Baking soda và dầu dừa là những nguyên liệu quen thuộc được dùng trong nấu ăn và làm bánh nhưng gần đây còn được sử dụng khá phổ biến để chăm sóc da, tóc và răng miệng. Đúng là cả dầu dừa và baking soda đều có một số lợi ích và công dụng đã được chứng minh nhưng có nên sử dụng hai thành phần này cho mục đích làm đẹp hay không?
Bộ đôi baking soda và dầu dừa: Có lợi hay có hại
Chăm sóc da
Dầu dừa
Dầu dừa được cho là mang lại nhiều lợi ích cho làn da, chẳng hạn như dưỡng ẩm, trị mụn và giảm nếp nhăn. Trên thực tế, một số nghiên cứu đã chứng minh rằng dầu dừa hay cụ thể là axit lauric (loại axit béo chính trong dầu dừa) thật sự có lợi. (1)
Axit lauric có đặc tính chống viêm và kháng khuẩn nên có thể giúp chữa lành vết thương và một số dạng viêm da.
Mặc dù dầu dừa có những lợi ích như vậy nhưng không phải ai cũng nên thoa dầu dừa lên da. Dầu dừa có thể gây bít tắc lỗ chân lông và điều này dẫn đến nổi mụn trứng cá hoặc khiến cho tình trạng mụn trở nên nặng hơn. Nếu bạn có da dầu thì không nên dùng dầu dừa để dưỡng da.
Nếu bạn có làn da nhạy cảm thì nên hỏi ý kiến bác sĩ da liễu trước khi thử dùng dầu dừa trên da vì loại dầu này có thể gây kích ứng.
Baking soda
Baking soda hay natri bicarbonate là một thành phần được sử dụng để làm sạch và làm đều màu da. Mặc dù nhiều hướng dẫn trị mụn trứng cá khuyên sử dụng baking soda nhưng chưa có bằng chứng khoa học nào chứng minh rằng baking soda có tác dụng trị mụn.
Trên thực tế, baking soda gây hại nhiều hơn lợi khi sử dụng trên da. Lý do là vì baking soda làm thay đổi sự cân bằng pH của da.
Làn da của chúng ta vốn có tính axit với độ pH dao động từ 4,5 đến 5,5. Đây là phạm vi pH lý tưởng để giữ ẩm và bảo vệ da khỏi vi khuẩn cũng như là chất có hại từ bên ngoài.
Baking soda có độ pH từ 8 đến 9, có nghĩa là có tính kiềm. Việc phá vỡ sự cân bằng pH của da bằng các chất kiềm mạnh sẽ làm mất đi lớp dầu tự nhiên của da, tạo điều kiện cho vi khuẩn và các tác nhân gây hại khác dễ dàng xâm nhập vào da.
Kết luận: Không nên sử dụng dầu dừa và baking soda để chăm sóc da. Có nhiều cách tốt hơn để làm sạch hoặc dưỡng ẩm mà không làm tắc nghẽn lỗ chân lông hay làm mất đi lớp dầu tự nhiên trên da.
Dưỡng tóc và da đầu
Dầu dừa
Dầu dừa là một thành phần rất quen thuộc trong nhiều sản phẩm chăm sóc tóc. Loại dầu này được cho là có tác dụng dưỡng ẩm cho tóc và da đầu, ngăn ngừa tóc gãy rụng, cải thiện tình trạng tóc khô xơ và còn giúp trị gàu. Thậm chí còn có ý kiến cho rằng dầu dừa giúp thúc đẩy mọc tóc.
Đúng là dầu dừa có một số lợi ích cho mái tóc. Thoa dầu dừa lên tóc trước khi gội đầu có thể giúp làm giảm lượng protein bị mất đi trong quá trình gội, nhờ đó bảo vệ tóc khỏi hư tổn và gãy rụng. Tuy nhiên, không nên sử dụng quá nhiều dầu để tránh cho da đầu và tóc bị nhờn bết.
Đặc tính chống viêm và kháng khuẩn của dầu dừa có thể giúp trị gàu. Nhưng nếu nguyên nhân gây ra gàu là do viêm da tiết bã thì việc sử dụng dầu dừa sẽ gây phản tác dụng. Khi bị viêm da tiết bã, dầu dừa có thể gây kích ứng da, khiến da đầu bong tróc nhiều hơn và tình trạng gàu càng trầm trọng thêm.
Baking soda
Nhiều người sử dụng baking soda để gội đầu thay cho dầu gội. Lý do là vì baking soda tan trong nước và được cho là có tác dụng loại bỏ dầu thừa cùng bụi bẩn, giúp tóc mềm mại và bóng mượt hơn.
Tuy nhiên, nghiên cứu đã phát hiện ra rằng baking soda không những không có lợi cho tóc mà còn có thể làm hỏng tóc và gây kích ứng da.
Độ pH của baking soda cao hơn đáng kể so với độ pH tự nhiên của da đầu và tóc. Điều này có thể dẫn đến kích ứng da đầu, tổn thương lớp biểu bì của sợi tóc (cutin), gãy tóc, khiến tóc khô xơ và bị xoăn.
Kết luận: Có thể bôi một lớp dầu dừa mỏng lên tóc trước khi gội để ngăn ngừa tóc hư tổn nhưng không nên thoa dầu dừa lên da đầu. Không dùng baking soda cho mái tóc vì baking soda sẽ làm hỏng tóc, kể cả khi trộn với dầu dừa.
Vệ sinh răng miệng
Dầu dừa
Có một số bằng chứng cho thấy rằng súc miệng bằng dầu dừa giúp tiêu diệt một số loại vi khuẩn có hại trong khoang miệng, nhờ đó ngăn ngừa viêm lợi, sâu răng và hôi miệng. (2) Súc miệng bằng dầu là một phương pháp vệ sinh răng miệng có nguồn gốc từ xa xưa. Cách thực hiện là ngậm một ít dầu trong miệng và súc đều khắp khoang miệng trong 15 đến 20 phút.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phương pháp này thật sự giúp ngăn ngừa hoặc cải thiện một số vấn đề về răng mệng nhưng vẫn không thể thay thế cho các biện pháp chăm sóc răng miệng thông thường như đánh răng và dùng chỉ nha khoa.
Baking soda
Baking soda là thành phần có trong nhiều loại kem đánh răng. Lý do dẫn đến điều này là vì đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy lợi ích của baking soda đối với răng. (3)
Cụ thể, kem đánh răng chứa baking soda đã được chứng minh là có tác dụng:
- diệt vi khuẩn
- giảm mảng bám và viêm nướu
- giảm vết ố vàng và làm trắng răng
- giảm và ngăn ngừa sâu răng
Kết luận: Cả dầu dừa và baking soda đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe răng miệng. Có thể thử trộn hai thành phần này với nhau để làm kem đánh răng nhưng không nên sử dụng thay cho kem đánh răng thông thường. Hơn nữa, cảm giác khi đánh răng bằng dầu dừa có thể sẽ không được dễ chịu cho lắm. Tốt nhất chỉ nên sử dụng dầu dừa để súc miệng và lựa chọn các loại kem đánh răng có chứa baking soda.
Tóm tắt bài viết
Baking soda và dầu dừa có nhiều tác dụng trong làm đẹp nhưng không phải tác dụng nào cũng được khoa học kiểm chứng. Chỉ nên sử dụng dầu dừa để súc miệng và thoa lên tóc trước khi gội hoặc làm mặt nạ ủ tóc chứ không nên dùng loại dầu này để dưỡng da. Tương tự, mặc dù baking soda có lợi cho răng miệng nhưng lại không phải lựa chọn phù hợp để chăm sóc da và tóc.