Thuốc metformin có giúp giảm cân không?

Metformin là một loại thuốc được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc nào còn được cho là có công dụng hỗ trợ giảm cân. Điều này có đúng hay không? Sau đây là những điều bạn nên biết về tác dụng của metformin đối với việc giảm cân.

Thuốc metformin có giúp giảm cân không?
Thuốc metformin có giúp giảm cân không?

Metformin có tác dụng giảm cân không?

Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hiện chưa cho phép sử dụng metformin cho mục đích giảm cân.

Tuy nhiên, những người sử dụng metformin cho các mục đích khác có thể bị sụt cân do tác dụng phụ của loại thuốc này. Cơ chế gây sụt cân của metformin vẫn chưa được xác định rõ nhưng không giống như các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, metformin không gây tăng cân.

Giảm thèm ăn

Một giả thuyết cho rằng metformin gây sụt cân là do loại thuốc này khiến người dùng chán ăn và ăn ít. Tuy nhiên, lý do tại sao metformin gây chán ăn lại chưa được giải thích rõ ràng.

Metformin có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đường ruột, thúc đẩy sự giải phóng các hormone ức chế cảm giác thèm ăn và tác động đến các bộ phận điều khiển cảm giác thèm ăn của não bộ.

Một số người dùng metformin còn bị tiêu chảy, đầy bụng và buồn nôn. Những tác dụng phụ này đều có thể dẫn đến mất cảm giác ngon miệng và ăn kém.

Giảm cân về lâu dài

Một nghiên cứu dài hạn đã theo dõi cân nặng của những người mắc bệnh tiểu đường trong vòng 15 năm. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số những người giảm hơn 5% khối lượng cơ thể trong vòng 01 năm đầu tiên thì những người dùng metformin đã duy trì cân nặng sau giảm tốt hơn trong năm thứ 6 đến 15. (1)

Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào thuốc mà không kết hợp với thói quen sống lành mạnh thì hiệu quả giảm cân sẽ không cao. Những người thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn trong khi dùng metformin giảm cân nhiều hơn so với những người chỉ dùng thuốc.

Ngoài ra, hiệu quả giảm cân sẽ chỉ duy trì khi còn dùng thuốc. Một khi ngừng dùng metformin thì khả năng cao là cân nặng sẽ trở lại như trước. Và thậm chí ngay cả khi còn dùng thuốc, hiệu quả giảm cân cũng sẽ giảm dần và cân nặng sẽ từ từ tăng trở lại sau một thời gian.

Sử dụng metformin dưới hình thức ngoài hướng dẫn

Metformin thường được kê cho người mắc bệnh tiểu đường type 2 và bệnh nhân tiền tiểu đường bị thừa cân hoặc béo phì để kiểm soát tình trạng bệnh tiểu đường hoặc giảm nguy cơ tiền tiểu đường tiến triển thành tiểu đường.

Đôi khi, bác sĩ có thể kê loại thuốc này để giảm cân cho cả những người không bị tiểu đường hay tiền tiểu đường. Đây được gọi là hình thức sử dụng “ngoài hướng dẫn” hay “off-label”.

“Ngoài hướng dẫn” có nghĩa là một loại thuốc được sử dụng cho những mục đích chưa được chính thức phê duyệt mà trong trường hợp này là mục đích hỗ trợ giảm cân. Do chưa được thử nghiệm và phê duyệt nên chưa có nhiều thông tin về mức độ hiệu quả của metformin khi được dùng để giảm cân.

Liều dùng metformin để giảm cân

Metformin là một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Do không được phê duyệt sử dụng để giảm cân nên hiện chưa có liều dùng khuyến nghị cho mục đích này.

Nếu kê metformin cho một mục đích khác ngoài điều trị tiểu đường, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp. Thường bác sĩ sẽ bắt đầu từ liều thấp và tăng dần trong vài tuần để giảm thiểu tác dụng phụ.

Một mục đích sử dụng ngoài hướng dẫn của metformin là để giảm tăng cân do tác dụng phụ của thuốc chống loạn thần. Liều dùng metformin dạng viên nén phóng thích tức thì có thể dao động trong khoảng từ 750mg đến 2.000mg và liều dùng đối với metformin dạng viên nén phóng thích kéo dài có thể dao động trong khoảng từ 500 mg đến 2.000 mg. (2)

Các nguyên nhân khác gây sụt cân

Sụt cân trong thời gian dùng metformin có thể là do tác dụng phụ của thuốc hoặc cũng có thể là do những nguyên nhân khác.

Vấn đề về tiêu hóa

Các vấn đề về tiêu hóa có thể dẫn đến sụt cân. Những vấn đề này gồm có:

  • Tiêu chảy
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Nhiễm trùng dạ dày hoặc ruột
  • Phẫu thuật dạ dày hoặc ruột

Các vấn đề sức khỏe khác

Nhiều vấn đề sức khỏe có thể gây chán ăn và dẫn đến sụt cân, chẳng hạn như:

  • Trầm cảm
  • Căng thẳng
  • Rối loạn lo âu
  • Bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD)
  • Ung thư
  • AIDS
  • Bệnh Parkinson

Tác dụng phụ của thuốc

Ngoài metformin còn có rất nhiều loại thuốc khác cũng có thể gây sụt cân. Ví dụ, thuốc hóa trị có thể khiến người bệnh ăn không ngon miệng và bị sụt cân.

Một số loại thuốc điều trị bệnh tuyến giáp tăng cường sự trao đổi chất và điều này có thể dẫn đến sụt cân. Một triệu chứng của suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) là tăng cân. Các loại thuốc điều trị bệnh lý này có thể giúp lấy lại sự cân bằng nội tiết tố và đưa cân nặng trở về mức bình thường. Những loại thuốc này gồm có levothyroxine, liothyronine và liotrix.

Các loại thuốc khác có thể gây tác dụng phụ sụt cân gồm có một số loại thuốc điều trị rối loạn tăng động giảm chú ý, chẳng hạn như amphetamine/ dextroamphetamine (Adderall) và methylphenidate (Concerta).

Cần làm gì nếu bị sụt cân khi dùng metformin?

Metformin là một loại thuốc tương đối an toàn, mặc dù có đi kèm tác dụng phụ nhưng đa số các tác dụng phụ đều tự hết sau một thời gian dùng thuốc. Hiện tượng sụt cân do metformin thường xảy ra từ từ và cân nặng chỉ bị giảm nhẹ, không đáng lo ngại.

Nếu như cảm thấy lo lắng về tình trạng sụt cân khi dùng metformin, hãy báo cho bác sĩ để xác định nguyên nhân gây ra vấn đề và có hướng khắc phục phù hợp. Nếu nguyên nhân đúng là do thuốc thì có thể bác sĩ sẽ giảm liều hoặc đổi sang loại thuốc khác.

Bất kể có dùng metformin hay không, nếu bị sụt cân nhanh chóng và thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi, thiếu năng lượng hay chán ăn kéo dài thì phải đi khám ngay. Đó có thể là những dấu hiệu của vấn đề sức khỏe tiềm ẩn chứ không đơn thuần là tác dụng phụ của thuốc.

Cách giảm cân an toàn

Có nhiều phương pháp giảm cân và hiệu quả mà các phương pháp này ở mỗi người là khác nhau. Tuy nhiên, cách giảm cân an toàn và bền vững nhất là kết hợp chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và tập thể dục thường xuyên.

Tìm hiểu thêm về các chế độ ăn kiêng giảm cân an toàn và lưu ý khi tập thể dục cho người mắc bệnh tiểu đường.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *