Có nhiều nguyên nhân gây ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Một số trong đó là những nguyên nhân vô hại nhưng cũng có những nguyên nhân cần can thiệp điều trị kịp thời.
Nguyên nhân nào gây ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt?
Nội dung chính của bài viết:
- Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt được định nghĩa là hiện tượng chảy máu âm đạo nhẹ xảy ra ngoài thời gian có kinh nguyệt bình thường.
- Hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên, như: do việc sử dụng các biện pháp tránh thai; hiện tượng rụng trứng; trứng bám vào thành tử cung; mang thai; tiền mãn kinh.
- Việc bị tổn thương cơ quan sinh dục; Polyp tử cung hoặc cổ tử cung; nhiễm trùng; viêm vùng chậu; u xơ tử cung; hội chứng buồng trứng đa nang; lạc nội mạc tử cung… cũng gây ra hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.
- Bất kỳ hiện tượng chảy máu âm đạo nào xảy ra khi không có kinh nguyệt đều được coi là không bình thường và nên đi khám để kiểm tra.
Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt được định nghĩa là hiện tượng chảy máu âm đạo nhẹ xảy ra ngoài thời gian có kinh nguyệt bình thường (sau khi đã kết thúc kỳ kinh trước nhưng chưa đến ngày bắt đầu kỳ kinh tiếp theo).
Thông thường, khi gặp hiện tượng này thì chỉ bị ra một lượng máu rất nhỏ, tạo thành giọt trên giấy vệ sinh hoặc quần lót, chỉ cần dùng băng vệ sinh hàng ngày là đủ chứ không cần phải dùng băng vệ sinh thường hay tampon.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt. Đôi khi, đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng đa phần thì không phải là điều đáng lo ngại.
Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp gây ra máu ngoài kỳ kinh.
Các nguyên nhân
Hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt có thể là do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên. Một số nguyên nhân có thể được điều trị hoặc khắc phục một cách dễ dàng.
1. Biện pháp tránh thai
Các biện pháp tránh thai nội tiết, ví dụ như thuốc đường uống, miếng dán, thuốc tiêm, vòng và que cấy đều có thể gây hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt.
Hiện tượng này có thể xảy ra khi:
- lần đầu sử dụng các biện pháp tránh thai nội tiết
- bỏ liều hoặc không dùng thuốc một cách chính xác
- thay đổi loại hoặc liều dùng
- sử dụng các biện pháp tránh thai trong một thời gian dài
Đôi khi, các biện pháp tránh thai này được sử dụng để điều trị tình trạng chảy máu bất thường ngoài kỳ kinh nguyệt. Thông báo cho bác sĩ nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc trở nên nặng hơn.
2. Rụng trứng
Khoảng 3% phụ nữ bị ra máu vào thời điểm rụng trứng. Rụng trứng là một giai đoạn trong chu kỳ kinh nguyệt, diễn ra khi buồng trứng giải phóng trứng và đôi khi có biểu hiện là chảy một lượng máu nhỏ qua âm đạo. Ở đa số phụ nữ, rụng trứng diễn ra trong khoảng từ ngày thứ 11 đến 21 kể từ ngày đầu tiên của kỳ kinh trước.
Máu do rụng trứng có thể có màu hồng hoặc đỏ và sẽ kéo dài khoảng 1 đến 2 ngày. Các dấu hiệu khác báo rụng trứng còn có:
- Tăng dịch nhầy cổ tử cung
- Dịch nhầy giống như lòng trắng trứng
- Thay đổi vị trí hoặc độ cứng của cổ tử cung
- Nhiệt độ cơ thể giảm trước khi rụng trứng và sau đó là tăng mạnh sau khi rụng trứng
- Tăng ham muốn tình dục
- Đau âm ỉ ở một bên bụng
- Vú trở nên nhạy cảm
- Đầy hơi
- Khứu giác, vị giác hoặc thị giác trởn nên nhạy hơn
Theo dõi những dấu hiệu này sẽ giúp bạn thu hẹp cửa sổ thụ thai để tăng khả năng mang thai.
3. Trứng bám vào thành tử cung
Đôi khi, hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt là dấu hiệu báo trứng sau khi thụ tinh đã bám vào lớp niêm mạc bên trong tử cung. Tuy nhiên, không phải ai cũng có dấu hiệu này. Nếu có thì thường xảy ra vào khoảng một vài ngày trước khi bắt đầu kỳ kinh kế tiếp và ở mỗi phụ nữ thì máu lại màu sắc khác nhau, từ hồng nhạt cho đến nâu sẫm, lượng ít hơn nhiều và không kéo dài như máu kinh nguyệt thông thường.
Ngoài ra máu, khi trứng bám vào niêm mạc tử cung thì có thể còn có những dấu hiệu khác như:
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Thay đổi tâm trạng
- Đau bụng nhẹ
- Vú nhạy cảm
- Đau mỏi ở thắt lưng
- Người mệt mỏi
Hiện tượng ra máu khi trứng bám vào thành tử cung không phải là điều đáng lo ngại và không gây nguy hiểm cho thai nhi. Tuy nhiên, nếu bị chảy máu nhiều thì nên đi khám.
4. Mang thai
Chảy máu âm đạo trong thời gian mang thai không phải là điều hiếm gặp. Khoảng 15 đến 25% phụ nữ gặp hiện tượng này trong ba tháng đầu tiên. Lượng máu thường ít và màu sắc có thể là hồng, đỏ hoặc nâu.
Thông thường, đây không phải là điều đáng lo ngại nhưng vẫn nên thông báo cho bác sĩ. Nếu bị ra nhiều máu hoặc đau nhức vùng chậu thì cần đi khám ngay lập tức. Đây có thể là dấu hiệu của sảy thai hoặc thai ngoài tử cung (xảy ra ở ống dẫn trứng).
5. Tiền mãn kinh
Khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh – giai đoạn chuyển tiếp sang mãn kinh thì sẽ có những tháng không rụng trứng.
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, chu kỳ kinh nguyệt sẽ trở nên thất thường. Phụ nữ có thể gặp hiện tượng ra máu ngoài kỳ kinh, lỡ kinh nguyệt một vài tháng, lượng máu kinh ít hơn hoặc nhiều hơn bình thường.
6. Tổn thương cơ quan sinh dục
Tổn thương âm đạo hoặc cổ tử cung đều có thể gây chảy máu bất thường. Nguyên nhân gây tổn thương có thể là do:
- Tấn công tình dục
- Quan hệ tình dục thô bạo
- Đưa vật thể từ bên ngoài vào, ví dụ như tampon
- Các thủ thuật can thiệp, ví dụ như kiểm tra vùng chậu
7. Polyp tử cung hoặc cổ tử cung
Polyp là những khối u nhỏ hình thành do sự phát triển mô bất thường có thể xảy ra ở một số bộ phận trong cơ thể, bao gồm cả cổ tử cung và tử cung. Hầu hết các khối polyp là lành tính (không phải ung thư).
Polyp cổ tử cung thường không biểu hiện triệu chứng nhưng nếu có thì thường là:
- Chảy máu nhẹ sau khi quan hệ
- Ra máu sau mãn kinh
- Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Chảy nhiều máu khi đến kỳ
- Dịch tiết âm đạo bất thường (có màu vàng hoặc trắng)
Bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện polyp cổ tử cung trong quá trình kiểm tra vùng chậu thông thường. Nói chung, polyp cổ tử cung thường không cần điều trị trừ khi chúng gây ra các triệu chứng khó chịu. Trong những trường hợp này thì có thể loại bỏ khối polyp bằng thủ thuật đơn giản và không gây đau đớn.
Với polyp tử cung thì chỉ có thể phát hiện được bằng các phương pháp chẩn đoán hình ảnh ví dụ như siêu âm. Polyp tử cung đa phần là lành tính nhưng trong một số ít trường hợp, chúng có thể trở thành khối u ác tính (ung thư). Những polyp này thường hình thành ở những phụ nữ đã mãn kinh.
Các triệu chứng poly tử cung gồm có:
Kinh nguyệt không đều
- Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Ra nhiều máu khi đến kỳ
- Chảy máu âm đạo sau khi đã mãn kinh
- Khó thụ thai
Một số người chỉ gặp hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt trong khi nhiều người không hề có bất cứ triệu chứng nào cả.
8. Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục
Các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI), chẳng hạn như chlamydia hoặc lậu, có thể gây ra máu giữa chu kỳ kinh hoặc sau khi quan hệ tình dục. Các triệu chứng khác của các bệnh này còn có:
- Đau buốt hoặc nóng rát khi đi tiểu
- Dịch tiết âm đạo màu trắng đục, vàng hoặc xanh
- Ngứa ngáy âm đạo hoặc hậu môn
- Đau vùng chậu
Cần đi khám ngay khi bạn nghi ngờ mình bị mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Nhiều bệnh hoàn toàn có thể điều trị được và hầu như không để lại biến chứng nếu được phát hiện sớm.
9. Bệnh viêm vùng chậu
Chảy máu bất thường ngoài kỳ kinh là một triệu chứng phổ biến của bệnh viêm vùng chậu. Bệnh này xảy ra do vi khuẩn từ âm đạo lan đến tử cung, ống dẫn trứng hoặc buồng trứng.
Các triệu chứng khác của bệnh viêm vùng chậu còn có:
- Đau đớn khi quan hệ tình dục hoặc đau khi đi tiểu
- Đau bụng dưới hoặc trên
- Sốt
- Dịch tiết âm đạo tăng hoặc có mùi hôi
Nếu bạn gặp các dấu hiệu nhiễm trùng hoặc viêm vùng chậu thì cần đi khám bác sĩ. Nhiều bệnh nhiễm trùng có thể được điều trị thành công.
10. U xơ tử cung
U xơ tử cung là các khối u lành hình thành ở trên tử cung. Ngoài hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, các khối u này còn gây ra các triệu chứng khác như:
- Ra nhiều máu hoặc kinh nguyệt kéo dài
- Đau tức vùng chậu
- Đau mỏi thắt lưng
- Đau khi quan hệ tình dục
- Vấn đề về hệ tiết niệu như đi tiểu nhiều hay tiểu không hết
- Táo bón
Một số phụ nữ bị u xơ tử cung không gặp bất kỳ triệu chứng nào. U xơ tử cung đa phần là lành tính và có thể tự teo đi.
11. Lạc nội mạc tử cung
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi các mô vốn hình thành ở bề mặt bên trong tử cung lại phát triển ở bên ngoài cơ quan này. Lạc nội mạc tử cung có thể gây chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt và các triệu chứng bất thường khác.
Cứ 10 phụ nữ ở Hoa Kỳ thì 1 người bị lạc nội mạc tử cung nhưng tỷ lệ thực tế có thể còn cao hơn thế do còn nhiều trường hợp không được chẩn đoán.
Các dấu hiệu và triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung còn có:
- Đau vùng chậu và đau bụng dưới
- Đau đớn dữ dội khi đến kỳ
- Ra máu nhiều khi đến kỳ
- Đau khi quan hệ tình dục
- Khó thụ thai
- Đau khi tiểu hoặc đại tiện
- Tiêu chảy, táo bón, đầy hơi hoặc buồn nôn
- Mệt mỏi
12. Hội chứng buồng trứng đa nang
Hiện tượng chảy máu bất thường giữa chu kỳ kinh nguyệt đôi khi là một dấu hiệu của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Tình trạng này xảy ra khi buồng trứng hoặc tuyến thượng thận của phụ nữ sản xuất quá nhiều hormone sinh dục nam.
Một số phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang hoàn toàn không có kinh nguyệt hoặc chỉ có kinh nguyệt vài lần một năm.
Các triệu chứng khác của hội chứng buồng trứng đa nang gồm có:
- Kinh nguyệt không đều
- Đau vùng chậu
- Tăng cân
- Mọc lông ở những vị trí không mong muốn
- Khó thụ thai hay vô sinh
- Nổi mụn trứng cá
13. Stress
Căng thẳng hay stress về thể chất và tinh thần đều có thể gây ra nhiều thay đổi trong cơ thể, bao gồm cả những thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt. Một số phụ nữ thường bị ra máu âm đạo bất thường khi phải chịu căng thẳng trong thời gian dài.
14. Tác dụng phụ của thuốc
Một số loại thuốc, ví dụ như các thuốc làm loãng máu, thuốc điều trị bệnh tuyến giáp và thuốc nội tiết tố, có thể gây chảy máu âm đạo khi không có kinh nguyệt. Khi gặp vấn đề này thì cần thông báo cho bác sĩ để thay thuốc.
15. Bệnh lý tuyến giáp
Đôi khi, tuyến giáp hoạt động kém hay suy giáp có thể gây hiện tượng ra máu sau khi kinh nguyệt kết thúc. Các dấu hiệu khác của bệnh suy giáp còn có:
- Mệt mỏi, uể oải
- Tăng cân
- Táo bón
- Da khô
- Cơ thể hay bị lạnh
- Khản tiếng
- Rụng tóc, tóc mỏng
- Đau nhức cơ hoặc yếu cơ
- Đau khớp hoặc cứng khớp
- Mức cholesterol cao
- Sưng phù mặt
- Buồn bã
- Nhịp tim chậm
Phương pháp điều trị suy giáp thường là dùng thuốc nội tiết tố đường uống.
16. Ung thư
Một số bệnh ung thư có thể gây chảy máu âm đạo bất thường, ra máu giữa chu kỳ hoặc các dấu hiệu bất thường trong dịch tiết âm đạo (khí hư). Cụ thể, các bệnh ung thư này gồm có:
- Ung thư nội mạc tử cung hoặc ung thư tử cung
- Ung thư âm đạo
Đa phần thì ra máu ngoài kỳ kinh nguyệt không phải là dấu hiệu của bệnh ung thư nhưng nếu gặp phải thì nên đi khám, đặc biệt là những người đã mãn kinh.
17. Các nguyên nhân khác
Một số vấn đề sức khỏe khác, chẳng hạn như bệnh tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận và rối loạn đông máu cũng có thể gây ra máu khi không có kinh nguyệt.
Cần đi khám bác sĩ nếu bạn mắc một trong những vấn đề này và gặp hiện tượng ra máu âm đạo bất thường.
Phân biệt ra máu giữa chu kỳ và kinh nguyệt bình thường
Ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt khác với hiện tượng chảy máu bình thường khi đến tháng. Thông thường, máu xuất hiện ngoài kỳ kinh có những đặc điểm như:
- Lượng ít hơn máu kinh, chỉ cần dùng băng vệ sinh hàng ngày là đủ hoặc cũng có thể không cần
- Có màu hồng, hơi đỏ hoặc màu nâu
- Chỉ kéo dài tối đa 1 đến 2 ngày
Mặt khác, máu do kinh nguyệt hàng tháng:
- nhiều hơn và cần dùng băng vệ sinh thường, cốc nguyệt san hoặc tampon
- kéo dài khoảng 4 – 7 ngày
- lượng máu mất đi dao động trong khoảng 30 đến 80ml
- diễn ra sau 21 đến 35 ngày tính từ ngày ra máu đầu tiên của kỳ kinh trước
Khi nào nên thử thai?
Nếu bạn đang ở trong độ tuổi sinh sản và nghi ngờ nguyên nhân gây ra máu ngoài kỳ kinh là do mang thai thì nên mua que thử thai và thử tại nhà. Phương pháp này giúp phát hiện mang thai dựa trên lượng hCG (human chorionic gonadotropin) trong nước tiểu. Nồng độ hormone này tăng cao khi có thai.
Nếu kết quả dương tính thì nên đến bệnh viện làm xét nghiệm để xác nhận kết quả chính xác. Bạn cũng nên đi khám nếu trễ kinh nguyệt quá một tuần, kể cả khi que thử thai cho kết quả âm tính.
Bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm để xác định liệu nguyên nhân bị chậm kinh hay lỡ kinh nguyệt là do mang thai hay một vấn đề tiềm ẩn nào khác.
Khi nào cần đi khám?
Bạn nên đi khám bác sĩ nếu gặp hiện tượng ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt mà không rõ nguyên nhân. Mặc dù thường thì đây không phải là điều đáng lo ngại và đa phần sẽ tự hết, nhưng đó cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng.
Hãy ghi lại chính xác thời điểm ra máu và các triệu chứng khác để thông báo chi tiết cho bác sĩ.
Bạn nên đi khám ngay nếu hiện tượng ra máu còn đi kèm với:
- sốt
- chóng mặt
- dễ bầm tím
- đau bụng
- ra máu nhiều
- đau vùng chậu
Đặc biệt, cần đi khám ngay nếu bạn đã mãn kinh và gặp những triệu chứng này.
Bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra vùng chậu, làm xét nghiệm máu và chẩn đoán hình ảnh để tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng.