Biotin (vitamin B7) và bệnh vảy nến

Mặc dù không có phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh vảy nến nhưng bổ sung một số chất có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng và giảm tần suất bùng phát, trong đó có biotin.

Biotin (vitamin B7) và bệnh vảy nến
Biotin (vitamin B7) và bệnh vảy nến

Bệnh vảy nến là gì?

Bệnh vảy nến là một bệnh tự miễn, mạn tính với các triệu chứng bùng phát theo đợt. Bệnh này có thể xảy ra ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể, tùy thuộc vào từng loại bệnh vảy nến nhưng phổ biến là ở khuỷu tay, đầu gối, thân trên và da đầu. Đôi khi, bệnh vảy nến còn ảnh hưởng đến các khớp xương, loại này được gọi là viêm khớp vảy nến. Vảy nến thể mảng xảy ra do các tế bào da phát triển quá nhanh và tích tụ lại trên bề mặt da, tạo thành các mảng da đỏ, bề mặt thô ráp, có lớp vảy trắng bên trên, gây ngứa ngay, có thể nứt nẻ, chảy máu và đau đớn. Kích thước và vị trí của các mảng da bị bệnh ở mỗi người là khác nhau và có thể thay đổi theo từng đợt bùng phát.

Hiện chưa có cách chữa trị khỏi bệnh vảy nến mà chỉ có thể làm giảm các triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, để tìm ra được phương pháp điều trị phù hợp thì có thể sẽ phải thử qua rất nhiều phương pháp khác nhau. Các phương pháp điều trị vảy nến thường nhằm mục đích khắc phục vấn đề về hệ miễn dịch, giảm viêm và làm chậm sự phát triển của tế bào da, từ đó làm giảm các triệu chứng. Có nhiều cách để điều trị các triệu chứng vảy nến, ví dụ như các loại thuốc bôi tại chỗ chứa axit salicylic hoặc corticoid, liệu pháp ánh sáng, bổ sung vitamin D và dưỡng ẩm thường xuyên cho da. Ngoài ra, một phương pháp nữa cũng được cho là có tác dụng giảm nhẹ tình trạng bệnh vảy nến là bổ sung biotin.

Biotin có thực sự giúp trị bệnh vảy nến không?

Biotin là một vitamin nhóm B (vitamin B7), còn được gọi là vitamin H. Biotin cũng là một loại vitamin tan trong nước. Cơ thể con người không dự trữ biotin và các vitamin tan trong nước khác nên cần phải tiêu thụ đủ các chất dinh dưỡng này trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Biotin có trong nhiều loại thực phẩm khác nhau nên sự thiếu hụt rất hiếm khi xảy ra. Tuy nhiên, một số người có nguy cơ thiếu biotin cao hơn bình thường, ví dụ như trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và đang cho con bú. Các dấu hiệu khi bị thiếu biotin là rụng tóc, phát ban đóng vảy quanh mũi, miệng, móng tay yếu, dễ gãy, mệt mỏi…

Do có vai trò quan trọng đối với làn da nên biotin được cho là có thể giúp chữa trị bệnh vảy nến hoặc làm giảm các triệu chứng nhưng trên thực tế thì vẫn chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này.

Tuy nhiên, viên uống biotin an toàn cho hầu hết mọi người và không có tác dụng phụ nào nghiêm trọng nên những người bị bệnh vảy nến cũng hoàn toàn có thể thử. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn về liều lượng, đặc biệt là phụ nữ đang mang thai hoặc dự định có con trong tương lai gần.

Các lợi ích khác của biotin

Biotin hỗ trợ sự phát triển bình thường của tế bào và giúp cơ thể chuyển hóa chất béo. Một số nghiên cứu đã cho thấy biotin có tác dụng giảm rụng tóc và giúp cho móng chắc khỏe. (1) Một nghiên cứu vào năm 2015 còn chỉ ra rằng biotin giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh đa xơ cứng. (1)

Hiện chưa có khuyến nghị cụ thể về lượng biotin cần tiêu thụ hàng ngày nhưng 30 mcg/ngày là đủ cho hầu hết người trưởng thành, phụ nữ cho con bú cần nhiều biotin hơn (35 mcg/ngày).

Biotin có mặt trong nhiều loại thực phẩm khác nhau. Đó là lý do tại sao rất ít người bị thiếu loại vitamin này.

Một số loại thực phẩm giàu biotin gồm có:

  • Nội tạng như gan và cật
  • Lòng đỏ trứng
  • Sữa và các sản phẩm từ sữa như phô mai
  • Các loại đậu, chẳng hạn như đậu nành và đậu phộng
  • Rau xanh
  • Súp lơ trắng
  • Nấm
  • Các loại hạt

Vi khuẩn đường ruột cũng tạo ta một lượng nhỏ biotin.

Ngoài chế độ ăn, có thể cung cấp loại vitamin này cho cơ thể bằng cách dùng viên uống biotin hoặc viên uống vitamin tổng hợp có chứa biotin.

Những chất khác cũng có lợi cho bệnh vảy nến

Mặc dù không có phương pháp nào có thể chữa khỏi bệnh vảy nến nhưng bổ sung các chất dưới đây sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng và giảm tần suất bùng phát.

Vitamin D

Vitamin D là thành phần có trong hai loại thuốc bôi ngoài da để điều trị vảy nến là Vectical (calcitriol) và Dovonex (calcipotriene). Một vài nghiên cứu đã cho thấy việc uống hoặc bôi vitamin D giúp làm giảm triệu chứng vảy nến. Cơ thể tự tổng hợp vitamin D khi da tiếp xúc với tia cực tím trong ánh nắng và chất dinh dưỡng này cũng có trong một số loại thực phẩm như lòng đỏ trứng, cá, thịt đỏ và gan.

Curcumin

Curcumin là một chất có trong củ nghệ. Curcumin đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, ví dụ như điều trị hội chứng ruột kích thích và giảm lượng đường trong máu. Trong các thử nghiệm trên những con chuột bị bệnh vảy nến, curcumin cho thấy khả năng ức chế sự phát triển của các tế bào da. Rất khó tiêu thụ nhiều curcumin từ nghệ tươi nên cách tốt nhất là dùng thực phẩm chức năng.

Axit béo omega-3

Theo nghiên cứu của Tổ chức Bệnh vảy nến Quốc gia Hoa Kỳ, một số người bị vảy nến có lượng axit béo omega-3 trong cơ thể ở mức thấp. (3) Đây là loại chất béo tốt có trong nhiều loại cá, một số loại hạt và dầu thực vật. Có thể tăng lượng axit béo omega-3 bằng cách ăn nhiều những thực phẩm này hoặc dùng thực phẩm chức năng. Axit béo omega-3 còn được chứng minh là giúp hỗ trợ sự phát triển tư duy, chức năng não bộ và giảm viêm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *