Azathioprine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Azathioprine có hai dạng bào chế là dạng viên nén và dạng dung dịch tiêm. Viên nén azathioprine được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp và ngăn hệ miễn dịch tấn công thận mới sau khi ghép thận.

Azathioprine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Azathioprine: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Cảnh báo quan trọng

Azathioprine có cảnh báo đặc biệt. Đây là cảnh báo nghiêm trọng nhất được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra nhằm cảnh báo bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.

Sử dụng azathioprine trong thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư, chẳng hạn như ung thư hạch, bệnh bạch cầu và ung thư da.

Cảnh báo khác

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng: Azathioprine làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.
  • Tác dụng phụ trong thời gian đầu sử dụg thuốc: Azathioprine có thể gây buồn nôn và nôn cùng một số tác dụng phụ khác như:
    • Tiêu chảy
    • Phát ban
    • Sốt
    • Mệt mỏi
    • Đau cơ
    • Tổn thương gan
    • Chóng mặt
    • Tụt huyết áp

Những tác dụng phụ này thường xảy ra trong vài tuần đầu sử dụng thuốc. Các tác dụng phụ thường biến mất khi ngừng thuốc.

  • Số lượng tế bào máu thấp: Azathioprine có thể làm giảm số lượng tế bào máu, chẳng hạn như số lượng bạch cầu. Mắc một số bệnh di truyền nhất định có thể làm tăng nguy cơ xảy ra vấn đề này khi sử dụng azathioprine. Người bệnh có thể cần làm xét nghiệm máu trong thời gian sử dụng thuốc để theo dõi tác dụng phụ này. Nếu số lượng tế bào máu thấp, bác sĩ có thể sẽ giảm liều hoặc đề nghị người bệnh ngừng dùng thuốc.

Azathioprine là thuốc gì?

Azathioprine là một loại thuốc kê đơn có dạng viên nén và dung dịch tiêm.

Viên nén azathioprine có cả phiên bản biệt dược (Imuran và Azasan) và phiên bản thuốc gốc*.

(*Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.)

Thuốc gốc thường có giá thấp hơn biệt dược nhưng đôi khi không đa dạng về hàm lượng và dạng bào chế như biệt dược.

Azathioprine có thể được sử dụng cùng với các loại thuốc khác.

Chỉ định

Azathioprine được sử dụng để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis). Loại thuốc này còn được sử dụng để ngăn hệ miễn dịch tấn công thận mới sau phẫu thuật ghép thận (chống thải ghép).

Sau khi ghép thận, hệ miễn dịch nhận định quả thận mới là một “vật thể lạ” không thuộc về cơ thể và tấn công thận, điều này dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong. Azathioprine được sử dụng để ngăn hệ miễn dịch tấn công quả thận mới.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn xảy ra do hệ miễn dịch tấn công nhầm các khớp, điều này gây viêm, sưng đau và giảm chức năng khớp. Azathioprine được sử dụng để ngăn hệ miễn dịch tấn công các khớp.

Cơ chế tác dụng

Azathioprine thuộc nhóm thuốc ức chế miễn dịch. (nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có mục đích sử dụng và cơ chế tác dụng giống nhau).

Cơ chế tác dụng của azathioprine và các loại thuốc ức chế miễn dịch khác là làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch. Ở người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp, điều này giúp ngăn hệ miễn dịch tấn công và làm hỏng khớp. Ở những người ghép thận, thuốc ức chế miễn dịch ngăn hệ miễn dịch tấn công quả thận mới.

Tác dụng phụ của azathioprine

Viên nén azathioprine không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Một số tác dụng phụ phổ biến của azathioprine gồm có:

  • Số lượng bạch cầu thấp
  • Nhiễm trùng
  • Các vấn đề về tiêu hóa, gồm có buồn nôn, tiêu chảy và nôn mửa

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh gặp tác dụng phụ nghiêm trọng trong thời gian sử dụng azathioprine. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu các triệu chứng có vẻ nguy hiểm. Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của azathioprine và các triệu chứng gồm có:

  • Phản ứng quá mẫn với thuốc điều trị bệnh tiêu hóa. Các triệu chứng gồm có:
    • Buồn nôn và nôn mửa
    • Tiêu chảy
    • Phát ban
    • Sốt
    • Đau cơ
    • Tăng men gan
    • Tổn thương gan
    • Chóng mặt
    • Tụt huyết áp

Những vấn đề này thường xảy ra trong vài tuần đầu sử dụng thuốc. Các triệu chứng sẽ biến mất khi ngừng dùng thuốc.

  • Viêm tụy. Các triệu chứng gồm có:
    • Đau bụng dữ dội
    • Sốt
    • Buồn nôn
    • Nôn mửa
    • Tiêu chảy phân mỡ
    • Sụt cân
  • Mệt mỏi nghiêm trọng
  • Sụt cân bất thường
  • Phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:
    • Khó thở, thở khò khè
    • Tức ngực
    • Ngứa
    • Sưng phù mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng

Tương tác thuốc

Azathioprine có thể tương tác với các loại thuốc khác, thực phẩm chức năng hoặc thảo dược mà người bệnh đang dùng. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Để tránh xảy ra tương tác thuốc, trước khi bắt đầu sử dụng azathioprine, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng.

Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với azathioprine.

Thuốc điều trị bệnh gút

Dùng allopurinol và febuxostat (các loại thuốc điều trị bệnh gút (gout)) cùng với azathioprine có thể làm tăng nồng độ azathioprine trong máu và tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ. Nếu người bệnh đang dùng các loại thuốc này, bác sĩ có thể sẽ giảm liều azathioprine.

Thuốc điều trị bệnh viêm ruột

Dùng aminosalicylate (một loại thuốc điều trị bệnh viêm ruột) cùng với azathioprine có thể làm tăng nồng độ azathioprine trong máu và tăng nguy cơ rối loạn chảy máu.

Thuốc ức chế TNF

Thuốc ức chế TNF có tác dụng giảm viêm và phản ứng của hệ miễn dịch. Azathioprine cũng làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch. Dùng những loại thuốc này cùng nhau sẽ khiến cho hệ miễn dịch suy yếu quá mức và điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Ví dụ về các loại thuốc ức chế TNF gồm có:

  • adalimumab
  • certolizumab
  • infliximab
  • golimumab

Thuốc ảnh hưởng đến hệ miễn dịch

Sử dụng cotrimoxazole (một loại thuốc kháng sinh) cùng với azathioprine có thể làm giảm số lượng bạch cầu – đây là các tế bào máu giúp chống nhiễm trùng. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Sử dụng loại thuốc này cùng với azathioprine còn có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của cả hai loại thuốc.

Thuốc điều trị cao huyết áp

Sử dụng thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) – một nhóm thuốc điều trị cao huyết áp cũng với azathioprine có thể làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ về máu.

Thuốc chống đông máu

Sử dụng warfarin (một loại thuốc chống đông máu) cùng với azathioprine có thể làm giảm hiệu quả của warfarin. Người bệnh có thể sẽ được theo dõi nồng độ warfarin trong máu khi bắt đầu và ngừng sử dụng azathioprine.

Thuốc điều trị viêm gan C

Sử dụng ribavirin (một loại thuốc điều trị viêm gan C) cùng với azathioprine có thể làm tăng nồng độ azathioprine trong máu và điều này làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Vắc xin

Tiêm các loại vắc xin sống trong thời gian sử dụng azathioprine có thể làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của vắc xin. Một số ví dụ về các loại vắc xin sống gồm có:

  • Vắc xin cúm dạng xịt mũi
  • Vắc xin phòng bệnh sởi, quai bị và rubella
  • Vắc-xin phòng thủy đậu (varicella)

Tiêm vắc xin bất hoạt trong thời gian sử dụng azathioprine có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin.

Cảnh báo về azathioprine

Azathioprine đi kèm một số cảnh báo.

Nguy cơ dị ứng

Azathioprine có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:

  • Sưng cổ họng hoặc lưỡi
  • Khó thở
  • Nổi mề đay

Nếu gặp những triệu chứng này khi sử dụng azathioprine, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Không được tiếp tục sử dụng azathioprine khi đã bị dị ứng. Việc tiếp tục dùng thuốc khi bị dị ứng có thể gây tử vong.

Cảnh báo đối với người có một số vấn đề sức khỏe nhất định

Đối với người bị thiếu thiopurine S-methyltransferase (TPMT): TPMT là một loại enzyme trong cơ thể có chức năng phân hủy azathioprine. Những người bị thiếu hụt loại enzyme này sẽ có nguy cơ cao gặp phải tác dụng phụ, nhất là tác dụng phụ về máu khi sử dụng azathioprine. Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm TPMT trước khi sử dụng thuốc.

Đối với người có số lượng tế bào máu thấp: Azathioprine có thể làm giảm số lượng tế bào máu. Mắc một số bệnh di truyền nhất định có thể làm tăng nguy cơ xảy ra điều này. Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm máu trước khi sử dụng azathioprine. Nếu số lượng tế bào máu giảm trong thời gian điều trị bằng azathioprine, bác sĩ sẽ giảm liều hoặc yêu cầu ngừng dùng thuốc.

Đối với người đang bị nhiễm trùng: Azathioprine làm giảm hoạt động của hệ miễn dịch. Điều này có thể khiến tình trạng nhiễm trùng trở nên trầm trọng hơn.

Đối với người có vấn đề về gan: Azathioprine có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về gan, nhất là ở những người đã ghép thận. Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra chức năng gan. Các vấn đề về gan thường xảy ra trong vòng 6 tháng sau khi ghép thận và thường tự hết khi ngừng dùng azathioprine.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

Đối với phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai không được dùng azathioprine để điều trị viêm khớp dạng thấp. Azathioprine được phê duyệt sử dụng cho hai mục đích là điều trị viêm khớp dạng thấp và ngăn ngừa thải ghép sau ghép thận. Bác sĩ sẽ cân nhắc những lợi ích và rủi ro của việc dùng azathioprine để ngăn ngừa thải ghép trong thời gian mang thai và kê loại thuốc phù hợp.

Có nhiều loại thuốc khác an toàn hơn để điều trị viêm khớp dạng thấp trong thai kỳ. Một số chuyên gia y tế khuyến nghị phụ nữ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp nên thụ thai vào giai đoạn bệnh thuyên giảm.

Hãy cho bác sĩ biết nếu người bệnh đang mang thai hoặc đang dự định có thai. Nếu có thai trong thời gia dùng azathioprine thì phải báo ngay cho bác sĩ.

Đối với phụ nữ đang cho con bú: Azathioprine có thể đi vào sữa mẹ và gây hại cho trẻ sơ sinh bú mẹ. Do đó, không nên cho con bú trong thời gian sử dụng azathioprine.

Đối với người cao tuổi: Tính an toàn và hiệu quả của azathioprine chưa được xác định ở người từ 65 tuổi trở lên.

Đối với trẻ em: Tính an toàn và hiệu quả của azathioprine chưa được xác định ở người dưới 18 tuổi.

Cách sử dụng azathioprin

Azathioprine có cả dạng viên nén và dạng dung dịch tiêm nhưng bài viết này chỉ nói về dạng viên nén. Các liều dùng bên dưới cũng là những liều dùng phổ biến. Bác sĩ có thể chỉ định liều dùng khác. Dạng thuốc, liều dùng và tần suất sử dụng thuốc thực tế sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác của người bệnh
  • Mục đích sử dụng thuốc
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
  • Các bệnh lý khác đang mắc
  • Phản ứng với liều đầu tiên

Dạng bào chế và hàm lượng

Thuốc gốc: Azathioprine

  • Dạng bào chế: viên nén
  • Hàm lượng: 25 mg, 50 mg, 75 mg, 100 mg

Biệt dược: Imuran

  • Dạng bào chế: viên nén
  • Hàm lượng: 50 mg

Biệt dược: Azasan

  • Dạng bào chế: viên nén
  • Hàm lượng: 25 mg, 50 mg, 75 mg, 100 mg

Liều dùng để ngăn ngừa thải ghép sau ghép thận

Liều dùng cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên)

Liều dùng dựa trên cân nặng (tính bằng kg):

  • Liều khởi đầu điển hình: 3 – 5 mg cho mỗi kg khối lượng cơ thể hàng ngày, bắt đầu từ thời điểm phẫu thuật. Trong một số trường hợp, azathioprine được sử dụng trước khi ghép thận 1 – 3 ngày.
  • Liều duy trì: 1 – 3 mg cho mỗi kg khối lượng cơ thể hàng ngày.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 17 tuổi)

Liều dùng an toàn và hiệu quả chưa được xác định ở nhóm tuổi này.

Liều dùng để điều trị viêm khớp dạng thấp

Liều dùng cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên)

Liều dùng dựa trên cân nặng (tính bằng kg):

  • Liều khởi đầu điển hình: 50 – 100 mg, uống một lần hoặc chia ra uống hai lần hàng ngày.
  • Tăng liều: Sau 6 – 8 tuần, bác sĩ có thể tăng liều thêm 0,5 mg cho mỗi kg khối lượng cơ thể. Sau đó, liều dùng thuốc có thể được điều chỉnh sau mỗi 4 tuần nếu cần.
  • Liều tối đa: Liều tối đa là 2,5 mg cho mỗi kg khối lượng cơ thể hàng ngày.
  • Liều duy trì: Có thể giảm liều dùng sau mỗi 4 tuần. Mức giảm mỗi lần thường là 0,5 mg/kg khối lượng cơ thể.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 17 tuổi)

Liều dùng an toàn và hiệu quả chưa được xác định ở nhóm tuổi này.

Liều dùng trong trường hợp đặc biệt

Liều dùng cho người có vấn đề về thận: Những người mắc bệnh thận và không thể đi tiểu thường xuyên thường sẽ phải dùng liều azathioprine thấp hơn bình thường.

Liều dùng cho người bị thiếu TPMT: Những người bị thiếu enzyme TPMT có thể phải dùng liều azathioprine thấp hơn bình thường. Enzyme TPMT giúp phân hủy azathioprine. Thiếu enzyme này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ của azathioprine, bao gồm cả các vấn đề về máu.

Thời điểm dùng thuốc

Uống azathioprine sau bữa ăn. Điều này giúp giảm nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ về tiêu hóa như buồn nôn hoặc nôn.

Dùng thuốc theo đúng chỉ định

Viên nén azathioprine thường được sử dụng lâu dài. Người bệnh phải dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Dùng thuốc không theo đúng chỉ định có thể gây ra những vấn đề sau đây:

Hoàn toàn không dùng thuốc: Trong trường hợp cần sử dụng azathioprine để chống thải ghép sau ghép thận, việc hoàn toàn không dùng thuốc sẽ khiến hệ miễn dịch tấn công quả thận mới, dẫn đến thận bị hỏng và tử vong hoặc phải ghép thận lần 2.

Trong trường hợp cần sử dụng azathioprine để điều trị viêm khớp dạng thấp, nếu người bệnh không sử dụng thuốc thì các triệu chứng bệnh sẽ không cải thiện hoặc trở nên trầm trọng hơn theo thời gian.

Ngừng dùng thuốc đột ngột: Nếu dùng azathioprine để chống thải ghép sau ghép thận và đột ngột ngừng dùng thuốc, hệ miễn dịch sẽ tấn công quả thận mới và dẫn đến suy thận.

Nếu dùng azathioprine để điều trị viêm khớp dạng thấp và đột ngột ngừng dùng thuốc, các triệu chứng bệnh sẽ tái phát.

Dùng thuốc không đúng liều hoặc không đúng giờ hàng ngày: Dùng thuốc không đủ liều hoặc không đều đặn hàng ngày sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc. Dùng thuốc quá liều hoặc thời gian giữa hai lần uống thuốc quá sát nhau sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Cần làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu quên uống thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu chỉ còn vài giờ nữa là đến giờ uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không được uống gộp hai liều cùng lúc để bù lại liều đã quên. Làm vậy có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm.

Cần làm gì nếu dùng thuốc quá liều? Nồng độ thuốc trong máu sẽ ở mức quá cao. Các triệu chứng có thể xảy ra khi dùng azathioprine quá liều gồm có:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Đau họng, sốt, ớn lạnh và các dấu hiệu nhiễm trùng khác

Nếu lỡ uống thuốc quá liều, người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ. Nếu xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu dùng azathioprine để ngăn ngừa thải ghép sau ghép thận và thận hoạt động tốt, không có các dấu hiệu thải ghép thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả. Một số dấu hiệu thải ghép gồm có: đau ở khu vực thận, cảm giác khó chịu, người không được khỏe, phù nề ở tay và chân, tăng thân nhiệt, tăng cân nhanh chóng, tăng huyết áp, lượng nước tiểu ít. Thông thường, người bệnh cần phải làm xét nghiệm chức năng thận định kỳ sau khi ghép thận để xem quả thận mới hoạt động có tốt hay không. Điều này cũng sẽ cho biết hiệu quả của thuốc chống thải ghép.

Nếu dùng azathioprine để điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp và các khớp bớt sưng đau thì có nghĩa là thuốc có hiệu quả. Điều này sẽ giúp người bệnh đi lại, vận động dễ dàng hơn.

Những điều quan trọng cần lưu ý khi dùng azathioprine

Lưu ý chung

  • Uống azathioprine sau bữa ăn để giảm nguy cơ xảy ra các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn và nôn mửa.

Bảo quản thuốc

  • Nhiệt độ bảo quản azathioprine lý tưởng nhất là từ 15°C đến 25°C (59°F đến 77°F).
  • Không để thuốc ở nơi có ánh sáng chiếu.
  • Không để thuốc trong ngăn đông tủ lạnh.
  • Không bảo quản azathioprine ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm.

Mang theo thuốc đi khi xa

  • Vì azathioprine cần sử dụng hàng ngày nên người bệnh phải luôn mang theo thuốc mỗi khi đi xa.
  • Khi đi máy bay, luôn để thuốc trong hành lý xách tay. Không được để thuốc trong hành lý ký gửi.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn dán để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
  • Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Theo dõi lâm sàng

Người bệnh có thể cần làm một số xét nghiệm trong thời gian sử dụng azathioprine:

  • Xét nghiệm máu: Người bệnh có thể cần làm xét nghiệm để kiểm tra tình trạng rối loạn chảy máu mỗi tuần một lần trong một tháng đầu sử dụng azathioprine. Hai tháng tiếp theo có thể chỉ cần làm xét nghiệm hai lần một tháng. Nếu điều chỉnh liều dùng thuốc thì sẽ cần làm xét nghiệm mỗi tháng một lần hoặc thường xuyên hơn.
  • Xét nghiệm chức năng gan và thận: Người bệnh có thể cần làm xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi chức năng của gan và thận.
  • Xét nghiệm TPMT: Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu làm xét nghiệm máu để xem người bệnh có bị thiếu TPMT hay không. Thiếu TPMT có thể gây rối loạn chảy máu khi dùng azathioprine.

Nhạy cảm với ánh nắng mặt trời

Sử dụng azathioprine có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, điều này làm tăng nguy cơ cháy nắng và ung thư da. Người dùng thuốc cần thoa kem chống nắng có chỉ số SPF cao và che chắn kín khi ra ngoài trời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *