Xét nghiệm máu lúc đói có thể nguy hiểm cho những người bị tiểu đường

Các chuyên gia cho biết có một số điều mà người bị tiểu đường nên thực hiện trước những xét nghiệm này, gồm có điều chỉnh thuốc và ăn nhẹ.
Xét nghiệm máu lúc đói có thể nguy hiểm cho những người bị tiểu đường
Xét nghiệm máu lúc đói có thể nguy hiểm cho những người bị tiểu đường

Bỏ bữa sáng hoặc ăn sáng muộn hơn vài tiếng so với thường ngày để làm xét nghiệm máu lúc đói không phải là vấn đề gì lớn đối với hầu hết mọi người.

Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh tiểu đường, việc đột ngột bỏ bữa sáng có thể dẫn đến sự dao động đường huyết nguy hiểm nếu như không điều chỉnh thuốc đúng cách.

Theo tiến sĩ Saleh Aldasouqi – một chuyên gia nghiên cứu nội tiết học tại trường cao đẳng Human Medicine thuộc đại học Michigan State (Mỹ) và tác giả chính của nghiên cứu được công bố gần đây trên Tạp chí Nội tiết Quốc tế (International Journal of Endocrinology), trong khi ở nhiều quốc gia như Canada và Châu Âu, bệnh nhân không còn phải nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm cholesterol nhưng một số nơi vẫn giữ yêu cầu này.

Trong hệ thống y tế của nhiều nước, nhịn ăn vẫn được coi là một điều quan trọng để có được kết quả chính xác khi xét nghiệm kiểm tra cholesterol, gan, thận và glucose.

Trong buổi phỏng vấn với website sức khỏe Healthline, tiến sĩ Aldasouqi cho biết rằng phương pháp này dựa trên các tiêu chuẩn được đưa ra vào những năm 1970 và hiện nay đã không còn cần thiết, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tiểu đường.

Tiến sĩ Aldasouqi giải thích: “Hạ đường huyết là một vấn đề ít được chú ý nhưng lại xảy ra ở không ít bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường đến làm xét nghiệm máu lúc đói.”

Ông nói: “Bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc điều trị tiểu đường nhưng không ăn gì, dẫn đến lượng đường trong máu thấp, khiến bệnh nhân bị hạ đường huyết khi đến bệnh viện hoặc trên đường từ bệnh viện về. Điều này gây nguy hiểm cho chính bệnh nhân và cả những người khác.”

Một vấn đề phổ biến

Vấn đề này đã trở nên phổ biến đến mức có hẳn một thuật ngữ riêng, đó là “fasting-evoked en route hypoglycemia in diabetes (FEEHD), dịch ra có nghĩa là “hạ đường huyết do nhịn ăn ở người mắc bệnh tiểu đường.”

Hạ đường huyết là tình trạng mà lượng đường trong máu ở mức thấp, thường có các triệu chứng như choáng váng, run chân tay, đổ mồ hôi và mệt mỏi, thiếu năng lượng.

Hạ đường huyết thậm chí còn có thể dẫn đến mất ý thức, co giật và tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu bằng cơ chế kích thích cơ thể tiết insulin và đồng thời làm tăng độ nhạy của các tế bào với insulin – cả hai cơ chế đều có thể dẫn đến hạ đường huyết nếu bệnh nhân nhịn đói.

Liều lượng các loại thuốc này được kê dựa trên lượng calo và carbohydrate mà bệnh nhân ăn hàng ngày.

Việc đột ngột yêu cầu bệnh nhân tiểu đường bỏ bữa sáng mà không hướng dẫn họ cách điều chỉnh liều thuốc có thể gây nguy hiểm.

Hạ đường huyết khi đang lái xe đến bệnh viện để có thể gây nguy hiểm cho cả bệnh nhân và những người khác trên đường.

Cần làm gì?

Theo bà Mara Schwartz – điều phối viên chương trình bệnh tiểu đường tại Self Regional Healthcare ở Greenwood, Nam Carolina, Mỹ, đối với những bệnh nhân dùng sulfonylureas – một loại thuốc điều trị tiểu đường được bán dưới các tên thương mại như Glipizide hoặc Glyburide để làm tăng tiết insulin, bác sĩ nên hướng dẫn bệnh nhân bỏ liều vào buổi sáng nếu cần nhịn ăn để làm xét nghiệm máu

Những người bị tiểu đường type 1 và type 2 đang dùng insulin có thể dễ dàng tránh được tình trạng hạ đường huyết do bỏ bữa sáng.

Trong cuộc phỏng vấn với Healthline, bà Mara Schwartz cho biết: “Nếu liều lượng insulin tác dụng kéo dài được điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của cơ thể thì lượng đường trong máu sẽ không tụt xuống mức quá thấp chỉ vì bỏ bữa sáng. Bệnh nhân có thể nhịn ăn cả ngày mà lượng đường trong máu vẫn ổn vì insulin có tác dụng kiểm soát mức đường huyết.”

Bà nói thêm: “Hôm nào bệnh nhân bỏ bữa sáng thì không nên dùng insulin tác dụng nhanh vào buổi sáng vì insulin được dùng nhằm mục đích chuyển hóa carb, chất béo và protein trong bữa ăn.”

“Nếu lượng đường trong máu ở mức cao khi thức dậy thì vẫn có thể dùng liều insulin thông thường để giảm lượng đường trong máu xuống mức an toàn nhưng cần nhớ rằng phải mất đến 4 giờ đạt được điều này sau khi dùng insulin.”

Bệnh tiểu đường và nhịn ăn

Mặc dù những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2 vẫn có thể nhịn ăn, bao gồm nhịn ăn gián đoạn thường xuyên nhưng việc này đòi hỏi bệnh nhân phải tìm hiểu kỹ và có sự chuẩn bị nhất định.

Nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng chỉ có 35% bệnh nhân tiểu đường biết cách kiểm soát đường huyết một cách an toàn trước khi xét nghiệm máu lúc đói.

Bà Schwartz chia sẻ đã từng gặp rất nhiều bệnh nhân tiểu đường bị hạ đường huyết khi đến làm xét nghiệm máu.

Chính bà cũng là người đã sống chung với bệnh tiểu đường type 1 trong hơn 30 năm. Bà cho biết: “Mức độ hiểu biết của mỗi người về sức khỏe là khác nhau. Một số bệnh nhân biết cách tự điều chỉnh liều lượng insulin trước khi cần làm xét nghiệm máu nhưng nhiều người thì lại không.”

Bà nói thêm rằng bà thường xuyên gặp những bệnh nhân có mức đường huyết chỉ 40 mg/dL khi đến xét nghiệm máu lúc đói.

Bệnh nhân có thể sẽ phải cấp cứu nếu như không được hướng dẫn điều chỉnh liều lượng thuốc một cách an toàn.

Bà Schwartz nhấn mạnh mối quan tâm chung của các chuyên gia về bệnh tiểu đường ngày nay: Cần có sự quan tâm sát sao hơn từ phía các bác sĩ đối với bệnh nhân và bệnh nhân đừng ngần ngại liên hệ bác sĩ nếu có vấn đề cần giải đáp.

Nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thay đổi liều lượng insulin.

Ngoài ra, ăn nhẹ trước khi lấy máu cũng là một giải pháp để tránh hạ đường huyết nhưng một điều quan trọng là phải chọn loại thực phẩm cho phù hợp.

Bà Mara Schwartz cho biết: “Nếu như không định nhịn ăn thì phải chọn loại đồ ăn cho đúng vì một bữa sáng nhiều chất béo bão hòa sẽ làm giảm đi tính chính xác của kết quả xét nghiệm. Bệnh nhân nên ăn một ít trái cây hoặc những loại đồ ăn lành mạnh tương tự để tránh bị hạ đường huyết trước khi lấy máu.”

Mặt khác, tăng đường huyết hay lượng đường trong máu cao cũng có thể xảy ra ở những bệnh nhân tiểu đường tuýp 1 bỏ bữa sáng vì phản ứng sinh lý bình thường của gan là giải phóng glycogen và chuyển hóa thành glucose để cơ thể sử dụng làm năng lượng.

Mặc dù quá trình này cũng có thể diễn ra ở những người không bị tiểu đường nhưng khi nhận thấy lượng glucose tăng cao, tuyến tụy khỏe mạnh sẽ giải phóng ra một lượng nhỏ insulin và nhờ ngăn chặn tình trạng tăng đường huyết. Ở những người mắc tiểu đường type 1, phản ứng này khó dự đoán và khó xác định liều lượng. Cách duy nhất là thử nghiệm vài mức liều lượng khác nhau và tìm ra mức liều lượng phù hợp nhất.

Tuy nhiên, đối với nhiều người, tốt nhất là không nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm máu vì việc điều chỉnh liều lượng thuốc sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát đường huyết trong khoảng thời gian còn lại trong ngày.

Tóm lại, cách an toàn nhất để tránh bị hạ đường huyết vào buổi sáng trước khi lấy máu là ăn nhẹ và lựa chọn các loại thực phẩm lành mạnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *