Nhiều người vẫn nghĩ rằng nếu sinh mổ thì có thể quan hệ trở lại sớm hơn so với sinh thường vì vùng âm đạo không bị tổn thương nhiều nhưng điều này là chưa đúng.
Bao lâu sau sinh mổ thì được quan hệ trở lại?
Nội dung chính của bài viết
- Không có quy định cụ thể nào về thời gian có thể quan hệ tình dục trở lại sau khi sinh mổ nhưng đa số phụ nữ đều cần nghỉ ngơi từ 4 đến 6 tuần trước khi khôi phục lại “chuyện ấy”.
- Mỗi người phụ nữ và mỗi cặp vợ chồng đều khác nhau, vì vậy hãy nói chuyện thẳng thắn với nhau. Đừng nên vội trở lại các thói quen bình thường vì cơ thể cần có thời gian hồi phục và điều chỉnh.
- Bài tập Kegel không chỉ dành cho âm đạo mà còn có ích cho các cơ trên toàn bộ sàn chậu. Các cơ này bị ảnh hưởng khá nhiều trong thời gian mang bầu, bất kể sinh bằng phương pháp nào.
- Nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào thì đừng ngại nói chuyện với bác sĩ. Các bác sĩ đã có kinh nghiệm làm việc với rất nhiều trường hợp khác nhau nên không có gì phải xấu hổ khi nhắc đến các vấn đề về sức khỏe sinh sản phụ nữ cả.
Nếu bạn vừa mới sinh mổ và đang trong thời gian hồi phục thì chắc chẳn “chuyện ấy” là điều mà bạn không muốn nghĩ đến nhất. Nhiều người vẫn nghĩ rằng nếu sinh mổ thì có thể quan hệ trở lại sớm hơn so với sinh thường vì vùng âm đạo không bị tổn thương nhiều nhưng điều này là chưa đúng.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cả phụ nữ sinh thường và sinh mổ đều phải ngừng việc quan hệ tình dục và gặp phải những vấn đề giống nhau khi quan hệ trong 3 tháng đầu sau sinh. Vậy cụ thể thì bao giờ có thể quan hệ trở lại và khi bắt đầu lại thì sẽ cảm thấy như thế nào?
Khi nào có thể quan hệ trở lại?
Không có quy định cụ thể nào về thời gian có thể quan hệ tình dục trở lại sau khi sinh mổ nhưng đa số phụ nữ đều cần nghỉ ngơi từ 4 đến 6 tuần trước khi khôi phục lại “chuyện ấy”.
Mặc dù khi sinh mổ thì phụ nữ thường ít chảy máu hơn nhưng vẫn sẽ mất khoảng 6 tuần để cổ tử cung đóng lại hoàn toàn. Một số phụ nữ cảm thấy có thể quan hệ trở lại sớm hơn nhưng tốt nhất vẫn chỉ nên bắt đầu khi được bác sĩ cho phép và bạn cảm thấy cơ thể mình đã sẵn sàng.
Dưới đây là những điều bạn cần biết về thời gian phục hồi và quan hệ tình dục sau sinh mổ.
Thời gian phục hồi sau sinh mổ
Sau khi sinh mổ, sản phụ sẽ phải ở trong bệnh viện từ 2 đến 4 ngày để chờ hồi phục và theo dõi. Sản phụ sẽ ngừng dần thuốc giảm đau và các thiết bị y tế như ống thông tiểu.
Mặc dù không sinh thường nhưng âm đạo vẫn sẽ bị chảy máu do tử cung co lại về kích thước bình thường. Mức độ ra máu trong thời gian đầu sẽ ít hơn so với sinh thường và có thể kéo dài từ 4 – 6 tuần.
Thường sẽ mất khoảng 6 tuần để tử cung phụ nữ trở lại kích thước bình thường và cổ tử cung đóng lại. Khoảng thời gian để cơ thể chữa lành vết thương sau sinh ở các sản phụ thường khá giống nhau, dù là sinh thường hay sinh mổ.
Chỉ khi cổ tử cung đóng lại thì mới có thể quan hệ tình dục một cách an toàn. Bạn sẽ cần tránh quan hệ tình dục hoặc đưa bất cứ thứ gì như tampon vào âm đạo trong một vài tuần sau khi sinh mổ.
Mặc dù một số phụ nữ có thể quan hệ trở lại sớm hơn nhưng hầu hết những người sinh mổ đều cần ngừng quan hệ khoảng 6 tuần hoặc cho đến khi được bác sĩ đồng ý vào buổi tái khám sau sinh.
Lưu ý khi quan hệ trở lại
Thời gian để phục hồi thể chất sau khi sinh thường và sinh mổ cũng tương đương nhau. Nhưng quá trình phục hồi ở vùng bụng sẽ khá khác nhau.
Kẹp ghim ở vị trí vết mổ sẽ được tháo bỏ sau khoảng một tuần kể từ ca mổ. Vết mổ thường sẽ lành lại sau 6 tuần. Trong thời gian này, vết mổ sẽ bị đau, tê, châm chích hoặc ngứa và cũng có nhiều trường hợp mà những hiện tượng này kéo dài trong suốt nhiều tháng sau ca mổ.
Nói chung đây đều là những hiện tượng bình thường, miễn là cơn đau không tăng về mức độ và không kèm theo các triệu chứng khác như sốt.
Khu vực xung quanh vết mổ sẽ không được thoải mái nên khi bắt đầu quan hệ trở lại thì nên thử các tư thế không gây áp lực lên bụng. Vào lần đầu tiên, tâm lý lo lắng, căng thẳng là điều dễ hiểu nhưng điều này có thể ảnh hưởng đến trải nghiệm trong quá trình “thân mật”.
Vì thế, hãy nói chuyện với nửa kia của mình, thực hiện thật chậm rãi, dành nhiều thời gian hơn cho màn dạo đầu ví dụ như mát xa để làm cho cơ thể thư giãn và sử dụng nhiều gel bôi trơn để giảm ma sát. Một số phụ nữ gặp phải vấn đề rối loạn chức năng tình dục sau khi sinh mổ, vì vậy nếu cảm thấy đau đớn bất thường thì cần đi khám bác sĩ.
Bài tập Kegel
Nhiều người nghĩ rằng sinh mổ thì không cần phải tập bài tập Kegel. Nhưng đây là suy nghĩ sai lầm.
Bài tập Kegel không chỉ dành cho âm đạo mà còn có ích cho các cơ trên toàn bộ sàn chậu. Các cơ này bị ảnh hưởng khá nhiều trong thời gian mang bầu, bất kể sinh bằng phương pháp nào.
Do đó, nên bắt đầu thực hiện bài tập Kegel ngay sau khi sinh. Bạn cũng có thể bắt đầu tập ngay trong khi còn mang thai.
Cách thực hiện bài tập Kegel như sau:
- Siết chặt cơ sàn chậu giống như thể bạn đang nhịn tiểu hoặc ngừng dòng tiểu giữa chừng.
- Giữ nguyên trong vài giây.
- Lặp lại bất cứ khi nào có thể trong suốt cả ngày, càng nhiều càng tốt.
Biện pháp kiểm soát sinh sản khi quan hệ sau sinh
Sự thụ thai có thể diễn ra gần như ngay lập tức khi quan hệ sau sinh. Ở rất nhiều phụ nữ, lần sinh thứ hai và lần sinh đầu chỉ cách nhau chưa đến 12 tháng. Do đó, dù cho vừa mới sinh xong nhưng một khi đã quan hệ tình dục thì vẫn phải có biện pháp kiểm soát sinh sản nếu chưa muốn có thêm con.
Có rất nhiều lựa chọn kiểm soát sinh sản có tác dụng lâu dài và không ít trong số đó có thể dùng được cho cả các bà mẹ còn đang cho con bú. Nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn về phương pháp phù hợp nhất.
Khi nào cần đi khám?
Lần quan hệ đầu tiên sau sinh có thể sẽ hơi đau đớn và khó chịu, đặc biệt là khi còn đang cho con bú, chu kỳ kinh nguyệt chưa quay trở lại hoặc đang mang vòng tránh thai do giảm lượng dịch tiết âm đạo tự nhiên.
Hãy thử dành nhiều thời gian hơn cho màn dạo đầu, sử dụng nhiều gel bôi trơn và thâm nhập thật chậm. Bạn cũng nên để ý đến vị trí vết mổ cho đến khi hồi phục.
Sau một thời gian, cơ thể sẽ phục hồi dần về lại trạng thái bình thường và những hiện tượng khó chịu sẽ không còn nên nếu vẫn còn cảm thấy đau thì đó là một dấu hiệu cho thấy điều không bình thường và cần đi khám. Ngoài ra cần đến gặp bác sĩ nếu có các dấu hiệu như dịch tiết âm đạo bất thường, chảy máu, rách vết khâu, đỏ hoặc sưng. Đây có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng.
Medically reviewed by: Bác sĩ Tâm