Bé có thể gặp khó khăn khi ở trường và với các kỹ năng xã hội. Tùy thuộc vào mức độ thính giác, khả năng nói của bé có thể bị ảnh hưởng và âm thanh phát ra có thể “khác” với người khác.
Các quy trình kiểm tra thính giác cho trẻ
Nội dung chính bài viết:
- Kiểm tra thính lực của trẻ luôn rất quan trọng vì khả năng nghe là nền tảng của việc học hỏi và nhận thức.
- Có nhiều quy trình, phương pháp kiểm tra khác nhau tùy thuộc từng độ tuổi của trẻ. Bên cạnh đó còn phụ thuộc vào sự phát triển và nhận thức của từng đứa trẻ.
- Trường hợp bé bị giảm thính lực, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân để xử lý và có các cách điều trị thích hợp.
Tại sao một cuộc kiểm tra thính giác lại quan trọng với trẻ?
- Khả năng nghe chính là nền tảng cho khả năng học hỏi, nhận thức của con bạn, vì vậy quan trọng là phải xác định được vấn đề càng sớm càng tốt. Một đứa trẻ bị mất thính giác không được điều trị có thể không theo kịp các cột mốc phát triển, đặc biệt là về ngôn ngữ.
- Bé có thể gặp khó khăn khi ở trường và với các kỹ năng xã hội. Tùy thuộc vào mức độ thính giác, khả năng nói của bé có thể bị ảnh hưởng và âm thanh phát ra có thể “khác” với người khác. Alison Grimes, chuyên gia về thính học và trợ lý giáo sư tại Trung tâm Y tế UCLA nói: “Nếu một đứa trẻ sớm được chẩn đoán nghe kém, thì việc điều trị cũng như khả năng phát triển ngôn ngữ của bé sẽ thành công hơn”
- Ngay cả khi con bạn không bị mất thính giác, bác sĩ cũng nên kiểm tra khả năng nghe của bé tại mỗi cuộc kiểm tra sức khoẻ cho trẻ. Khi bé đã đi học mẫu giáo hoặc đến trường, sẽ được kiểm tra định kỳ theo lịch của nhà trường: mỗi năm một lần hoặc vài năm một lần vào đầu năm học. Đây là những cuộc kiểm tra đơn giản, được thực hiện với tai nghe hoặc mục đích chỉ là để xác định các vấn đề tiềm ẩn.
- Nếu có bất cứ lý do gì gây lo ngại – hoặc nếu con bạn có các yếu tố nguy cơ bị nghe kém hoặc phát triển về thính giác – bác sĩ (hoặc trường học) sẽ giới thiệu bé đến một chuyên gia thính học để được thử nghiệm thêm. Tất nhiên là bất cứ lúc nào bạn cũng có thể cho con thăm khám bác sĩ nếu có bất cứ mối lo ngại nào về khả năng nghe của con. Nếu bác sĩ nhận thấy tình trạng khiếm thính của bé là do chất lỏng tích tụ dai dẳng trong màng nhĩ, họ có thể giới thiệu bé đến một chuyên gia khác, như bác sĩ tai mũi họng.
Chuyên gia về thính học sẽ làm gì?
Trước khi chuyên gia về thính học tiến hành một cuộc kiểm tra thính giác, ông sẽ đo lường sự di chuyển của màng nhĩ của trẻ bằng thủ thuật được gọi là đo nhĩ lượng. Ông sẽ tạo một áp lực không khí vào ống tai bằng một dụng cụ có đầu bằng nhựa mềm để xem có chất lỏng ở tai giữa của bé hay không hoặc xem ông tai ngoài có đang bị tổn thương hay không, điều này sẽ làm lệch kết quả của một cuộc kiểm tra thính giác. Quy trình này nhanh chóng, dễ dàng và không đau.
Kiểu kiểm tra của chuyên gia thính học sẽ phụ thuộc một phần vào trình độ phát triển và nhận thức của con bạn. Một đứa trẻ quá nhỏ sẽ không thể giơ tay lên như hướng dẫn khi bé nghe thấy âm thanh nhất định nào đó. Ở trẻ sơ sinh, chuyên gia sẽ xác định khả năng thính giác của bé bằng cách đo sóng não khi phản ứng với âm thanh. Điều này thậm chí có thể được thực hiện trong khi bé ngủ.
Với trẻ nhỏ hơn, chuyên gia thính học sẽ chú ý tới phản ứng của trẻ đối với âm thanh. Con sẽ ngồi trong lòng bạn ở một phòng cách âm từ nhiều phía. Khi bé nhìn theo hướng âm thanh phát ra, bé sẽ được khen với ánh sáng nhấp nhát hoặc một món đồ chơi nhảy múa. Thử nghiệm này được gọi là đo thính lực hành vi có hỗ trợ hình ảnh (VRA).
Chuyên gia sẽ ghi nhận phản ứng của con với các mức âm thanh khác nhau. (Các nhà thính học sẽ tìm kiếm mức độ âm thanh tiếng nói và giọng nhỏ nhất mà một đứa trẻ có thể nghe thấy). Họ cũng sẽ chú ý xem con bạn có phản ứng với lời nói hay không và phản ứng ở mức độ nào. Ví dụ bé có thể ngó lơ với âm thanh nhưng cũng có thể đáp lại lời nói.
Trẻ lớn hơn (3-5 tuổi) có thể được dạy chơi một trò chơi đơn giản, như thả một khối trong một cái xô đồng thời chúng sẽ nghe thấy âm thanh phát qua tai nghe. Những thử nghiệm này khá thú vị với trẻ và chuyên viên thính học có thể có được một hình ảnh hoàn chỉnh về thính giác trong mỗi tai bằng cách sử dụng kỹ thuật này.
Một trẻ từ 5 tuổi trở lên có thể giơ tay lên hoặc ấn vào nút khi nghe thấy một tiếng nào đó, giống như người lớn được yêu cầu. Và bé có thể lặp lại các từ khi được hỏi.
Các phương pháp sàng lọc, kiểm tra hành vi khá hữu ích. Bác sĩ không chỉ chỉ ra được tai trẻ có nghe thấy âm thanh hay không mà còn biết não trẻ có đang xử lý chúng và phản ứng chính xác với chúng hay không.
Sau các cuộc kiểm tra hành vi có thể là các cuộc sàng lọc kiểm tra sinh lý (chỉ ra cách tai đang hoạt động) để xác nhận. Phương pháp phổ biến nhất trong những bài test này là quy trình đo âm ốc tai (OAE) và đo đáp ứng thính lực thân não (ABR). Mỗi lần chỉ mất 10 phút và hoàn toàn không đau.
- OAE đo các sóng âm ở tai trong. Chuyên gia thính học sẽ đặt một thiết bị nhỏ vào tai của con bạn, tạo ra những âm thanh nhỏ, và một máy tính kết nối với thiết bị sẽ ghi nhận phản ứng của tai với âm thanh. Con bạn chỉ cần ngồi im trong vòng vài giây để thực hiện thử nghiệm này.
- ABR được sử dụng vừa để sàng lọc khả năng nghe ở trẻ sơ sinh, vừa được các chuyên gia thính giác nhi khoa thực hiện kiểm tra chẩn đoán.
Trong quy trình ABR, các điện cực sẽ được gắn vào da đầu, do đó việc sóng não phản ứng với âm thanh qua tai nghe có thể được ghi lại bởi một máy tính. Chuyên gia thính học sẽ thay đổi độ cao và âm lượng của các tín hiệu để xác định mức thính giác ở mỗi bên tai.
Ngoài ra, OAE, ABR và phương pháp đo nhĩ lượng đồ sẽ cung cấp một hình ảnh đầy đủ về khả năng nghe của trẻ.
Điều gì sẽ xảy ra nếu trẻ không vượt qua được kỳ kiểm tra thính giác?
Nếu chuyên viên thính học xác định rằng con bạn bị mất thính giác ở một hoặc cả hai tai, họ sẽ giới thiệu bé đến bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng (ENT) để khám sức khoẻ. Hoặc có thể gợi ý sử dụng máy trợ thính hoặc các công nghệ trợ giúp khác. Nếu con đang đi học, chuyên viên thính học sẽ nói chuyện với giáo viên của bé và các nhân viên khác ở trường để đảm bảo rằng họ hiểu được tình trạng mất thính giác của bé.
Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng sẽ thảo luận các lựa chọn thích hợp để giúp con nghe tốt hơn, như phẫu thuật để xử lý chất lỏng trong tai. Nếu không có vấn đề về mặt y khoa, chuyên viên thính học sẽ giới thiệu và lắp thiết bị trợ thính (một thiết bị điện tử nhỏ bên trong hoặc phía sau tai để khuếch đại âm thanh), một hệ thống khuếch đại có chọn lọc giọng của ai đó, như giọng của cô giáo hoặc cấy ốc tai điện tử (một thiết bị điện tử được phẫu thuật đặt vào để nhận âm thanh và kích thích trực tiếp các dây thần kinh thính giác).
Bác sĩ và chuyên gia thính học cũng sẽ nói chuyện với bạn về phương pháp trị liệu ngôn ngữ để giúp trẻ nói một cách dễ hiểu. Và nếu phù hợp họ có thể đề nghị cho bé học ngôn ngữ ký hiệu.