Chăm sóc bàn chân khi mắc bệnh tiểu đường type 2

Ở những người mắc bệnh tiểu đường, các vấn đề như bệnh thần kinh và lưu thông máu kém có thể khiến vết thương ở bàn chân không được phát hiện hoặc chậm lành. Tình trạng này có thể khiến cho các vết thương thông thường như vết cắt hay trầy xước bị nhiễm trùng và trở thành vết loét sâu.

Chăm sóc bàn chân khi mắc bệnh tiểu đường type 2
Chăm sóc bàn chân khi mắc bệnh tiểu đường type 2

Dưới đây là một số vấn đề mà người mắc bệnh tiểu đường có thể gặp phải ở bàn chân và các cách phòng tránh hoặc khắc phục những vấn đề này.

Các vấn đề ở bàn chân do tiểu đường

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể làm chậm tốc độ lành vết thương và vết thương lâu lành này có thể bị nhiễm trùng.

Các vấn đề khác ở bàn chân như vết chai cũng phổ biến ở những người mắc bệnh tiểu đường. Mặc dù vết chai không phải vấn đề đáng lo ngại nhưng nếu không được xử lý đúng cách, chúng có thể trở thành vết loét.

Những người bị tiểu đường còn có nguy cơ mắc bệnh khớp Charcot – một bệnh lý mãn tính xảy ra do khớp chịu trọng lực bị thoái hóa dần, dẫn đến mất và biến dạng xương.

Khi các dây thần kinh bị tổn thương, người mắc bệnh tiểu đường sẽ không phát hiện ra vết thương hay các vấn đề khác ở bàn chân.

Theo thời gian, những người bị bệnh thần kinh đái tháo đường có thể bị các vấn đề không thể chữa lành ở bàn chân, dẫn đến phải cắt cụt chi. Bệnh tiểu đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu của các ca phẫu thuật cắt cụt chi dưới.

Nguyên nhân gây ra các vấn đề ở bàn chân do bệnh tiểu đường

Lượng đường trong máu cao ở những người mắc bệnh tiểu đường có thể gây ra bệnh lý thần kinh ngoại biên – tình trạng tê bì và mất cảm giác do tổn thương các dây thần kinh cảm giác ở bàn chân và bàn tay.

Ở những người bị bệnh thần kinh đái tháo đường, cảm giác ở những khu vực bị ảnh hưởng sẽ bị suy giảm đáng kể so với bình thường. Mặt khác, bệnh thần kinh ngoại biên thường gây đau, nóng rát, châm chích hoặc các cảm giác khó chịu khác ở bàn chân.

Khi không còn cảm giác, vết thương sẽ không được phát hiện và xử lý đúng cách. Thêm nữa, sự lưu thông máu kém khiến vết thương khó lành lại. Hậu quả là vết thương có thể bị nhiễm trùng và trở nên nghiêm trọng đến mức cần phải cắt cụt chi.

Kiểm tra bàn chân thường xuyên để phát hiện các vấn đề bất thường là điều rất quan trọng khi mắc bệnh tiểu đường. Các vấn đề có thể xảy ra gồm có:

  • Vết chai
  • Vết loét
  • Vết cắt
  • Vết sưng trên bàn chân
  • Vị trí có cảm giác nóng
  • Thay đổi màu da
  • Móng chân mọc ngược hay móng quặp
  • Da khô, nứt nẻ

Nếu phát hiện thấy bất kỳ vấn đề nào trong số này thì nên đi khám ngay.

Ngăn ngừa các vấn đề ở bàn chân do bệnh tiểu đường

Ngoài duy trì mức đường huyết trong phạm vi an toàn, có một số cách mà những người bị tiểu đường có thể thực hiện để ngăn ngừa các vấn đề phát sinh ở bàn chân.

Để cải thiện lưu thông máu đến chi dưới, người bệnh nên đi bộ thường xuyên. Chọn những đôi giày vững chắc, thoái mái và có mũi kín.

Tập thể dục đều đặn còn giúp cải thiện tình trạng cao huyết áp và giảm cân – đây cũng là những điều rất quan trọng đối với người bị tiểu đường. Ngoài ra, người bệnh nên tự kiểm tra chân thường xuyên. Điều này sẽ giúp phát hiện sớm vấn đề và kịp thời can thiệp điều trị trước khi phát sinh vấn đề nghiêm trọng hơn.

Cách chăm sóc bàn chân khi mắc bệnh tiểu đường

Người mắc bệnh tiểu đường nên lưu ý những điều dưới đây để giữ đôi chân luôn khỏe mạnh:

  • Kiểm tra bàn chân hàng ngày: Kiểm tra kỹ mu bàn chân, lòng bàn chân, móng chân và cả các kẽ ngón chân. Nếu bạn không thể nhìn thấy lòng bàn chân thì có thể sử dụng gương.
  • Đi khám bác sĩ khi nhận thấy bất kỳ vết thương hay bất thường nào ở bàn chân.
  • Không đi chân trần, kể cả là khi đi lại trong nhà để tránh bị thương ở bàn chân. Những vết cắt hay vết trầy xước nhỏ cũng có thể trở thành vấn đề lớn khi mắc bệnh tiểu đường. Nguy cơ bị thương ở bàn chân sẽ càng cao nếu đi chân trần ở bên ngoài.
  • Hạn chế hoặc bỏ thuốc lá: Hút thuốc sẽ gây thu hẹp các mạch máu và góp phần làm giảm lưu thông máu đến chân.
  • Giữ chân luôn sạch sẽ và khô ráo: Thay tất thường xuyên, đi dép khi ngồi làm việc để bàn chân được thông thoáng và lau khô chân sau khi rửa.
  • Dưỡng ẩm cho bàn chân sau khi rửa nhưng không bôi kem vào kẽ ngón chân.
  • Tránh nước nóng: Kiểm tra nhiệt độ nước bằng tay, không thử bằng chân.
  • Cắt móng chân sau khi tắm: Cắt theo đường thẳng và sau đó dùng dũa móng để làm mịn những chỗ sắc nhọn. Không cắt vào lớp biểu bì.
  • Dùng đá bọt để loại bỏ vết chai: Không được tự cắt vết chai hay dùng hóa chất lên vết chai tại nhà.
  • Chọn giày dép phù hợp: Đi giày vừa chân và tất bằng chất liệu tự nhiên như cotton hoặc len. Khi đi giày mới thì không nên đi quá 1 tiếng liên tục. Kiểm tra chân cẩn thận sau khi tháo giày. Kiểm tra bên trong giày trước khi xỏ giày để xem có chỗ nào nhô lên hoặc có vật lạ rơi vào hay không. Không đi giày cao gót và giày có mũi nhọn.
  • Giữ ấm chân vào mùa lạnh.
  • Cử động ngón chân và cổ chân liên tục khi ngồi lâu.
  • Không ngồi vắt chéo chân. Thói quen này sẽ làm giảm lưu lượng máu đến bàn chân.
  • Gác chân lên cao khi bị thương ở bàn chân hoặc cẳng chân.

Tóm tắt bài viết

Kiểm soát tốt lượng đường trong máu có thể giúp tránh được các vấn đề ở chân do bệnh tiểu đường. Ngoài ra, kiểm tra chân hàng ngày và thực hiện các biện pháp chăm sóc bàn chân khác cũng rất cần thiết.

Xem thêm:

  • Các biến chứng của bệnh tiểu đường type 2
  • Nhận biết các triệu chứng tiểu đường type 2
  • Một số lầm tưởng thường gặp về bệnh tiểu đường

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *