5 biện pháp khắc phục nhiễm trùng đường tiết niệu tại nhà

Uống đủ nước, bổ sung một số chất giúp tăng cường miễn dịch và thay đổi một số thói quen là những cách để nhiễm trùng đường tiết niệu nhanh khỏi và giảm nguy cơ tái phát.

5 biện pháp khắc phục nhiễm trùng đường tiết niệu tại nhà
5 biện pháp khắc phục nhiễm trùng đường tiết niệu tại nhà

Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Nhiễm trùng đường tiết niệu (hay nhiễm trùng đường tiết niệu) là một vấn đề rất phổ biến. Một phân tích vào năm 2022 cho thấy hơn 404,6 triệu người mắc nhiễm trùng đường tiết niệu trên toàn thế giới vào năm 2019. (1)

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn, thường là từ da hoặc hậu môn, xâm nhập vào niệu đạo và sau đó đi lên đường tiết niệu. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của đường tiết niệu nhưng nhiễm trùng bàng quang là phổ biến nhất.

Mặc dù nhiễm trùng đường tiết niệu có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Lý do là vì niệu đạo (ống dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang) của phụ nữ ngắn hơn niệu đạo nam giới.

Điều này có nghĩa là vi khuẩn dễ dàng đến bàng quang hơn. Ngoài ra, niệu đạo của phụ nữ nằm gần âm đạo và hậu môn hơn mà đây là những nguồn vi khuẩn.

Các yếu tố khác làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu còn có:

  • Tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Quan hệ tình dục
  • Vệ sinh kém
  • Tuổi tác (trẻ em và người lớn tuổi dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn)
  • Mang thai
  • Thay đổi sự cân bằng vi khuẩn trong âm đạo, nguyên nhân có thể do thuốc diệt tinh trùng và thời kỳ mãn kinh
  • Vấn đề ảnh hưởng đến cấu tạo và chức năng của đường tiết niệu, chẳng hạn như phì đại tuyến tiền liệt
  • Sử dụng ống thông tiểu
  • Một số bệnh lý, chẳng hạn như bệnh tiểu đường

Triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu

Các triệu chứng phổ biến của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu
  • Đi tiểu nhiều lần
  • Nước tiểu đục hoặc sẫm màu
  • Nước tiểu có mùi nồng
  • Tiểu không hết bãi
  • Đau vùng chậu

Gần 95% trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn gây ra nhưng cũng có đôi khi nguyên nhân là do nấm.

Mặc dù phương pháp chính để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu là thuốc kháng sinh (đối với nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn) nhưng có một số cách tự nhiên giúp kiểm soát nhiễm trùng và giảm nguy cơ tái phát.

Dưới đây là 5 biện pháp khắc phục tại nhà mà bạn có thể thử để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Các biện pháp khắc phục tại nhà

1. Uống nhiều nước

Mất nước sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Lý do là bởi đi tiểu thường xuyên có thể giúp “rửa trôi” vi khuẩn khỏi đường tiết niệu để ngăn ngừa nhiễm trùng. Khi cơ thể bị mất nước, bạn sẽ ít đi tiểu và vi khuẩn sẽ có thể sinh sôi phát triển trong đường tiết niệu.

Một nghiên cứu vào năm 2019 đã cho người cao tuổi tại một viện dưỡng lão tăng lượng nước uống hàng ngày và theo dõi tình trạng đường tiết niệu của những người tham gia. Các nhà nghiên cứu nhận thấy việc tăng lượng nước uống giúp giảm 58% nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng kháng sinh.

Trong một thử nghiệm đối chứng ngẫu nhiên kéo dài 12 tháng vào năm 2020, các nhà nghiên cứu đã theo dõi 140 phụ nữ tiền mãn kinh dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Những phụ nữ này được yêu cầu uống nhiều nước hơn mỗi ngày để xem điều này có giúp làm giảm nguy cơ viêm bàng quang tái phát và từ đó giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu hay không. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng việc tăng lượng nước uống giúp giảm tần suất nhiễm trùng đường tiết niệu. (2)

Để giữ cho cơ thể luôn có đủ nước, hãy thường xuyên uống nước trong suốt cả ngày và uống ngay khi cảm thấy khát.

Lợi ích của việc uống nhiều nước đối với nhiễm trùng đường tiết niệu

Uống nhiều nước khiến cho chúng ta đi tiểu thường xuyên hơn, nhờ đó loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu và làm giảm nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu.

2. Bổ sung vitamin C

Một số bằng chứng cho thấy rằng việc tăng lượng vitamin C có thể giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

Điều này là do vitamin C làm tăng độ axit của nước tiểu và nhờ đó tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Một nghiên cứu giả dược ngẫu nhiên nhỏ vào năm 2020 được thực hiện trên 19 người đã phẫu thuật ghép thận cho thấy những người được tiêm vitamin C có lượng vi khuẩn trong nước tiểu thấp hơn đáng kể so với nhóm dùng giả dược.

Kết quả từ một nghiên cứu nhỏ vào năm 2016 cho thấy rằng kết hợp vitamin C với hai biện pháp khắc phục nhiễm trùng đường tiết niệu tự nhiên khác là quả nam việt quất và bổ sung lợi khuẩn lactobacillus rhamnosus có thể giúp điều trị hiệu quả nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

Vitamin C có nhiều trong một số loại trái cây và rau củ như ổi, kiwi, ớt chuông, cam, bưởi, cà chua,… Ăn những loại rau củ quả này là một cách đơn giản mà hiệu quả để tăng lượng vitamin C.

Mặc dù các nghiên cứu nêu trên đều cho kết quả tích cực nhưng vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để chứng minh hiệu quả của vitamin C trong việc giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra, vẫn còn quan điểm trái ngược nhau về việc liệu vitamin C có thực sự làm thay đổi độ axit của nước tiểu đủ nhiều để tiêu diệt vi khuẩn hay không. Tuy nhiên, ít nhất, việc tăng lượng vitamin C sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch khỏe sẽ giúp chống lại nhiều bệnh tật.

Lợi ích của vitamin C đối với nhiễm trùng đường tiết niệu

Tăng lượng vitamin C có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách làm cho nước tiểu có tính axit mạnh hơn, nhờ đó tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng.

3. Uống nước ép nam việt quất không đường

Uống nước ép nam việt quất không đường là một trong những biện pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu như bạn không thích uống nước ép nam việt quất không đường không phải thì có thể dùng thực phẩm chức năng nam việt quất.

Quả nam việt quất có chứa hợp chất giúp ngăn vi khuẩn bám vào niêm mạc đường tiết niệu.

Trong một nghiên cứu vào năm 2016, những người có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu đã được yêu cầu uống 240 ml nước ép nam việt quất mỗi ngày trong 24 tuần. Những người uống nước ép nam việt quất ít bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn so với nhóm không uống. (3)

Một nghiên cứu khác cho thấy rằng sử dụng các sản phẩm từ quả nam việt quất có thể làm giảm số lần bị nhiễm trùng đường tiết niệu trong một năm, đặc biệt là ở những người bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát.

Trong một nghiên cứu mới đây, những người tham gia có tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu không phức tạp tái phát đã giảm tần suất tái phát bệnh sau sáu tháng uống thực phẩm chức năng nam việt quất.

Tuy nhiên, một số nghiên cứu khác cho thấy uống nước ép nam việt quất không phải một phương pháp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu hiệu quả.

Do kết quả của các nghiên cứu gần đây không thống nhất nên vào năm 2021, các nhà nghiên cứu đã công bố một tổng quan tài liệu tổng hợp nhiều nghiên cứu hiện có về chủ đề này. Ban đầu, các nhà nghiên cứu tìm được 3.421 nghiên cứu và cuối cùng lọc ra được 23 thử nghiệm có đủ dữ liệu để đưa vào tổng quan tài liệu.

Kết quả phân tích tổng hợp cho thấy uống thực phẩm chức năng nam việt quất làm giảm đáng kể tỷ lệ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu khuyến nghị vẫn nên sử dụng kết hợp các sản phẩm nam việt quất cùng với các biện pháp khác để điều trị và ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

Mặc dù các bằng chứng còn chưa thống nhất nhưng nước ép nam việt quất có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định xem liệu rằng uống nước ép nam việt quất hay sử dụng các sản phẩm chứa chiết xuất nam việt quất có giúp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu hay không.

Nếu bạn muốn thử dùng nước ép nam việt quất để phòng ngừa hoặc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu thì nên chọn loại không đường. Đây là loại được sử dụng trong hầu hết các nghiên cứu. Nước ép nam việt quất có đường có thể sẽ kém hiệu quả hơn hoặc thậm chí hoàn toàn không có hiệu quả trong việc phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.

Bạn có thể tự ép nước nam việt quất, mua nướp ép đóng chai hoặc nam việt quất cô đặc loại không đường và pha với nước.

Lợi ích của quả nam việt quất đối với nhiễm trùng đường tiết niệu

Một số nghiên cứu cho thấy rằng quả nam việt quất có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu bằng cách ngăn vi khuẩn bám vào niêm mạc đường tiết niệu.

4. Bổ sung probiotic

Probiotic là những vi sinh vật có lợi, giúp duy trì sự cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột.

Bạn có thể bổ sung probiotic bằng cách uống men vi sinh hoặc ăn những loại thực phẩm chứa probiotic như kefir, kim chi, dưa muối, kombucha và sữa chua chứa lợi khuẩn.

Bổ sung probiotic mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, từ cải thiện chức năng tiêu hóa cho đến tăng cường sức đề kháng.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng probiotic có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Những nghiên cứu này sử dụng men vi sinh đường uống và men vi sinh dạng viên đặt âm đạo. Những sản phẩm này có chứa các chủng lợi khuẩn khác nhau.

Thuốc kháng sinh là phương pháp chính để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn giết chết cả những vi khuẩn có lợi, dẫn đến mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột. Bổ sung probiotic có thể giúp khôi phục sự cân bằng hệ vi sinh vật sau khi điều trị bằng kháng sinh.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung probiotic có thể làm tăng số lượng vi khuẩn có lợi đường ruột và giảm tác dụng phụ của kháng sinh.

Lợi ích của probiotic đối với nhiễm trùng đường tiết niệu

Probiotic có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu và khôi phục sự cân bằng hệ vi khuẩn trong đường ruột sau khi điều trị bằng kháng sinh.

5. Thay đổi thói quen

Thay đổi một số thói quen thường ngày cũng có thể giúp bạn phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu.

Thứ nhất, không nên nhịn tiểu quá lâu. Nhịn tiểu quá lâu có thể khiến cho vi khuẩn tích tụ trong bàng quang và dẫn đến nhiễm trùng.

Thứ hai, hãy đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục. Trong quá trình quan hệ tình dục, vi khuẩn từ miệng, âm đạo hoặc hậu môn có thể di chuyển vào niệu đạo và việc đi tiểu ngay sau khi quan hệ sẽ đẩy những vi khuẩn ra ngoài.

Ngoài ra, những người dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu nên tránh sử dụng thuốc diệt tinh trùng vì thuốc diệt tinh trùng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Cuối cùng, phụ nữ nên lau từ trước ra sau khi đi vệ sinh. Lau từ sau ra trước có thể đưa vi khuẩn từ hậu môn vào đường tiết niệu và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Phụ nữ có thể sử dụng khăn ướt vệ sinh vùng kín để tăng hiệu quả ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn

Các cách khác để kiểm soát nhiễm trùng đường tiết niệu

Dưới đây là một số cách giúp làm giảm các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, tăng tốc độ khỏi bệnh và giảm nguy cơ tái phát:

  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tránh hoặc hạn chế các loại thực phẩm và đồ uống gây kích thích bàng quang, chẳng hạn như cà phê, nước có ga, trái cây họ cam quýt và đồ ăn cay.
  • Không nhịn tiểu quá lâu.
  • Chườm ấm lên bụng hoặc lưng để giảm đau.
  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn.
  • Uống thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

Khi nào cần đi khám?

Mặc dù các biện pháp tự nhiên có thể giúp giảm triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu và giảm nguy cơ bệnh tái phát nhưng bạn vẫn nên đi khám khi có các triệu chứng bất thường để được chẩn đoán chính xác vấn đề. Nếu đúng là nhiễm trùng đường tiết niệu thì bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh.

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng, ví dụ như nhiễm trùng lan đến thận. Hãy đến bệnh viện ngay khi gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Sốt cao trên 39°C
  • Run tay
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Máu trong nước tiểu

Một số câu hỏi thường gặp về nhiễm trùng đường tiết niệu

Tại sao phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam giới?

Phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn nam giới do đặc điểm giải phẫu tự nhiên của đường tiết niệu. Niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn so với niệu đạo của nam giới và nằm gần hậu môn hơn. Điều đó có nghĩa là vi khuẩn và các sản phẩm như thuốc diệt tinh trùng sẽ dễ dàng đi vào niệu đạo và bàng quang hơn.

Một nguyên nhân khác khiến phụ nữ dễ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu hơn là do phụ nữ trải qua thời kỳ mãn kinh và mang thai. Sự thay đổi nội tiết tố ở hai giai đoạn này làm thay đổi hệ vi sinh vật trong đường sinh dục và đường tiêu hóa, ngoài ra còn có thể gây ra một số tình trạng làm tăng nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.

Việc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu có phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng không?

Việc điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu phụ thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng. Nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính hay tái phát, sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh thay vì các biện pháp khắc phục đơn giản tại nhà.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể là do nhiều loại vi khuẩn khác nhau gây ra và loại thuốc kháng sinh cần dùng sẽ phụ thuộc vào loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.

Các loại thuốc không kê đơn như AZO có điều trị được nhiễm trùng đường tiết niệu không?

Các loại thuốc không kê đơn như AZO có chứa hoạt chất có đặc tính kháng khuẩn. Ví dụ, AZO có chứa hoạt chất methenamine.

Khi kết hợp với một hợp chất chống viêm, những loại thuốc này có thể giúp cơ thể tiêu diệt vi khuẩn có hại.

Tuy nhiên, trong những trường hợp nhiễm trùng do vi khuẩn nặng, hoạt chất trong các loại thuốc không kê đơn thường không đủ mạnh để tiêu diệt vi khuẩn. Ngoài ra, hầu hết các loại thuốc này đều chỉ giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu chứ không có tác dụng điều trị nhiễm trùng.

Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng các biện pháp tự nhiên không hay bắt buộc phải dùng thuốc kháng sinh?

Đôi khi có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu một cách tự nhiên bằng cách nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bổ sung các chất giúp tăng cường sức đề kháng và để cơ thể tự tiêu diệt vi khuẩn. Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy rằng khoảng 25 đến 42% trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu tự khỏi mà không cần sử dụng kháng sinh. (4)

Tuy nhiên, không phải khi nào nhiễm trùng đường tiết niệu cũng tự khỏi. Nếu không điều trị, tình trạng nhiễm trùng có thể ngày càng trở nên nghiêm trọng và dẫn đến biến chứng, bao gồm các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng như nhiễm trùng máu. Do đó, nên đi khám khi có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu và dùng thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể gây biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị. Nhiễm trùng đường tiết niệu ảnh hưởng đến thận và bàng quang cần được điều trị y tế. Không được bỏ qua các dấu hiệu nhiễm trùng nặng.

Cần đi khám ngay khi có các dấu hiệu sau đây:

  • Sốt cao trên 39°C (102°F)
  • Run tay
  • Ớn lạnh
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Máu trong nước tiểu

Điều gì xảy ra nếu nhiễm trùng đường tiết niệu không được điều trị?

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan đến đường tiết niệu trên, gồm có thận và niệu quản (ống nối bàng quang với thận).

Nhiễm trùng đường tiết niệu trên nguy hiểm hơn nhiều so với nhiễm trùng đường tiết niệu dưới. Nếu không điều trị kịp thời, nhiễm trùng đường tiết niệu trên có thể làm hỏng thận và lan vào máu. Nhiễm trùng máu có thể đe dọa đến tính mạng.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có gây nhiễm trùng thận không?

Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể lan đến thận và làm hỏng thận nếu không được điều trị kịp thời.

Hãy đến bệnh viện khám ngay khi có các dấu hiệu nhiễm trùng thận sau đây:

  • Sốt cao từ 38ºC (100ºF) trở lên
  • Ớn lạnh
  • Đau ở thắt lưng hoặc hạ sườn
  • Bồn chồn
  • Không tỉnh táo
  • Mệt mỏi
  • Chán ăn
  • Tiêu chảy

Làm thế nào để biết nhiễm trùng đường tiết niệu đang khỏi?

Nhiễm trùng đường tiết niệu thường khỏi trong vòng 3 đến 5 ngày kể từ khi bắt đầu điều trị. Cảm giác đau nhức và các triệu chứng khác sẽ thuyên giảm dần.

Nếu sau khoảng thời gian này mà các triệu chứng vẫn không giảm hoặc ngày càng nặng thêm thì nên báo cho bác sĩ.

Tóm tắt bài viết

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một vấn đề phổ biến và gây khó chịu, đặc biệt là khi tái đi tái lại nhiều lần.

Các biện pháp khắc phục tự nhiên và các sản phẩm không kê đơn có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và ngăn ngừa nhiễm trùng nhưng sẽ không thể tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng. Nếu đã thử các biện pháp khắc phục kể trên mà các triệu chứng không cải thiện thì nên đi khám để tránh phát sinh biến chứng.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *