Chế độ ăn uống cho người mắc bệnh ung thư bàng quang

Đối với người mắc bệnh ung thư bàng quang hay bất kỳ bệnh ung thư nào khác, bên cạnh các phương pháp điều trị, việc chú ý chăm sóc sức khỏe tổng thể cũng rất quan trọng. Tăng cường sức khỏe tổng thể sẽ giúp cơ thể chống chọi với bệnh ung thư tốt hơn và phần nào cải thiện tiên lượng.

Chế độ ăn uống cho người mắc bệnh ung thư bàng quang
Chế độ ăn uống cho người mắc bệnh ung thư bàng quang

Một điều rất quan trọng để tăng cường sức khỏe là cố gắng ăn uống đầy đủ. Ăn uống đầy đủ sẽ cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết để hỗ trợ quá trình điều trị và giúp người bệnh cảm thấy khỏe khoắn hơn.

Chế độ ăn nào có lợi cho người bị ung thư bàng quang?

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc xây dựng chế độ ăn uống cho người bệnh ung thư. Tình trạng mệt mỏi và một số triệu chứng khác do ung thư khiến người bệnh không còn cảm thấy ngon miệng khi ăn và dẫn đến ăn uống kém. Tuy nhiên, cần cố gắng ăn nhiều thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe.

Không có bất kỳ chế độ ăn uống nào có thể điều trị hay phòng ngừa bệnh ung thư bàng quang nhưng nghiên cứu cho thấy một số chế độ ăn uống nhất định có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư, bao gồm cả ung thư bàng quang.

Một nghiên cứu ở Ý đã cho thấy một số lợi ích của chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải trong việc giảm nguy cơ ung thư bàng quang. (1) Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải là chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng với nhiều loại thực phẩm lành mạnh như rau củ, trái cây, các loại đậu và ngũ cốc nguyên cám. Chế độ ăn này còn có các nguồn chất béo tốt như cá, các loại hạt, quả hạch và dầu ô liu.

Ngòa giảm nguy cơ ung thư bàng quang, chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải còn mang lại những lợi ích khác cho sức khỏe, chẳng hạn như giảm viêm và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Những thực phẩm có lợi cho người bị ung thư bàng quang

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện nhằm tìm hiểu xem liệu các loại thực phẩm có thể chống lại ung thư bàng quang hay không. Mặc dù hiện vẫn chưa có kết quả nào thuyết phục nhưng đã có nghiên cứu chỉ ra rằng một số loại thực phẩm nhất định, đặc biệt là những thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, có thể có tác dụng chống ung thư.

Nói chung, người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tái phát và tử vong do ung thư.

Những nhóm thực phẩm trong chế độ ăn uống lành mạnh gồm có:

Rau củ và trái cây

Rau củ và trái cây cung cấp nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Các loại rau họ cải như bông cải xanh, cải xoăn và bắp cải mini đặc biệt có lợi nhờ chứa nhiều chất chống oxy hóa. Các loại quả mọng và trái cây họ cam quýt cũng là những nguồn cung cấp chất chống oxy hóa dồi dào.

Rau củ và trái cây còn cung cấp chất xơ. Ăn nhiều chất xơ giúp làm giảm táo bón. Chất xơ rất cần thiết để giữ cho hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Thực phẩm giàu protein

Protein giúp duy trì khối cơ và hỗ trợ hệ miễn dịch. Các loại thực phẩm giàu protein gồm có thịt, cá, trứng, các lọai đậu, các sản phẩm từ đậu nành, các loại hạt, quả hạch và sản phẩm từ sữa. Cố gắng ăn thực phẩm giàu protein trong tất cả các bữa chính và bữa phụ.

Chất béo tốt

Chất béo giúp làm tăng hương vị và kết cấu của món ăn. Cơ thể con người cần chất béo để hấp thụ một số vitamin, sản xuất hormone và phục hồi các tế bào khắp cơ thể. Điều quan trọng là phải lựa chọn các nguồn chất béo tốt như cá, quả bơ, các loại hạt, quả hạch, dầu ô liu…

Ngũ cốc nguyên hạt

Ngũ cốc nguyên hạt là những loại ngũ cốc qua xử lý tối thiểu, còn đủ cả 3 phần là lớp cám, mầm và nội nhũ. Điều này có nghĩa là ngũ cốc nguyên hạt còn gần như nguyên vẹn hàm lượng chất dinh dưỡng và chất xơ. Ăn ngũ cốc nguyên hạt mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Lợi ích của trà đối với bệnh ung thư bàng quang

Đã có rất nhiều nghiên cứu về lợi ích của trà, đặc biệt là trà xanh, đối với sức khỏe. Các nghiên cứu tập trung đặc biệt vào trà xanh vì trà xanh giàu polyphenol. Đây là nhóm hợp chất có đặc tính chống oxy hóa có trong một số loại thực vật.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng polyphenol có thể giúp chống lại bệnh ung thư, bao gồm cả ung thư bàng quang. Polyphenol còn có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và giảm tác động của sự lão hóa. (2) Mặc dù những phát hiện này đầy hứa hẹn nhưng vẫn còn nhiều điều cần tìm hiểu về những lợi ích mà polyphenol mang lại.

Một phân tích tổng hợp vào năm 2012 đã không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào cho thấy uống trà giúp ngăn ngừa ung thư bàng quang ở người. Những người thích uống trà hoàn toàn có thể duy trì thói quen của mình. Mặc dù chưa rõ uống trà có giúp phòng ngừa ung thư hay không nhưng trà mang lại nhiều lợi ích khác cho sức khỏe.

Những thực phẩm và đồ uống cần tránh

Việc uống nước nhiễm asen có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang. Trên thực tế, những khu vực có hàm lượng asen cao trong nguồn nước có tỷ lệ mắc ung thư bàng quang cao hơn. (3) Asen có thể có tự nhiên trong nước hoặc đến từ các hoạt động công nghiệp, nông nghiệp.

Những hộ gia đình sử dụng nước giếng nên kiểm tra nồng độ asen trong nước ít nhất một lần mỗi năm. Có nhiều cách để loại bỏ asen trong nguồn nước, ví dụ như phương pháp keo tụ – kết tủa, lọc nước, hấp phụ, trao đổi ion…

Chế độ ăn có nhiều thịt đỏ, đặc biệt là thịt đỏ chế biến sẵn cũng có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Một phân tích tổng hợp vào năm 2018 cho thấy những người ăn nhiều thịt đỏ chế biến sẵn có nguy cơ mắc ung thư bàng quang cao hơn. Ăn thịt đỏ tươi dường như không làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. (4)

Nghiên cứu cũng cho thấy chế độ ăn kiểu phương Tây có thể làm tăng nguy cơ tái phát ung thư bàng quang. Chế độ ăn kiểu phương Tây có đặc trưng là nhiều thực phẩm chế biến sẵn, ngũ cốc tinh chế, thực phẩm và đồ uống nhiều đường, hàm lượng chất béo cao và ít trái cây, rau củ.

Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy những người theo chế độ ăn kiểu phương Tây có nguy cơ tái phát ung thư bàng quang cao hơn 48% so với những người có chế độ ăn uống lành mạnh.

Thực phẩm giúp ngăn ngừa tái phát ung thư bàng quang

Khoảng 75% trường hợp ung thư bàng quang là ung thư không xâm lấn cơ, có nghĩa ung thư mới chỉ giới hạn ở lớp bề mặt bên trong của bàng quang chứ chưa lan vào các lớp bên trong của thành bàng quang. Khoảng 60 đến 70% số ca mắc loại ung thư này sẽ tái phát. Người bệnh cần tái khám theo dõi thường xuyên sau khi điều trị để phát hiện sớm ung thư tái phát.

Không có chế độ ăn uống cụ thể nào được chứng minh là có tác dụng giảm nguy cơ tái phát ung thư. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người ăn nhiều trái cây và rau củ có nguy cơ mắc ung thư bàng quang thấp hơn. Tuy nhiên, một tổng quan nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy việc ăn nhiều rau không có tác dụng ngăn ngừa bệnh tái phát.

Mặc dù vậy nhưng chế độ ăn nhiều trái cây và rau củ vẫn được khuyến nghị vì những lý do khác. Ăn nhiều rau củ quả có thể giúp làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư khác và bệnh tim mạch.

Một nghiên cứu vào năm 2010 trên 239 người bị ung thư bàng quang đã tìm hiểu xem liệu ăn rau các loại rau họ cải (chủ yếu là bông cải xanh) có giúp cải thiện khả năng sống sót hay không. Các nhà nghiên cứu nhận thấy những người ăn nhiều bông cải xanh nhất có thể sống lâu hơn. Khả năng sống sót được cải thiện ngay cả ở những người chỉ ăn một chén bông cải xanh sống mỗi tháng.

Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa về chủ đề này trước khi khuyến nghị bất kỳ chế độ ăn uống hay loại thực phẩm cụ thể nào để ngăn ngừa tái phát ung thư bàng quang.

Thực phẩm chức năng có lợi cho người bị ung thư bàng quang

Tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh mà bác sĩ sẽ khuyên dùng một số thực phẩm chức năng. Nếu người bệnh cảm thấy mệt mỏi, bác sĩ có thể đề nghị làm xét nghiệm kiểm tra nồng độ sắt và vitamin B12 trong máu. Mệt mỏi có thể do bản thân bệnh ung thư hoặc các phương pháp điều trị ung thư gây ra.

Thiếu sắt hoặc thiếu vitamin B12 sẽ càng làm tăng tình trạng mệt mỏi. Sắt và vitamin B12 có trong nhiều loại thực phẩm tự nhiên nhưng người bệnh cũng có thể bổ sung bằng cách dùng thục phẩm chức năng.

Sau khi phải dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm trùng, người bệnh nên cân nhắc bổ sung men vi sinh. Cơ thể con người là nơi cư trú của hàng nghìn tỷ vi khuẩn, đa số sống trong đường tiêu hóa. Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chính khi bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh không chỉ tiêu diệt vi khuẩn có hại mà còn tiêu diệt cả một số vi khuẩn có lợi và điều này gây ra các vấn đề về tiêu hóa.

Bổ sung men vi sinh giúp làm tăng vi khuẩn có lợi trong đường tiêu hóa. Điều này giúp giảm đầy hơi, chướng bụng và tiêu chảy. Ngoài ra còn có bằng chứng cho thấy men vi sinh có thể góp phần làm giảm ngu cơ tái phát ung thư bàng quang. (5)

Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào. Một số loại chủng vi khuẩn có lợi không an toàn với người bị ung thư bàng quang. Do đó cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung men vi sinh.

Các phương pháp điều trị ung thư có thể làm giảm một số chất dinh dưỡng trong cơ thể, gồm có vitamin D và folate (vitamin B9). Nếu kết quả xét nghiệm máu cho thấy tình trạng thiếu hụt các chất này, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách bổ sung thích hợp.

Siêu thực phẩm

Mặc dù không có định nghĩa chính xác thế nào là “siêu thực phẩm” nhưng những loại thực phẩm được gọi là siêu thực phẩm đều giàu chất dinh dưỡng.

Bên cạnh đó cũng có rất nhiều loại thực phẩm mặc dù không được xếp vào nhóm siêu thực phẩm nhưng cũng rất tốt cho sức khỏe. Người bệnh nên ăn nhiều trái cây và rau củ, đặc biệt là những loại có màu sẫm. Nói chung, thực phẩm càng sẫm màu thì càng chứa nhiều chất dinh dưỡng.

Những loại trái cây và rau củ có nhiều màu sắc khác nhau chứa các hợp chất thực vật đặc biệt giúp tăng cường sức khỏe. Việc ăn nhiều loại rau củ quả với màu sắc đa dạng có thể giúp làm tăng khả năng hấp thụ các hợp chất có lợi.

Nhiều loại thảo mộc và gia vị cũng là nguồn cung cấp các hợp chất thực vật có lợi cho sức khỏe. Một số ví dụ có thể kể đến như nghệ, hạt tiêu đen, đinh hương, tỏi, nghệ tây, hạt mù tạt, rau mùi tây, thì là và gừng.

Phòng ngừa thiếu chất khi ăn uống kém

Có nhiều lý do khiến người bệnh ung thư có nguy cơ cao bị thiếu hụt các dinh dưỡng cần thiết, một trong số đó là do các phương pháp điều trị gây mệt mỏi, buồn nồn, giảm vị giác và dẫn đến ăn uống kém.

Dưới đây là một số lời khuyên giúp tránh tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng:

  • Chuẩn bị sẵn đồ ăn nhẹ để ăn ngay khi cảm thấy đói
  • Ăn cách 2 đến 3 giờ một lần.
  • Ăn trong môi trường thoải mái, dễ chịu.
  • Không uống nhiều nước trước bữa ăn.
  • Chọn những thực phẩm có vị nhạt, nhiều tinh bột như mì, bún, bánh quy, bánh mì hoặc ngũ cốc. Có thể những thực phẩm này sẽ dễ dung nạp hơn.
  • Nếu không ăn được nhiều, hãy chọn những thực phẩm giàu calo và protein như trứng, bơ đậu phộng và phô mai để tăng lượng calo.
  • Chọn các loại thực phẩm có bổ sung dinh dưỡng như sữa, bột ngũ cốc
  • Chế biến món ăn dạng lỏng hoặc sệt nếu cảm thấy khó ăn đồ dạng rắn
  • Uống chanh tươi, trà gừng, ngậm kẹo gừng hoặc gừng tươi có giúp giảm buồn nôn

Tóm tắt bài viết

Không có chế độ ăn uống nào dành riêng cho người bị ung thư bàng quang nhưng có những điều chỉnh về chế độ ăn uống giúp tăng cường sức khỏe tổng thể. Nói chung, người bệnh nên duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên cám, protein và chất béo tốt.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *