7 lầm tưởng về bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Mặc dù ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh này. Dưới đây là 7 lầm tưởng phổ biến về bệnh ung thư tuyến tiền liệt và sự thật.
7 lầm tưởng về bệnh ung thư tuyến tiền liệt
7 lầm tưởng về bệnh ung thư tuyến tiền liệt

Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra khi các tế bào ở tuyến tiền liệt trở nên bất thường và phát triển một cách mất kiểm soát. Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society) ước tính rằng cứ 8 nam giới lại có 1 người mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt. Vào năm 2022, tổ chức này ước tính có 268.490 nam giới tại Hoa Kỳ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt và 35.000 người tử vong do các nguyên nhân liên quan đến căn bệnh này.

Ung thư tuyến tiền liệt xảy ra phổ biến nhất ở nam giới từ 65 tuổi trở lên. Ngoài tuổi tác, một số yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt gồm có tiền sử gia đình, chủng tộc và thói quen sống.

Mặc dù ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới nhưng nhiều người vẫn chưa thực sự hiểu rõ về căn bệnh này. Dưới đây là 7 lầm tưởng phổ biến về bệnh ung thư tuyến tiền liệt và sự thật.

Lầm tưởng số 1: Chỉ nam giới lớn tuổi mới mắc ung thư tuyến tiền liệt

Sự thật: Mặc dù nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt tăng lên theo tuổi tác nhưng ung thư tuyến tiền liệt cũng có thể xảy ra ở cả nam giới trẻ tuổi. Cứ 10 nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt thì có 4 người dưới 65 tuổi. Mặc dù hiếm gặp ở nam giới dưới 40 tuổi nhưng đã ghi nhận nhiều trường hợp nam giới trẻ tuổi, thậm chí là người trong độ tuổi 15 – 19 mắc căn bệnh này.

Lầm tưởng số 2: Ung thư tuyến tiền liệt luôn có triệu chứng

Sự thật: Ở giai đoạn đầu, ung thư tuyến tiền liệt thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào. Nhiều trường hợp ung thư tuyến tiền liệt được phát hiện thông qua sàng lọc từ trước khi xuất hiện triệu chứng. Nếu như có các triệu chứng nghi là ung thư tuyến tiền liệt thì hãy đi khám càng sớm càng tốt. Các triệu chứng thường gặp của ung thư tuyến tiền liệt gồm có đi tiểu nhiều lần, tiểu khó, có máu trong nước tiểu hoặc tinh dịch, sụt cân không rõ nguyên nhân,…

Lầm tưởng số 3: Sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là điều không cần thiết

Sự thật: Khám sàng lọc có thể giúp phát hiện sớm bệnh ung thư tuyến tiền liệt và nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ đơn giản và hiệu quả hơn,khả năng chữa khỏi bệnh cũng cao hơn. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ để tìm hiểu về những lợi ích và rủi ro của việc sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt. Các phương pháp thường được sử dụng để sàng lọc ung thư tuyến tiền liệt là xét nghiệm máu để đo nồng độ kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt (PSA) và thăm trực tràng. Nếu có kết quả bất thường thì sẽ phải tiến hành các bước kiểm tra tiếp theo, chẳng hạn như sinh thiết để xác nhận ung thư tuyến tiền liệt hoặc một vấn đề khác với tuyến tiền liệt.

Lầm tưởng số 4: Mức PSA cao có nghĩa là đã mắc ung thư tuyến tiền liệt

Sự thật: Nam giới bị ung thư tuyến tiền liệt thường có mức PSA cao, đây là một loại protein được sản xuất bởi các tế bào tuyến tiền liệt. Tuy nhiên, nồng độ PSA trong máu tăng cao còn có thể là do nhiều nguyên nhân khác ngoài ung thư tuyến tiền liệt, chẳng hạn như tuổi cao, tăng sản tuyến tiền liệt lành tính (phì đại tuyền tiền liệt) hoặc viêm tuyến tiền liệt. Nếu xét nghiệm PSA cho kết quả cao bất thường thì sẽ phải tiến hành thêm các bước kiểm tra khác để xác định nguyên nhân.

Lầm tưởng số 5 : Ung thư tuyến tiền liệt không thể chữa khỏi được

Sự thật: Nếu được phát hiện và điều trị sớm thì bệnh ung thư tuyến tiền liệt thường có thể chữa khỏi được. Khả năng điều trị thành công cao nhất ở giai đoạn đầu, khi ung thư mới chỉ giới hạn ở tuyến tiền liệt và chưa lan sang các bộ phận khác trong cơ thể. Tùy thuộc vào tình trạng của mỗi ca bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt ở giai đoạn đầu gồm có phẫu thuật, xạ trị, liệu pháp áp lạnh và thuốc.

Lầm tưởng số 6: Ung thư tuyến tiền liệt phải điều trị ngay lập tức sau chẩn đoán

Sự thật: Trong một số trường hợp, chỉ cần giám sát tích cực thay vì phải điều trị ngay. Bác sĩ thường đề nghị điều trị nếu người bệnh còn trẻ, ung thư đang phát triển nhanh hoặc nếu ung thư đã lan rộng. Trong những trường hợp mà ung thư phát triển chậm và không lan rộng hoặc không biểu hiện triệu chứng thì tác hại của việc điều trị có thể còn lớn hơn lợi ích. Giám sát tích cực có nghĩa là người bệnh sẽ tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và phát hiện các dấu hiệu bệnh tiến triển.

Lầm tưởng số 7: Phẫu thuật tuyến tiền liệt sẽ gây rối loạn cương dương và tiểu không tự chủ kéo dài

Sự thật: Phẫu thuật tuyến tiền liệt không phải lúc nào cũng gây ra các tác dụng phụ lâu dài. Giống như các loại phẫu thuật khác, phẫu thuật tuyến tiền liệt cũng tiềm ẩn rủi ro, ví dụ như có thể gây tổn thương thần kinh và điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cương cứng hoặc khả năng kiểm soát việc đi tiểu. Một số loại phẫu thuật tuyến tiền liệt có nguy cơ xảy ra những tác dụng phụ này cao hơn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, những tác dụng phụ này không kéo dài vĩnh viễn mà sẽ tự cải thiện dần theo thời gian.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *