Ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị và tái khám đầy đủ, một cách nữa để cải thiện tiên lượng khi mắc ung thư tuyến tiền liệt là điều chỉnh chế độ ăn uống. Duy trì chế độ ăn uống cân bằng, bổ dưỡng sẽ mang lại nhiều lợi ích trong quá trình điều trị ung thư.
Chế độ ăn uống có ảnh hưởng như thế nào đến tiên lượng ung thư tuyến tiền liệt?
Chế độ ăn uống và ung thư tuyến tiền liệt
Nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng chế độ ăn uống có tác động như thế nào ở những người đã mắc bệnh?
Ung thư tuyến tiền liệt là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới.
Chế độ ăn uống có thể ảnh hưởng đến tiên lượng bệnh. Chủ động thay đổi chế độ ăn uống có thể giúp cải thiện tiên lượng ở người mắc ung thư tuyến tiền liệt, đặc biệt là ở những người đang theo “chế độ ăn kiểu phương Tây” (ăn nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, sản phẩm từ sữa có hàm lượng chất béo cao, đồ ăn nhiều đường và đồ đóng gói).
Kết quả nghiên cứu
Tác động của chế độ ăn uống đến bệnh ung thư tuyến tiền liệt là một chủ đề đang được tích cực nghiên cứu. Một nghiên cứu vào năm 2021 đã cho thấy rằng chế độ ăn giàu dinh dưỡng với nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật như trái cây và rau củ có thể giúp giảm nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt. (1)
Chế độ ăn có nhiều thịt chế biến sẵn, thực phẩm giàu chất béo bão hòa và một số loại thực phẩm khác có thể gây tác động tiêu cực đến sức khỏe, chẳng hạn như làm tăng stress oxy hóa và làm xáo trộn sự điều tiết hormone tuyến tiền liệt, những điều này góp phần làm tăng nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt.
Mặt khác, ăn thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật, chẳng hạn như các loại đậu, trái cây và rau củ, lại có lợi cho sức khỏe và giúp phòng ngừa ung thư. Ăn những loại thực phẩm này còn có thể làm chậm sự tiến triển của ung thư tuyến tiền liệt ở những người đã mắc bệnh.
Một nghiên cứu vào năm 2021 cho thấy chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải với nhiều rau, cá, ngũ cốc nguyên hạt và các loại đậu có thể làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tiến triển. Một nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải giúp làm tăng tỷ lệ sống sót ở người mắc ung thư tuyến tiền liệt. (2)
Thực phẩm nên ăn và thực phẩm nên tránh
Chế độ ăn uống dựa trên thực vật và chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải có thể giúp tăng cường sức khỏe và cải thiện tiên lượng ở những người bị ung thư tuyến tiền liệt. Những chế độ ăn này có điểm chung là đều có các loại thực phẩm sau đây:
- Cà chua và các sản phẩm từ cà chua: Cà chua chứa nhiều lycopene – một chất chống oxy hóa có tác dụng cải thiện và bảo vệ sức khỏe tuyến tiền liệt.
- Rau họ cải: Một số ví dụ về các loại rau họ Cải gồm có súp lơ xanh, súp lơ trắng, cải ngọt, bắp cải, cải xoăn, cải thìa và củ cải. Theo một nghiên cứu vào năm 2009, những loại rau này chứa nhiều isothiocyanate – một nhóm hợp chất có thể giúp ngăn ngừa bệnh ung thư.
- Rau củ và trái cây chứa nhiều carotenoid: Carotenoid là một nhóm chất chống oxy hóa có trong các loại rau củ quả màu cam như cà rốt, khoai lang, dưa vàng, bí ngô và các loại rau màu xanh đậm.
- Các loại ngũ cốc nguyên hạt như yến mạch, diêm mạch, lúa mạch, hạt kê, kiều mạch và gạo lứt. Những loại thực phẩm này rất chất xơ.
- Các loại đậu như đậu nành và các sản phẩm từ đậu nành, đậu lăng, đậu phộng, đậu xanh, đậu đỏ, đậu đen, đậu Hà Lan. Nhóm thực phẩm này chứa nhiều protein và ít chất béo
- Cá: Đây là một trong những nhóm thực phẩm chính trong chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải.
Mặt khác, có một số loại thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế. Hạn chế thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, thực phẩm siêu chế biến cũng như thực phẩm và đồ uống chứa nhiều đường bổ sung là điều quan trọng để có một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh.
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ còn khuyến nghị nên hạn chế đồ uống có đường cũng như các loại thực phẩm qua chế biến nhiều và các sản phẩm ngũ cốc tinh chế.
Ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật là điều có lợi cho những người bị ung thư tuyến tiền liệt vì một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn nhiều thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như trứng và thịt đỏ có thể làm tăng nguy cơ mắc các dạng ung thư tuyến tiền liệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên, để tăng cường sức khỏe và cải thiện tiên lượng khi mắc bệnh ung thư thì điều quan trọng là phải chú ý đến chất lượng chế độ ăn uống tổng thể.
Điều chỉnh chế độ ăn uống có thể chữa khỏi ung thư tuyến tiền liệt không?
Mặc dù thực hiện chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng với nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khỏe có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt tiến triển nhưng dù là chế độ ăn nào thì cũng không thể thay thế thuốc hay các phương pháp điều trị tiêu chuẩn. Tuân thủ phác đồ điều trị được chỉ định vẫn là điều quan trọng nhất để chữa khỏi bệnh, ngăn bệnh tái phát hoặc kiểm soát các triệu chứng và kéo dài tuổi thọ.
Nên kết hợp điều chỉnh chế độ ăn uống với các phương pháp điều trị y tế để tăng hiệu quả trị bệnh. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện bất kỳ thay đổi lớn vào đối với chế độ ăn uống.
Điều chỉnh lối sống trong quá trình điều trị bệnh
Các phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt gồm có:
- Giám sát tích cực
- Liệu pháp hormone
- Phẫu thuật
- Hóa trị
- Xạ trị
- Các phương pháp điều trị khác
Một số phương pháp điều trị này đi kèm tác dụng phụ, chẳng hạn như mệt mỏi, buồn nôn hoặc chán ăn.
Chế độ ăn uống chỉ là một phần của lối sống lành mạnh. Để cải thiện sức khỏe, người bệnh cũng nên điều chỉnh một số thói quen sống:
- Tích cực vận động. Nếu có thể thì nên duy trì thói quen tập thể dục đều đặn.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Những người béo phì mắc ung thư tuyến tiền liệt thường có tiên lượng xấu hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh.
- Bỏ thuốc lá điếu thông thường và các các sản phẩm thuốc lá khác.
Tóm tắt bài viết
Nghiên cứu cho thấy rằng một số chế độ ăn uống lành mạnh, chẳng hạn như chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải và chế độ ăn dựa trên thực vật, có lợi cho những người mắc ung thư tuyến tiền liệt bằng. Điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và giảm nguy cơ tử vong.
Mặc dù có lợi nhưng việc ăn uống lành mạnh không thể thay thế cho các phương pháp điều trị y tế. Bệnh ung thư tuyến tiền liệt vẫn cần được điều trị bằng các phương pháp như giám sát tích cực, phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hay liệu pháp hormone.