốc, các hóa chất này sẽ đi vào máu, sau đó được thận lọc khỏi máu rồi bài tiết vào nước tiểu. Do bàng quang có chức năng chứa nước tiểu nên sẽ phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại này cho đến khi đi tiểu. Ở đa số người trưởng thành, khoảng cách giữa các lần đi tiểu là khoảng vài tiếng. Điều đó có nghĩa là bàng quang sẽ phải tiếp xúc với hóa chất độc hại trong nước tiểu trong suốt khoảng thời gian này.

Người hút thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử dễ mắc bệnh ung thư bàng quang hơn. Hút thuốc thụ động cũng có thể làm tăng nguy cơ.

Hút thuốc càng nhiều hoặc thời gian hút thuốc càng dài thì nguy cơ bị ung thư bàng quang càng cao.

Bỏ hút thuốc trong 10 năm có thể làm giảm 25% nguy cơ mắc ung thư bàng quang và nguy cơ sẽ tiếp tục giảm trong những năm không hút thuốc tiếp theo. (2)

Hút thuốc không chỉ làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang mà còn khiến cơ thể khó chống lại ung thư và giảm đáp ứng với điều trị. Các hóa chất trong thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch và điều này khiến cơ thể khó chống lại tế bào ung thư. Những hóa chất trong thuốc lá còn có thể làm thay đổi DNA của tế bào và gây khó khăn cho việc ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư.

So với người chưa từng hút thuốc, người hút thuốc lá vẫn có nguy cơ bị ung thư bàng quang cao hơn trong vòng 30 năm sau khi bỏ thuốc. Tuy nhiên, vì bỏ hút thuốc sau khi mắc bệnh ung thư có thể giúp kéo dài tuổi thọ nên không bao giờ là quá muộn để bỏ thuốc.

Các yếu tố nguy cơ khác

Ngoài hút thuốc, các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang còn có:

  • Tuổi tác (phần lớn các ca bệnh ung thư bàng quang là người trên 55 tuổi)
  • Chủng tộc (người da trắng có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn so với các chủng tộc khác)
  • Giới tính (nam giới nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ)
  • Tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang
  • Có vấn đề về bàng quang
  • Tiếp xúc với một số hóa chất, ví dụ như hóa chất được dùng trong sản xuất cao su, sơn, nhựa, da dày
  • Uống nước nhiễm asen
  • Chế độ ăn uống không cân bằng
  • Không uống đủ nước
  • Sử dụng một số loại thuốc
  • Từng xạ trị hoặc hóa trị ở vùng chậu

Dấu hiệu ung thư bàng quang

Hãy đi khám khi có các triệu chứng sau đây:

  • Cảm thấy đau khi đi tiểu
  • Nước tiểu có máu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Đau lưng dưới

Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các dấu hiệu và triệu chứng, sau đó lấy bệnh sử cá nhân, gia đình và tiến hành khám lâm sàng. Tiếp theo, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các phương pháp chẩn đoán sau đây:

  • Xét nghiệm máu và nước tiểu
  • Nội soi bàng quang
  • Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, CT, MRI để tìm dấu hiệu bất thường trong bàng quang và các khu vực khác trên cơ thể
  • Sinh thiết (lấy mẫu mô từ bàng quang và kiểm tra dưới kính hiển vi xem có tế bào ung thư hay không)

Các cách cai thuốc lá

Bỏ thuốc lá sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư bàng quang, đồng thời cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần.

Cai thuốc không phải điều đơn giản nhưng có nhiều cách bạn có thể thử, ví dụ như:

  • Lên kế hoạch và chọn ra một ngày để bỏ thuốc.
  • Sử dụng các loại thuốc hỗ trợ cai thuốc lá
  • Sử dụng ứng dụng điện thoại giúp theo dõi tiến trình cai thuốc
  • Bắt đầu những thói quen lành mạnh thay cho hút thuốc.
  • Thực hiện các cách để vượt qua cảm giác thèm thuốc, chẳng hạn như ngậm kẹo mút hoặc nhai kẹo cao su khi cảm thấy thèm thuốc
  • Tập thể dục, ngủ đủ giấc và duy trì chế độ ăn uống cân bằng

Điều trị ung thư bàng quang

Phác đồ điều trị ung thư bàng quang thay đổi theo giai đoạn bệnh. Ung thư bàng quang được chia thành 5 giai đoạn, từ giai đoạn 0 đến giai đoạn 4. Giai đoạn phản ánh mức độ lan rộng của ung thư trong cơ thể. Ở giai đoạn 0, ung thư mới chỉ ở niêm mạc bên trong bàng quang. Sau đó, ung thư lan dần ra bên ngoài bàng quang đến các bộ phận khác trên cơ thể. Càng về các giai đoạn sau thì ung thư càng lan rộng.

Tỷ lệ sống sau 5 năm của người bị ung thư bàng quang nói chung là 77%. Tỷ lệ sống sau 5 năm của người bị ung thư bàng quang giai đoạn đầu là 96%. (3)

Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang gồm có:

  • Phẫu thuật (cắt khối u qua niệu đạo hoặc cắt bàng quang, tùy vào giai đoạn bệnh)
  • Hóa trị
  • Liệu pháp miễn dịch
  • Xạ trị
  • Liệu pháp nhắm trúng đích

Phác đồ có thể gồm một hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị. Phác đồ điều trị của mỗi ca bệnh là khác nhau.

Phương pháp điều trị chính ở giai đoạn đầu của ung thư bàng quang là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ở các giai đoạn sau, người bệnh sẽ phải cắt bỏ bàng quang. Sau đó sẽ phải thực hiện thủ thuật chuyển lưu dòng tiểu để đưa nước tiểu ra khỏi cơ thể.

Tóm tắt bài viết

Các hóa chất trong thuốc lá gây hại cho bàng quang và làm tăng nguy cơ ung thư. Bỏ thuốc lá sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Bỏ thuốc từ 10 năm trở lên sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ ung thư bàng quang. Có nhiều cách để cai thuốc lá.

Hãy đi khám ngay khi có bất kỳ dấu hiệu nào nghi là ung thư bàng quang. Có nhiều phương pháp điều trị ung thư bàng quang. Bệnh càng được phát hiện sớm thì tiên lượng càng khả quan.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *