Xét nghiệm natri trong nước tiểu giúp kiểm tra lượng nước trong cơ thể. Xét nghiệm này còn giúp đánh giá chức năng thận, đặc biệt là chức năng điều hòa lượng natri của thận. Có hai loại xét nghiệm natri nước tiểu là xét nghiệm natri nước tiểu ngẫu nhiên và xét nghiệm natri nước tiểu 24 giờ.
Chỉ số natri trong nước tiểu cho biết điều gì?
Khi nào cần xét nghiệm natri trong nước tiểu?
Tất cả mọi tế bào trong cơ thể đều cần natri. Khoáng chất này đặc biệt quan trọng đối với chức năng của dây thần kinh và cơ.
Định lượng natri trong nước tiểu có thể giúp phát hiện sự mất cân bằng natri trong cơ thể. Xét nghiệm này còn giúp bác sĩ hiểu rõ hơn về kết quả xét nghiệm natri máu bất thường. Xét nghiệm natri nước tiểu giúp đánh giá chức năng của thận và ngoài ra, nồng độ natri trong nước tiểu còn phản ánh lượng nước trong cơ thể, qua đó cho biết bạn có đang uống đủ nước hay không.
Bác sĩ còn yêu cầu xét nghiệm natri trong nước tiểu nếu nghi ngờ các vấn đề dưới đây:
- Cao huyết áp
- Tăng nito máu do nguyên nhân ngoài thận – tình trạng lượng nito trong máu cao
- Viêm cầu thận
- Hội chứng gan thận – một dạng suy thận ở những người bị xơ gan
- Bệnh thận nang tủy – một bệnh di truyền có đặc trưng là hình thành các nang ở thận
- Hoại tử ống thận cấp – tình trạng ống thận bị tổn thương hoặc hoại tử
Chuẩn bị trước xét nghiệm
Trước khi làm xét nghiệm natri trong nước tiểu, bạn sẽ phải tạm thời ngừng dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến lượng natri trong nước tiểu, gồm có:
- Một số loại kháng sinh, chẳng hạn như streptomycin và neomycin
- Prostaglandin
- Thuốc lợi tiểu, chẳng hạn như furosemide và hydrochlorothiazide
- Corticoid (corticosteroid), chẳng hạn như prednisone và cortisone
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen và naproxen
Hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc mà bạn đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn. Bác sĩ sẽ cho biết những loại thuốc cần dừng. Nếu đang dùng các loại thuốc kê đơn thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi ngừng thuốc.
Natri trong thực phẩm và đồ uống cũng có thể ảnh hưởng đến xét nghiệm natri nước tiểu. Vì lý do này nên xét nghiệm nước tiểu 24 giờ sẽ cho kết quả chính xác hơn so với xét nghiệm nước tiểu ngẫu nhiên.
Xét nghiệm natri trong nước tiểu được thực hiện như thế nào?
Xét nghiệm natri nước tiểu ngẫu nhiên rất đơn giản. Tất cả những gì bạn cần làm là lấy mẫu nước tiểu nên hoàn toàn không xâm lấn. Với loại xét nghiệm này, bạn chỉ cần lấy nước tiểu một lần duy nhất. Đối với người lớn, mẫu nước tiểu sẽ được lấy vào một lọ nhựa vô trùng. Trẻ sơ sinh sẽ phải đeo một túi vô trùng bên trong tã để lấy nước tiểu, sau đó nước tiểu sẽ được đổ từ túi vào trong lọ đựng vô trùng. Bố mẹ sẽ hướng dẫn cách sử dụng túi.
Việc thu thập nước tiểu để làm xét nghiệm natri nước tiểu 24 giờ phức tạp hơn một chút so với xét nghiệm ngẫu nhiên. Bạn sẽ được phát một bình chứa lớn để thu thập nước tiểu tại nhà. Trong vòng 24 giờ, bạn sẽ phải đi tiểu vào bình chứa này và bảo quản bình ở môi trường mát mẻ.
Quá trình thu thập nước tiểu thường bắt đầu vào buổi sáng nhưng sau khi thức dậy hãy cứ đi tiểu bình thường vào bồn cầu. Từ lần thứ hai trở đi mới đi tiểu vào bình chứa. Thu thập toàn bộ lượng nước tiểu trong vòng 24 giờ tiếp theo. Sang ngày hôm sau, lấy nước tiểu lần cuối vào đúng thời điểm mà bạn đi tiểu lần đầu vào ngày hôm trước. Mang bình chứa nước tiểu đi nộp càng sớm càng tốt.
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm natri nước tiểu 24 giờ còn tùy thuộc vào lượng muối và nước tiêu thụ.
Không có quy chuẩn về mức natri bình thường đối với xét nghiệm nước tiểu ngẫu nhiên vì kết quả xét nghiệm bị ảnh hưởng rất nhiều bởi những gì mà bạn đã ăn hoặc uống trong vòng vài giờ trước khi lấy nước tiểu. Ngoài ra, lượng natri mà cơ thể bài tiết còn thay đổi theo từng thời điểm trong ngày. Ví dụ, lượng natri bài tiết vào ban ngày có thể cao gấp 5 lần so với ban đêm.
Nồng độ natri trong nước tiểu thấp chỉ ra điều gì?
Nồng độ natri trong nước tiểu thấp có thể là dấu hiệu của các vấn đề về thận hoặc hạ natri máu.
Hạ natri máu có nghĩa là nồng độ natri trong máu ở mức thấp. Các triệu chứng gồm có:
- Mệt mỏi
- Buồn nôn và nôn
- Đau đầu
- Ăn không ngon miệng
- Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
- Ảo giác
- Hôn mê
Nồng độ natri trong nước tiểu thấp có thể là do các nguyên nhân:
- Tiêu chảy
- Đổ quá nhiều mồ hôi
- Vấn đề về thận, chẳng hạn như viêm cầu thận, hội chứng gan thận hoặc suy thận
- Xơ gan
- Mức hormone aldosterone cao
- Suy tim sung huyết
Nồng độ natri trong nước tiểu cao chỉ ra điều gì?
Nồng độ natri trong nước tiểu cao có thể là do chế độ ăn uống, các vấn đề về thận hoặc tăng natri máu.
Tăng natri máu có nghĩa là nồng độ natri trong máu ở mức cao. Các triệu chứng gồm có:
- Khát nước
- Mệt mỏi
- Sưng phù tay và chân
- Mệt mỏi
- Mất ngủ
- Rối loạn nhịp tim
- Hôn mê
Nồng độ natri trong nước tiểu cao có thể là do các nguyên nhân:
- Chế độ ăn nhiều natri
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc lợi tiểu
- Vấn đề về chức năng tuyến thượng thận
- Hội chứng Bartter