Sa âm đạo: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Mặc dù vấn đề này không gây nguy hiểm nhưng sa âm đạo sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Sa âm đạo: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị
Sa âm đạo: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Nội dung chính của bài viết

  • Sa âm đạo xảy ra khi cấu trúc cơ nâng đỡ các tạng trong khoang chậu của phụ nữ bị suy yếu.
  • Thông thường, sa âm đạo không có bất kỳ dấu hiệu nào. Nếu có thì các dấu hiệu sẽ phụ thuộc vào cơ quan bị sa.
  • Quá trình sinh nở, lão hóa và sự sụt giảm nồng độ estrogen trong thời kỳ mãn kinh khiến cơ sàn chậu suy yếu, dẫn đến sa tạng chậu và sa âm đạo.
  • Với những trường hợp mới chỉ bị sa nhẹ thì có thể khắc phục bằng các biện pháp không xâm lấn.
  • Khi vấn đề trở nên nghiêm trọng thì sẽ cần can thiệp phẫu thuật. Sa âm đạo là vấn đề có thể điều trị khỏi.

Sa âm đạo là gì?

Sa âm đạo xảy ra khi cấu trúc cơ nâng đỡ các tạng trong khoang chậu của phụ nữ bị suy yếu. Điều này khiến cho tử cung, niệu đạo, bàng quang hoặc trực tràng lệch khỏi vị trí bình thường và sa xuống ống âm đạo. Nếu cơ sàn chậu suy yếu nghiêm trọng, các cơ quan này thậm chí còn nhô ra bên ngoài cửa âm đạo.

Có các loại sa âm đạo khác nhau như:

  • Sa thành trước âm đạo (kèm theo sa bàng quang hay sa niệu đạo): xảy ra khi bàng quang sa xuống âm đạo.
  • Sa thành sau âm đạo (kèm theo sa trực tràng): xảy ra khi vách ngăn cách trực tràng với âm đạo bị suy yếu, khiến trực tràng đẩy vào thành âm đạo.
  • Sa tử cung: tử cung tụt xuống vào ống âm đạo.
  • Sa đỉnh âm đạo: xảy ra khi cổ tử cung hoặc phần trên của âm đạo sa vào bên trong ống âm đạo.

Dấu hiệu sa âm đạo

Thông thường, sa âm đạo không có bất kỳ dấu hiệu nào. Nếu có thì các dấu hiệu sẽ phụ thuộc vào cơ quan bị sa.

Các dấu hiệu thường gặp gồm có:

  • Cảm giác khó chịu bên trong âm đạo
  • Có khối sa nhô ra ở cửa âm đạo
  • Cảm giác nặng nề hoặc tức ở vùng chậu
  • Cảm giác cộm vướng khi ngồi
  • Đau nhức ở thắt lưng và đỡ hơn khi nằm xuống
  • Thường xuyên buồn tiểu
  • Đại tiện hoặc tiểu tiện không hết
  • Thường xuyên bị viêm (nhiễm trùng) bàng quang
  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Rò rỉ nước tiểu khi ho, hắt hơi, cười, quan hệ tình dục hoặc vận động mạnh
  • Đau khi quan hệ tình dục

Nguyên nhân

Cơ sàn chậu có vai trò giống như một chiếc võng hỗ trợ các cơ quan trong khoang chậu. Các cơ này có thể bị suy yếu do nhiều nguyên nhân, ví dụ như sinh nở, lão hóa và sự sụt giảm nồng độ estrogen trong thời kỳ mãn kinh.

Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác cũng làm suy yếu cơ sàn chậu, dẫn đến sa tạng chậu và sa âm đạo:

  • Ho dai dẳng do bệnh phổi mạn tính
  • Béo phì khiến các cơ quan phải chịu áp lực lớn
  • Táo bón mạn tính
  • Thường xuyên nâng vật nặng

Yếu tố nguy cơ

Nguy cơ sa âm đạo sẽ tăng cao nếu như:

  • Từng sinh thường, đặc biệt là những người bị khó sinh
  • Đã mãn kinh
  • Hút thuốc lá
  • Thừa cân, béo phì
  • Ho mạn tính
  • Bị táo bón kinh niên và thường xuyên phải rặn khi đi ngoài
  • Có thành viên ruột thịt trong gia đình, chẳng hạn như mẹ hoặc chị gái cũng bị sa tử cung
  • Thường xuyên phải nâng vật nặng
  • Bị u xơ tử cung

Chẩn đoán sa âm đạo

Sa âm đạo có thể được chẩn đoán trong quá trình khám phụ khoa. Trong khi kiểm tra, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân rặn mạnh giống như đang đi ngoài, sau đó siết chặt các cơ sàn chậu giống như khi ngừng tiểu giữa chừng. Các bước này nhằm kiểm tra độ săn chắc của các cơ hỗ trợ âm đạo, tử cung và các cơ quan khác trong khoang chậu.

Nếu như có vấn đề về tiểu tiện thì sẽ cần thực hiện các phương pháp dưới đây để kiểm tra chức năng bàng quang. Các phương pháp này được gọi là các phép đo niệu động học (urodynamic testing).

  • Đo niệu dòng (uroflowmetry): đo lượng và lực của dòng nước tiểu
  • Đo áp lực bàng quang (cystometrogram): đánh giá lượng nước tiểu mà bàng quang có thể chứa trước khi có cảm giác buồn tiểu.

Ngoài ra có thể cần thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh dưới đây để phát hiện vấn đề ở các tạng trong khoang chậu:

  • Siêu âm vùng chậu: sử dụng sóng âm thanh để kiểm tra bàng quang và các cơ quan khác.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) sàn chậu: sử dụng từ trường mạnh và sóng radio để tạo ra hình ảnh của các cơ quan trong khoang chậu.
  • Chụp CT ổ bụng và khoang chậu: sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh chi tiết của các cơ quan.

Phương pháp điều trị

Với những trường hợp mới chỉ bị sa nhẹ thì có thể khắc phục bằng các biện pháp không xâm lấn nhưng khi vấn đề trở nên nghiêm trọng thì sẽ cần can thiệp phẫu thuật.

Biện pháp khắc phục không xâm lấn

Các bài tập cơ sàn chậu, hay còn được gọi là bài tập Kegel giúp củng cố các cơ hỗ trợ âm đạo, bàng quang và các cơ quan khác trong khoang chậu. Cách thực hiện bài tập như sau:

  • Siết chặt cơ sàn chậu
  • Giữ nguyên trong vài giây rồi thả lỏng.
  • Lặp lại 8 đến 10 lần như vậy
  • Thực hiện 3 đợt mỗi ngày

Để xác định cơ sàn chậu thì lần tới khi đi tiểu, hãy thử ngừng tiểu giữa chừng và sau đó tiếp tục tiểu bình thường. Hoặc cũng có thể tưởng tượng như đang nhịn xì hơi. Các cơ được sử dụng để thực hiện những hành động này chính là cơ sàn chậu. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng cách này để xác định cơ sàn chậu, không nên ngừng tiểu giữa chừng thường xuyên.

Giảm cân cũng sẽ giúp khắc phục tình trạng sa tạng. Giảm cân khi bị thừa cân, béo phì sẽ làm giảm áp lực lên bàng quang cùng các cơ quan khác trong khoang chậu.

Một lựa chọn khác là dùng vòng nâng pessary. Đây là một dụng cụ hình tròn được làm từ nhựa hoặc cao su, đặt vào bên trong âm đạo nhằm giữ cho các cơ quan cố định ở đúng vị trí. Vòng pessary rất dễ sử dụng và giúp tránh phải phẫu thuật.

Phẫu thuật

Nếu đã thử các phương pháp khác nhưng tình hình không cải thiện thì cần cân nhắc phẫu thuật để đưa các tạng vùng chậu trở lại vị trí bình thường. Mô tự thân (mô được lấy từ chính cơ thể bệnh nhân), mô từ người hiến tặng hoặc vật liệu nhân tạo sẽ được sử dụng để hỗ trợ các cơ sàn chậu bị suy yếu. Quy trình phẫu thuật này có thể được thực hiện qua đường âm đạo hoặc qua các đường mổ nhỏ trên thành bụng (phẫu thuật nội soi ổ bụng).

Các biến chứng

Các biến chứng do sa âm đạo phụ thuộc vào cơ quan bị sa và có thể là:

  • Hình thành vết loét trong âm đạo nếu tử cung hoặc cổ tử cung bị sa
  • Tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu
  • Khó tiểu hoặc đại tiện
  • Khó quan hệ tình dục

Khi nào cần đi khám?

Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của sa âm đạo, gồm có cảm giác nặng nề, căng tức ở bụng dưới hoặc có cảm giác bất thường trong âm đạo thì cần đi khám bác sĩ phụ khoa. Mặc dù vấn đề này không gây nguy hiểm nhưng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

Sa âm đạo là vấn đề có thể điều trị khỏi. Những trường hợp nhẹ chỉ cần khắc phục bằng các phương pháp không xâm lấn như bài tập Kegel và giảm cân. Đối với những trường hợp nặng thì có thể cần phải can thiệp phẫu thuật. Tuy nhiên, đôi khi sa âm đạo có thể tái phát sau phẫu thuật.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *