Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú

Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú là một loại ung thư bàng quang, thường bắt đầu ở các tế bào chuyển tiếp trong niêm mạc bàng quang. Các tế bào chuyển tiếp này còn có ở niêm mạc niệu đạo, niệu quản và các bộ phận khác của đường tiết niệu. Ung thư cũng có thể bắt đầu ở những khu vực này.

Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú
Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú

Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú là gì?

Khối u nhú là những khối u dẹt, giống như ngón tay, thường bắt đầu ở niêm mạc bàng quang và kéo dài vào trung tâm bàng quang.

Đôi khi, ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú chỉ giới hạn trong bàng quang mà không phát triển hay lan rộng. Tuy nhiên, một số dạng nhất định của bệnh ung thư này có thể lan sang các cơ quan khác.

Khối u nhú có thể hình thành ở các bộ phận khác của cơ thể, chẳng hạn như tuyến giáp hoặc vú. Những khối u này không phải lúc nào cũng là ung thư. Một số loại khối u nhú là lành tính.

Các loại và giai đoạn ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú

Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú có thể xâm lấn hoặc không xâm lấn. Ung thư không xâm lấn có nghĩa là ung thư chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc bàng quang, chưa lan đến các lớp bên trong của thành bàng quang và sang các cơ quan khác.

Ung thư xâm lấn có nghĩa là ung thư đã phát triển vào các lớp bên trong của thành bàng quang. Ung thư xâm lấn có nguy cơ lan rộng cao hơn.

Ung thư thể nhú còn được phân chia theo cấp độ. Tế bào ung thư cấp độ thấp trông giống các tế bào bình thuòng hơn và thường phát triển chậm. Trong khi đó, tế bào ung thư cấp độ cao trông rất khác tế bào bình thuòng và phát triển nhanh chóng.

Dựa trên cách phân loại này, khối u nhú ở bàng quang được chia thành 4 loại:

  • U nhú: Đây là một loại khối u lành tính (không phải ung thư) hình thành từ niêm mạc bàng quang.
  • U nhú niệu mạc tiềm năng ác tính thấp (PUNLMP): một dạng tổn thương tiền ung thư, không có khả năng phát triển và lan rộng.
  • Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú cấp độ thấp: loại ung thư này thường phát triển chậm nhưng có thể tái phát sau khi điều trị.
  • Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú cấp độ cao: loại ung thư này phát triển nhanh hơn và có nguy cơ lan rộng cao hơn.

Vì u nhú niệu mạc tiềm năng ác tính thấp và ung thư biểu đường bài xuất tiết niệu thể nhú cấp độ thấp rất giống nhau với sự thay đổi di truyền phân tử và nguy cơ tái phát tương đương nên có một số ý kiến tranh cãi về việc liệu có nên coi hai loại này là hai loại ung thư riêng biệt hay không.

Giai đoạn

Ung thư bàng quang được phân chia giai đoạn dựa trên mức độ xâm lấn và phạm vi lan rộng:

  • Giai đoạn 0: còn được gọi là ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú không xâm lấn. Ở giai đoạn đầu này, ung thư chỉ giới hạn ở lớp niêm mạc bên trong của bàng quang, chưa phát triển vào lớp cơ hay lớp mô liên kết của thành bàng quang.
  • Giai đoạn 1: Ung thư đã phát triển qua lớp niêm mạc bên trong bàng quang nhưng chưa lan đến lớp cơ của thành bàng quang.
  • Giai đoạn 2: Ung thư đã lan vào lớp cơ của thành bàng quang. Giai đoạn này được gọi là ung thư xâm lấn. Tuy nhiên, ung thư bàng quang giai đoạn 2 chưa lan đến các hạch bạch huyết.
  • Giai đoạn 3: Ung thư đã lan đến vùng mô xung quanh bàng quang, có thể đã lan đến tuyến tiền liệt (ở nam giới) hoặc tử cung và âm đạo (ở phụ nữ). Ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan khác.
  • Giai đoạn 4: Ung thư lan đến các hạch bạch huyết và các bộ phận cơ thể khác.

Triệu chứng

Các triệu chứng của ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú gồm có:

  • Tiểu ra máu
  • Buồn tiểu đột ngột, dữ dội
  • Đi tiểu nhiều lần, xảy ra cả vào ban đêm
  • Đau khi đi tiểu

Các triệu chứng xuất hiện khi ung thư lan rộng gồm có:

  • Ăn không ngon miệng
  • Sụt cân
  • Đau lưng dưới
  • Đổ mồ hôi vào ban đêm
  • Mệt mỏi, suy nhược
  • Sốt
  • Sưng phù chân
  • Không thể đi tiểu

Nguyên nhân

Các nguyên nhân gây ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu gồm có:

  • Hút thuốc: Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tất cả các loại ung thư bàng quang, bao gồm cả ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao gấp ba lần so với những người không hút.
  • Tiếp xúc với hóa chất: Tiếp xúc với một số hóa chất trong môi trường làm việc có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư bàng quang, ví dụ như hóa chất được dùng trong sản xuất cao su, dệt may, sơn, in ấn và nhuộm.
  • Một số loại thuốc và thực phẩm chức năng: Lạm dụng thuốc giảm đau có chứa phenacetin có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư này. Các loại thực phẩm chức năng thảo dược có chứa axit aristolochic cũng có thể làm tăng nguy cơ.
  • Nhiễm trùng hoặc kích thích bàng quang mạn tính: Bị nhiễm trùng hoặc sỏi đường tiết niệu nhiều lần có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang, mặc dù chưa có bằng chứng nào cho thấy những vấn đề này trực tiếp gây ung thư.
  • Tiền sử gia đình: Một số loại ung thư bàng quang có tính di truyền. Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu phổ biến hơn ở những người có tiền sử gia đình mắc hội chứng Lynch, một rối loạn di truyền làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú gồm có:

  • Uống nước nhiễm asen
  • Mang một số đột biến gen
  • Từng điều trị bằng một số loại thuốc hóa trị, chẳng hạn như cyclophosphamide
  • Từng xạ trị ở vùng chậu

Điều trị

Việc điều trị phụ thuộc vào giai đoạn ung thư.

Giai đoạn 0

Ung thư biểu mô thể nhú không xâm lấn thường được điều trị bằng thủ thuật cắt khối u bàng quang qua niệu đạo (TURBT). Bác sĩ đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang và cắt bỏ những vùng mô bất thường.

Giai đoạn 1

Ung thư giai đoạn 1 cũng có thể điều trị bằng thủ thuật TURBT, sau đó là hóa trị trong bàng quang. Trong quá trình hóa trị trong bàng quang, bác sĩ đưa ống thông qua niệu đạo và bơm thuốc hóa trị trực tiếp vào bàng quang của người bệnh. Thuốc hóa trị sẽ tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.

Liệu pháp miễn dịch cũng có thể được thực hiện theo cách này.

Một loại liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư bàng quang là sử dụng vắc xin Bacillus Calmette-Guerin (BCG). Đây chính là loại vắc xin phòng ngừa bệnh lao. Sau khi vào cơ thể, vắc xin này này kích hoạt hệ miễn dịch tấn công các tế bào ung thư bàng quang.

Giai đoạn 2

Ung thư bàng quang giai đoạn 2 được điều trị bằng phẫu thuật cắt một phần hoặc toàn bộ bàng quang, tùy thuộc vào mức độ xâm lấn của ung thư vào thành bàng quang.

Cắt một phần bàng quang có nghĩa là chỉ cắt đi phần bàng quang có khối u. Cắt toàn bộ bàng quang có nghĩa là cắt bỏ bàng quang cùng với các hạch bạch huyết gần đó.

Người bệnh có thể phải trải qua hóa trị trước hoặc sau phẫu thuật để thu nhỏ khối u hoặc ngăn ung thư tái phát.

Giai đoạn 3

Phác đồ điều trị ung thư bàng quang giai đoạn 3 cũng gồm có cắt một phần hoặc toàn bộ bàng quang, kết hợp với hóa trị. Xạ trị và liệu pháp miễn dịch cũng là những lựa chọn điều trị ở giai đoạn này.

Giai đoạn cuối

Hóa trị là phương pháp điều trị chính cho bệnh ung thư bàng quang giai đoạn cuối. Hóa trị có thể được kết hợp với xạ trị hoặc liệu pháp miễn dịch. Phẫu thuật cũng là lựa chọn điều trị ở giai đoạn này.

Tiên lượng và tuổi thọ

Nhìn chung, ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú có tiên lượng tốt hơn so với các loại ung thư bàng quang khác. Tiên lượng cụ thể phụ thuộc vào giai đoạn và cấp độ ung thư.

Ung thư cấp độ cao phát triển và lan rộng nhanh hơn trong khi ung thư cấp độ thấp ít có khả năng lan rộng hơn. Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú có thể tái phát sau khi điều trị.

Tỷ lệ sống sót

Tỷ lệ sống sót tương đối của bệnh ung thư bàng quang bao gồm tất cả các loại ung thư bàng quang chứ không chỉ riêng ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú. Tỷ lệ sống sót chỉ là con số ước tính và không thể dự đoán tiên lượng thực tế của mỗi ca bệnh.

Tỷ lệ sống sót được ước tính dựa trên thông tin từ cơ sở dữ liệu SEER của Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ. Thay vì sử dụng hệ thống phân giai đoạn ung thư bằng số, cơ sở dữ liệu này phân chia bệnh ung thư bàng quang thành các giai đoạn như sau:

  • Ung thư tại chỗ: Ung thư hiện diện trong các tế bào bàng quang nhưng chưa lan sang các mô lân cận.
  • Ung thư khu trú: Ung thư chưa lan ra ngoài bàng quang.
  • Ung thư di căn vùng: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc cấu trúc gần bàng quang.
  • Ung thư di căn xa: Ung thư đã lan đến phổi, gan, xương hoặc các bộ phận ở xa khác trong cơ thể.

Dựa trên số liệu từ các ca bệnh được chẩn đoán từ năm 2011 – 2017, tỷ lệ sống sót sau 5 năm tương đối ở các giai đoạn ung thư bàng quang như sau: (1)

Giai đoạn Tỉ lệ sống sót
Ung thư tại chỗ 96%
Ung thư khu trú 70%
Ung thư di căn vùng 38%
Ung thư di căn xa 6%
Tất cả các giai đoạn 77%

Ung thư bàng quang càng được phát hiện và điều trị sớm thì khả năng sống sót càng cao.

Các loại ung thư bàng quang khác

Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất. Loại ung thư này bắt đầu từ các tế bào chuyển tiếp ở niêm mạc của bàng quang nên còn được gọi là ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp.

Các loại ung thư bàng quang ít phổ biến hơn gồm có:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: bắt đầu ở các tế bào dẹt, phẳng tương tự như các tế bào vảy trên bề mặt da. Ung thư biểu mô tế bào vảy thường xảy ra sau khi bàng quang bị nhiễm trùng hoặc kích thích trong thời gian dài. Hầu hết các trường hợp ung thư biểu mô tế bào vảy đều xâm lấn.
  • Ung thư biểu mô tuyến: bắt đầu từ các tế bào sản xuất chất nhầy trong niêm mạc bàng quang. Hầu hết các trường hợp ung thư biểu mô tuyến đều xâm lấn.
  • Ung thư biểu mô tế bào nhỏ: phát triển trong các tế bào thần kinh nội tiết của bàng quang. Loại này phát triển và lan rộng rất nhanh, thường phải điều trị bằng hóa trị.
  • Sarcoma: Loại ung thư nguy hiểm này phát triển trong các tế bào cơ của bàng quang.

Câu hỏi thường gặp

Tuổi thọ của người bị ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú?

Nếu ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú được phát hiện khi chưa lan ra ngoài bàng quang thì tỷ lệ sống sau 5 năm là 70%, có nghĩa là khả năng người bệnh sống thêm ít nhất 5 năm sau chẩn đoán là 70%.

Tuy nhiên, nếu ung thư đã lan đến các cơ quan ở xa như phổi hoặc gan thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm chỉ còn 6%.

Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú nguy hiểm đến mức nào?

Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú thường có tốc độ phát triển chậm so với các loại ung thư bàng quang ít phổ biến hơn.

Vì loại ung thư này có xu hướng phát triển chậm về phía trung tâm bàng quang và ít có khả năng xâm lấn các lớp bên trong thành bàng quang nên tiên lượng thường khá khả quan.

Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú có thể chữa khỏi được không?

Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú giai đoạn 0 (không xâm lấn) có thể chữa khỏi mà không cần điều trị. Càng sang các giai đoạn sau thì khả năng chữa khỏi bệnh càng thấp.

Ung thư bàng quang, bao gồm ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú không xâm lấn, có thể tái phát sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối u. Ung thư có thể tái phát ở các khu vực khác của bàng quang.

Tóm tắt bài viết

Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu hay ung thư biểu mô tế bào chuyển tiếp thể nhú là loại ung thư bàng quang phổ biến nhất. Loại này thường phát triển chậm hơn so với các loại ung thư bàng quang khác.

Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu gây ra tất cả các loại ung thư bàng quang. Các triệu chứng ban đầu gồm có máu trong nước tiểu và tiểu gấp.

Các phương pháp điều trị gồm có phẫu thuật cắt bỏ khối u, cắt bàng quang, hóa trị, xạ trị và liệu pháp miễn dịch. Phác đồ điều trị cụ thể sẽ tùy thuộc vào giai đoạn ung thư. Ung thư biểu mô đường bài xuất tiết niệu thể nhú không xâm lấn có thể tái phát sau khi cắt bỏ khối u. Bệnh được phát hiện càng sớm thì tiên lượng càng tốt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *