Bất cứ ai có quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) hay còn gọi là bệnh xã hội. Do đó, mỗi một người đều phải nhận thức được những rủi ro và biết cách bảo vệ bản thân.
11 điều cần biết về xét nghiệm STD
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng hơn 300 triệu trường hợp mắc mới các bệnh lây qua đường tình dục trên toàn cầu – một con số quá cao, dẫn đến cuộc khủng hoảng y tế ở nhiều quốc gia trên Thế giới.
Ngoài con số mắc mới cao khủng khiếp, một số STD như bệnh lậu đang bắt đầu trở nên kháng thuốc kháng sinh và khó điều trị hơn so với trước đây.
Có nhiều lý do giải thích cho sự gia tăng số ca mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, ví dụ như sự lạm dụng các chất kích thích như cocaine (có thể dẫn đến hành vi tình dục không kiểm soát) hay sự thiếu nhận thức về quan hệ tình dục an toàn ở nhiều nơi trên Thế giới.
Biện pháp duy nhất để phát hiện các bệnh lây qua đường tình dục và ngăn ngừa hậu quả do những bệnh này gây ra là làm xét nghiệm.
Dưới đây là tổng hợp 11 điều mà mỗi người đều nên biết về xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
1. Mọi người đều cần xét nghiệm
Bất kỳ ai có quan hệ tình dục, cho dù là ở độ tuổi hay giới tính nào cũng đều cần đi xét nghiệm STD.
2. Tần suất xét nghiệm tùy thuộc vào các yếu tố nguy cơ
Những người trẻ tuổi có nguy cơ mắc bệnh xã hội cao hơn. Trong tổng số các ca mắc mới mỗi năm trên thế giới thì quá nửa xảy ra ở độ tuổi từ 15 đến 24.
Tổ chức Y tế Thế giới khuyến nghị những người trẻ tuổi nên làm xét nghiệm bệnh chlamydia và bệnh lậu hàng năm. Tất cả những ai có quan hệ tình dục đều nên làm xét nghiệm HIV ít nhất một lần trong đời.
Một số nhóm đối tượng nhất định, ví dụ như nam giới quan hệ tình dục đồng tính có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn so với những người quan hệ tình dục khác giới. Những nam giới đồng tính (gay) và song tính (bisexual) có quan hệ tình dục được khuyến cáo nên làm xét nghiệm STD hàng năm, hai lần một năm hoặc nhiều hơn tùy thuộc vào số lượng bạn tình và số lần quan hệ tình dục.
Cần nhớ rằng, hầu hết các STD đều không thể phát hiện được ngay sau khi nhiễm bệnh. Mỗi một bệnh đều có một “thời kỳ cửa sổ”, trong đó bệnh không biểu hiện triệu chứng và không thể phát hiện được bằng các phương pháp xét nghiệm. Thời kỳ này có thể kéo dài từ một tuần đến vài tháng, tùy từng bệnh.
3. Xét nghiệm thường xuyên hơn và sử dụng bao cao su khi đang dùng PrEP
Những người thuộc nhóm có nguy cơ cao nhiễm HIV nên cân nhắc việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP). Đây là phương pháp dùng thuốc kháng virus (ARV) hàng ngày và có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa HIV nếu sử dụng đúng cách (theo CDC).
Theo khuyến nghị, những người đang sử dụng PrEP nên làm xét nghiệm HIV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác 3 tháng một lần. Mỗi một lần quan hệ tình dục đều phải sử dụng bao cao su để ngăn ngừa các bệnh lây qua đường tình dục khác ngoài HIV.
Đối với những người chưa bị nhiễm HIV, việc dùng thuốc kháng virus đều đặn mỗi ngày có thể làm giảm hơn 90% nguy cơ nhiễm HIV. Sau khi nghi ngờ đã tiếp xúc với HIV thì cần tiếp tục điều trị dự phòng sau phơi nhiễm (PEP) để giảm khả năng mắc bệnh.
Cuối cùng, bác sĩ sẽ đánh giá yếu tố nguy cơ của từng người khi đến khám và tư vấn về tần suất làm xét nghiệm phù hợp hoặc thực hiện PrEP nếu cần thiết.
4. Hãy trung thực
Nhiều người còn có tâm lý e ngại khi đi khám các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Việc giấu giếm thông tin về các triệu chứng mà bản thân gặp phải cũng như là lịch sử hoạt động tình dục khi đi khám sẽ không có lợi cho bệnh nhân vì điều này sẽ dẫn đến hậu quả là các bệnh lây qua đường tình dục không được chẩn đoán đúng.
Do đó, điều quan trọng là phải cởi mở và trung thực khai báo đầy đủ thông tin với bác sĩ. Chỉ khi biết được các triệu chứng và lịch sử quan hệ tình dục thì bác sĩ mới có thể đề xuất các xét nghiệm cần thực hiện.
5. Xét nghiệm là điều bình thường và cần thiết
Bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến hơn nhiều người vẫn nghĩ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng có tới 75% người trưởng thành bị nhiễm HPV (virus u nhú ở người) vào một lúc nào đó trong đời. Đây là STD phổ biến nhất.
Xét nghiệm sàng lọc STD là điều hết sức bình thường và cần thiết đối với tất cả những ai có quan hệ tình dục. Đây cũng chỉ là một biện pháp để bảo vệ sức khỏe bản thân giống như việc đi khám sức khỏe định kỳ thông thường.
6. Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng các biện pháp bảo vệ như đeo bao cao su và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm đối với những trường hợp có nguy cơ nhiễm HIV cao sẽ giúp ngăn ngừa hoặc giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
7. Không tự chẩn đoán dựa trên triệu chứng
Internet là một nguồn dữ liệu khổng lồ mà ở đó, chúng ta có thể tìm kiếm thông tin về rất nhiều bệnh tật khác nhau. Tuy nhiên, không ít trong số đó là những thông tin chưa được xác minh và kiểm chứng. Vì vậy, khi muốn tìm kiếm về một bệnh nào đó thì nên chọn những nguồn thông tin đáng tin cậy.
Khi có những dấu hiệu, triệu chứng đáng ngờ thì tốt nhất vẫn nên đến bệnh viện khám để làm những xét nghiệm cần thiết. Chỉ có như vậy thì mới xác định được chính xác vấn đề. Các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục cũng là triệu chứng của rất nhiều vấn đề, bệnh lý khác nên không thể dựa vào đó để tự đưa ra chẩn đoán cho bản thân.
8. Đừng quá lo lắng dù có kết quả dương tính
Hầu hết mọi người đều có tâm lý thấp thỏm, lo lắng từ trước khi làm xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục cho đến khi có kết quả. Và khi xét nghiệm cho kết quả dương tính thì việc hoảng sợ là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, nhờ những tiến bộ trong y học hiện nay mà tất cả các bệnh này đều có thể điều trị được, thậm chí là cả HIV. Nhiều bệnh trong số đó còn có thể được chữa khỏi hoàn toàn.
Mặc dù chưa có cách chữa khỏi dứt điểm nhưng nếu dùng thuốc kháng virus đều đặn, đúng cách thì những người nhiễm HIV vẫn hoàn toàn có thể sống một cuộc sống bình thường, khỏe mạnh. Tuy nhiên, vẫn cần đi xét nghiệm định kỳ để theo dõi tình trạng sức khỏe và tránh lây truyền virus sang người khác.
9. Nói chuyện với bạn tình
Nếu như có kết quả xét nghiệm dương tính với một bệnh lây truyền qua đường tình dục thì cần phải thông báo cho tất cả những người đã quan hệ tình dục cùng trong 6 tháng trở lại để họ cũng đi xét nghiệm và điều trị nếu mắc bệnh.
Tuy nhiên, tốt nhất vẫn nên nói chuyện thẳng thắn từ trước khi bắt đầu quan hệ.
Việc nói chuyện cùng nhau về các biện pháp bảo vệ, lịch sử quan hệ tình dục và tình trạng sức khỏe của bản thân là điều rất cần thiết. Điều này sẽ giúp cả hai đưa ra quyết định có muốn tiếp tục quan hệ tình dục hay không dựa trên các yếu tố nguy cơ của đối phương.
Việc chia sẻ trung thực với nhau sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục và giúp hai người có thể an tâm, thoải mái hơn trong quá trình thân mật.
10. Cùng đi xét nghiệm
Mặc dù nói chuyện, chia sẻ thẳng thắn là điều cần thiết nhưng không phải ai cũng biết được tình trạng sức khỏe tình dục của mình vì nhiều STD không biểu hiện triệu chứng. Tốt nhất, hai người vẫn nên cùng nhau đến bệnh viện làm xét nghiệm. Đây là điều đặc biệt cần thiết trước khi quan hệ với một người mới.
Ngoài ra, nếu như đi xét nghiệm một mình và có kết quả dương tính thì cần thông báo cho bạn tình để người đó cũng có thể đi làm xét nghiệm kiểm tra.
11. Không có gì xấu hổ khi bị STD
Việc bị một bệnh xã hội không có gì đáng xấu hổ hay nhục nhã cả. Những bệnh này rất phổ biến và có thể dễ dàng lây khi quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp bảo vệ, bao gồm tất cả các hình thức quan hệ, từ đường miệng, đường âm đạo, đường hậu môn cho đến quan hệ tình dục không thâm nhập.
Do đó, hãy đi làm xét nghiệm khi cần thiết. Đừng trốn tránh. Khi phát hiện sớm, việc điều trị sẽ đơn giản hơn và tránh xảy ra các biến chứng.