Những ai cần sàng lọc ung thư bàng quang?

Những người đã từng bị ung thư bàng quang hoặc có nguy cơ cao bị ung thư bàng quang nên khám sàng lọc thường xuyên. Các phương pháp thường được sử dụng để sàng lọc ung thư bàng quang gồm có tổng phân tích nước tiểu, tế bào học nước tiểu và xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư trong nước tiểu.

Những ai cần sàng lọc ung thư bàng quang?
Những ai cần sàng lọc ung thư bàng quang?

Ung thư bàng quang là bệnh ung thư có tỷ lệ mắc cao thứ 10 trên toàn thế giới. Ước tính có trên 570.000 người mắc mới bệnh ung thư bàng quang vào năm 2020. (1)

Giống như tất cả các bệnh ung thư khác, ung thư bàng quang càng được phát hiện sớm thì sẽ càng có nhiều lựa chọn điều trị, khả năng điều trị thành công và tỷ lệ sống sẽ càng cao. Mặc dù sàng lọc có thể giúp phát hiện sớm ung thư bàng quang ở các giai đoạn đầu nhưng hiện tại chưa có phương pháp sàng lọc ung thư bàng quang‌ tiêu chuẩn nào.

Các nhà nghiên cứu vẫn đang trong quá trình phát triển các xét nghiệm giúp sàng lọc ung thư bàng quang. Các lựa chọn sàng lọc hiện tại chỉ dành cho những trường hợp đã từng bị ung thư bàng quang hoặc có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

Vậy cụ thể những ai cần sàng lọc ung thư bàng quang? Có những phương pháp sàng lọc nào và bao lâu nên khám sàng lọc một lần?

Những ai cần sàng lọc ung thư bàng quang?

Việc sàng lọc ung thư bàng quang được khuyến nghị cho những người đã từng bị ung thư bàng quang hoặc những người có nguy cơ mắc bệnh rất cao, gồm có những người bị dị tật bàng quang bẩm sinh và những người thường xuyên phải tiếp xúc với các hóa chất độc hại, ví dụ như hóa chất trong sản xuất cao su, kim loại và thuốc nhuộm.

Một số loại hóa chất làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang gồm có:

  • Formaldehyde
  • Hydrocacbon thơm
  • Các amin thơm
  • N-nitrosamine

Các tổ chức y tế lớn không khuyến nghị sàng lọc ung thư bàng quang đối với những người không có nguy cơ cao và những người chưa từng bị ung thư bàng quang. Danh sách đối tượng cần sàng lọc ung thư bàng quang có thể thay đổi trong tương lai khi có các phương pháp xét nghiệm mới.

Các phương pháp sàng lọc bàng quang đang được thử nghiệm có thể hiệu quả đối với những người không có nguy cơ cao, không có tiền sử ung thư bàng quang và không có triệu chứng ung thư bàng quang.

Các xét nghiệm sàng lọc ung thư bàng quang

Có ba xét nghiệm tiêu chuẩn được sử dụng để sàng lọc ung thư bàng quang. Bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm phù hợp nhất với người bệnh. Các xét nghiệm sàng lọc ung thư bàng quang gồm có:

  • Tổng phân tích nước tiểu: Tổng phân tích nước tiểu giúp phát hiện các chất, bao gồm cả máu, trong nước tiểu. Vì tiểu ra máu thường là một trong những triệu chứng đầu tiên của bệnh ung thư bàng quang nên tổng phân tích nước tiểu có thể phát hiện ung thư bàng quang ở các giai đoạn đầu. Tuy nhiên, máu trong nước tiểu cũng có thể là do các nguyên nhân khác không phải ung thư, vì vậy không thể dựa trên kết quả tổng phân tích nước tiểu để xác nhận chẩn đoán.
  • Tế bào học nước tiểu: mẫu nước tiểu được phân tích dưới kính hiển vi để xem có tế bào ung thư hay không.
  • Xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư trong nước tiểu: xét nghiệm này giúp phát hiện các chất hoặc sự thay đổi tế bào do ung thư tạo ra. Một số dấu hiệu chỉ ra ung thư bàng quang là sự hiện diện của mucin, kháng nguyên carcinoembryonic và kháng nguyên khối u bàng quang (bladder tumour-associated antigen – BTA) trong nước tiểu cũng như những thay đổi về nhiễm sắc thể.

Các xét nghiệm giúp sàng lọc ung thư bàng quang ở những người có nguy cơ thấp đang được nghiên cứu. Các xét nghiệm này cũng giúp phát hiện các dấu hiệu chỉ ra ung thư. Ví dụ, xét nghiệm nước tiểu đo lượng uTERTPM (một loại dấu ấn sinh học) đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong các thử nghiệm lâm sàng.

Nên sàng lọc ung thư bàng quang bao lâu một lần?

Hiện chưa có khuyến nghị tiêu chuẩn nào về việc sàng lọc ung thư bàng quang. Tần suất sàng lọc ung thư bàng quang phụ thuộc vào nguy cơ của mỗi người.

Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về thời điểm bắt đầu đầu sàng lọc và tần suát sàng lọc ung thư bàng quang.

Rủi ro của sàng lọc ung thư bàng quang

Mặc dù các xét nghiệm sàng lọc ung thư bàng quang đều rất an toàn và không xâm lấn nhưng vẫn tiềm ẩn một số rủi ro. Rủi ro lớn nhất là xét nghiệm cho kết quả dương tính giả, có nghĩa là kết quả xét nghiệm chỉ ra ung thư trong khi thực tế không hề mắc bệnh ung thư.

Thông thường, xét nghiệm lần hai sẽ cho kết quả chính xác. Tuy nhiên, việc nhận được kết quả xét nghiệm dương tính sẽ khiến người bệnh hoang mang, sợ hãi.

Xét nghiệm sàng lọc ung thư cũng có thể cho kết quả âm tính giả, có nghĩa là xét nghiệm không chỉ ra ung thư ở người đã mắc bệnh ung thư. Kết quả âm tính giả có thể xảy ra khi xét nghiệm bỏ sót và không tìm thấy tế bào ung thư. Điều này khiến cho việc điều trị bị trì hoãn.

Ngay cả khi người bệnh có các triệu chứng ung thư bàng quang, kết quả xét nghiệm âm tính giả sẽ khiến cho người bệnh và cả bác sĩ nghĩ rằng các triệu chứng là do một bệnh lý khác gây ra.

Triệu chứng ung thư bàng quang

Các triệu chứng thường gặp của ung thư bàng quang gồm có:

  • Tiểu ra máu, khiến nước tiểu có màu hồng, cam hoặc đỏ
  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Thường xuyên buồn tiểu đột ngột
  • Tiểu đêm
  • Tiểu khó
  • Đau một bên thắt lưng
  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Mệt mỏi
  • Đau xương
  • Sưng phù ở bàn chân và bàn tay

Ung thư bàng quang không phải bệnh lý duy nhất gây ra các triệu chứng này. Rất nhiều bệnh lý khác cũng có các triệu chứng tương tự, ví dụ như nhiễm trùng đường tiết niệu.

Tuy nhiên, nên đi khám càng sớm càng tốt khi có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, đặc biệt là khi các triệu chứng kéo dài từ 1 – 2 tuần không đỡ.

Phòng ngừa ung thư bàng quang

Không có cách nào có thể phòng ngừa ung thư bàng quang một cách tuyệt đối nhưng có thể giảm nguy cơ mắc bệnh bằng các cách như:

  • Bỏ thuốc lá: Hút thuốc làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư, trong đó có ung thư bàng quang.
  • Hạn chế tiếp xúc với một số hóa chất: Một số loại hóa chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Tránh hoặc hạn chế tiếp xúc với những hóa chất này có thể làm giảm nguy cơ.
  • Uống đủ nước: Bằng chứng cho thấy rằng uống nhiều nước có thể làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang.
  • Ăn nhiều rau củ quả: Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn nhiều trái cây và rau củ có thể làm giảm nguy cơ ung thư bàng quang. Mặc dù điều này chưa được xác nhận bởi các nghiên cứu khác nhưng chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây và rau củ là một cách đã được khuyến nghị để làm giảm nguy cơ mắc tất cả các bệnh ung thư.

Điều trị ung thư bàng quang

Phác đồ điều trị ung thư bàng quang phụ thuộc vào các yếu tố như giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh. Các phương pháp điều trị ung thư bàng quang phổ biến gồm có:

  • Phẫu thuật: Nói chung, đây là bước đầu tiên trong điều trị ung thư bàng quang, đặc biệt là ung thư bàng quang giai đoạn đầu. Nếu ung thư chưa lan rộng thì chỉ cần cắt bỏ đi khối u mà không cần phải cắt bỏ bàng quang. Tuy nhiên, nếu ung thư đã lan rộng thì sẽ phải cắt bỏ toàn bộ bàng quang.
  • Hóa trị: Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa trị có thể được thực hiện trước hoặc sau khi phẫu thuật.
  • Xạ trị: Xạ trị sử dụng chùm tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ kích thước khối u. Xạ trị đôi khi được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ khối u, giúp loại bỏ khối u dễ dàng hơn.
  • Liệu pháp miễn dịch: Phương pháp điều trị này giúp hệ miễn dịch nhận biết và tấn công tế bào ung thư. Liệu pháp miễn dịch là một giải pháp khi hóa trị và xạ trị không hiệu quả hoặc khi ung thư bàng quang tái phát.

Tiên lượng của người bị ung thư bàng quang

Tiên lượng của người mắc bệnh ung thư bàng quang phụ thuộc vào các yếu tố như giai đoạn bệnh tại thời điểm chẩn đoán, tình trạng sức khỏe tổng thể và mức độ đáp ứng với điều trị.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), tỷ lệ sống sau 5 năm của người bị ung thư bàng quang từ năm 2011 đến 2017 là 77%. Khi bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu, tỷ lệ sống sau 5 năm là 96%. Tỷ lệ sống sau 5 năm của người bị ung thư bàng quang giai đoạn cuối là 6%. (2)

Một điều quan trọng cần lưu ý là những con số này dựa trên dữ liệu được thu thập từ năm 2011 đến năm 2017. Các phương pháp điều trị ung thư hiện nay đã có nhiều thay đổi và nhờ đó, người bệnh có tỷ lệ sống cao hơn so với trước. Ngoài ra, tiên lượng của người mắc bệnh ung thư còn tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe tổng thể, tuổi tác và một số yếu tố cá nhân khác.

Tỷ lệ sống sau 5 năm là gì?

Các chuyên gia y tế thường sử dụng tỷ lệ sống sau 5 năm làm thước đo tiên lượng của người bệnh. Tỷ lệ sống sau 5 năm (5-year survival rate) là tỷ lệ người mắc bệnh sống thêm ít nhất 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán.

Cần phân biệt tỷ lệ sống sau 5 năm với tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm (5-year relative survival rate). Tỷ lệ sống tương đối sau 5 năm là tỷ lệ người mắc bệnh sống được thêm 5 năm so với những người không mắc bệnh.

Tóm tắt bài viết

Hiện tại chưa có phương pháp sàng lọc ung thư bàng quang tiêu chuẩn. Ba xét nghiệm thường được sử dụng để sàng lọc ung thư bàng quang là tổng phân tích nước tiểu, tế bào học nước tiểu và xét nghiệm chất chỉ điểm ung thư trong nước tiểu.

Cho đến thời điểm này, việc sàng lọc chỉ được khuyến nghị cho những người có tiền sử ung thư bàng quang và những người có nguy cơ mắc ung thư bàng quang rất cao.

Đối với những người thuộc nhóm này, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm thích hợp nhất và cho biết tần suất sàng lọc.

Các phương pháp xét nghiệm sàng lọc tiêu chuẩn dành cho những người có nguy cơ thấp hiện đang được nghiên cứu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *