Các phương pháp trị mụn rộp (herpes) môi hiệu quả nhất

Cách hiệu quả nhất để điều trị và ngăn ngừa bùng phát mụn rộp vẫn là dùng thuốc kháng virus theo đơn của bác sĩ nhưng ngoài ra cũng có thể thử các loại thuốc không kê đơn và biện pháp điều trị tự nhiên.

Các phương pháp trị mụn rộp (herpes) môi hiệu quả nhất
Các phương pháp trị mụn rộp (herpes) môi hiệu quả nhất

Mụn rộp môi là gì?

Mụn rộp môi hay herpes môi là một bệnh nhiễm trùng do HSV (herpes simplex virus) gây ra, có triệu chứng là nổi mụn nước ở xung quanh miệng hoặc trên môi. Mụn nước hình thành bên dưới bề mặt da, tạo thành cụm, sau đó vỡ ra, tạo thành vết loét chảy dịch và đóng vảy. Triệu chứng mụn rộp môi thường kéo dài khoảng 7 đến 10 ngày. Tình trạng này gây đau rát khó chịu nhưng có nhiều biện pháp hiệu quả để làm giảm các triệu chứng bệnh.

Nhiễm HSV xảy ra rất phổ biến. Khoảng 90% người trưởng thành trên toàn cầu đều bị nhiễm HSV tại một thời điểm nào đó nhưng đa số đều không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, ở một số người, virus này lại gây mụn rộp và thậm chí là mụn rộp tái phát nhiều lần.

Có hai loại virus herpes simplex là HSV-1 và HSV-2. Phần lớn các trường hợp mụn rộp môi là do HSV-1 trong khi HSV-2 chủ yếu gây mụn rộp sinh dục nhưng HSV-2 cũng có thể gây mụn rộp môi. Bệnh mụn rộp bùng phát theo đợt. Sau khi nhiễm virus, các triệu chứng có thể xuất hiện chỉ trong vòng vài ngày. Đợt bùng phát đầu tiên thường kéo dài và nghiêm trọng nhất. Ngoài nổi mụn nước và loét, các triệu chứng khác còn có sốt, đau họng, đau nhức cơ thể và đau đầu.

Các triệu chứng này thường khỏi sau 10 ngày đến 2 tuần nhưng virus vẫn còn trong cơ thể. Chúng tồn tại ở trạng thái không hoạt động trong các tế bào thần kinh.

Bệnh sẽ lại tái phát khi có các yếu tố kích hoạt như căng thẳng, thay đổi nội tiết tố, phẫu thuật, sốt, bệnh tật hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Các đợt bùng phát tiếp theo thường ngắn hơn và triệu chứng nhẹ hơn so với đợt bùng phát đầu tiên. Mặc dù không có cách nào điều trị dứt điểm bệnh mụn rộp nhưng có nhiều cách để giảm nhẹ các triệu chứng hoặc rút ngắn thời gian bùng phát. Cách hiệu quả nhất để điều trị và ngăn ngừa bùng phát mụn rộp vẫn là dùng thuốc kháng virus theo đơn của bác sĩ nhưng ngoài ra cũng có thể thử các loại thuốc không kê đơn và biện pháp điều trị tự nhiên.

Các phương pháp trị mụn rộp môi

Tía tô đất

Đặc tính kháng virus của cây tía tô tất (lemon balm, tên khoa học là Melissa officinalis) có thể giúp làm giảm đỏ và sưng tấy ở quanh mụn nước và vết loét, đồng thời ngăn ngừa nhiễm trùng. (1)

Có thể dùng son dưỡng môi có chứa ít nhất 1% chiết xuất tía tô đất hoặc nhúng một miếng bông vào trà tía tô đất và đắp lên vùng da có mụn rộp.

Thuốc kháng virus không kê đơn

Các loại thuốc có chứa cồn docosanol hoặc benzyl có thể giúp rút ngắn thời gian bùng phát mụn rộp. Theo một nghiên cứu, các loại thực phẩm chức năng hoặc kem bôi chứa lysine cũng có tác dụng tương tự. (2)

Chườm nước đá

Chườm nước đá không giúp làm giảm thời gian bùng phát nhưng có thể làm dịu cảm giảm đau rát, khó chịu và sưng tấy do mụn rộp. Tuy nhiên, không nên áp nước đá trực tiếp lên vết loét mà phải bọc trong một miếng vải sạch.

Lô hội

Gel lô hội (phần thịt trong suốt bên trong lá lô hội) cũng có tác dụng làm giảm triệu chứng mụn rộp. Mặc dù chưa có nhiều nghiên cứu về tác dụng trị mụn rộp của loài cây này nhưng một nghiên cứu trong ống nghiệm vào năm 2016 cho thấy rằng lô hội có tác dụng chống viêm và kháng virus, nhờ đó ức chế hoạt động của virus gây mụn rộp. (3)

Bôi kem chống nắng

Kem chống nắng không chỉ giúp bảo vệ đôi môi trong quá trình vết loét do mụn rộp lành lại mà còn có thể làm giảm nguy cơ bệnh tái phát. Điều quan trọng là phải thoa kem chống nắng đều đặn hàng ngày, đặc biệt là trước khi ra ngoài trời và chọn kem chống nắng có chỉ số SPF ít nhất là 30.

Giảm căng thẳng

Vì căng thẳng hay stress có thể kích hoạt virus herpes simplex hoạt động trở lại nên việc hạn chế căng thẳng sẽ giúp ngăn ngừa các đợt bùng phát mụn rộp. Một số biện pháp hiệu quả để giảm căng thẳng là thiền, tập thể dục thường xuyên, tham gia các hoạt động ngoài trời và tránh xa các nguyên nhân gây căng thẳng.

Ibuprofen hoặc acetaminophen

Cả hai loại thuốc này đều giúp giảm đau rát do mụn rộp.

Dùng thuốc kháng virus theo đơn

Mụn rộp thường tự khỏi sau vài ngày nhưng dùng thuốc kháng virus sẽ giúp các triệu chứng biến mất nhanh hơn.

Trong những trường hợp mà bệnh tái phát thường xuyên, người bệnh có thể phải uống thuốc kháng virus quanh năm để ngăn chặn các đợt bùng phát. Các loại thuốc kháng virus để điều trị bệnh mụn rộp gồm có:

  • acyclovir (Zovirax)
  • valacyclovir (Valtrex)
  • famciclovir (Famvir)
  • penciclovir (Denavir)

Tóm tắt bài viết

Sử dụng thuốc kết hợp các biện pháp điều trị tự nhiên, giảm căng thẳng và giữ sức khỏe tốt sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng mụn rộp và ngăn ngừa các đợt bùng phát trong tương lai.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *