Polyp bàng quang có nguy hiểm không?

Polyp là sự tăng sinh tế bào bất thường, có hình dạng giống như khối u, có thể có hoặc không có cuống, hình thành ở niêm mạc hoặc các bề mặt khác bên trong cơ thể. Polyp có thể hình thành ở nhiều cơ quan khác nhau, trong đó có bàng quang.

Polyp bàng quang có nguy hiểm không?
Polyp bàng quang có nguy hiểm không?

Polyp bàng quang hình thành ở niêm mạc bàng quang. Bàng quang là cơ quan rỗng trong hệ tiết niệu, có chức năng chứa nước tiểu. Đa số polyp là lành tính nhưng đôi khi polyp có thể trở thành khối u ác tính (ung thư).

Nguyên nhân gây polyp bàng quang

Polyp hình thành khi tế bào bắt đầu phát triển bất thường. Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân nào gây ra sự phát triển tế bào bất thường này.

Đôi khi, các tế bào trong polyp phát triển nhanh chóng và lan sang các cơ quan khác. Những loại polyp này là ung thư.

Ung thư bàng quang có thể là do:

  • Hút thuốc: ước tính khoảng một nửa số ca ung thư bàng quang là do hút thuốc.
  • Tiếp xúc với bức xạ (từng xạ trị) hoặc hóa chất độc hại.
  • Kích thích niêm mạc bàng quang, chẳng hạn như do nhiễm trùng.

Polyp xơ biểu mô là loại polyp hiếm gặp, lành tính, hình thành ở niệu quản và phần trên của bàng quang. Đôi khi, loại polyp này có từ khi sinh ra nhưng cũng có thể hình thành do nhiễm trùng, kích thích bàng quang hoặc chấn thương.

Mặc dù hiếm gặp nhưng polyp có thể hình thành từ collagen được tiêm vào bàng quang để điều trị chứng tiểu không tự chủ do tăng áp lực.

Triệu chứng polyp bàng quang

Polyp bàng quang thường không có triệu chứng nhưng nếu có, các triệu chứng thường là:

  • Đau khi đi tiểu
  • Máu trong nước tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Tiểu gấp
  • Đau ở vùng hạ sườn

Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư bàng quang hoặc cũng có thể là do các bệnh lý khác, chẳng hạn như nhiễm trùng đường tiết niệu hay phì đại tuyến tiền liệt.

Ai có nguy cơ bị polyp bàng quang?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ polyp bàng quang:

  • Là nam giới: Nam giới có nguy cơ bị polyp bàng quang và ung thư bàng quang cao hơn phụ nữ.
  • Hút thuốc: Các sản phẩm thuốc lá như thuốc lá truyền thống, thuốc lá điện tử, xì gà, tẩu,… có chứa các hóa chất độc hại. Các hóa chất này có thể tích tụ trong nước tiểu và làm hỏng niêm mạc bàng quang.
  • Trên 40 tuổi: Nguy cơ polyp bàng quang và ung thư bàng quang tăng theo tuổi tác.
  • Tiếp xúc với hóa chất gây ung thư: Thường xuyên tiếp xúc với một số loại hóa chất, ví dụ như hóa chất dùng trong sản xuất thuốc nhuộm, da giày, cao su, dệt may và sơn có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
  • Thường xuyên bị nhiễm trùng: Nhiễm trùng tái đi tái lại có thể gây kích thích bàng quang và làm tăng nguy cơ polyp cũng như ung thư bàng quang.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang:

  • Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài.
  • Sỏi bàng quang.
  • Từng hóa trị hoặc xạ trị. Thuốc hóa trị cyclophosphamide (Cytoxan) và xạ trị vùng chậu có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư bàng quang.
  • Nhiễm virus HPV (virus u nhú ở người). Một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa HPV và nguy cơ ung thư bàng quang.

Chẩn đoán polyp bàng quang

Khi có các triệu chứng bất thường kể trên, người bệnh nên đi khám bác sĩ chuyên khoa tiết niệu. Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng và tiền sử cá nhân cũng như gia đình mắc polyp hay ung thư bàng quang.

Các phương pháp chẩn đoán polyp và ung thư bàng quang gồm có:

  • Xét nghiệm cấy nước tiểu: mẫu nước tiểu được nuôi cấy để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
  • Tế bào học nước tiọa: mẫu nước tiểu được phân tích để tìm tế bào ung thư.
  • Xét nghiệm chất chỉ dấu khối u trong nước tiểu: giúp phát hiện các chất mà tế bào ung thư bàng quang tạo ra trong nước tiểu.
  • Nội soi bàng quang: đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang. Hình ảnh thu được từ camera ở đầu ống giúp bác sĩ phát hiện những bất thường ở niêm mạc bàng quang.

Trong quá trình nội soi bàng quang, bác sĩ có thể lấy mẫu mô từ polyp và sau đó gửi đến phòng xét nghiệm để phân tích dưới kính hiển vi xem có tế bào ung thư hay không. Thủ thuật này được gọi là sinh thiết.

Điều trị polyp bàng quang

Nếu polyp bàng quang không phải là ung thư và không gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì không cần điều trị.

Nếu polyp bàng quang là ung thư hoặc có kích thước lớn và gây ra các triệu chứng hoặc ảnh hưởng đến chức năng bàng quang thì sẽ phải phẫu thuật cắt bỏ.

Bác sĩ có thể sử dụng thủ thuật cắt khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT) để loại bỏ polyp trong bàng quang. Trong thủ thuật này, bác sĩ đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang. Sau đó, bác sĩ sử dụng laser hoặc dao mổ điện để cắt bỏ polyp.

Nếu polyp là ung thư và ung thư đã lan rộng thì sẽ phải phẫu thuật cắt bàng quang triệt để, có nghĩa là cắt bỏ toàn bộ bàng quang cùng với các cơ quan lân cận như:

  • Tuyến tiền liệt (ở nam giới)
  • Niệu đạo
  • Tử cung và buồng trứng (ở phụ nữ)

Tiên lượng polyp bàng quang

Tiên lượng phụ thuộc vào việc polyp có phải là ung thư hay không. Trong trường hợp polyp không phải ung thư, các triệu chứng sẽ chấm dứt sau khi cắt bỏ polyp.

Tiên lượng của người bị ung thư bàng quang phụ thuộc vào giai đoạn ung thư. Giai đoạn được xác định bởi kích thước của khối u và mức độ lan rộng của ung thư. Khi ung thư bàng quang được phát hiện ở giai đoạn đầu, người bệnh sẽ có tỷ lệ sống cao hơn so với khi phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối. Bác sĩ sẽ cho người bệnh biết về tiên lượng cụ thể.

Polyp bàng quang và nguy cơ ung thư bàng quang

Polyp bàng quang lành tính có làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang không?

Các nghiên cứu đến thời điểm hiện tại vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho câu hỏi này. Giống như polyp đại tràng, mỗi loại polyp bàng quang có nguy cơ trở thành ung thư khác nhau. Một số loại polyp lành tính có thể phát triển thành khối u ung thư. Cách tốt nhất để giảm thiểu nguy cơ polyp phát triển thành ung thư là loại bỏ các yếu tố nguy cơ như hút thuốc hay tiếp xúc với hóa chất độc hại.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *