Khi nào cần xét nghiệm cấy nước tiểu?

Cấy nước tiểu là một xét nghiệm giúp phát hiện vi khuẩn trong nước tiểu. Xét nghiệm này có thể tìm và xác định loại vi trùng gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu thường xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo. Trong môi trường đường tiết niệu, những vi khuẩn này có thể phát triển nhanh chóng và dẫn đến nhiễm trùng.

Khi nào cần xét nghiệm cấy nước tiểu?
Khi nào cần xét nghiệm cấy nước tiểu?

Cấy nước tiểu giúp phát hiện điều gì?

Cấy nước tiểu giúp xác định các vi sinh vật (thường là vi khuẩn) gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới. Lý do là vì niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn và gần hậu môn hơn so với niệu đạo nam giới. Điều này có nghĩa là vi khuẩn từ hậu môn có thể dễ dàng đi vào niệu đạo và xâm nhập đường tiết niệu hơn. Vi khuẩn đi theo niệu đạo vào bàng quang, niệu quản và thận, tại đây chúng có thể sinh sôi phát triển mạnh mẽ và dẫn đến nhiễm trùng.

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu

Các triệu chứng phổ biến nhất của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Đau và khó chịu, thường là ở thắt lưng và vùng bụng
  • Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Phải rặn mạnh khi đi tiểu
  • Nước tiểu đục hoặc có máu
  • Nước tiểu có mùi nồng

Mặc dù buồn tiểu liên tục nhưng mỗi lần đi tiểu sẽ khó khăn, phải rặn mạnh mới tiểu được và lượng nước tiểu rất ít. Nhiễm trùng nghiêm trọng có thể gây sốt, ớn lạnh, run hoặc nôn mửa.

Xét nghiệm cấy nước tiểu được thực hiện như thế nào?

Có nhiều cách lấy mẫu nước tiểu để làm xét nghiệm cấy nước tiểu. Cách đơn giản và phổ biến nhất là lấy nước tiểu giữa dòng. Với cách này, bạn sẽ chỉ cần đi tiểu như bình thường và hứng nước tiểu vào lọ đựng vô trùng.

Lấy nước tiểu giữa dòng

  1. Rửa tay sạch và dùng khăn lau sát trùng làm sạch cơ quan sinh dục.
  2. Đi tiểu một ít vào bồn cầu và sau đó hứng nước tiểu vào lọ vô trùng được phát.
  3. Toàn bộ quá trình lấy nước tiểu cần chú ý không chạm tay hay bất cứ thứ gì khác vào bên trong lọ.
  4. Sau khi lấy đủ lượng nước tiểu, nộp mẫu theo hướng dẫn.
  5. Sau đó, mẫu nước tiểu sẽ được đem đến phòng xét nghiệm để phân tích.

Túi đựng nước tiểu

Mẫu nước tiểu cũng có thể được lấy bằng túi đựng nước tiểu. Phương pháp này chủ yếu được sử dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ sẽ phải đeo một chiếc túi vô trùng, miệng túi đặt sát môi âm hộ của bé gái và bao quanh dương vật của bé trai. Khi trẻ đi tiểu, nước tiểu sẽ chảy vào bên trong túi. Mẫu nước tiểu sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích.

Ống thông tiểu

Trong một số trường hợp, mẫu nước tiểu được lấy bằng ống thông tiểu. Bác sĩ sẽ đưa một ống cao su hẹp qua niệu đạo vào bàng quang của người bệnh. Sau khi đặt ống thông tiểu, bác sĩ sẽ lấy mẫu nước tiểu. Nếu bạn đang sử dụng ống thông, bác sĩ sẽ lấy mẫu nước tiểu bằng cách kẹp đầu ống thông để ngăn nước tiểu chảy vào túi đựng, sau đó sử dụng bơm kim tiêm để hút nước tiểu từ ống. Không nên lấy nước tiểu từ túi đựng vì nước tiểu ở bên ngoài cơ thể quá lâu sẽ bắt đầu phát triển vi khuẩn và làm xét nghiệm trên mẫu nước tiểu này sẽ không đảm bảo chính xác.

Chọc hút nước tiểu trên xương mu

Đôi khi, bác sĩ lấy mẫu nước tiểu của người bệnh bằng phương pháp chọc hút nước tiểu trên xương mu. Phương pháp này thường được sử dụng khi không thể lấy mẫu nước tiểu sạch bằng các phương pháp trên. Trong quy trình chọc hút nước tiểu trên xương mu, bác sĩ sử dụng kim để lấy nước tiểu từ bàng quang của người bệnh.

Tại sao cần xét nghiệm cấy nước tiểu trong thai kỳ?

Phụ nữ mang thai có thể phải làm xét nghiệm cấy nước tiểu tại một số thời điểm nhất định để sàng lọc một số bệnh. Trong những trường hợp mắc nhiễm trùng đường tiết niệu, điều quan trọng là phải phát hiện và điều trị sớm. Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề phổ biến trong thai kỳ nhưng đôi khi không được chú ý. Nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị có thể làm tăng nguy cơ cao huyết áp, chuyển dạ sinh non hoặc trẻ sinh ra nhẹ cân.

Rủi ro của xét nghiệm cấy nước tiểu

Quá trình lấy mẫu nước tiểu rất đơn giản và không gây đau đớn, trừ khi bạn cảm thấy đau buốt khi đi tiểu do bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Phương pháp lấy nước tiểu giữa dòng hay lấy bằng túi đựng nước tiểu hoàn toàn không xâm lấn nên rất an toàn.

Nếòa phải lấy mẫu nước tiểu bằng ống thông, bạn có thể sẽ cảm thấy hơi khó chịu khi ống thông được luồn qua niệu đạo. Ống thông sẽ được bôi trơn để giảm đau và giúp cho quá trình thực hiện được dễ dàng hơn. Ống thông tiểu có thể tạo ra lỗ thủng trên niệu đạo hoặc bàng quang nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.

Chuẩn bị trước xét nghiệm cấy nước tiểu

Nếu đang dùng hoặc gần đây mới dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào thì bạn cần cho bác sĩ biết trước khi tiến hành xét nghiệm. Thuốc hay thực phẩm chức năng có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm. Bạn không cần phải chuẩn bị gì trước khi làm xét nghiệm cấy nước tiểu nhưng nên nhịn tiểu một thời gian trước khi lấy mẫu để thu thập đủ lượng nước tiểu. Bạn có thể hỏi trước nhân viên y tế để được hướng dẫn cụ thể những gì cần chuẩn bị trước khi làm xét nghiệm nước tiểu.

Ý nghĩa kết quả xét nghiệm

Mẫu nước tiểu sẽ được để qua vài ngày để vi khuẩn phát triển (nếu có). Sau đó, mẫu nước tiểu sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi. Nếu phát hiện nước tiểu có dấu hiệu của vi khuẩn hoặc các vi sinh vật khác thì có nghĩa là kết quả dương tính. Nếu chỉ phát hiện số lượng vi khuẩn hoặc vi sinh vật không đáng kể thì có nghĩa là kết quả xét nghiệm âm tính. Kỹ thuật viên cũng sẽ xác định loại vi sinh vật gây nhiễm trùng bằng mắt thường hoặc sử dụng một số phương pháp kiểm tra.

Kết quả xét nghiệm cấy nước tiểu thường có sau 2 đến 3 ngày. Nếu xét nghiệm cho kết quả dương tính, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn có hại.

Đôi khi, mẫu nước tiểu có nhiều hơn một loại vi khuẩn hoặc chỉ có một lượng vi khuẩn rất nhỏ trong mẫu. Trong những trường hợp này, kết quả có thể sẽ có muộn hơn hoặc bạn cũng có thể phải cần làm xét nghiệm lại.

Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn E. coli gây ra, loại vi khuẩn này thường được tìm thấy trong phân. Vi khuẩn Staphylococcus (tụ cầu) và Proteus cũng là hai loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu. Đôi khi, nhiễm trùng đường tiết niệu là do nấm Candida gây ra. Loại nấm này vốn tồn tại tự nhiên ở nhiều vị trí trên cơ thể nhưng đôi khi, nấm phát triển quá mức và gây nhiễm trùng. Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu cũng có thể là các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI).

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường được điều trị bằng một đợt kháng sinh. Loại kháng sinh cần sử dụng sẽ tùy thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng, bệnh sử và trước đây bạn đã từng mắc nhiễm trùng đường tiết niệu hay chưa. Nếu thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát, có thể bạn sẽ phải làm xét nghiệm kiểm tra độ nhạy kháng sinh.

Bên cạnh dùng thuốc kháng sinh, bạn cần uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên. Những điều này sẽ giúp đào thải vi khuẩn khỏi đường tiết niệu và tăng tốc độ khỏi bệnh. Hãy bổ sung nhiều vitamin C sẽ giúp tăng cường sức đề kháng. Điều này sẽ hỗ trợ các tế bào bạch cầu chống lại nhiễm trùng.

Một loại thảo dược được dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu là cây mao lương hoa vàng (hay còn gọi là hải cẩu vàng, goldenseal). Loại thảo dược này chứa hoạt chất berberine. Uống nước ép quả nam việt quất không đường là một phương pháp điều trị tự nhiên được cho là có thể giúp loại bỏ vi khuẩn gây hại khỏi đường tiết niệu. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào chứng minh hiệu quả của phương pháp này.

Tóm tắt bài viết

Xét nghiệm cấy nước tiểu giúp phát hiện nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra nhiều triệu chứng khó chịu như đau khi đi tiểu hay tiểu nhiều lần. Nếu được điều trị đúng cách, các triệu chứng sẽ nhanh chóng cải thiện trong vòng vài ngày. Mặc đồ lót rộng rãi bằng vải cotton và chú ý giữ vệ sinh vùng kín sẽ giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu không phải vấn đề quá nguy hiểm nhưng không nên bỏ qua khi nhận thấy các triệu chứng và nếu đúng là nhiễm trùng đường tiết niệu thì cần phải điều trị. Khi có các triệu chứng như đau ở thắt lưng hoặc hạ sườn, sốt, ớn lạnh run hay nôn mửa thì cần phải đến bệnh viện khám ngay. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như tổn thương thận.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *