Ung thư biểu mô tế bào thận có chữa khỏi được không?

Ung thư biểu mô tế bào thận có thể được chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm khi ung thư vẫn còn khu trú trong thận. Ngay cả khi ung thư đã di căn thì vẫn có các phương pháp điều trị để làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Ung thư biểu mô tế bào thận có chữa khỏi được không?
Ung thư biểu mô tế bào thận có chữa khỏi được không?

Ung thư biểu mô tế bào thận là một loại ung thư thận. Thận là cặp cơ quan hình hạt đậu nằm đối xưng hai bên cột sống, ngay dưới lồng ngực. Thận lọc máu để loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra khỏi cơ thể.

Ung thư biểu mô tế bào thận là bệnh ung thư bắt đầu ở các ống nhỏ có chức năng lọc máu của thận. Ung thư biểu mô tế bào thận thường có dạng một khối u ở một quả thận nhưng trong một số trường hợp, nhiều khối u cùng hình thành ở một quả thận hoặc ung thư xảy ra ở cả hai quả thận.

Ung thư biểu mô tế bào thận là loại ung thư thận phổ biến nhất. Cứ 10 ca ung thư thận thì có đến 9 ca là ung thư biểu mô tế bào thận.

Nếu được phát hiện và điều trị sớm, ung thư biểu mô tế bào thận có thể được chữa khỏi. Ngay cả khi ung thư biểu mô tế bào thận tiến triển sang giai đoạn cuối hoặc ung thư tái phát sau điều trị thì vẫn có các phương pháp điều trị để làm chậm tốc độ tiến triển của bệnh và cải thiện chất lượng sống cho người bệnh.

Tỷ lệ sống sót của người mắc ung thư biểu mô tế bào thận

Tỷ lệ sống sót ung thư là tỷ lệ ước tính số người bị ung thư có thể sống thêm một thời gian nhất định trên tổng số người mắc ung thư. Tỷ lệ này không tính đến số ca tử vong do các nguyên nhân khác ngoài ung thư.

Tỷ lệ sống sót có giúp hiểu được phần nào về tiên lượng bệnh nhưng không thể dự đoán chính xác một người có thể sống thêm bao lâu sau khi được chẩn đoán ung thư. Phản ứng của cơ thể mỗi người với bệnh ung thư và với phác đồ điều trị là khác nhau, do đó, tuổi thọ sẽ không giống nhau.

Tỷ lệ sống sót được công bố dựa trên cơ sở dữ liệu của chương trình Surveillance, Epidemiology, and End Results (SEER) do Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute) duy trì.

SEER theo dõi tỷ lệ sống 5 năm của những người bị ung thư thận. Chương trình này phân chia người bệnh dựa trên mức độ lan rộng của ung thư thay vì giai đoạn ung thư. Theo đó, những người mắc ung thư thận được chia thành các nhóm như sau:

  • Ung thư khu trú: Ung thư chưa lan ra ngoài thận.
  • Ung thư di căn vùng: Ung thư đã lan ra ngoài thận đến các hạch bạch huyết, cơ quan hoặc mô lân cận.
  • Ung thư di căn xa: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết hoặc các cơ quan ở xa trong cơ thể, chẳng hạn như não hoặc phổi.

Tỷ lệ sống 5 năm của người mắc ung thư thận và bể thận ở tất cả các giai đoạn là 76,5%. Tỷ lệ này là ước tính dựa trên dữ liệu từ năm 2012 đến 2018.

Khoảng 66% ca mắc mới ung thư thận được chẩn đoán khi ung thư vẫn còn khu trú trong thận. Tỷ lệ sống 5 năm của những trường hợp ung thư thận giai đoạn này là 93%. Khi ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết, tỷ lệ sống 5 năm giảm xuống 72,3% và trong những trường hợp mà ung thư đã di căn tại thời điểm chẩn đoán, tỷ lệ sống là 15,3%. (1, https://seer.cancer.gov/statfacts/html/kidrp.html

Giai đoạn ung thư ảnh hưởng như thế nào đến phác đồ điều trị và tỷ lệ chữa khỏi?

Phác đồ điều trị ung thư biểu mô tế bào thận phụ thuộc vào giai đoạn ung thư. Khả năng chữa khỏi ung thư thận sẽ cao hơn nếu bệnh được phát hiện và điều trị ở các giai đoạn đầu, khi ung thư chưa lan ra bên ngoài thận.

Nếu ung thư vẫn còn khu trú trong thận (giai đoạn I và II) hoặc mới chỉ lan đến các tĩnh mạch hoặc hạch bạch huyết lân cận (giai đoạn III) thì giải pháp điều trị thường là phẫu thuật cắt bỏ khối u. Nếu như có thể loại bỏ toàn bộ tế bào ung thư thì sẽ chữa khỏi được bệnh.

Nếu ung thư đã di căn đến các bộ phận khác của cơ thể (giai đoạn IV) thì phẫu thuật sẽ không còn là giải pháp điều trị thích hợp nữa. Thay vào đó, bác sĩ sẽ đề nghị các phương pháp điều trị toàn thân, gồm có liệu pháp miễn dịch và liệu pháp nhắm trúng đích. Ở giai đoạn này, việc chữa khỏi ung thư là điều không thể nhưng các phương pháp điều trị sẽ giúp cải thiện kéo dài tuổi thọ cho người bệnh.

Ung thư có thể tái phát sau khi điều trị. Nếu ung thư tái phát khu trú ở thận thì có thể điều trị bằng phẫu thuật. Nếu ung thư tái phát ở những nơi khác trong cơ thể thì việc điều trị sẽ giống như ung thư thận giai đoạn IV.

Các phương pháp điều trị ung thư biểu mô tế bào thận

Nếu khối u có kích thước nhỏ (dưới 4 cm hay 1,5 inch) thì có thể chỉ cần giám sát tích cực, có nghĩa là chưa cần điều trị ngay mà chỉ cần thực hiện các công nghệ chẩn đoán hình ảnh như chụp CT hoặc siêu âm để theo dõi kích thước của khối u. Nếu khối u to lên thì sẽ bắt đầu điều trị.

Phương pháp hiệu quả nhất để điều trị ung thư biểu mô tế bào thận là phẫu thuật. Có ba loại phẫu thuật chính là:

  • Cắt thận bán phần: Cắt bỏ một phần thận. Loại phẫu thuật này thường dành cho những trường hợp có khối u nhỏ hơn 3 inch (7,6cm).
  • Cắt thận đơn giản: Cắt bỏ toàn bộ thận.
  • Cắt thận triệt để: Cắt bỏ toàn bộ thận cùng với các cấu trúc xung quanh như tuyến thượng thận và các hạch bạch huyết.

Bác sĩ có thể đề nghị điều trị bổ trợ sau phẫu thuật để giảm nguy cơ ung thư tái phát. Một số phương pháp điều trị bổ trợ thường được sử dụng gồm có thuốc sunitinib (Sutent) và pembrolizumab (Keytruda).

Trong những trường hợp không thể loại bỏ hoàn toàn khối u bằng phẫu thuật hoặc ung thư đã lan rộng thì các phương pháp điều trị gồm có:

  • Liệu pháp miễn dịch: sử dụng thuốc giúp hệ miễn dịch của cơ thể chống lại ung thư, chẳng hạn như:
    • ipilimumab (Yervoy)
    • nivolumab (Opdivo)
    • pembrolizumab (Keytruda)
  • Liệu pháp nhắm trúng đích: sử dụng thuốc làm chậm hoặc ngừng sự phát triển của khối u bằng cách nhắm đến các protein cụ thể trong tế bào ung thư, ví dụ như:
    • axitinib (Inlyta)
    • lenvatinib (Lenvima)
    • sunitinib (Sutent)
    • cabozantinib (Cabometyx)
  • Nút mạch khối u: chặn nguồn cấp máu cho khối u.
  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: sử dụng chùm tia phóng xạ để tiêu diệt tế bào ung thư.

Các loại thuốc miễn dịch và thuốc nhắm trúng đích thường được sử dụng kết hợp, có nghĩa là người bệnh thường phải dùng hai loại thuốc miễn dịch, hai loại thuốc nhắm trúng đích hoặc một loại thuốc miễn dịch cùng một loại thuốc nhắm trúng đích.

Ung thư biểu mô tế bào thận có chữa khỏi hoàn toàn được không?

Có thể chữa khỏi hoàn toàn ung thư biểu mô tế bào thận. Khả năng chữa khỏi sẽ cao nhất khi ung thư chưa lan ra ngoài thận.

Khi ung thư đã lan ra ngoài thận thì sẽ không thể chữa khỏi hoàn toàn được nữa. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và kiểm soát các triệu chứng.

Có cần ghép thận sau khi cắt bỏ thận không?

Sau khi cắt thận đơn giản hoặc triệt để, người bệnh sẽ còn một quả thận và vẫn có thể sống bình thường. Nhiều người vẫn sống khỏe mạnh khi chỉ còn một quả thận mà không cần phải thực hiện chế độ ăn uống đặc biệt. Tuy nhiên, nếu quả thận còn lại bị tổn thương hoặc không còn hoạt động thì người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.

Tầm quan trọng của việc phát hiện và điều trị sớm ung thư thận

Ung thư thận càng được phát hiện sớm thì khả năng chữa khỏi bệnh càng cao. Ở các giai đoạn đầu, ung thư biểu mô tế bào thận thường không có triệu chứng. Khối u nhỏ thường được phát hiện tình cờ khi chụp CT, MRI hoặc siêu âm vì các lý do khác.

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng gồm có:

  • Mệt mỏi
  • Ăn uống kém
  • Sụt cân
  • Máu trong nước tiểu
  • Sốt dai dẳng
  • Thiếu máu
  • Nổi cục có thể sờ thấy ở vùng hạ sườn hoặc thắt lưng
  • Đau một bên thắt lưng

Hãy đi khám càng sớm càng tốt khi có bất kỳ triệu chứng nào trong số này.

Tóm tắt bài viết

Ung thư biểu mô tế bào thận là một loại ung thư thận có khả năng chữa khỏi khá cao. Nếu được phát hiện sớm khi ung thư chưa lan ra ngoài thận thì có thể chữa khỏi bệnh hoàn toàn.

Phác đồ điều trị tùy thuộc vào giai đoạn ung thư, gồm có phẫu thuật cắt thận và các phương pháp điều trị toàn thân.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *