Insulin có tác dụng gì đối với bệnh đái tháo đường type 2?

Tìm hiểu về vai trò của insulin trong cơ thể và lợi ích của liệu pháp insulin trong kiểm soát, điều trị đái tháo đường type 2.
Insulin có tác dụng gì đối với bệnh đái tháo đường type 2?
Insulin có tác dụng gì đối với bệnh đái tháo đường type 2?

1. Vai trò của insulin đối với sức khỏe

Insulin là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến tụy. Hormone này giúp cơ thể sử dụng và tích trữ đường từ thức ăn.

Bệnh đái tháo đường type 2 xảy ra khi cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả. Tuyến tụy bù đắp lại điều này bằng cách sản xuất ra nhiều insulin hơn. Sau một thời gian hoạt động quá mức, các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy trở nên suy yếu và lượng insulin giảm. Kết quả là lượng đường trong máu tăng cao. Theo thời gian, lượng đường trong máu cao gây tổn thương dây thần kinh, mạch máu, mắt và các mô khác trong cơ thể.

Xem thêm: Vai trò của insulin với bệnh tiểu đường

2. Liệu pháp insulin có thể giúp giảm đường huyết

Đối với những người mắc bệnh đái tháo đường type 2, kiểm soát đường huyết là điều rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và giảm nguy cơ biến chứng lâu dài. Các phương pháp chính để giảm đường huyết là:

  • Thay đổi lối sống
  • Dùng thuốc đường uống
  • Dùng thuốc tiêm không insulin
  • Liệu pháp insulin
  • Phẫu thuật giảm cân

Liệu pháp insulin có thể giúp những người bị đái tháo đường type 2 kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ biến chứng.

3. Có nhiều loại insulin khác nhau

Insulin được dùng trong điều trị đái tháo đường được chia thành hai nhóm là:

Insulin tác dụng nhanh/tác dụng ngắn: được sử dụng trước bữa ăn

Insulin tác dụng chậm/tác dụng kéo dài: được sử dụng giữa các bữa ăn và trước khi đi ngủ vào buổi tối

Cả hai nhóm đều có các loại và nhãn hiệu insulin khác nhau. Cả hai đều có loại insulin trộn sẵn. Không phải ai cũng cần cả hai nhóm và liệu pháp insulin được điều chỉnh cho từng người dựa trên nhu cầu cụ thể.

4. Còn có insulin dạng hít

Liệu pháp insulin chủ yếu có dạng tiêm nhưng ngoài ra còn có insulin dạng hít. Đây là một dạng insulin tác dụng nhanh. Không phải ai bị đái tháo đường type 2 cũng có thể dùng insulin dạng hít và khi dùng dạng insulin này thì cần phải theo dõi chức năng phổi thường xuyên.

5. Chủ yếu vẫn là insulin dạng tiêm

Hiện nay, tiêm vẫn là cách sử dụng insulin phổ biến nhất. Insulin tác dụng trung bình và tác dụng kéo dài chỉ có dạng tiêm. Insulin không có dạng viên uống vì các enzyme tiêu hóa sẽ phân hủy insulin trước khi cơ thể có thể sử dụng.

Nên tiêm insulin vào lớp mỡ ngay dưới da. Có thể tiêm insulin ở bụng, đùi, mông hoặc bắp tay.

6. Có nhiều loại dụng cụ bơm/tiêm insulin khác nhau

Hiện nay có 3 loại dụng cụ chính để đưa insulin vào cơ thể:

  • Bơm kim tiêm (xi lanh): gồm có một ống rỗng và kim mảnh. Người dùng hút insulin từ lọ đựng rồi tiêm vào cơ thể.
  • Bút tiêm insulin: gồm có khoang chứa sẵn insulin hoặc người dùng lắp ống đựng insulin vào bút trước khi tiêm. Lượng insulin trong bút có thể được chia ra tiêm làm nhiều lần.
  • Máy bơm insulin: tự động đưa các liều insulin nhỏ vào cơ thể khi cần thiết thông qua ống thông đặt dưới da.

7. Liều lượng insulin phụ thuộc vào lối sống và cân nặng

Duy trì lối sống điều độ, lành mạnh có thể giúp trì hoãn hoặc tránh phải điều trị bằng insulin. Trong trường hợp phải điều trị bằng insulin, thay đổi lối sống có thể giúp giảm lượng insulin cần dùng. Một số thay đổi về lối sống mà người bị tiểu đường nên thực hiện gồm có:

  • Giảm cân nếu thừa cân
  • Điều chỉnh chế độ ăn uống
  • Tập thể dục thường xuyên

8. Có thể phải mất một thời gian để xác định liệu pháp insulin phù hợp

Bệnh nhân có thể sẽ phải tự thử để tìm ra loại và liều lượng insulin phù hợp nhất với mình. Đo và theo dõi lượng đường trong máu sẽ giúp bệnh nhân và bác sĩ biết được phản ứng của cơ thể với liệu pháp insulin hiện tại và tiến hành điều chỉnh nếu cần thiết.

9. Gía của mỗi loại insulin là khác nhau

Chi phí điều trị bằng liệu pháp insulin rất đa dạng, phụ thuộc vào nhãn hiệu và loại dụng cụ bơm/tiêm insulin được sử dụng. Ví dụ, tiêm insulin bằng bơm kim tiêm thường rẻ hơn so với máy bơm insulin.

10. Insulin có thể gây ra tác dụng phụ

Insulin có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
  • Tăng cân
  • Đau tại vị trí tiêm
  • Nhiễm trùng tại vị trí tiêm
  • Phản ứng dị ứng tại vị trí tiêm (hiếm gặp)

Lượng đường trong máu thấp hay hạ đường huyết là một trong những tác dụng phụ nghiêm trọng nhất khi dùng insulin. Trước khi bắt đầu liệu pháp insulin, bệnh nhân cần phải biết rõ cách xử lý khi bị hạ đường huyết.

Hãy cho bác sĩ biết nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng insulin.

Tóm tắt bài viết

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và lối sống mà những người mắc đái tháo đường type 2 có thể cần điều trị bằng insulin. Bệnh nhân phải hiểu rõ những lợi ích và rủi ro trước khi bắt đầu điều trị.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *