Liều dùng Tradjenta là bao nhiêu?

Tradjenta là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc trị tiểu đường khác, Tradjenta cũng được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục để kiểm soát đường huyết một cách hiệu quả.

tradjenta
Liều dùng Tradjenta là bao nhiêu?

Tradjenta có dạng viên nén dùng qua đường uống. Hoạt chất trong Tradjenta là linagliptin (hoạt chất là thành phần giúp thuốc có tác dụng điều trị bệnh).

Tradjenta thuộc nhóm thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4). Thuốc ức chế DPP-4 giúp cơ thể giải phóng lượng insulin cần thiết khi ăn, nhờ đó ngăn lượng đường trong máu trong máu tăng cao sau ăn.

Bài viết dưới đây cung cấp thông tin về liều dùng Tradjenta cũng như hàm lượng và cách sử dụng thuốc.

Lưu ý, liều dùng Tradjenta được nêu trong bài viết này là liều dùng điển hình mà nhà sản xuất đưa ra. Hãy luôn sử dụng thuốc đúng liều mà bác sĩ kê.

Liều dùng Tradjenta

Dạng bào chế

Tradjenta có dạng viên nén dùng qua đường uống.

Hàm lượng

Tradjenta có hàm lượng 5 mg.

Liều dùng điển hình của Tradjenta

Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng hoặc liều dùng khuyến nghị của Tradjenta nhưng hãy dùng đúng liều mà bác sĩ kê. Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp với từng bệnh nhân.

Liều dùng điển hình của Tradjenta là một viên mỗi ngày.

Một số loại thuốc trị tiểu đường khác có khoảng liều dùng hoặc liều dùng tối đa nhưng Tradjenta chỉ có một liều dùng duy nhất.

Có cần sử dụng Tradjenta lâu dài không?

Tradjenta là một loại thuốc được sử dụng lâu dài để kiểm soát bệnh tiểu đường. Nếu thuốc an toàn và hiệu quả thì người bệnh nên tiếp tục sử dụng

Một số câu hỏi thường gặp về Tradjenta

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về Tradjenta.

Người bị suy thận có cần điều chỉnh liều dùng Tradjenta không?

Một số loại thuốc trị tiểu đường không dành cho người bị suy thận hoặc nếu sử dụng thì phải giảm liều nhưng Tradjenta không nằm trong số đó. Không cần thiết phải giảm liều Tradjenta trong những trường hợp bị suy thận. Tuy nhiên, nếu người bệnh đã có vấn đề về thận thì sẽ phải kiểm tra chức năng thận và tim định kỳ trong thời gian dùng Tradjenta.

Những người có chức năng thận suy giảm sẽ có nguy cơ bị suy tim cao hơn. Và việc sử dụng các loại thuốc ức chế DPP-4 sẽ càng làm tăng nguy cơ suy tim.

Nếu có tiền sử bệnh về thận hoặc tim thì người bệnh cần cho bác sĩ biết để bác sĩ kê loại thuốc trị tiểu đường phù hợp.

Nếu bị hạ đường huyết thì có cần giảm liều Tradjenta không?

Tradjenta có thể gây hạ đường huyết. Nguy cơ hạ đường huyết sẽ tăng cao nếu sử dụng Tradjenta cùng với insulin hoặc các loại thuốc làm giảm đường trong máu khác.

Trong trường hợp phải dùng Tradjenta cùng các loại thuốc trị tiểu đường khác và người bệnh thường xuyên bị hạ đường huyết, bác sĩ sẽ giảm liều các loại thuốc khác. Tradjenta chỉ có một mức liều dùng duy nhất và không thể giảm liều.

Nếu người bệnh chỉ điều trị bằng Tradjenta và thường xuyên bị hạ đường huyết, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu ngừng thuốc và kê loại thuốc khác.

Cách sử dụng Tradjenta

Tradjenta có dạng viên nén. Người bệnh cần uống cả viên thuốc, không được bẻ, nghiền hay nhai. Uống Tradjenta một lần mỗi ngày. Có thể uống thuốc trước hoặc sau ăn nhưng nên uống vào cùng một thời điểm hàng ngày.

Cần làm gì nếu lỡ quên uống thuốc?

Nếu lỡ quên uống Tradjenta, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu khi nhớ ra đã gần đến giờ uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không được uống gộp liều vì điều này có thể gây hạ đường huyết.

Người bệnh có thể sử dụng chuông báo hay ứng dụng nhắc lịch trên điện thoại để uống thuốc đúng giờ hàng ngày.

Nếu như lỡ quên uống thuốc và không biết nên làm gì thì hãy hỏi trực tiếp bác sĩ hoặc dược sĩ.

Cần làm gì nếu uống thuốc quá liều?

Không dùng Tradjenta vượt quá liều mà bác sĩ kê. Uống thuốc quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Nếu lỡ uống Tradjenta quá liều thì cần báo ngay cho bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *