Miễn là kinh nguyệt diễn ra đều đặn, ổn định thì không có gì phải lo lắng cả. Tuy nhiên, đôi khi, một số thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt hàng tháng lại báo hiệu vấn đề không bình thường và cần phải đi khám.
7 dấu hiệu kinh nguyệt bất thường mà phụ nữ không nên bỏ qua
Nội dung chính của bài viết:
- Chu kỳ kinh nguyệt của mỗi phụ nữ là khác nhau. Thời gian, mức độ ra máu và các triệu chứng mà mỗi người gặp phải khi đến ngày đèn đỏ cũng không giống nhau.
- Cần lưu ý 7 dấu hiệu bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt đó là: mất kinh nguyệt; kinh nguyệt ra nhiều; kinh nguyệt ngắn hoặc dài bất thường; đau bụng dữ dội; ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt; đau vú; tiêu chảy hoặc nôn ói.
- Nếu nhận thấy chu kỳ kinh nguyệt của bạn có những dấu hiệu bất thường này thì cần phải đi khám để bác sĩ chuẩn đoán và có biện pháp khắc phục kịp thời.
Dưới đây là 7 dấu hiệu bất thường trong chu kỳ kinh nguyệt mà phụ nữ không nên bỏ qua.
1. Mất kinh nguyệt
Chu kỳ kinh nguyệt (được tính từ ngày đầu của kỳ kinh này đến ngày đầu của kỳ kinh sau) của mỗi phụ nữ là không giống nhau nhưng hầu hết đều có kinh 28 ngày một lần. Nếu đột nhiên có tháng kinh nguyệt không đến thì có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau. Một trong các khả năng là mang thai và nên mua que thử thai để nhanh chóng xác nhận điều này.
Nếu không có khả năng mang thai thì mất kinh nguyệt hay vô kinh có thể xảy ra do những nguyên nhân như:
- Tập thể dục cường độ quá cao hoặc giảm cân quá đột ngột: Tập luyện quá nặng có thể ảnh hưởng đến nồng độ các hormone (nội tiết tố) kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt. Khi cơ thể bị mất đi quá nhiều chất béo do chế độ ăn kiêng khắc nghiệt hoặc tập thể dục cường độ cao thì chu kỳ kinh nguyệt có thể dừng lại hoàn toàn. Lý do là bởi cơ thể cần sử dụng chất béo để sản xuất hormone.
- Tăng cân: Không chỉ có giảm cân, tăng cân quá nhiều cũng có thể làm mất cân bằng nội tiết tố và ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.
- Thuốc tránh thai hàng ngày: Một số loại thuốc tránh thai giải phóng ra hormone liên tục vào cơ thể và khiến cho chu kỳ kinh diễn ra không đều hay thậm chí còn bị dừng hẳn.
- Hội chứng buồng trứng đa nang: Ở những phụ nữ mắc bệnh này, sự mất cân bằng hormone dẫn đến rối loạn kinh nguyệt và sự hình thành các nang chứa dịch trong buồng trứng.
- Căng thẳng quá mức: Bị căng thẳng trong thời gian dài là một nguyên nhân phổ biến khiến chu kỳ kinh nguyệt trở nên bất thường.
- Tiền mãn kinh: Những phụ nữ ở độ tuổi cuối 40 đến đầu 50 thường bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Đây là khoảng thời gian diễn ra trước khi mãn kinh và nồng độ estrogen bắt đầu giảm. Phụ nữ chính thức mãn kinh khi không có kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục nhưng chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở nên thất thường trong một vài năm trước đó.
2. Kinh nguyệt ra nhiều
Lượng máu kinh ở mỗi phụ nữ là khác nhau. Nói chung, nếu cứ mỗi tiếng lại phải thay băng vệ sinh hoặc tampon từ một lần trở nên thì được coi là bị cường kinh – tình trạng mà kinh nguyệt ra nhiều bất thường. Do bị mất nhiều máu nên khi bị cường kinh, bạn sẽ có các dấu hiệu thiếu máu, ví dụ như người mệt mỏi, suy nhược, chóng mặt, hoa mắt hoặc khó thở.
Kinh nguyệt ra nhiều là một vấn đề rất phổ biến. Có đến một phần ba phụ nữ gặp phải vấn đề này.
Một số nguyên nhân gây cường kinh gồm có:
- Mất cân bằng nội tiết tố: Các bệnh như hội chứng buồng trứng đa nang và tuyến giáp hoạt động kém (suy giáp) có thể ảnh hưởng đến sự sản sinh hormone trong cơ thể. Thay đổi nội tiết tố có thể làm cho niêm mạc tử cung dày hơn bình thường và dẫn đến kinh nguyệt ra nhiều.
- U xơ hoặc polyp tử cung: Những khối u lành (không phải ung thư) hình thành trong tử cung như u xơ hay polyp có thể gây tình trạng ra máu nhiều hơn bình thường.
- Lạc nội mạc tử cung: Đây là tình trạng mà các mô vốn hình thành ở bề mặt bên trong tử cung lại phát triển ở các cơ quan khác của khoang chậu. Trong tử cung, mỗi tháng mô niêm mạc sẽ dày lên rồi sau đó bị bong ra khi trứng không được thụ tinh và tạo thành hiện tượng hành kinh. Khi hình thành ở những cơ quan khác như buồng trứng hoặc ống dẫn trứng thì mô niêm mạc tử cung vẫn giữ nguyên đặc tính này nhưng lại không thể thoát ra ngoài cơ thể qua âm đạo mà sẽ ứ đọng lại.
- Bệnh cơ tuyến tử cung: Tương tự như lạc nội mạc tử cung, bệnh cơ tuyến tử cung cũng là tình trạng xảy ra khi các mô bình thường vốn nằm ở bề mặt bên trong tử cung lại bị “đi lạc” nhưng không phải phát triển ở các cơ quan ngoài tử cung mà phát triển vào lớp cơ của cơ quan này. Ở đây, chúng cũng không thể thoát ra ngoài nên tích tụ và gây đau đớn.
- Vòng tránh thai nội tiết: Biện pháp tránh thai này có thể gây tác dụng phụ là ra máu nhiều khi đến kỳ, đặc biệt là trong năm đầu tiên sau khi đặt vòng.
- Rối loạn đông máu: Các bệnh di truyền như bệnh Von Willebrand ảnh hưởng đến quá trình đông máu. Những rối loạn này cũng có thể gây nên tình trạng kinh nguyệt ra nhiều bất thường.
- Biến chứng thai kỳ: Hiện tượng ra máu nhiều bất thường có thể là một dấu hiệu sảy thai hoặc thai ngoài tử cung. Những dấu hiệu này có thể xảy ra từ trước khi phụ nữ biết mình mang thai.
- Ung thư: Một trong những triệu chứng của ung thư tử cung hoặc ung thư cổ tử cung là kinh nguyệt ra nhiều. Tuy nhiên, những bệnh ung thư này thường được chẩn đoán sau mãn kinh.
3. Kinh nguyệt ngắn hoặc dài bất thường
Kinh nguyệt bình thường có thể kéo dài trong khoảng từ 2 đến 7 ngày. Kinh nguyệt ngắn thường không có gì phải lo lắng, đặc biệt là khi diễn ra đều đặn hàng tháng. Các biện pháp tránh thai nội tiết cũng có thể rút ngắn số ngày có kinh trong tháng. Bên cạnh đó, nhiều phụ nữ khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh cũng gặp hiện tượng kinh nguyệt trở nên bất thường. Nhưng nếu kinh nguyệt đột nhiên ngắn hơn nhiều so với trước thì nên đi khám bác sĩ.
Một số nguyên nhân gây tình trạng kinh nguyệt ra nhiều cũng có thể kéo dài thời gian hành kinh hơn bình thường, gồm có mất cân bằng nội tiết tố, u xơ hoặc polyp tử cung.
4. Đau bụng dữ dội
Đau bụng là một hiện tượng bình thường diễn ra trong kỳ kinh. Nguyên nhân là do các cơn co thắt tử cung để đẩy lớp mô niêm mạc ra ngoài. Các cơn đau bụng thường bắt đầu từ một hoặc hai ngày trước khi bắt đầu ra máu và kéo dài trong 2 đến 4 ngày đầu của kỳ kinh.
Mức độ đau bụng mà mỗi người phải trải qua là khác nhau, có thể chỉ rất nhẹ và không gây khó chịu nhưng cũng có thể đau dữ dội và ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày.
Các nguyên nhân khác cũng có thể gây đau bụng dữ dội khi đến kỳ gồm có:
- U xơ tử cung
- Vòng tránh thai
- Lạc nội mạc tử cung
- Bệnh cơ tuyến tử cung
- Bệnh viêm vùng chậu
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD)
- Căng thẳng
5. Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
Có một số nguyên nhân gây ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, có nghĩa là ra máu ngoài thời gian có kinh. Một số nguyên nhân trong đó không nghiêm trọng, ví dụ như thay đổi biện pháp sinh sản nhưng một số nguyên nhân lại cần phải đi khám bác sĩ và điều trị.
Các nguyên nhân gây ra máu giữa giữa chu kỳ kinh nguyệt gồm có:
- Bỏ liều hoặc mới đổi loại thuốc tránh thai
- Các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia hoặc lậu
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Âm đạo bị tổn thương, chẳng hạn như do quan hệ tình dục thô bạo
- Polyp hoặc u xơ tử cung
- Máu báo thai (ra máu do trứng sau thụ tinh bám vào thành tử cung)
- Thai ngoài tử cung hoặc sảy thai
- Tiền mãn kinh
- Ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung
6. Đau vú
Ở nhiều phụ nữ, vú trở nên căng đau và nhạy cảm trước và trong vài ngày đầu có kinh nguyệt. Nguyên nhân của hiện tượng này là do sự dao động nồng độ hormone. Đôi khi cơn đau còn lan đến vùng nách – nơi có một loại mô gọi là đuôi nách của Spence.
Tuy nhiên, nếu vú bị đau vào những thời điểm không có kinh nguyệt hàng tháng thì cần đi khám. Đây có thể là một trong các triệu chứng của ung thư.
7. Tiêu chảy hoặc nôn ói
Nhiều phụ nữ gặp phải các vấn đề về tiêu hóa khi hành kinh. Trong một nghiên cứu, 73% phụ nữ cho biết họ bị đau bụng, tiêu chảy hoặc cả hai trong khoảng thời gian có kinh nguyệt.
Nhưng nếu đột nhiên bạn gặp phải những hiện tượng này thì đó có thể là dấu hiệu của bệnh viêm vùng chậu hoặc một vấn đề sức khỏe khác. Vì tiêu chảy hoặc nôn mửa quá nhiều sẽ gây mất nước nên cần đi khám ngay khi có những triệu chứng này để có biện pháp điều trị kịp thời.