Sự khác biệt giữa HIV và AIDS

Cụm từ HIV/AIDS thường đi liền với nhau nên khiến nhiều người hiểu nhầm. Thực chất, HIV và AIDS là hai khái niệm khác nhau.

Sự khác biệt giữa HIV và AIDS
Sự khác biệt giữa HIV và AIDS

HIV và AIDS có phải là một?

Cụm từ HIV/AIDS thường đi liền với nhau nên khiến nhiều người hiểu nhầm. Thực chất, HIV và AIDS là hai khái niệm khác nhau. Hiểu một cách đơn giản, HIV là một loại virus gây suy giảm miễn dịch ở người và khi bệnh không được kiểm soát thì sẽ tiến triển thành AIDS, hay còn được gọi là HIV giai đoạn 3 (giai đoạn cuối).

Trước đây, việc bị chẩn đoán nhiễm HIV hay AIDS được coi là bản án tử vì khả năng tử vong là rất cao. Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong y học hiện nay mà đã có các phương pháp điều trị mới, hiệu quả giúp những người nhiễm HIV sống khỏe mạnh. Nến phát hiện sớm và tuân thủ theo phác đồ điều trị bằng thuốc kháng virus (thuốc ARV) đều đặn thì nhiều người có “H” có thể sống thọ không thua gì người bình thường.

Dưới đây là điểm khác biệt giữa HIV và AIDS để không bị nhẫm lẫn giữa hai khái niệm này.

HIV là một loại virus

“HIV” là viết tắt của Human Immunodeficiency Virus, có nghĩa là virus gây suy giảm miễn dịch ở người. Cái tên đã nói lên hai đặc điểm quan trọng của virus này là tấn công hệ miễn dịch và chỉ gây hại đến con người. Khi xâm nhập vào cơ thể, HIV sẽ khiến hệ miễn dịch trở nên suy yếu. Kết quả là, hệ thống miễn dịch không còn khả năng chống lại những tác nhân gây hại như bình thường được nữa.

Hệ miễn dịch của chúng ta có thể loại bỏ hoàn toàn nhiều loại virus xâm nhập vào cơ thể nhưng lại không thể đối phó được HIV. Tuy nhiên, thuốc kháng virus sẽ hỗ trợ hệ miễn dịch kiểm soát HIV rất hiệu quả bằng cách làm gián đoạn vòng đời của virus.

AIDS là một bệnh

AIDS là viết tắt của Acquired Immunodeficiency Syndrome, có nghĩa là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải. Hiểu đơn giản như sau, HIV là một loại virus xâm nhập vào cơ thể người còn AIDS là tình trạng bệnh do nhiễm HIV gây ra.

AIDS, hay HIV giai đoạn cuối, xảy ra khi người nhiễm HIV không điều trị hoặc điều trị không đúng cách và virus gây tổn hại nghiêm trọng đến hệ miễn dịch. Đây là một tình trạng phức tạp với các biểu hiện, triệu chứng khác nhau ở mỗi người. Triệu chứng của HIV giai đoạn cuối thường là các triệu chứng của bệnh nhiễm trùng mà một người mắc phải do hệ miễn dịch bị suy yếu. Các bệnh này được gọi chung là bệnh nhiễm trùng cơ hội, ví dụ như bệnh lao, viêm phổi và nhiều bệnh khác.

Do hệ miễn dịch hoạt động kém hiệu quả nên nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cũng cao hơn.

Nếu tuân thủ đúng phác đồ điều trị bằng thuốc ARV thì sẽ có thể ngăn chặn HIV chuyển sang giai đoạn cuối.

HIV không phải lúc nào cũng tiến triển thành AIDS

Như đã nói ở trên, HIV là một loại virus còn AIDS là tình trạng bệnh mà virus này gây ra. Tuy nhiên, nhiễm HIV không phải lúc nào cũng tiến triển sang giai đoạn AIDS. Trên thực tế, nhờ những tiến bộ trong điều trị hiện nay mà nhiều người có “H” vẫn sống khỏe mạnh và không bao giờ bị AIDS.

Nhưng vì hiện tại chưa có thuốc chữa nên một khi bị nhiễm thì HIV sẽ tồn tại vĩnh viễn trong cơ thể, ngay cả khi không bị AIDS.

Con đường lây truyền

Vì là một loại virus nên HIV có thể lây truyền từ người sang người giống như nhiều loại virus khác.

Virus này lây truyền qua các con đường sau:

  • Sự trao đổi chất dịch cơ thể khi quan hệ tình dục mà không sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su
  • Lây qua đường máu, ví dụ như dùng chung bơm kim tiêm, kim xăm, kim châm cứu hay các vật dụng có dính máu
  • Lây từ mẹ sang con khi mang thai, sinh nở và cho con bú

HIV không lây qua đường nước bọt và dùng chung vật dụng.

Khi bị lây nhiễm virus từ bệnh nhân AIDS, một người sẽ không bị AIDS ngay mà bệnh sẽ tiến triển từ giai đoạn đầu.

HIV không phải lúc nào cũng có triệu chứng

HIV thường gây ra các biểu hiện giống cúm như sốt, ớn lạnh, đau nhức cơ, rát họng, người mệt mỏi, uể oải, sưng hạch bạch huyết… sau khoảng từ 2 đến 4 tuần kể từ khi phơi nhiễm. Khoảng thời gian này được gọi là giai đoạn nhiễm trùng cấp tính hay giai đoạn đầu. Khi hệ miễn dịch kiểm soát tình trạng nhiễm trùng thì sẽ dẫn đến giai đoạn mạn tính hay giai đoạn tiềm ẩn, giai đoạn 2.

Hệ miễn dịch không thể loại bỏ được HIV nhưng vẫn có thể kiểm soát được trong một thời gian dài, có thể lên đến vài năm. Trong khoảng thời gian này, người bệnh thường không có bất cứ triệu chứng nào. Tuy nhiên, virus vẫn có thể lây truyền sang người khác. Nếu không điều trị thì bệnh sẽ tiến triển sang giai đoạn cuối – giai đoạn AIDS và gây ra nhiều triệu chứng.

Phương pháp chẩn đoán nhiễm HIV

Khi bị nhiễm HIV, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể chống lại virus. Phương pháp xét nghiệm máu và xét nghiệm nước bọt có thể phát hiện các kháng thể này để xác định xem có bị nhiễm HIV hay không. Có thể phải sau vài tuần kể từ khi phơi nhiễm với virus thì xét nghiệm kháng thể mới cho kết quả dương tính.

Một phương pháp khác để phát hiện nhiễm HIV là tìm sự hiện diện của cả kháng thể và kháng nguyên – các protein do virus tạo ra. Phương pháp xét nghiệm này có thể phát hiện bệnh chỉ vài ngày sau khi phơi nhiễm.

Cả hai phương pháp đều cho kết quả chính xác và dễ thực hiện.

Chẩn đoán AIDS sẽ phức tạp hơn

AIDS là giai đoạn cuối khi bị nhiễm HIV. Bác sĩ sẽ cần tìm một vài dấu hiệu để xác định xem giai đoạn 2 đã tiến triển thành giai đoạn cuối hay chưa.

Vì HIV phá hủy tế bào CD4 – các tế bào miễn dịch nên có thể chẩn đoán AIDS bằng cách xác định số lượng tế bào này. Ở người bình thường không bị nhiễm HIV, số lượng tế bào CD4 dao động trong khoảng từ 500 đến 1.200. Khi số lượng tế bào giảm xuống 200 thì một người nhiễm HIV sẽ được xác định là bị AIDS.

Một dấu hiệu khác cho thấy nhiễm HIV đã tiến triển sang giai đoạn cuối là sự hiện diện của các bệnh nhiễm trùng cơ hội. Nhiễm trùng cơ hội là các bệnh do virus, nấm hoặc vi khuẩn gây ra ở những người có hệ miễn dịch suy yếu do nhiễm HIV.

Phương pháp điều trị và tuổi thọ

Nếu HIV tiến triển sang giai đoạn cuối thì tuổi thọ của người bệnh sẽ giảm đáng kể. Rất khó để phục hồi lại những tổn hại ở hệ miễn dịch và các cơ quan trong cơ thể vào thời điểm này. Người bệnh sẽ bị nhiễm trùng cơ hội và các bệnh khác, chẳng hạn như một số bệnh ung thư do hệ thống miễn dịch bị suy giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu điều trị bằng thuốc kháng virus thành công và phục hồi lại được phần nào chức năng hệ miễn dịch thì nhiều người bị AIDS vẫn có thể sống thêm được một thời gian khá dài.

Nhờ các phương pháp điều trị hiện nay mà nhiều người có thể sống chung với HIV mà không bao giờ bị AIDS. Việc điều trị thành công bằng thuốc kháng virus và duy trì tải lượng virus ở mức không phát hiện được cũng làm giảm đáng kể nguy cơ lây truyền sang người khác.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *