Khi nào cần sinh thiết bàng quang?

Sinh thiết bàng quang là một thủ thuật xâm lấn được sử dụng trong chẩn đoán bệnh, trong đó bác sĩ lấy các tế bào hoặc mô từ bàng quang và sau đó quan sát, phân tích dưới kính hiển vi. Phương pháp sinh thiết bàng quang phổ biến là đưa ống có gắn camera và kim qua niệu đạo vào bàng quang.

Khi nào cần sinh thiết bàng quang?
Khi nào cần sinh thiết bàng quang?

Sinh thiết bàng quang được thực hiện khi nào?

Bác sĩ thường chỉ định sinh thiết bàng quang khi nghi ngờ các triệu chứng người bệnh gặp phải là do ung thư bàng quang. Các triệu chứng thường gặp của ung thư bàng quang gồm có:

  • Máu trong nước tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Đau khi đi tiểu
  • Đau thắt lưng

Nhiều bệnh lý khác cũng có những triệu chứng này, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu. Sinh thiết được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ ung thư hoặc các xét nghiệm khác ít xâm lấn hơn chỉ ra dấu hiệu ung thư. Người bệnh sẽ làm xét nghiệm nước tiểu và một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, chẳng hạn như chụp X-quang hoặc chụp CT, trước khi làm sinh thiết. Những xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh này sẽ giúp bác sĩ xác định xem có tế bào ung thư trong nước tiểu hoặc khối u trong bàng quang hay không. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không thể xác định liệu khối u trong bàng quang có phải là ung thư hay không. Cách duy nhất để xác định điều này là sinh thiết.

Rủi ro của sinh thiết bàng quang

Tất cả các thủ thuật y tế xâm lấn cần loại bỏ mô đều tiềm ẩn nguy cơ chảy máu và nhiễm trùng. Sinh thiết bàng quang cũng không ngoại lệ.

Sau khi sinh thiết bàng quang, người bệnh có thể bị tiểu ra máu hoặc cục máu đông. Hiện tượng này chỉ là tạm thời do bàng quang bị chảy máu và thường kéo dài 2 hoặc 3 ngày. Nên uống nhiều nước để loại bỏ máu khỏi bàng quang nhan hơn.

Người bệnh cũng có thể sẽ cảm thấy nóng rát khi đi tiểu. Nếu quá khó chịu thì có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau mạnh hơn.

Chuẩn bị trước khi sinh thiết bàng quang

Trước khi làm sinh thiết, bác sĩ sẽ lấy bệnh sử của người bệnh và khám lâm sàng. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn và thực phẩm chức năng.

Người bệnh có thể sẽ phải ngừng uống nước một thời gian trước khi làm sinh thiết. Điều này sẽ được nhân viên y tế hướng dẫn cụ thể trước đó. Hãy tuân thủ đúng các hướng dẫn để đảm bảo quá trình sinh thiết an toàn và cho kết quả chính xác.

Quá trình sinh thiết bàng quang

Quá trình sinh thiết bàng quang thường mất khoảng 15 đến 30 phút.

Trước tiên, người bệnh sẽ phải thay áo choàng bệnh viện và đi tiểu trước khi bắt đầu thủ thuật.

Người bệnh nằm lên ghế ở tư thế hơi ngả người về sau. Bác sĩ làm sạch và gây tê niệu đạo bằng thuốc gây tê tại chỗ.

Trong suốt quá trình, bác sĩ sẽ sử dụng ống nội soi (ống nhỏ có gắn đèn chiếu sáng và camera). Ống nội soi được đưa vào bàng quang qua niệu đạo. Ở nam giới, niệu đạo nằm ở đầu dương vật. Ở phụ nữ, niệu đạo nằm ngay phía trên cửa âm đạo.

Nước hoặc dung dịch muối vô trùng sẽ được bơm qua ống nội soi để làm đầy bàng quang. Lúc này, người bệnh sẽ có cảm giác buồn tiểu. Điều này là bình thường. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh về cảm giác trong quá trình thực hiện. Điều này sẽ giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng.

Sau khi làm căng phồng bàng quang bằng nước hoặc dung dịch muối vô trùng, bác sĩ sẽ sử dụng kim ở đầu ống nội soi để lấy một mảnh mô nhỏ ở thành bàng quang. Người bệnh sẽ cảm thấy hơi nhói khi bác sĩ lấy mẫu mô và hơi đau khi ống nội soi được rút ra.

Mẫu mô bàng quang sẽ được mang đến phòng xét nghiệm để phân tích.

Sau khi sinh thiết bàng quang

Sau khi hoàn tất quá trình sinh thiết, người bệnh sẽ được hẹn ngày trả kết quả, thường là sau vài ngày. Bác sĩ sẽ giải thích rõ về kết quả sinh thiết cho người bệnh.

Mẫu mô bàng quang sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để xem có tế bào ung thư hay không. Trong trường hợp người bệnh bị ung thư bàng quang, sinh thiết sẽ giúp xác định hai điều:

  • Mức độ xâm lấn (mức độ ung thư đã lan vào thành bàng quang)
  • Độ mô học (mức độ khác biệt giữa tế bào ung thư và các tế bào bàng quang bình thường)

Ung thư độ mô học thấp (tế bào ung thư trông giống tế bào bình thường) dễ điều trị hơn so với ung thư độ mô học cao (các tế bào ung thư đã không còn giống tế bào bình thường nữa).

Số lượng tế bào ung thư và mức độ lan rộng của ung thư trong cơ thể sẽ giúp xác định giai đoạn ung thư. Người bệnh có thể cần làm thêm một số xét nghiệm khác để bác sĩ xác nhận kết quả sinh thiết.

Sau khi xác định được độ mô học và mức độ xâm lấn của ung thư, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp nhất cho người bệnh.

Cần lưu ý rằng không phải tất cả các bất thường trong bàng quang đều là ung thư. Trong trường hợp không phải ung thư, sinh thiết sẽ giúp xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng, ví dụ như nhiễm trùng, nang, viêm loét hay túi thừa bàng quang (tổn thương lành tính thành bàng quang, khiến cho thành bàng quang phồng lên tạo thành túi).

Người bệnh nên đi khám nếu tình trạng tiểu ra máu kéo dài quá 3 ngày sau sinh thiết. Người bệnh cũng nên đi khám khi có các triệu chứng sau đây:

  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu xảy ra sau 2 ngày
  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Nước tiểu đục
  • Nước tiểu có mùi hôi
  • Cục máu đông lớn trong nước tiểu
  • cơn đau mới ở thắt lưng hoặc hông

Tránh quan hệ tình dục trong hai tuần sau khi sinh thiết. Uống nhiều nước, tránh khuân vác nặng và hoạt động gắng sức trong 24 giờ sau sinh thiết.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *