Caffeine trong cà phê có nhiều tác động đến hệ thần kinh trung ương.
Cà phê có lợi ích thế nào đối với não bộ?
Cà phê là thức uống rất phổ biến nhờ tác dụng tạo sự tỉnh táo và giảm mệt mỏi.
Trước đây, cà phê từng được cho là có hại cho sức khỏe nhưng nhiều nghiên cứu ngày nay đã chứng minh cà phê hoàn toàn là một loại đồ uống lành mạnh.
Trên thực tế, cà phê là một trong những nguồn cung cấp chất chống oxy hóa lớn nhất trong chế độ ăn uống của nhiều người. Cà phê mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, ví dụ như giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 và bệnh gan.
Ngoài ra, cà phê còn có lợi cho não bộ.
Thành phần hoạt tính trong cà phê
Cà phê là một thức uống vô cùng tốt cho sức khỏe với hàng trăm hợp chất hoạt tính sinh học khác nhau.
Nhiều hợp chất trong số này là chất chống oxy hóa, có tác dụng bảo vệ các tế bào trong cơ thể khỏi tác hại của các gốc tự do.
Dưới đây là các thành phần hoạt tính chính trong cà phê: (1)
- Caffeine: là hoạt chất chính trong cà phê và là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Trên thực tế, caffeine là chất kích thích thần kinh được tiêu thụ phổ biến nhất trên toàn thế giới.
- Axit chlorogenic (CGA): các chất chống oxy hóa nhóm polyphenol này có lợi cho một số quá trình sinh học trong cơ thể, chẳng hạn như sự chuyển hóa đường trong máu và huyết áp – cả hai đều liên quan đến nguy cơ thoái hóa thần kinh do lão hóa.
- Cafestol và kahweol: có trong dầu của hạt cà phê và hàm lượng bị giảm đáng kể trong quá trình pha chế. Hai hợp chất này tốt cho gan và giúp giảm nguy cơ ung thư nhưng tiêu thụ quá nhiều có thể làm tăng nồng độ LDL cholesterol hay cholesterol xấu.
- Trigonelline: một hợp chất trong nhóm alkaloid, không ổn định ở nhiệt độ cao và trở thành axit nicotinic hay còn được gọi là niacin (vitamin B3) trong quá trình rang cà phê. Trigonelline có tác dụng giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách ức chế sự phát triển của vi khuẩn trong khoang miệng.
Tuy nhiên, hàm lượng các chất này trong một cốc cà phê sẽ tùy thuộc vào loại cà phê, quá trình rang xay và cách pha chế.
Tóm tắt: Cà phê là một loại đồ uống tốt cho sức khỏe nhờ có chứa hàng trăm hợp chất hoạt tính sinh học khác nhau, ví dụ như caffeine, axit chlorogenic, trigonelline, cafestol và kahweol.
Các lợi ích của cà phê đến hệ thần kinh
Cà phê tạo sự tỉnh táo
Caffeine trong cà phê có nhiều tác động đến hệ thần kinh trung ương.
Tuy nhiên, tác động chính là caffeine tương tác với các thụ thể adenosine trong não.
Adenosine là một chất dẫn truyền thần kinh tạo cảm giác buồn ngủ. Các tế bào thần kinh trong não có các thụ thể mà adenosine có thể liên kết. Khi liên kết với các thụ thể này thì adenosine sẽ ức chế các tế bào thần kinh và điều này làm chậm hoạt động thần kinh.
Mức adenosine tăng cao dần trong ngày nên chúng ta thường cảm thấy mệt và buồn ngủ vào cuối ngày.
Caffeine và adenosine có cấu trúc phân tử tương tự nhau. Vì vậy, khi caffeine có mặt trong não thì chất này sẽ “cạnh tranh” với adenosine và liên kết với các thụ thể trong tế bào thần kinh.
Tuy nhiên, caffeine không cản trở quá trình kích hoạt tế bào thần kinh như adenosine mà thay vào đó sẽ ngăn adenosine làm chậm hoạt động thần kinh.
Caffeine thúc đẩy sự kích thích hệ thần kinh trung ương, nhờ đó đem lại cảm giác tỉnh táo.
Cà phê tăng cường chức năng nã o bộ
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng caffeine trong cà phê có thể tăng cường chức năng não bộ trong thời gian ngắn. (2)
Lý do là vì caffeine ngăn cản adenosine liên kết với các thụ thể trong tế bào thần kinh.
Ngoài ra, caffeine còn kích thích hệ thần kinh trung ương bằng cách thúc đẩy sự giải phóng các chất dẫn truyền thần kinh khác, gồm có noradrenaline, dopamine và serotonin.
Caffeine giúp cải thiện cả các yếu tố khác của chức năng não, gồm có: (3)
- Tâm trạng
- Tốc độ phản ứng.
- Sự nhanh nhẹn, linh hoạt
- Khả năng tập trung, chú ý
- Khả năng tiếp thu
- Chức năng tâm thần
Tuy nhiên, sau một thời gian thường xuyên uống cà phê, cơ thể sẽ dần phát triển khả năng thích nghi hay dung nạp caffeine. Điều này có nghĩa là mức độ cải thiện chức năng não bộ sẽ giảm và ngày càng phải tiêu thụ nhiều cà phê hơn để có được hiệu quả như trước.
Tác động của cà phê đến trí nhớ
Cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine khác có ảnh hưởng đến trí nhớ. Đến nay đã có nhiều nghiên cứu về điều này nhưng kết quả chưa thống nhất.
Một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng caffeine có thể cải thiện trí nhớ ngắn hạn. (4)
Trong khi đó, một số nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng caffeine không ảnh hưởng gì đến trí nhớ và thậm chí có nghiên cứu còn cho thấy caffeine làm giảm khả năng trí nhớ. (5)
Tác động của caffeine đến trí nhớ dài hạn hiện vẫn đang là chủ đề còn gây nhiều tranh cãi.
Trong một nghiên cứu quy mô nhỏ, caffeine được chứng minh là có thể cải thiện trí nhớ dài hạn. (6) Khi những tình nguyện viên tham gia uống một viên caffeine sau khi được cho xem một loạt các hình ảnh khác nhau thì khả năng ghi nhớ và nhận biết hình ảnh sau 24 tiếng đã tăng lên đáng kể.
Cà phê giúp giảm mệt mỏi
Lý do mà nhiều người uống cà phê là để tăng năng lượng mỗi khi cảm thấy uể oải và lấy lại sự tỉnh táo. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu đã chứng minh caffeine có tác dụng đẩy lùi cảm giác mệt mỏi.
Tuy nhiên, tác dụng này chỉ kéo dài trong một khoảng thời gian nhất định và sau đó sẽ giảm dần rồi biến mất. Lúc này, cảm giác uể oải, thiếu năng lượng sẽ quay trở lại và có thể phải tiếp tục uống thêm cà phê.
Không nên uống cà phê và các loại đồ uống chứa caffeine khác vào buổi chiều muộn và buổi tối để tránh bị gián đoạn giấc ngủ vào ban đêm.
Lạm dụng cà phê có thể làm giảm chất lượng giấc ngủ và gây ra tác dụng ngược lại, khiến chúng ta càng mệt mỏi hơn và làm suy giảm chức năng tổng thể của não bộ.
Cà phê giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và sa sút trí tuệ
Bệnh Alzheimer là nguyên nhân phổ biến nhất của chứng sa sút trí tuệ ở người cao tuổi. Bệnh này bắt đầu từ từ và ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Bệnh Alzheimer gây suy giảm trí nhớ và các vấn đề về suy nghĩ, hành vi. Hiện vẫn chưa có phương pháp chữa trị căn bệnh này.
Một số yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống hàng ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer và các dạng sa sút trí tuệ khác.
Các nghiên cứu quan sát cho thấy rằng thường xuyên uống cà phê và mỗi ngày tiêu thụ một lượng vừa phải giúp làm giảm đến 65% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. (7)
Giảm nguy cơ mắc bệnh Parkinson
Bệnh Parkinson là một dạng rối loạn mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, xảy ra do các tế bào thần kinh trong não bị chết. Các tế bào này có nhiệm vụ tiết ra dopamine và có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của các cơ.
Bệnh Parkinson chủ yếu ảnh hưởng đến chuyển động của cơ thể và có biểu hiện điển hình là run, cứng đờ và cử động chậm chạp. Giống như bệnh Alzheimer, bệnh Parkinson hiện cũng chưa có cách chữa trị nên tốt nhất là phòng ngừa bệnh ngay từ đầu.
Các nghiên cứu cho thấy cà phê cũng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh này. (8)
Một nghiên cứu lớn đã chỉ ra rằng nguy cơ mắc bệnh Parkinson giảm 29% ở những người uống 3 cốc cà phê mỗi ngày. Ở những người uống 5 cốc thì mức giảm cũng không cao hơn, chứng tỏ 3 cốc/ngày là lượng tối ưu để giảm nguy cơ mắc bệnh.
Caffeine là thành phần hoạt tính chính trong cà phê mang lại lợi ích này.
Có nên uống cà phê không?
Khi uống một cách vừa phải, cà phê rất tốt cho não bộ.
Về ngắn hạn, cà phê giúp cải thiện tâm trạng, sự linh hoạt, khả năng học hỏi, tiếp thu và tốc độ phản ứng. Về lâu dài, thói quen uống cà phê thường xuyên có thể giảm nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh như bệnh Alzheimer và Parkinson.
Cần lưu ý là mặc dù có lợi nhưng cũng không nên lạm dụng cà phê. Khi tiêu thụ quá mức, caffeine có thể gây ra cảm giác lo âu, bồn chồn, tim đập nhanh và rối loạn giấc ngủ.
Lượng cà phê tiêu thụ mỗi ngày tùy thuộc vào cơ địa mỗi người, có người chỉ uống được rất ít trong khi có người có thể uống nhiều mà không gặp phải vấn đề gì nhưng cũng không nên tiêu thụ quá 400 mg caffeine mỗi ngày. Trẻ nhỏ, thiếu niên và phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú nên tiêu thụ ít hơn hoặc tránh hoàn toàn.