Tại sao lại bị mụn ở vùng kín?

Vùng kín là một trong số ít những khu vực nhạy cảm nhất của cơ thể và giống như nhiều khu vực khác, vùng kín cũng có thể nổi mụn. Mụn ở vùng kín đa phần không phải là vấn đề nghiêm trọng nhưng sẽ gây khó chịu và phiền toái không nhỏ.

Tại sao lại bị mụn ở vùng kín?
Tại sao lại bị mụn ở vùng kín?

Nội dung chính của bài viết

  • Có nhiều nguyên nhân khiến vùng kín nổi mụn, trong đó phổ biến nhất là do viêm da tiếp xúc, viêm nang lông, viêm tuyến mồ hôi mủ và u mềm lây.
  • Không bao giờ được bóp, chọc hay cậy mụn ở gần bộ phận sinh dục.
  • Trong hầu hết các trường hợp, mụn ở vùng kín sẽ tự hết hoặc được điều trị khỏi trong vòng vài ngày đến vài tuần.
  • Cần chú ý vệ sinh vùng kín cẩn thận và điều chỉnh một số thói quen hàng ngày để ngăn vấn đề tái phát.

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây nổi mụn ở khu vực nhạy cảm này cùng với cách điều trị và phòng ngừa.

Nguyên nhân nào gây nổi mụn ở vùng kín?

Có nhiều nguyên nhân khiến vùng kín nổi mụn. Một số nguyên nhân thường gặp nhất gồm có:

Viêm da tiếp xúc

Mụn vùng kín có khả năng là do viêm da tiếp xúc. Đây là vấn đề về da xảy ra do tiếp xúc với những chất gây kích ứng, dị ứng ví dụ như những chất có trong:

  • xà phòng, bột giặt, nước xả vải
  • xịt khử mùi
  • băng vệ sinh hoặc tampon
  • dung dịch thụt rửa
  • thuốc diệt tinh trùng, bao cao su hoặc gel bôi trơn
  • các loại thuốc bôi

Bên cạnh đó, da cũng có thể bị kích ứng do:

  • đổ mồ hôi
  • dịch tiết âm đạo
  • nước tiểu
  • tinh dịch

Bất kỳ dạng kích ứng nào xảy ra trên da đều có thể dẫn đến nổi mụn.

Viêm nang lông

Mụn ở vùng sinh dục cũng có thể là do viêm nang lông. Cạo lông mu là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm nang lông. Khi bắt đầu mọc trở lại sau cạo, lông có thể gập vào bên trong thay vì hướng ra bên ngoài, chọc vào lỗ chân lông và gây viêm.

Sự ma sát của dao cạo trên da cũng có thể gây ra nổi mụn, trầy xước, bỏng rát hay phồng rộp.

Viêm tuyến mồ hôi mủ

Viêm tuyến mồ hôi mủ (hidradenitis suppurativa) hay nhọt ổ gà là một vấn đề về da mãn tính xảy ra ở tuyến mồ hôi, gây hình thành những túi mủ nhỏ ở nhiều vị trí trên cơ thể, bao gồm cả vùng âm hộ.

Nguyên nhân gốc rễ gây ra bệnh lý viêm hiếm gặp này hiện vẫn chưa được xác định rõ và cũng chưa có phương pháp chữa trị khỏi.

U mềm lây

U mềm lây (molluscum contagiosum) là một bệnh do nhiễm virus, gây hình thành những nốt nhỏ ở bất cứ đâu trên cơ thể, gồm có cả bộ phận sinh dục. Không phải trường hợp nào bị u mềm lây cũng cần điều trị nhưng vấn đề này có thể điều trị được bằng thuốc bôi hoặc thuốc uống. Nếu cần thiết thì cũng có thể tiến hành thủ thuật cắt bỏ các cục u.

Trị mụn vùng kín bằng cách nào?

Mụn do kích ứng thường tự hết mà không cần điều trị. Nhưng nếu không tự hết hoặc nếu ngày tăng to và đau thì cần đi khám.

Mụn do viêm da tiếp xúc có thể điều trị bằng các loại thuốc bôi. Nếu bị dị ứng nghiêm trọng thì cần điều trị bằng thuốc kháng histamine.

Khi bị viêm da tiếp xúc thì cần xác định tác nhân gây ra phản ứng để biết cách tránh. Hãy thử tạm thời ngừng sử dụng tất cả các sản phẩm tiếp xúc với bộ phận sinh dục. Sau đó, bắt đầu dùng lại từng thứ một để tìm ra đâu là thủ phạm gây ra vấn đề.

Mụn do lông mọc ngược cũng thường tự hết. Khi có biểu hiện viêm tuyến mồ hôi mủ thì cần chẩn đoán và điều trị sớm để ngăn vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn. Và khi bị u mềm lây thì không phải trường hợp nào cũng cần điều trị. Nếu không tự khỏi thì bác sĩ sẽ kê thuốc bôi hoặc thuốc uống.

Khi không biết chắc nguyên nhân gây mụn thì không nên tự ý sử dụng thuốc mà cần đi khám bác sĩ để xác định chính xác vấn đề.

Có nên nặn mụn không?

Tốt nhất không nên nặn mụn ở vùng kín. Lý do thứ nhất là bởi việc này sẽ khiến cho vi khuẩn lây lan và dẫn đến nhiễm trùng. Thứ hai, vùng kín là khu vực nhạy cảm nên rất dễ bị kích ứng. Nặn mụn sẽ khiến cho tình trạng thêm nghiêm trọng hơn.

Khi nặn, một nốt mụn nhỏ thông thường có thể trở thành mụn bọc do chứa đầy mủ và tiếp tục phát triển to lên. Càng to thì mụn sẽ càng gây đau đớn.

Không bao giờ được bóp, chọc hay cậy mụn ở gần bộ phận sinh dục mà cứ để nguyên hoặc đi khám bác sĩ để được kê thuốc điều trị ngăn ngừa nhiễm trùng.

Nguyên nhân khác

Đôi khi, những nốt nhỏ xuất hiện trên da trông giống như mụn nhưng thực chất lại là u nang, mụn cóc hoặc những vấn đề khác. Một số vấn đề phổ biến gồm có:

  • U nang tuyến Bartholin: thường xuất hiện ở bên cạnh cửa âm đạo. Nếu u nang không tự biến mất sau vài ngày hoặc ngày càng đau thì cần đi khám bác sĩ. Những trường hợp có u nang lớn có thể cần dẫn lưu dịch tích tụ bên trong hoặc thậm chí cắt bỏ tuyến Bartholin.
  • Mụn rộp sinh dục: đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus herpes simplex (HSV) gây ra với biểu hiện là hình thành mụn nước xung quanh âm đạo, âm hộ và hậu môn. Những mụn nước sau một thời gian sẽ vỡ ra và trở thành vết loét đau đớn. Hiện chưa có phương pháp chữa trị dứt điểm mụn rộp sinh dục những có nhiều biện pháp để làm giảm và rút ngắn các đợt bùng phát.
  • Mụn cóc sinh dục: do HPV (human papillomavirus) hay vi-rút u nhú ở người gây ra và cũng là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Mụn cóc có thể hình thành đơn lẻ hoặc thành cụm ở bộ phận sinh dục. Có nhiều phương pháp để điều trị và loại bỏ mụn cóc sinh dục nhưng không thể tiêu diệt được hoàn toàn virus gây bệnh.
  • Thịt thừa: trông giống như mụn nhưng thực ra đó là những vạt mô nhỏ vô hại. Tuy nhiên, thịt thừa ở bộ phận sinh dục có thể gây kích ứng. Nếu cần thiết thì có thể cắt bỏ bằng một thủ thuật đơn giản.

Tìm hiểu thêm: Loét sinh dục ở phụ nữ

Trong hầu hết các trường hợp, mụn ở vùng kín sẽ tự hết hoặc được điều trị khỏi trong vòng vài ngày đến vài tuần, tùy thuộc vào nguyên nhân và phương pháp điều trị. Sau đó cần chú ý vệ sinh vùng kín cẩn thận và điều chỉnh một số thói quen hàng ngày để ngăn vấn đề tái phát.

Biện pháp phòng ngừa

Một khi đã xác định được chất gây kích ứng thì sau này cần tránh tiếp xúc với các chất này. Ngoài ra, để ngăn ngừa nổi mụn ở vùng kín thì cần:

  • Không mặc quần bó để tránh cọ sát với vùng da nhạy cảm
  • Chọn đồ lót bằng chất liệu cotton thay vì chất liệu tổng hợp
  • Khi bị nổi mụn thì cố gắng tránh đụng chạm
  • Không tắm bằng nước quá nóng
  • Không dùng xà phòng thơm để rửa vùng kín
  • Chọn những sản phẩm không có mùi thơm

Cạo lông có thể gây kích ứng da và dẫn đến nổi mụn quanh âm hộ nên thay vì dùng dao cạo thì hãy chọn những cách xử lý lông khác. Nếu vẫn muốn dùng dao cạo thì cần cạo xuôi theo hướng lông mọc.

Nếu thấy nổi sẩn hay bất cứ u cục bất thường nào ở vùng kín thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ để kiểm tra.

Xem thêm:

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *