Dầu dừa là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng.
Có nên sử dụng dầu dừa để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu không?
Nhiễm trùng đường tiết niệu là một bệnh nhiễm trùng phổ biến xảy ra khi vi khuẩn (thường là từ da hoặc trực tràng) xâm nhập qua niệu đạo vào đường tiết niệu. Nhiễm trùng có thể xảy ra ở nhiều bộ phận của đường tiết niệu nhưng các dạng phổ biến nhất là nhiễm trùng bàng quang (viêm bàng quang). Nhiễm trùng thận (viêm thận) cũng là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu. Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra các triệu chứng như đi tiểu thường xuyên, nóng rát khi đi tiểu và đau vùng chậu. Bệnh này thường phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Ngoài ra, một số biện pháp tự nhiên như uống nhiều nước cũng giúp làm giảm các triệu chứng bằng cách loại bỏ bớt vi khuẩn.
Dầu dừa cũng là một trong những phương pháp tự nhiên được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là bởi dầu dừa có chứa các axit béo có đặc tính kháng khuẩn giúp chống lại nhiễm trùng. Nhưng phương pháp này có thực sự hiệu quả hay không? Cách thực hiện như thế nào? Và có những rủi ro gì?
Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng dầu dừa có hiệu quả không?
Chưa có bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào về việc sử dụng dầu dừa để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều thông tin về dầu dừa, đặc biệt là dầu dừa nguyên chất (virgin coconut oil) và đặc tính kháng khuẩn của loại dầu này.
Trong một nghiên cứu vào năm 2013, dầu dừa đã được chứng minh là có thể giúp điều trị tiêu chảy do vi khuẩn Clostridium difficile kháng kháng sinh. Mặc dù dầu dừa nguyên chất không thể ức chế hoàn toàn sự phát triển của vi khuẩn nhưng vi khuẩn đã phát triển chậm lại khi các tế bào tiếp xúc với dầu dừa đã được sấy đông khô 0,15 đến 1,2%.
Tuy nhiên, đây không phải loại dầu dừa thông thường mà chúng ta hay sử dụng. Dầu dừa được sử dụng trong nghiên cứu này đã được xử lý để cung cấp nhiều axit béo hơn cho cơ thể. Dạng dầu dừa này không có bán trên thị trường.
Cũng có bằng chứng cho thấy rằng dầu dừa có khả năng chống nhiễm trùng nấm men và các dạng nhiễm trùng do nấm khác. Trong một nghiên cứu vào năm 2009 được thực hiện trên phụ nữ Nigeria, dầu dừa được chứng minh là có tác dụng chống nấm Candida, đặc biệt là nấm Candida kháng thuốc. Sau đó, kết quả của nghiên cứu này đã được trích dẫn trong các nghiên cứu về lợi ích của dầu dừa đối với trẻ sinh non và công dụng của dầu dừa trong điều trị một số bệnh do liên cầu khuẩn cũng như là nhiều ứng dụng trong lĩnh vực y học khác.
Tuy nhiên, hầu hết những thông tin về việc sử dụng dầu dừa để chữa nhiễm trùng đường tiết niệu có trên mạng hiện nay đều chưa được khoa học kiểm chứng. Cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa trước khi dầu dừa được chính thức khuyến nghị làm phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu.
Cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng dầu dừa
Nếu có các triệu chứng nghi là nhiễm trùng đường tiết niệu thì cần phải đi khám để được kê thuốc điều trị chứ không nên tự điều trị tại nhà. Nếu không điều trị đúng cách, tình trạng nhiễm trùng sẽ không được chữa khỏi hoàn toàn, dẫn đến nhiễm trùng tái phát hoặc tổn thương thận.
Nếu đã từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu trước đây và chỉ bị nhiễm trùng nhẹ hoặc muốn ngăn ngừa nhiễm trùng thì có thể thử dùng dầu dừa. Có nhiều cách sử dụng dầu dừa để ngăn ngừa và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có bôi dầu dừa ngoài da và uống dầu dừa.
Bôi trực tiếp
Dầu dừa có thể được bôi trực tiếp lên da để điều trị nhiều vấn đề khác nhau, từ da khô, bệnh vẩy nến cho đến nhiễm trùng da. Trong trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu thì có thể bôi dầu dừa lên vùng sinh dục ngoài. Tuy nhiên, cần phải hết sức cẩn thận để dầu dừa không dính vào bên trong âm đạo.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng dầu dừa có thể tiêu diệt các loại virus như HIV và herpes simples virus chỉ trong vòng một phút sau khi bôi trực tiếp. (1) Vì vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu nằm trong bàng quang nên việc bôi dầu dừa ngoài da sẽ không thể điều trị được nhiễm trùng nhưng có thể giúp làm giảm các triệu chứng bên ngoài như đỏ và nóng rát.
Những người bị dị ứng với dừa không nên thử phương pháp này. Nếu không biết mình có bị dị ứng hay không thì cần phải test áp bì (patch test) trước khi sử dụng dầu dừa cho vùng sinh dục.
Cách thử như sau:
- Bôi một lượng nhỏ dầu dừa lên cẳng tay.
- Đặt một miếng băng lên vùng da đã bôi dầu dừa và để nguyên trong 24 giờ.
- Nếu da không bị mẩn đỏ hay kích ứng trong vòng 24 giờ thì có thể yên tâm bôi dầu dừa ở những vị trí khác trên cơ thể.
- Còn nếu da bị kích ứng trong vòng 24 giờ thì không được sử dụng dầu dừa và đi khám nếu như các triệu chứng vẫn tiếp diễn sau khi đã rửa sạch dầu trên da.
Uống dầu dừa
Hiện chưa có bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào về dầu dừa và bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu, vì vậy nên không có khuyến nghị về liều lượng dầu dừa cho mục đích sử dụng này. Tuy nhiên, dầu dừa được dùng trong nấu ăn nên uống dầu dừa rất an toàn.
Theo một số hướng dẫn, nên uống từ 2 đến 3 thìa canh dầu dừa mỗi ngày khi có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu. (2) Tốt nhất nên chia nhỏ lượng dầu này và uống làm nhiều lần trong ngày, ví dụ uống một muỗng canh vào buổi sáng, một muỗng vào buổi chiều và một muỗng vào buổi tối. Có thể uống trực tiếp dầu dừa hoặc thêm dầu dừa vào các loại đồ uống. Ngoài ra cũng có thể sử dụng dầu dừa để nấu ăn và làm bánh.
Thành phần của dầu dừa chủ yếu là chất béo bão hòa (chiếm 92% tổng lượng chất béo). Mỗi một muỗng canh dầu chứa khoảng 11 gram chất béo bão hòa. Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (The American Heart Association) khuyến cáo mỗi ngày không nên ăn quá 13 gram chất béo bão hòa. (3) Do đó, không nên ăn quá nhiều dầu dừa.
Và nếu bị dị ứng với dừa thì cũng không được uống dầu dừa hay sử dụng dầu dừa để nấu ăn.
Uống nước dừa
Nước dừa khác với dầu dừa nhưng có cùng nguồn gốc và cũng có đặc tính kháng khuẩn. Trong khi dầu dừa có thành phần chủ yếu là chất béo thì nước dừa lại chủ yếu là nước.
Ở nhiều nơi trên thế giới, nước dừa được sử dụng để điều trị một số bệnh, trong đó có nhiễm trùng đường tiết niệu. Lý do là vì nước dừa có tác dụng lợi tiểu tự nhiên nên sẽ giúp đi tiểu thường xuyên hơn và nhờ đó có thể loại bỏ bớt vi khuẩn trong đường tiết niệu.
Uống bao nhiêu nước dừa là tùy mỗi người nhưng theo một hướng dẫn về điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng nước dừa thì mỗi ngày nên uống từ 360 – 470ml, trừ khi mắc các bệnh lý có thể gây tích tụ kali.
Mặc dù nước dừa an toàn và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe nhưng nếu đang phải giảm cân hay kiểm soát cân nặng thì không nên uống quá nhiều nước dừa. Một cốc nước dừa chứa khoảng 46 calo.
Một số ý kiến cho rằng nước ép quả nam việt quất không đường giúp chống nhiễm trùng đường tiết niệu tốt hơn nước dừa, đặc biệt khi nhiễm trùng có liên quan đến vi khuẩn E.coli.
Các cách tự nhiên khác để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu
Uống nhiều nước mỗi ngày, ít nhất là 8 cốc (1,8 – 2l). Uống nhiều nước sẽ dẫn đến đi tiểu nhiều hơn và điều này giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi bàng quang.
- Tránh xa các loại đồ uống gây kích thích bàng quang, gồm có cà phê, rượu và nước ngọt có ga.
- Chườm nóng để giảm các triệu chứng khó chịu.
Rủi ro khi điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng dầu dừa
Dù bôi ngoài da, uống trực tiếp hay sử dụng để nấu ăn thì dầu dừa cũng đều rất an toàn.
Tuy nhiên, những người bị dị ứng với dừa không được sử dụng dầu dừa hay nước dừa dưới bất kỳ hình thức nào. Khi có các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu thì tốt nhất nên đi khám để được chẩn đoán chính xác vấn đề và kê thuốc điều trị. Nếu đúng là nhiễm trùng đường tiết niệu thì sẽ phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Dầu dừa chứa nhiều chất béo bão hòa – một loại chất béo không tốt cho sức khỏe tim mạch và ngoài ra dầu dừa còn rất giàu calo nên dễ gây tăng cân nếu ăn quá nhiều.
Nước dừa chứa nhiều kali. Một cốc nước dừa có thể đáp ứng khoảng 17% nhu cầu kali hàng ngày. Uống quá nhiều nước dừa có thể dẫn đến tích tụ kali trong máu (tăng kali máu). Do đó, người lớn tuổi và những người đang có vấn đề sức khỏe, ví dụ như bệnh tim hoặc thận, nên hỏi ý kiến bác sĩ về việc uống nước dừa thường xuyên.
Khi nào cần đi khám?
Nên đến bệnh viện khám nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn hoặc trở nên nặng hơn sau vài ngày. Đặc biệt, phải đi khám ngay khi có các triệu chứng như sốt, đau lưng và nôn mửa. Đây có thể là những dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đã lan rộng.
Bác sĩ sẽ tiến hành xét nghiệm nước tiểu để tìm vi khuẩn và tế bào máu – dấu hiệu chỉ ra nhiễm trùng đường tiết niệu. Kết quả xét nghiệm cũng sẽ giúp xác định loại kháng sinh hiệu quả nhất để điều trị nhiễm trùng. Phải uống đủ liều thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ để ngăn ngừa bệnh tái phát.
Xem thêm:
- Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?
- Dấu hiệu nhiễm khuẩn đường tiết niệu ở trẻ em