Mất hơn 100 triệu vì chủ quan không tiêm ngừa uốn ván

Chỉ vì chủ quan, không đi tiêm uốn ván sau khi giẫm phải mảnh chén vỡ, người đàn ông đã phải trả giá bằng 1 tháng rưỡi điều trị nhiễm trùng uốn ván tại bệnh viện với chi phí lên tới hơn 100 triệu đồng.

Bệnh nhân điều trị uốn ván tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, hầu hết phải thở máy. Ảnh: Lê Phương (Vn.Express)
Bệnh nhân điều trị uốn ván tại Khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, hầu hết phải thở máy. Ảnh: Lê Phương (Vn.Express)

Chủ quan hay thiếu hiểu biết?

Ông Minh (ở Kiên Giang) trong lúc đang lội ruộng thì dẫm trúng mảnh chén vỡ. Vết thương bị chảy máu một lúc rồi ngưng giống như mọi lần khác nên ông Minh chủ quan không đi tiêm ngừa uốn ván.

10 ngày sau, bỗng ông bị cứng hàm, khó khăn khi há miệng, đến thở cũng khó, người bị gồng cứng như bị chuột rút. Nghĩ là bị xương khớp nên ông Minh đã đến một bệnh viện ở địa phương để khám và được bác sĩ chẩn đoán là bị nhiễm trùng uốn ván đồng thời chuyển ông lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây, ông Minh phải thở bằng máy và nằm trong khoa Hồi sức 1 tháng để điều trị. Ông Minh không có bảo hiểm y tế, may mắn có các nhà hảo tâm giúp đỡ ông chi trả tiền viện phí. 

Ông Minh nói không hề biết uốn ván nguy hiểm như thế vì người dân quê ông bình thường đi làm ruộng vẫn thường bị thương và chẳng mấy ai có ý thức đi tiêm ngừa phòng bệnh. Nếu biết tốn kém thế thì ông đã đi chích từ lâu rồi.

Bệnh viện cũng chủ quan

Không giống ông Minh, ông Hạnh 56 tuổi (ở huyện Krông Pa, Gia Lai) rất có ý thức muốn tiêm phòng uốn ván khi ông bị cây tre đâm chảy máu lúc làm giàn mướp. Thấy vết thương hơi sưng ông đã cẩn thận sát trùng với cồn rồi vào bệnh viện huyện khám ngay trong đêm vì lo ngại bị uốn ván. Thế nhưng bệnh viện lại chủ quan cho rằng không cần tiêm ngừa uốn ván và chỉ cho ông uống kháng sinh, kháng viêm. 8 ngày sau, ông Hạnh bị cứng hàm, khó nuốt chỗ thương sưng to rỉ dịch rồi cứng vai, cứng xương, khó thở, người nhà đưa ông đến bệnh viện quân y tại thành phố khám nhưng cũng chỉ được cho thuốc uống. Về nhà tình trạng nặng hơn, ông bèn tự đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh và tại đây ông được chẩn đoán bị mắc uốn ván, có cơn co thắt. Bác sĩ phải nhanh chóng mở khí quản hỗ trợ hô hấp cho ông và cho biết ông Hạnh phải điều trị từ 1 đến 2 tháng mới có thể hồi phục.

Bệnh uốn ván nguy hiểm như thế nào?

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo – Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu Chống độc, Bệnh viện Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, các bệnh nhân uốn ván đều phải nhập viện và phải được săn sóc đặc biệt vì uốn ván cần thời gian điều trị lâu và tốn rất nhiều tiền vì phải thở bằng máy, sử dụng nhiều phương tiện và thuốc men đắt đỏ. 

Bác sĩ cũng cho biết vi khuẩn uốn ván (Clostridium tetani) ván nằm trong đất, cát bẩn, nó sẽ xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương trầy xước. Đối tượng bị uốn ván thường là những người lao động chân tay… Triệu chứng của bệnh khi xuất hiện là mỏi và cứng hàm, khó nuốt rồi co cứng toàn thân giống như chuột rút, khó thở. Nếu nặng có thể bị co giật toàn thân, co thắt người. Bệnh dễ gây nhầm lẫn với bệnh tiêu hoá, răng hàm mặt hay xương khớp… 

Bác sĩ cũng nhấn mạnh bệnh uốn ván rất nguy hiểm vì nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng vì bị suy hô hấp, suy tim… dẫn đến tử vong. 

Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”

Các bác sĩ cũng khuyến cáo mọi người nên đi tiêm ngừa vaccin uốn ván vì bệnh này đã có vaccine phòng ngừa. Loại vaccine rẻ chỉ khoảng 50 nghìn 1 liều. Người dân có thể tiêm ngừa bằng cách tiêm hai mũi mỗi mũi cách nhau 1 tháng. Sau đó từ 6 đến 12 tháng lại tiêm thêm một mũi nữa. Sau 5 đến 10 năm lại tiêm nhắc lại để cơ thể đủ kháng thể phòng bệnh

Những phụ nữ có thai cũng cần tiêm phòng uốn ván để ngừa uốn ván cho mẹ và con khi sinh đẻ. Đừng chủ quan để “mất bò mới lo làm chuồng” thì số tiền phải bỏ ra để điều trị sẽ lớn hơn gấp nhiều lần. 

Trường hợp bệnh nhân bị thương việc tiêm ngừa vẫn hiệu quả vì vi khuẩn xâm nhập sẽ mất giai đoạn ủ bệnh từ 7 đến 14 ngày nên khi bị thương cần tiêm ngừa uốn ván ngay để tránh điều đáng tiếc xảy ra.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *